Trích từ Dân Chúa

Nghĩ Gì Về “Mật Mã Da Vinci” ?

Ngọc Văn

Trích Ephata #269, Chúa Nhật 28.5.2006

Chỉ trong đợt chiếu cuối tuần đầu tiên, 19 – 21.5.2006, tại Bắc Mỹ bộ phim The Da Vinci Code ( Tom Hanks và Audrey Tautou đóng vai chính ) đã thu về được 77 triệu dollars, cũng là lớn nhất kể từ đầu năm. Còn khắp thế giới đã thu về 224 triệu – Phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Dan Brown, đang trở thành một trong các best seller nhất của mọi thời đại, đã được dịch sang 40 ngôn ngữ và bán được 50 triệu cuốn trên toàn thế giới từ năm 2003.

Bộ phim cũng như cuốn truyện chỉ là những sản phẩm thuần túy thương mại của một nền kinh tế mang tính thị trường triệt để mà mục đích chính phải là lợi nhuận tối đa. Tại một số nơi người ta công khai mở sòng bài, tổ chức mại dâm, múa khỏa thân, đóng phim sex... những việc hoàn toàn vô luân nhưng càng thu lợi càng nhiều càng tốt.

Xét về mặt kinh tế, Da Vinci Code là một thành công rất lớn, vì thế không thể phụ nhận tài năng và chiến thuật tinh khôn của tác gỉa. Brown được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất của thời đại trong năm 2006. Brown đã khôn khéo lạm dụng những tên tuổi lớn trong lịch sử nhân loại để đánh bóng cho tác phẩm của mình. Tác phẩm của ông tinh quái nhập nhằng pha trộn chính sử, dã sử, thực tế, giả tưởng, trinh thám... tạo nên một mê hồn trận tạp-pí-lù làm cho nhiều người bị hớp hồn, hay nói theo kiếm hiệp, là tẩu hỏa nhập ma.

Mặc dù The Da Vinci Code chỉ là một câu chuyện giả tưởng nhưng cốt truyện đã bóp méo các sự kiện lịch sử và chân lý của Tin Mừng để lung lạc đức tin cũng như đả kích, bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo và các anh chị em Ki-tô hữu trên toàn thế giới.Họ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, phương tiện truyền thông và các kỹ thuật điện ảnh để làm diễn đàn đẩy mạnh những tà thuyết lạc đạo đã bị lên án từ ngàn xưa ( Linh Mục Mai Khải Hoàn, Giáo Phận Orange, USA ).

e_269_8.jpg

Trong số các tên tuổi bị Dan Brown lợi dụng một cách lố bịch có Isaacs Newton (1642 – 1727 ), một trong những khoa học gia vĩ đại nhất của mọi thời đại; Victor Hugo (1802 – 1885 ), nhất là Leonardo Da Vinci ( 1452 – 1519 ), họa sĩ, điêu khắc, kiến trúc, cơ khí, khoa học gia kiệt xuất, tác giả bức danh hoạ Bữa Tiệc Ly ( The Last Supper ) mà mọi người Công Giáo đều biết.

Theo giả thuyết hồ đồ của Brown thì khi vẽ các bức tranh Bữa Tiệc Ly, Mona Lisa, và Đức Mẹ Trên Bờ Đá ( The Madonna of the Rocks ) Da Vinci đã cố tình lưu lại một số mật mã dẫn đến những bí mật khủng khiếp nhất của Giáo Hội Công Giáo như: Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa, Người đã không chết trên thập giá, Người đã lấy bà Maria Mác-đa-la và có một đứa con, gây nên một dòng họ tại Pháp, đây chính là Giáo Hội Người muốn thiết lập...

Vì Da Vinci thường được coi là người thông minh và đa tài nhất trong toàn lịch sử nhân loại nên chỉ có những người thông minh mới biết cách đọc ra và giải mã mật mã Da Vinci. Đó là chiến thuật mị dân của Dan Brown. Tất cả những gì thiêng liêng nhất của Giáo Hội Công Giáo đều bị Brown châm biếm, xuyên tạc, và bôi bác một cách tàn tệ. Hội đoàn Opus Dei do Thánh Josémaría Escrivá sáng lập có chủ trương đưa các giá trị Ki-tô vào đời sống hàng ngày bị coi là một tập đoàn mafia cuồng tín, thích chém giết và có lối sống lệch lạc. Ngay cả một thương hiệu hàn lâm nổi tiếng là chức danh giáo sư tôn giáo và biểu tượng ( iconography ) của đại học Harvard cũng được khoác vào cho nhân vật chính Robert Langdon để quan trọng hóa và thêm tính thuyết phục.

