Trích từ Dân Chúa

Phần Ba: Tôn Giáo (4)

Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello. Tiếp theo)

71.- CHÂM NGÔN BỊ MẤT

Một người ăn xin giật mạnh tay áo một khách bộ hành và xin tiền uống cà-phê. Ông kể lể như sau: “Thưa ông, có một thời khi tôi là một nhà kinh doanh giàu có như ông. Tôi làm việc vất vả suốt ngày. Trên bàn viết của tôi là câu châm ngôn: HÃY SUY NGHĨ MỘT CÁCH SÁNG TẠO, HÃY HÀNH ĐỘNG MỘT CÁCH CƯƠNG QUYẾT, HÃY SỐNG MỘT CÁCH MẠO HIỂM. Đó là câu châm ngôn mà tôi đã sống qua – và tiền bạc không ngừng đổ vào. Và rồi…và rồi…(toàn thân người ăn xin rung động vì khóc tấm tức)…người quét dọn văn phòng đã liệng câu châm ngôn của tôi vào sọt rác.”

* * *

Khi bạn đường bệ đi ra khỏi sân chùa,
đừng dừng lại đọc những tờ báo cũ.
Khi bạn tẩy sạch con tim,
Đừng dừng lại đùa bỡn với những ngôn từ.

72.- TÔI Ở ĐÂU?

Hồi xưa có một người rất đần độn. Mỗi sáng khi thức dậy, hắn ta phải vất vả tìm kiếm áo quần cho đến đỗi hầu như hắn sợ hãi đi ngủ khi nghĩ tới nỗi rắc rối hắn sẽ gặp khi thức dậy.

Một tối kia hắn lấy một cây bút chì và xấp giấy rồi ghi xuống đúng tên và vị trí mỗi cái áo quần khi đang thay ra. Sáng hôm sau, hắn lôi xấp giấy ra và đọc lên “quần dài” – quần đây rồi. Hắn ta luồn quần vào. “Áo sơ mi” – áo đây rồi. Hắn tròng áo qua đầu. “Cái nón” – nón đây rồi. Hắn chụp nón lên đầu.

Hắn ta rất hài lòng về tất cả điều đó cho tới khi một ý nghĩ khủng khiếp đập vào đầu hắn. “Còn tôi – tôi ở đâu rồi?” Hắn đã quên ghi xuống điều đó. Do đó hắn đã tìm và tìm nhưng tìm không ra. Hắn không thể tìm ra chính mình.

* * *

Nghĩ thế nào về những kẻ nói rằng:
“Tôi đang đọc quyển sách này
để tìm ra tôi là ai?”

73.- SỰ MINH TRIẾT CỦA SVE-TA-KE-TU (SVETAKETU)

Một trong những nhà hiền triết nổi danh nhất của Ấn Độ thời xưa là Sve-ta-ke-tu (Svetaketu). Đây là cách thức mà ông đạt được sự minh triết. Khi ông chưa hơn bảy tuổi, cha ông gởi ông đi học kinh Vệ-đà. Nhờ sự cần mẫn và thông minh, chú bé đó đã trổi vượt hơn hết mọi bạn đồng song và, cùng với thời gian, ông được xem như chuyên viên đương thời lỗi lạc nhất về kinh sách – và điều đó xảy ra khi ông vừa mới vượt tuổi thành niên.

Khi trở về nhà, cha ông muốn trắc nghiệm khả năng con mình. Đây là câu hỏi mà người cha đã đặt ra: “Con có học được việc học biết cái điều mà sau đó không cần thiết phải học điều gì khác không? Con có khám phá ra việc khám phá điều mà mọi khổ đau được chấm dứt không? Con có thấu hiểu được điều mà không thể dạy được không?

Ông trả lời: “Dạ không.”

Cha ông nói: “Con ơi, vậy thì điều con đã học hỏi trong những năm dài đó đều vô giá trị hết.”

Sự thật từ những lời lẽ của cha mình đã gây ấn tượng nơi Sve-ta-ke-tu đến đỗi ông đã để thời giờ khám phá trong thinh lặng sự minh triết không thể diễn tả bằng lời nói.

* * *

Khi cái đầm khô nước và cá mú nằm trên đất khô, để làm cho chúng ẩm ướt bằng hơi thở mình hay làm chúng thấm ướt bằng nước dãi mình thì không thay thế được việc quẳng chúng xuống hồ.

Đừng làm phấn chấn người ta bằng những học thuyết: hãy thẩy họ vào lại trong Thực Tế.

Vì bí quyết đời sống chỉ được tìm thấy trong chính đời sống – chứ không phải trong những học thuyết về đời sống.

74.- THỰC ĐƠN KHÔNG PHẢI ĐỂ ĂN

Một người tầm đạo hỏi tu sĩ Hồi giáo Ja-la-lu-đin Ru-mi (Jalaluddin Rumi) là kinh Cô-ran có phải là một quyển sách tốt để đọc không.

Tu sĩ trả lời: “Ông nên tự hỏi mình là ông có hưởng lợi ích do việc đó không.”

Một nhà thần bí Ki-tô giáo thường có thói quen hay nói về Thánh Kinh như sau: “Cho dù thực đơn hữu ích đến đâu, nó cũng không tốt để mà ăn.”

Em bé trong lớp địa dư nói: “Lợi ích của kinh tuyến và vĩ tuyến là khi bạn bị chết đuối bạn có thể kêu lên cho biết là đang ở kinh tuyến và vĩ tuyến nào và người ta có thể tới cứu bạn.”

* * *

Vì có một từ ngữ để chỉ sự khôn ngoan
nên người ta tưởng tượng mình biết từ ngữ đó là gì.
Nhưng không ai trở thành nhà thiên văn
do việc hiểu ý nghĩa
của chữ “thiên văn”.
Chỉ vì thổi trên hàn thử biểu,
bạn làm cho nó tăng độ cao hơn,
nhưng không làm cho căn phòng được ấm.

75.- ĐỌC CHỮ ĐƯỢC GỌI LÀ “TÔI”

Mỗi ngày ở trong góc xó một thư viện ở Nhật Bản, người ta thấy một tăng sĩ già tĩnh toạ thiền định.

Quản thủ thư viện nói: “Tôi không bao giờ thấy thầy tụng kinh.”

Vị tăng sĩ đáp lại: “Tôi không bao giờ được học để tụng kinh cả.”

“Thật hổ thẹn. Một tăng sĩ như thầy phải có thể đọc được. Tôi sẽ dạy cho thầy được không?”

Vị tăng sĩ chỉ vào chính mình ông và nói: “Được. Hãy nói cho tôi biết ý nghĩa chữ này là gì?”

* * *

Tại sao đốt đuốc lên
khi mặt trời chiếu sáng trên bầu trời?
Tại sao tưới đất đai
khi mưa đổ xuống như trút?

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/phan-ba-ton-giao-4/