Trích từ Dân Chúa

Phần Ba: Tôn Giáo

Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello. Câu chuyện 54-108)

54.- NHÀ GA GẦN ĐƯỜNG RẦY XE LỬA

Hành khách mệt lả: "Trời đất ơi, tại sao người ta lại xây nhà ga xe lửa cách ngôi làng đến ba cây số?"

Người phu khuân vác phụ giúp nói: "Thưa ông, người ta chắc đã nghĩ rằng đó là một ý kiến hay để xây nhà ga gần xe lửa."

* * *

Một nhà ga cực kỳ tối tân
ở cách đường rầy xe lửa ba cây số
thì cũng phi lý
như một thánh đường rất nhiều người lui tới
ở cách đời sống ba phân.

55.- TƯỢNG PHẬT KA-MA-KU-RA (KAMAKURA)

Tượng Phật Ka-ma-ku-ra chễm chệ trong một ngôi chùa, cho tới ngày kia một trận cuồng phong lớn lao làm ngôi chùa sụp đổ. Rồi thì trong nhiều năm, bức tượng to lớn đã dãi dầu nắng mưa và gió cùng chịu bao cảnh thời tiết đổi thay.

Khi một vị sư bắt đầu quyên tiền để tái thiết ngôi chùa, tượng Phật hiện ra trong giấc chiêm bao và nói: "Ngôi chùa này là một ngục thất, chứ không phải một nơi an trú. Hãy để ta dãi dầu với những cảnh tàn phá của cuộc sống. Đó mới là nơi thuộc về ta."

56.- THIẾU CÁI GÌ?

Đốp Be (Dov Ber) không phải là một người tầm thường. Khi người ta đến trước mặt ông ta, họ đều run rẩy. Ông là một học giả cổ luật Tal-mút (Talmud) nổi tiếng, một người cứng rắn, không khoan nhượng về mặt giáo thuyết. Ông không bao giờ cười. Ông tin tưởng chắc chắn vào việc hãm mình và nổi tiếng về việc ăn chay trong nhiều ngày liền. Việc khổ chế của Đốp Be cuối cùng đã quật ngã ông. Ông lâm bệnh nặng và các bác sĩ vô phương cứu chữa. Cuối cùng, có người gợi ý: "Tại sao không nhờ ngài Ban Sem Tốp (Baal Shem Tov) giúp đỡ?"

Đốp Be đồng ý, cho dù lúc đầu ông đã chống lại ý tưởng đó, bởi vì ông không chút nào tán thành ông Ban Sem, người mà ông xem như có phần nào lạc giáo. Còn nữa, khi Đốp Be tin tưởng cuộc sống chỉ có ý nghĩa qua sự đau khổ và hoạn nạn thì Ban Sem tìm cách thoa dịu nỗi khổ đau và công khai giảng dạy là chính tinh thần lạc quan mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa.

Lúc đó quá nửa đêm, khi Ban Sem đáp lại lời mời gọi và lái xe đến đó, ông mặc áo choàng len cùng đội nón da thú đẹp nhất. Ông vào phòng bệnh nhân và trao quyển Thánh Kinh mà Đốp Be mở ra và bắt đầu đọc lớn tiếng.

Chuyện kể rằng, ông ta vừa mới đọc được một phút thì Ban Sem ngắt lời và nói: "Có một cái gì thiếu. Một cái gì thiếu đối với đức tin của ông."

Người bệnh hỏi: "Là cái gì vậy?"

Ban Sem Tốp nói: "Cái hồn."

57.- TƯỢNG PHẬT BỊ ĐỐT CHÁY

Vào một đêm đông lạnh lẽo, một nhà tu khổ hạnh khất thực, rày đây mai đó, xin trú ngụ trong một ngôi chùa. Tội nghiệp ông ta đứng run cầm cập dưới cơn tuyết rơi nên vị sư trụ trì ngôi chùa miễn cưỡng cho ông ta vào và nói: "Được rồi, ông có thể ở lại nhưng chỉ qua đêm thôi. Đây là ngôi chùa chứ không phải nhà trọ. Sáng sớm mai, ông sẽ phải đi ngay."

