Trích từ Dân Chúa

Phần Một: Cầu Nguyện (2)

Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello)

6.- NHÀ PHÁT MINH

Sau nhiều năm khó nhọc, một nhà phát minh đã tìm ra ra kỹ thuật làm lửa. Ông đã mang những dụng cụ lên vùng Bắc cực đầy tuyết phủ và bắt đầu dạy cho một bộ lạc về kỹ thuật và những lợi ích của việc làm ra lửa. Dân chúng ở đó bị thu hút bởi sự mới mẻ này đến độ họ không nghĩ tới việc cám ơn người sáng chế nên một ngày kia ông đã lặng lẽ bỏ đi. Là một trong những con người hiếm hoi có tâm hồn cao thượng, ông không ước mong được tưởng nhớ hay tôn sùng: tất cả những gì mà ông nhắm tới là sự mãn nguyện được biết có kẻ đã hưởng lợi từ phát minh của mình.

Bộ lạc kế tiếp mà ông tìm tới cũng chỉ háo hức học hỏi như bộ lạc trước đây. Nhưng các thầy tế ở đây, vì ganh tị ảnh hưởng của người phương xa đối với dân chúng nên đã sát hại ông ta. Để xóa đi mọi dấu vết ngờ vực liên quan đến tội ác đó, họ đã dựng nên một bức ảnh của Nhà Phát Minh Vĩ Đại được đặt trang trọng trên bàn thờ chính của đền thờ; họ thiết lập một nghi thức tế lễ để những ký ức về ông tiếp tục sống trong lòng họ. Họ rất cẩn thận kỹ càng không để một lời chỉ dẫn nào của nghi thức phụng tự bị sửa đổi hay quên sót. Những dụng cụ dùng vào việc phát minh ra lửa được cất giữ như những vật thiêng liêng trong một cái tráp nhỏ và người ta nói là những vật này đem lại sự chữa lành cho tất cả những ai đặt tay lên đó với lòng tin.

Thầy Trưởng Tế đích thân nhận lãnh trọng trách soạn thảo Tiểu Sử của Nhà Phát Minh. Sách này đã trở thành Thánh thư trong đó lòng từ bi nhân ái của ngài được tôn lên như mẫu mực cho mọi người noi theo, những công trạng rạng rỡ của ngài được tán dương, bản tính siêu phàm của ngài làm nên đề mục của đức tin. Các tư tế làm hết sức để Sách đó được lưu truyền tới các thế hệ mai sau, trong khi họ giữ độc quyền giải thích ý nghĩa các lời nói của ngài cũng như ý nghĩa đời sống thánh thiện và cái chết của ngài nữa. Và họ phạt tử hình một cách không thương tiếc hoặc dứt phép thông công bất cứ ai đi lệch ra ngoài giáo lý của họ. Bị kẹt trong những nghĩa vụ tôn giáo đó, dân chúng hoàn toàn quên lãng kỹ thuật làm lửa.

7.- BIẾN THÀNH LỬA

(Trích Hạnh Các Thánh Tu Rừng)

Viện Phụ Lót (Lot) là tu viện trưởng tìm tới viện phụ Giu-Se (Joseph) cũng là tu viện trưởng và nói: "Thưa cha, tuỳ theo khả năng của con, con tuân giữ luật lệ nhỏ mọn của con cũng như việc ăn chay chút ít của con, con cầu nguyện, chiêm niệm, giữ thinh lặng; và bao lâu còn có thể được, con thanh lọc tâm trí con khỏi những tư tưởng xấu. Con phải làm gì thêm nữa đây"

Viện phụ lớn tuổi hơn đứng lên trả lời. Ngài giơ đôi tay lên trời và những ngón tay của ngài biến thành mười ngọn đèn cháy sáng. Ngài nói: "Coi đây: cha phải biến thành lửa hoàn toàn."