Tuy nhiên Brown vẫn một mực cho rằng ông dựa trên những dữ kiện có thật. Bìa của cuốn sách có hàng chữ ÂM MƯU GHÊ GỚM NHẤT TRONG 2000 NĂM QUA ( The Greatest Conspiracy Of The Past 2000 Years ). Ông đã mở đầu cuốn truyện với một chữ FACT ( Sự Thật ) thật lớn ở trang đầu tiên và còn viết trong cuốn sách: Mọi điều cha ông của chúng ta dạy chúng ta về Chúa Ki-tô đều là giả dối ( Almost everything our fathers taught us about Christ is false ).

Chúng ta nghĩ sao nếu vào hai ngàn năm sau có một nhà văn giống như Dan Brown nhất quyết cho rằngmình đã khám phá ra một sự thật vĩ đại khi ông chỉ dựa vào bộ phim Tây Du Ký hiện nay mà cho rằng con người bây giờ chỉ toàn mang mặt khỉ, phá phách như Tôn Ngộ Không hay có mặt như heo, phàm ăn và dâm ô như Trư Bát Giới.

Theo truyện, Robert Langdon khám phá ra Saunière, thủ lãnh của hội kín Sion bị giết. Hội này có mục đích bảo vệ “sự thật” là Chúa Giê-su đã lấy Ma-ri-a Mác-đa-la, chuẩn bị cho bà đứng đầu Hội Thánh sau khi Chúa chết.. Mary Magdalene đã có thai với chúa Giê-su khi Người bị đóng đanh. Hiện nay hậu duệ của Người vẫn sống tại Pháp. Chén Thánh dùng trong bữa tiệc ly, theo nghĩa đen thì được gọi là “cup” hay “chalice”, nhưng theo truyền thuyết thì gọi là “Holy Grail” lại chính là Ma-ri-a Mác-đa-la, lòng Mary là “cái bình” mang bào thai, hạt máu con của Chúa Giê-su.

e_269_9.jpg

Trong toàn bộ các nhân vật được nói đến chỉ có một người thật việc thật còn sống và còn có thể lên tiếng trả lời. Đó là Maurizio Seracini đang làm việc ở Uffizi Gallery tại Florence, nước Ý. Ông này cho biết chưa hề gặp, nói chuyện, thậm chí trao đổi E-mail với Dan Brown. Thế mà ông còn bị góp phần làm tăng giá trị câu truyện trong vai trò một chuyên gia thẩm định nghệ thuật ( art diagnostician ) ở trang 40, http://www.cnn.com/CNN/Programs/anderson.cooper.360/blog/

Tuy nhiên giữa một rừng ý kiến khen chê về Da Vinci Code tôi lại đồng ý với nhận xét của Rev. Bill Read: Da Vinci Code là một cơ hội mang tính chiến lược vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta để thảo luận Kinh Thánh cũng như về con người và việc làm của Chúa Giê-su Ki-tô ( The movie presents one of the greatest strategic ). James Smith nói rằng: Da Vinci Code có một tiềm năng loan truyền sứ điệp Tin Mừng ( The Da Vinci Code' has the potential to dilute the Gospel message ). Có thể tìm đọc trong Internet

Bản thân Dan Brown cũng phải chấp nhận thực tại này: Hàng trăm Linh Mục nhiệt thành đã liên hệ với tôi. Dù rất nhiều người không đồng ý với một số tư tưởng của cuốn sách, họ rất hồ hởi trước việc Giáo Dân háo hức thảo luận về tôn giáo. Cha John Sewell nói rằng tiểu thuyết này không phải là một hiểm họa mà là một cơ hội. ( I have also heard from hundreds of enthusiastic priests. While many of them disagree with some of the ideas in the novel, they are thrilled that their parishioners are eager to discuss religion. Father John Sewell of St. John's Episcopal Church in Memphis stated it particularly eloquently in the press recently, saying: "This [novel] is not a threat. This is an opportunity ). http://www.danbrown.com/novels/davinci_code/faqs.html