Vào lúc giữa đêm khuya, vị sư nghe một tiếng răn rắc lạ thường. Ông vội chạy vào chùa và chứng kiến một quang cảnh không thể tưởng tượng được. Vị khách lạ đang sưởi ấm bên ngọn lửa mà ông đã nhóm lên ở trong chùa. Tượng Phật bằng gỗ không thấy đâu. Vị sư hỏi: "Tượng Phật đâu rồi?"

Vị khất sĩ chỉ vào đống lửa rồi nói: "Tôi thiết tưởng cơn lạnh này sẽ làm tôi chết mất."

Vị sư la lên: "Ông có khùng không? Ông có biết ông đã làm gì không? Đó là một tượng Phật cơ mà. Ông đã đốt Đức Phật."

Lửa dần dần tàn. Vị khất sĩ chăm chú nhìn vào trong đó và bắt đầu lấy cây gậy khều khều.

Nhà sư la lối: "Bây giờ ông làm gì vậy?"

"Tôi đang tìm kiếm Xá Lợi Phật mà ngài nói là tôi đã đốt cháy mất rồi."

* * *

Về sau, vị sư đó đã thuật lại sự việc xảy ra với một thiền sư và vị này nói: "Thầy là một vị sư thiếu từ tâm vì thầy đã coi trọng một ông Phật chết hơn là một người sống."

58.- NHỮNG TẠNG KINH VÔ HÌNH

Tét-su-ghen (Tetsugen), một thiền sinh Nhật Bản, đã quyết định làm một việc lớn lao: ấn tống bảy ngàn bản kinh mà thời đó chỉ có bằng chữ Hán mà thôi.

Ông ta đã rảo khắp nước Nhật để quyên góp tiền bạc cho công tác đó. Vài người giàu có đã dâng cúng cả trăm nén vàng, nhưng phần nhiều là những đồng bạc cắc góp nhặt từ giới nông dân. Đối với mỗi ân nhân, Tét-su-ghen đều bày tỏ một sự biết ơn như nhau, bất luận số tiền cúng dường.

Sau mười năm vất vả ngược xuôi, cuối cùng ông đã quyên đủ số tiền cần thiết để khởi công. Vào ngay lúc ấy nước sông U-gi (Uji) dâng tràn lên bờ và hằng ngàn người rơi vào cảnh không cơm ăn, nhà ở. Tét-su-ghen đã chi hết tiền bạc cho các người xấu số đó; món tiền ông đã quyên góp cho công tác mà ông rất mực tha thiết.

Rồi thì ông lại bắt đầu việc quyên tiền trở lại. Và một lần nữa, cũng phải mất nhiều năm, trước khi ông có thể quyên góp đủ số tiền cần thiết. Lúc bấy giờ một trận ôn dịch tràn lan khắp nước nên Tét-su-ghen đã cho hết tiền bạc mà ông đã quyên góp để giúp đỡ những người khổ đau.

Thêm một lần nữa, ông ta lại lên đường và, hai mươi năm sau, giấc mơ của ông muốn có những tạng kinh được ấn tống bằng tiếng Nhật cuối cùng đã thành sự thật.

Ván gỗ khắc kinh để in ấn bản đầu tiên của các tạng kinh được trưng bày ở thiền viện O-ba-ku (Obaku), Đông Kinh (Kyoto). Dân Nhật kể lại cho con cháu của họ là Tét-su-ghen đã ấn tống các tạng kinh ba lần cả thảy: và hai lần đầu một cách vô hình nhưng siêu việt hơn lần thứ ba.