8.- LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI THỢ SỬA GIÀY

Một người thợ sửa giày tới gặp vị giáo trưởng Do-thái là I-xa-ác (Issac) thuộc dòng họ Gie (Ger) và nói: "Xin thầy nói cho biết tôi phải làm gì đối với việc đọc kinh ban sáng của tôi. Khách hàng của tôi là những dân nghèo và chỉ có một đôi giày để mang. Tôi đi lấy những đôi giày của họ lúc chiều tối và làm việc gần trọn đêm; vào lúc hừng đông vẫn còn việc phải làm, nếu họ cần có đôi giày sửa xong trước khi đi làm. Vậy câu hỏi của tôi là: tôi phải làm gì đối với việc đọc kinh ban sáng của tôi?

Vị giáo trưởng hỏi: "Ông đã làm gì cho đến bây giờ đây?"

"Đôi khi tôi đọc kinh vội vàng mau chóng rồi trở lại làm việc – nhưng rồi tôi cảm thấy áy náy về điều đó. Những lần khác, tôi bỏ giờ kinh sáng luôn. Rồi tôi cũng có cảm giác mất mát điều gì và thỉnh thoảng, khi tôi giơ cái búa lên khỏi chiếc giày, tôi gần như nghe tiếng lòng thổn thức: ‘Tôi là một con người bất hạnh làm sao, vì tôi không thể đọc kinh sáng được’."

Vị giáo trưởng nói: "Nếu tôi là Chúa, tôi coi trọng tiếng thở dài não nuột đó hơn là lời cầu kinh."

9.- CẦU NGUYỆN BẰNG NHỮNG MẪU TỰ

Một câu chuyện trong sách Ha-si-đim (Hasidic)

Vào một chiều tối, một nông dân nghèo, từ phiên họp chợ trở về, mới biết mình không mang theo quyển sách kinh. Bánh xe bò của ông bị sút ngay ở giữa rừng và làm cho ông lo lắng là ngày đó sẽ trôi qua mà ông không đọc kinh được.

Vì vậy, đây là lời cầu nguyện của ông: "Chúa ôi, con đã làm một việc rất ngu xuẩn. Con đã rời nhà sáng nay mà không mang theo sách kinh và trí nhớ con lại kém cỏi nên con không thể đọc được một kinh nguyện nào mà không có sách. Do đó, đây là điều con sắp làm: con sẽ đọc hết bảng mẫu tự năm lần rất chậm và vì Chúa thấu biết hết mọi lời kinh, Chúa có thể ráp những chữ cái lại với nhau để làm thành những lời kinh mà con không thể nhớ được."

Và Chúa đã nói với các thiên thần: "Trong tất cả những kinh nguyện mà Ta đã nghe hôm nay, chắc chắn lời kinh này phải là hay nhất, vì nó phát xuất tự đáy lòng đơn sơ và chân thành."

10.- NGHỀ CHUYÊN MÔN CỦA CHÚA LÀ THA THỨ

Theo thường lệ, người Công giáo xưng tội với một linh mục để nhận lãnh từ ngài lời xá giải, như là dấu chỉ được Chúa tha thứ. Nhưng rất thường xảy ra điều nguy hại là những người đi xưng tội sẽ dùng điều đó như là một thứ đảm bảo, một chứng thư sẽ che chở họ khỏi hình phạt của Chúa, và như thế họ tin tưởng nhiều hơn vào sự tha tội của linh mục hơn là vào lòng thương xót của Chúa.

Đây là điều mà Pê-ru-gi-ni (Perugini), một hoạ sĩ người Ý thời Trung Cổ, đã bị cám dỗ làm khi ông hấp hối. Ông quyết định sẽ không đi xưng tội nếu, vì sợ hãi mà ông tìm cách để khỏi bị luận phạt. Đó sẽ là điều phạm thánh và sỉ nhục đến Chúa.

Vợ ông không biết chút gì về tâm trạng của ông, có lần bà đã hỏi ông là ông không sợ khi chết mà không xưng tội sao. Pê-ru-gi-ni trả lời: "Em ạ, phải hiểu như thế này: nghề chuyên môn của anh là hội hoạ và anh đã trở thành một hoạ sĩ xuất sắc. Nghề chuyên môn của Chúa là thứ tha, và nếu Ngài cũng xuất sắc trong nghề chuyên môn của Ngài như anh trong nghề của anh thì anh không có lý do gì mà phải sợ hãi cả."

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/phan-mot-cau-nguyen-2/