Gỉa sử Da Vinci Code có làm cho hàng tỉ người coi thường Giáo Hội, thậm chí hàng triệu người Công Giáo có bỏ Đạo đi nữa thì điều này cũng không có gì lạ khi người ta phải đối mặt với bản chất của Tin Mừng. Sau 3 năm rao giảng và làm biết bao điều vĩ đại đến nỗi người ta thường nói: Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ ! ( Mc 2, 12 ); Gio-an còn ghi: Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra ( Ga 21, 25 ); vào lúc chết trên thập gía chỉ còn Đức Ma-ri-a, Ma-ri-a Mác-đa-la và Gio-an ở bên Chúa Giê-su. Họ đều là những người yêu Chúa Giê-su mãnh liệt nhất và được Người tỏ mình ra một cách đặc biệt nhất, những người khác không thể hiểu được.

Cái nhìn của Dan Brown cũng như của hàng hà sa số con người hiện nay về Chúa Giê-su chẳng khác chi của đại đa số đồng thời với Người:

Đang khi dùng bữa, Người nói: "Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy" ( Mc 14, 18 ). Chúa Giê-su nói với các ông: "Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác” ( Mc 14, 27 ).

Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết ( Mc 14, 50 )... Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: "Hãy nói tiên tri đi !" Và đám thuộc hạ đã tát Người túi bụi ( Mc 14, 65 ). Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái !" Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá ( Mc 15, 17 – 20 ).

Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người ( Mc 15, 32 ).

Ngay cả việc Người hay nói về sự sống lại của mình cũng chỉ dấy lên sự khinh bỉ nơi nhiều người: Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy" ( Mt 27, 62 – 63 ).

Chúa Giê-su chấp nhận con người trong mọi thời đại với tự do của mình có thể có bất kỳ thái độ sai lạc nào đối với Người: “...đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực bóng tối” ( Lc 22, 53 ). Đấng Phục Sinh không tỏ mình ra một cách trực tiếp cho mọi người. Không có ơn soi sáng của Người, không ai có thể hiểu được Tin Mừng. Người chỉ ban ơn đó cho các Tông Đồ và muốn rằng chính họ sẽ mang Tin Mừng đến cho muôn dân: Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” ( Lc 24, 45 – 47 ).

Dân Thiên Chúa tuy nhận lãnh sứ mạng cao cả đó nhưng vẫn là những con người bình thường giữa thế gian, chất đầy những yếu đuối, tội lỗi và cả lầm lạc nữa. Không thể chối cãi được thiện chí, lòng nhiệt thành của các tác giả đã ghi ra đến 80 bản văn ghi lại cuộc đời Chúa Giê-su nhưng ngay từ thế kỉ thứ 1, Giáo Hội, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đã thể hiện quyền xét xử do Chúa Giê-su trao cho mình: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” ( Mt 18, 18 ).

Cuốn truyện của Dan Brown dựa rất nhiều vào các ngụy thư bị Giáo Hội bác bỏ như các sách Phúc Âm mạo danh Tô-ma, Giu-đa, Phê-rô, vì trong đó có nhiều gian dối và lầm lạc.

Điều Dan Brown cũng như rất nhiều người không thể hiểu và cũng không bao giờ muốn chấp nhận là Tin Mừng của Chúa Giê-su không phải để cho người ta nghe hay tin theo mà thôi, quan trọng hơn cả: người ta phải sống theo yêu cầu mạnh nhất của Tin Mừng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” ( Mt 16, 24 – 25 ).

Chàng thanh niên tài hoa giầu có rất thích đi nghe Chúa Giê-su nói, chắc chắn anh ta đã tin, nhưng khi anh lại từ chối làm theo lời mời gọi bỏ đi mọi của cải mà đi theo Chúa thì niềm tin đó cũng vô ích vì nó không đưa anh vào được Nước Trời ( x. Mt 19, 23 ). Chúa Giê-su làm lộ ra rõ ràng ý định của Thiên Chúa nơi con người: Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết ( Ga 6, 40 ).