59.- HAI ANH EM THƯƠNG YÊU NHAU

Có hai anh em nhà kia, một người độc thân và người kia lập gia đình, làm chủ một trang trại, đất đai mầu mỡ, sản sinh thóc lúa dư dật. Một nửa số thóc thuộc người này và một nửa thuộc người kia.

Ban đầu, mọi việc đều êm xuôi. Nhưng rồi dần dần, người anh có gia đình bắt đầu thức dậy vào lúc nửa đêm và tự nghĩ: "Thật không công bằng. Em ta không có gia đình và chỉ nhận một nửa huê lợi của trang trại. Còn ta, một vợ và năm con nên ta có được tất cả sự an sinh cần thiết cho tuổi già. Nhưng ai sẽ săn sóc đứa em đáng thương của ta, khi nó về già? Em ta cần để dành cho tương lai nhiều hơn bây giờ; vì vậy, rõ ràng nhu cầu em ta lớn hơn ta nhiều."

Suy nghĩ như thế, anh ta ra khỏi giường, lẻn qua nhà người em và đổ một bao đầy lúa trong kho lẫm em mình.

Người em cũng bắt đầu bị những cơn trằn trọc về đêm như thế. Một lần kia, anh thức giấc và tự nhủ: "Thật không công bằng chút nào. Anh của ta có vợ và năm con và chỉ nhận một nửa hoa màu đất đai. Còn ta, ta chỉ lo cho một mình ta thôi. Vậy có công bằng không, khi người anh đáng thương của ta có nhu cầu rõ ràng lớn hơn ta nhiều, cũng chỉ nhận một phần huê lợi như ta sao?" Rồi thì anh ta đã ra khỏi giường và đổ một bao đầy lúa trong kho lẫm người anh.

Ngày kia, họ rời khỏi giường cùng một lúc và đụng phải nhau, mỗi người mang một bao lúa trên vai!

Sau khi hai anh em qua đời, nhiều năm về sau, câu chuyện này được tiết lộ ra ngoài. Vì vậy, khi dân thành phố đó muốn xây một ngôi đền, họ đã chọn nơi mà hai anh em gặp gỡ nhau, vì họ không thể nghĩ nơi nào trong thành phố lại linh thánh hơn nơi đó.

* * *

Sự phân biệt quan trọng về tôn giáo
không phải ở giữa những người thờ phượng
và những người không thờ phượng,
nhưng ở giữa những ai thương yêu
và những ai không thương yêu
.

60.- CHÚA SẼ LO LIỆU CHO ĐẤNG CỨU THẾ

Một người nông phu giàu có ngày kia mở cửa tông vào nhà và la lớn: Em Rê-béc-ca (Rebecca) ơi, một chuyện kinh khủng xảy ra ở trong thành phố – Đấng Thiên Sai đang ở đây!

Vợ ông hỏi: "Có gì kinh khủng đâu? Em thiết nghĩ đó là một tin vĩ đại. Tại sao anh phải bối rối như thế?

Người đàn ông la lên: "Anh bối rối cái gì? Sau nhiều năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, cuối cùng mình được sung túc. Mình có cả ngàn gia súc, kho lẫm đầy lúa gạo và cây cối nặng trĩu hoa trái. Giờ đây mình sẽ phải cho đi hết các thứ đó để bước theo Ngài."

Bà vợ nói một cách dỗ dành: "Anh hãy bình tĩnh đi. Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng tốt lành. Ngài biết chúng ta là những người Do Thái đã luôn chịu trăm cay ngàn đắng như thế nào. Từ vua Pha-ra-ô (Pharaoh), đến Ha-man (Haman), Hít-le (Hitler) – luôn luôn có một kẻ hãm hại ta. Nhưng Thiên Chúa nhân từ của chúng ta đã tìm ra một cách thế để đối phó với tất cả bọn chúng, phải không hở anh? Hãy cứ tin đi, cưng ơi. Thiên Chúa sẽ tìm cách ứng phó với cả Đấng Thiên Sai nữa."

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/phan-ba-ton-giao/