Trích từ Dân Chúa

Phần Một: Cầu Nguyện (3)

Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello)

11.- NGÀI NA-RA-ĐA (NARADA) ĐỘI BÁT SỮA

Na-ra-đa (Narada), nhà hiền triết Ấn-Độ, là một người rất sùng bái Thần Ha-ri (Hari). Sự sùng bái của ông lớn lao cho đến đỗi ngày kia ông dám nghĩ là trên khắp thế gian không có một ai yêu mến Thần hơn ông.

Thần Ha-ri rõ biết lòng ông nên nói: "Nầy Na-ra-đa, con hãy đi vào thành này, trên bờ sông Hằng (Ganges) vì một người sùng bái ta ngụ ở đó. Sống cùng người đó sẽ hữu ích cho con."

Na-ra-đa ra đi và gặp một nông dân mà sáng ngày dậy sớm, anh ta chỉ niệm[1] tên Hari một lần, rồi vác cày đi ra đồng làm lụng suốt ngày. Chỉ tối trước khi ngủ, anh ta mới niệm tên Hari một lần nữa. Na-ra-đa tự nghĩ: "Làm sao con người quê mùa đó có thể là một người sùng bái Thần được? Tôi thấy người ấy suốt ngày đắm đuối trong những công việc trần thế của anh ta."

Bấy giờ Thần Ha-ri nói với ông Na-ra-đa: "Hãy đổ đầy miệng một bát sữa và đi vòng quanh thành phố. Rồi trở về mà không đổ một giọt." Na-ra-đa đã làm như được truyền dạy.

Thần Ha-ri hỏi: "Con đã nhớ ta mấy lần trong khi đi vòng quanh thành phố?"

Na-ra-đa thưa: "Dạ thưa Thần, chẳng được một lần nào. Làm sao con có thể làm được, khi Ngài truyền cho con phải canh chừng bát sữa?"

Thần phán: "Bát sữa đã khiến con tập trung hết tâm trí đến nỗi con đã hoàn toàn quên ta. Nhưng con hãy nhìn người nông phu này, mặc dù bận tâm với những lo toan nuôi sống gia đình mà anh ta còn nhớ đến ta mỗi ngày hai lần phải không?"

12.- NGÔI LÀNG LUÔN ĐƯỢC CỨU VỚT

Cha xứ của ngôi làng là một vị thánh nên mỗi khi dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện ngài. Lúc đó cha lui về một nơi đặc biệt ở trong rừng sâu và đọc một lời nguyện đặc biệt. Chúa luôn nhậm lời cầu của cha và dân làng được cứu vớt.

Khi cha chết và lúc dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị, dù không phải là một vị thánh, nhưng cha biết sự bí mật về chỗ đặc biệt đó trong rừng và lời nguyện đặc biệt. Vì vậy cha đã cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, Chúa biết con không phải là một vị thánh. Nhưng chắc chắn Chúa không lấy đó mà khước từ dân làng của con? Vậy xin Chúa nhậm lời con xin mà cứu giúp chúng con." Và Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Khi cha này cũng chết và lúc dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị là người biết được lời nguyện đặc biệt, nhưng không biết chỗ trong rừng. Vì vậy cha đã cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, Chúa quan tâm gì đến nơi chốn? Phải chăng mọi chỗ đều được thánh hóa bởi sự hiện diện của Chúa sao? Vậy xin Chúa nhậm lời con xin mà cứu giúp chúng con." Và một lần nữa, Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Rồi cha đó cũng chết và khi dân làng gặp chuyện khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị là người chẳng biết lời nguyện đặc biệt hay chỗ đặc biệt ở trong rừng. Vậy cha đó cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, công thức không phải là điều Chúa coi trọng, nhưng là tiếng kêu thống thiết từ con tim. Vậy xin Chúa nhậm lời con cầu xin mà cứu giúp chúng con." Và một lần nữa, Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của cha và dân làng được cứu vớt.

Sau khi cha đó chết và khi dân làng gặp khó khăn, họ đến cầu viện vị linh mục kế vị. Nhưng cha này quen với tiền tài hơn là kinh nguyện. Do đó cha đã cầu nguyện với Chúa như sau: "Chúa là loại thần thánh nào mà khi Chúa hoàn toàn đủ sức giải quyết những khó khăn do chính Chúa đã gây ra thì Chúa lại từ chối nhấc ngón tay lên cho đến khi chúng con khấu đầu khuất phục và van xin! Chúa muốn làm gì với dân làng thì cứ làm." Rồi cha trở lại ngay với việc kinh doanh còn bỏ dở. Và, một lần nữa, Chúa đã nghe lời cha cầu xin và dân làng được cứu vớt.

13.- LỜI CẦU NGUYỆN CÓ THỂ CHẾ NGỰ THỜI TIẾT?