Nhưng niềm tin này tất yếu phải dẫn tới hành động: Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, Đức Tin không có hành động là Đức Tin chết ( Gc 2, 26 ). Mọi người đều thích và tin vào lời hứa ban Nước Thiên Đàng một cách dễ dãi vì tự bản chất ai cũng khao khát hạnh phúc đời đời.

Thật vậy, trong các xã hội Tây phương khi có người thân yêu qua đời người ta thường an ủi nhau và ru ngủ chính mình bằng lời nói: Hãy vui lên, vì người chúng ta hằng thương mến đã được lên Thiên Đàng. Người ta sẵn lòng tin nhưng không muốn làm theo lệnh truyền của Chúa được Giáo Hội cụ thể hóa qua 10 Điều Răn Đức Chúa Trời, 6 Điều Răn Hội Thánh, hôn nhân một vợ một chồng cho đến chết, phải bảo vệ sự sống, phải sống bác ái với mọi người...

Để ru ngủ lương tâm, họ thích bới lông tìm vết, dĩ nhiên Giáo Hội khi mang tính cách con người thì luôn có những khiếm khuyết, tìm mọi cách công kích và phủ nhận quyền huấn giáo của Giáo Hội để có thể tha hồ sống theo dục vọng của mình mà sau cùng vẫn được lên Thiên Đàng.

Người tin đều phải mang trong mình một loại mật mã và cuộc đời họ chính là tang chứng về Đấng Phục Sinh đang có mặt giữa loài người hôm nay:

“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” ( Mt 5, 16 ).

Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người ( 2 Cr 3, 1 – 3 ).

Dan Brown không thể thấy được các mật mã này nơi một người sống ngay thời của ông: MẹThánh Tê-rê-sa Calcutta. Hàng hà sa số những con người bình thường, có khi còn nghèo nàn, thất học, đau ốm bệnh hoạn sống đầy rẫy chung quanh ta đã luôn ánh lên mật mã Giê-su Phục Sinh mà đâu phải những người thông minh như Dan Brown đều giải mã được. Lý do là họ không giữ lời của Người: Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ? " Đức Giê-sudáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14, 22 – 23 ).

Nhưng không ở đâu có sự phản bác mãnh liệt nhất việc bóp méo sự thật của Dan Brown cho bằng cuộc đời và tư tưởng của Thánh Phao-lô Tông Đồ ( sinh năm 3 và chết năm 62 sau Công Nguyên ). Ngài sống cùng thời với Chúa Giê-su tuy không bao giờ gặp được Người. Từ bé Ngài đã thừa hưởng một nền giáo dục ưu việt, lòng nhiệt thành của ngài vượt xa mọi người:

“Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông ( Gt 1, 14 ). Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” ( Pl 3, 5 – 6 ). Con người Phao-lô đi nhiều, tài cao học rộng đó, thông thạo kim cổ, thời sự thế cuộc, không ai có thể lừa bịp được.

Quan trọng hơn cả, Phao-lô đã tìm ra được đâu là điều đáng cho người ta sống và chết nhất trong cuộc đời này: Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người ( Pl 3, 7 – 8 ).

Nếu Chúa Giê-su đã lấy vợ và có con trong lén lút như sự mô tả của mật mã Da Vinci, Người không phải là Thiên Chúa, Người chết đi mà không sống lại, Phép Thánh Thể chính là đứa con trong lòng bà Mác-đa-la, Giáo Hội chính là con cháu theo xác thịt của Người và của bà, điều này có thể che dấu được con mắt tinh tường của Phao-lô không và Người có đáng cho ông tôn thờ hết mình như thế không ? Ông đã không ngần ngại đả kích kịch liệt ngay mặt Thánh Tông Đồ trưởng Phê-rô về một việc cỏn con là không dám dùng bữa với dân ngoại khi có mặt những người của Gia-cô-bê ( x. Gl 2, 11 – 13 ).

Trước việc dối trá tầy đình này, Phao-lô, tính tình nóng nẩy như Trương Phi, bén nhạy như Hàn Tín, có thể làm ngơ không ? Con người thẳng như ruột ngựa, có cá tính mạnh mẽ và nhiệt thành như ông không thể bị một bả vinh hoa vật chất nào mua chuộc được. Phao-lô Ki-tô hữu tự lừa dối mình và đánh lừa người khác được. Nếu không phải vì một Đức Ki-tô siêu việt trên những cái tầm thường của con người như Mật Mã Da Vinci bôi bác, Phao-lô có điên mới cam chịu những gian khó này:

Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư ? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa ! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi !

Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh ! ( 2 Cr 12, 23 – 28 )

Đối với ông, cũng như Đức Ki-tô mà ông tôn thờ, cái gì một là một, hai là hai, có là có, không là không, không thể gian dối, mập mờ đánh lận con đen được.

Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không". Vì Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có" ( 2 Cr 1, 18 – 19 ).

Tại sao ông lại tự nguyện sống độc thân và còn khuyên nhủ người khác noi gương mình ?

Tôi ước muốn mọi người đều như tôi; nhưng mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ ( 1 Cr 7, 7 – 8 ). Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các Tông Đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kê-pha ? ( 1 Cr 9, 4 – 5 )

Bởi đâu ông dám nghĩ rằng sống độc thân sẽ tốt hơn nếu không vì noi gương Chúa Giê-su và được Thần Khí của người soi dẫn ?

Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô ( 1 Cr 11, 1 ). Như thế, Như thế, ai cưới người trinh nữ của mình, thì làm một việc tốt, nhưng ai không cưới, thì làm một việc tốt hơn. Người vợ bị ràng buộc bao lâu chồng còn sống. Nếu chồng chết rồi, thì vợ được tự do, muốn lấy ai thì lấy, miễn là trong Chúa. Nhưng theo ý kiến tôi, người ấy có phúc hơn nếu cứ ở vậy. Tôi thiết nghĩ: tôi cũng được Thần Khí của Thiên Chúa soi sáng ( 1 Cr 7, 38 – 40 ).

Nếu đối với Đức Giê-su chỉ có đứa con máu mủ của Người ở trong lòng bà Mác-đa-la và hậu duệ theo xác thịt của Người mới là quan trọng thì Người không thể nói ra những lời lẽ sau: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải xác thịt và máu huyết mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên Trời” ( Mt 16, 15 – 17 )

Nếu chỉ dựa theo xác thịt, Nước của Chúa Giê-su không còn là Nước Thiên Chúa vì Nước Thiên Chúa phải bao gồm thập loại chúng sinh không phân biệt huyết thống. Phao-lô đã chẳng phải mất công theo đuổi cái Nước tầm thường ấy làm gì nữa. Nhưng Phao-lô đã quả quyết: “Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được” ( 1 Cr 15, 50 ).

Dan Brown cố tình chối bỏ sự thật hiển nhiên là từ Chúa Giê-su Phục Sinh mới có Giáo Hội. Trong thực tế, kỷ niệm về Chúa Giê-su chịu khổ nạn và phục sinh vốn còn rất nóng hổi đối với các tín hữu tiên khởi, nhiều người trong họ còn được chứng kiến tận mắt:

“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta... và ngày thứ ba đã trỗi dậy... Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống” ( 1 Cr 15, 3 – 7 ).

Chỉ vì họ biết rất rõ ràng nên họ và bao đời con cháu mới sẵn lòng chịu tử đạo liên tục trong hàng mấy trăm năm để làm chứng cho mãi đến thời hoàng đế Rô-ma Constantine Cả ( năm 274 – 337 ) lên ngôi ( năm 306 – 337 ) mới chấm dứt. Không ai có thể đánh lừa và xô đẩy họ đến những cái chết tức tưởi như thế được nếu không có mầu nhiệm Chúa Giê-su Phục Sinh thôi thúc họ.

Mà nếu Chúa Giê-su không phục sinh thì chẳng cần đợi Dan Brown vạch mặt ra, Ki-tô Giáo đã chết yểu ngay từ thời ban đầu, 2000 năm trước rồi. Vì “nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì Lòng Tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” ( 1 Cr 12, 16 – 19 ).

Ngọc Văn
5.2006

URL: http://danchuausa.net/luu/nghi-gi-ve-mat-ma-da-vinci/