Một bà già là một người làm vườn hăng say đã tuyên bố là bà không chút mảy may tin tưởng những tiên đoán là một ngày nào đó các khoa học gia sẽ biết cách chế ngự thời tiết. Theo bà, tất cả những gì cần thiết để chế ngự thời tiết là lời cầu nguyện.

Thế rồi vào một mùa hè kia, khi bà đi du lịch ngoại quốc, một cơn hạn hán xảy ra trên toàn quốc và hủy hoại toàn bộ mảnh vườn của bà. Khi trở về, bà thất vọng đến đỗi đã cải giáo luôn.

Đáng lẽ bà nên thay đổi những niềm tin ngớ ngẩn của bà.

14.- SỰ ĐÁP TRẢ TRÌ HOÃN CỦA NỮ THẦN LÁC-SI-MI (LAKSHMI)

Những lời cầu xin của chúng ta không nên được Chúa đáp trả, nếu sự đáp trả không đúng lúc

Ở Ấn-Độ xưa kia, người ta tin tưởng rằng những việc cầu cúng theo những nghi lễ Vệ-Đà mang tính khoa học khi được áp dụng, đến nỗi lúc các vị trưởng lão cầu mưa thì chẳng bao giờ có hạn hán. Do đó một người đã yên tâm cầu khẩn nữ thần tài Lác-si-mi (Lakshmi), theo các nghi lễ đó, để van xin thần cho được giàu có.

Ông đã cầu xin suốt mười năm trường mà không kết quả gì. Sau thời gian đó, đột nhiên ông nhận thấy tính cách phù du của sự giàu sang và đã chấp nhận cuộc sống của người xuất gia (renunciate)[2] trên dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn.

Một ngày kia, ông đang ngồi thiền định, khi ông mở mắt ra và thấy trước mặt mình một bà xinh đẹp tuyệt vời, sáng chói và lóng lánh như thể bằng vàng.

Ông hỏi: "Bà là ai và bà đang làm gì ở đây?"

Người đàn bà đáp: "Ta là nữ thần Lác-si-mi mà ngươi đã tụng niệm suốt mười hai năm. Ta hiện ra để ban cho ngươi điều ngươi mong ước."

Ông đó la lên: "Ôi! Ngài nữ thần kính yêu, từ lâu tôi đã đạt được sự an lạc trong thiền quán và không còn chút gì hứng thú về sự giàu sang. Ngài đến quá trễ rồi. Xin Ngài nói cho tôi rõ tại sao Ngài đã đến quá trễ như vậy?"

Nữ thần trả lời: "Cứ sự thật mà nói, bằng vào bản chất những nghi lễ cầu cúng đó mà con đã trung thành tuân theo thì con đã đáng được sự giàu sang một cách sung mãn rồi. Nhưng vì ta yêu con và cũng mong ước sự phúc lợi cho con nên ta đã kìm giữ lại."

Nếu bạn được chọn lựa, bạn sẽ chọn điều nào:
- lời cầu xin của bạn được chấp nhận
- hay ơn phước được sự bình an,
- cho dù lời cầu xin của bạn có được chấp nhận hay không?

15.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA TRẺ CON

Một ngày kia, vị giáo sĩ Hồi giáo Nas-ru-đin (Nasruddin) thấy ông hiệu trưởng trường làng dẫn một đám trẻ con đi vào đền thờ Hồi giáo.

Vị giáo sĩ hỏi: "Ông đưa đám trẻ con vào đó để làm gì?"

Ông hiệu trưởng trả lời: "Có một cơn hạn hán trong xứ và chúng tôi tin tưởng lời van xin của những trẻ thơ vô tội sẽ cảm động con tim Đấng Tối Cao."

Vị giáo sĩ nói: "Không phải những lời van xin, cho dù của kẻ vô tội hay của người có tội mới đáng kể, nhưng là sự khôn ngoan và sự tỉnh thức."

Ông hiệu trưởng la lên: "Làm sao ngài dám thốt lên một câu phạm thượng như thế trước mặt đám trẻ con này! Hãy chứng minh điều ngài đã nói, bằng không ngài sẽ bị tố cáo là một kẻ lạc giáo."

Ngài Nas-ru-đin nói: "Quá dễ. Nếu lời cầu xin của trẻ con mới đáng kể cho bất cứ điều gì thì sẽ không có một ông hiệu trưởng nào ở khắp trong nước, vì không có điều gì chúng ghét cho bằng phải đi học. Lý do ông vẫn sống còn sau những lời cầu nguyện đó là vì chúng tôi biết rõ hơn đám trẻ con nên đã giữ ông lại nơi vị thế của ông hiện có, phải không?"

[1] Chú thích của người dịch: Người Ấn Độ có thói quen niệm tên các vị thần mà họ tôn kính suốt ngày, giống như Phật tử niệm Phật vậy.

[2] Chú thích của người dịch: Ở Ấn Độ thời xưa có những người từ bỏ cuộc sống thế tục, gọi là người xuất gia, hoặc “sa-môn” (sramana).

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/phan-mot-cau-nguyen-3/