Trích từ Dân Chúa

Mùa Giao Cảm

Lm Phạm Minh Tâm

Ai trong chúng ta cũng công-nhận đức-tin là cần thiết trong việc sống đạo và hành-đạo và phải lấy đức tin làm căn-bản cho cuộc sống một Ki-tô hữu. Ðiều này có nghĩa là ngay những khi hay ở những nơi mà cuộc sống bên ngoài dường như không có bất cứ dấu chỉ nào cho thấy có các cơ-cấu của Hội-thánh Chúa hiện-diện như không có nhà thờ, không có linh-mục cũng như các nam nữ tu-sĩ hoặc bất cứ một dấu hiệu nào nhắc nhở cho ta về Chúa và về đạo thì chính những hoàn-cảnh như vậy đòi hỏi ngườ?n phải sống đạo bằng cách tiếp-xúc và giao-cảm với Thiên-Chúa từ trong chốn thẳm sâu của tâm-hồn. Mối giao-cảm này được thể-hiện rất đơn sơ qua những phút giây cầu nguyện vì như kinh-nghiệm của rất nhiều vị thánh hay những đan-sĩ chuyên sống đời chiệm-nghiệm cho biết thì cầu nguyện chính là đối-thoại với Thiên-Chúa bằng tâm-tình tin, cậy và mến.

Dựa trên tâm-tình này, hàng năm Hội-thánh dành ra nguyên tháng 11 của năm Phụng-vụ để cầu-nguyện cho các linh-hồn đã qua đời. Ðấy là thời-gian đặt trọng-tâm vào tình liên-đới giữa những con người sống trong hai thế-giới cách nhau bởi một biên-giới vô hình nhưng rất rõ là cuộc sống và cõi chết mà người ta chỉ có thể nghĩ đến nhau, vẫn cảm thấy gần nhau và có trách-nhiệm với nhau khi vững tin rằng con người là một hợp-thể giữa hồn với xác. Trong cái hợp-thể này sẽ chỉ có xác tan thành bụi tro, còn hồn thì thuộc phần tâm-linh bất-diệt trong Chúa. Không hẳn chỉ có Công-giáo tin và lý-luận như vậy, mà hầu như bất kỳ tôn-giáo nào cũng xác-quyết con người ta có một phần đời thiêng-liêng kéo dài mãi sau khi chết.

Tín-lý Công-giáo có rất nhiều điều phải vận-dụng một nhân-đức tin vững vàng để hiểu và tuân giữ theo bằng cách thực-hành đức tin đó trong các việc sinh-hoạt hàng ngày; trong cách thế ứng-xử với tha-nhân. Nho-giáo cũng có quan-niệm rằng phải có sự hiệp-nhất giữa tri và hành để đạt đến phần cao cả của tinh-thần vì con người chính là "linh ư vạn-vật". Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng có rất nhiều lúc người tin không dễ gì giữ được niềm tin đó vì những khủng-hoảng bên trong hoặc trở ngại bên ngoài. Chính vì vậy mà Hội-thánh không ngừng hướng-dẫn cộng-đoàn Dân Chúa phải nhìn vào thực-tại đời sống chênh-vênh này để nuôi dưỡng lòng tin cho vững chắc và phải có tâm-tình xác-tín; nghĩa là biết rõ tại sao mình tin và lòng tin dựa trên căn-bản nào. Khi đã mạnh dạn trả lời được các nghi-vấn này thì sẽ không bị nao-núng khi bị người khác mỉa mai hay chất-vấn và sẽ tránh được những mặc-cảm khi bị chê bai là chậm tiến về phương-diện khoa-học hya mê-tín, dị-đoan và lạc-hậu...như phần lớn các trào-lưu vật-chất ngày nay đã nhân-danh khoa-học để đánh giá về các niềm tin tôn-giáo như vậy.

Một trong những điều mà tín-lý đức tin buộc chúng ta phải tin là tín-điều "Các thánh cùng thông-công". Ðây là một mối dây liên-kết rất thân tình và chặt chẽ giữa các người tin với nhau và thực-sự bằng đức tin mà giao-cảm được với nhau. Tín-điều này nói lên tinh-thầniệp-nhất cao-độ và một tương-quan nghĩa tình bao la. Theo tín-điều này, Hội-thánh Chúa bao gồm ba tập-hợp là Hội-thánh chiến-đấu, Hội-thánh đau khổ và Hội-thánh vinh-thắng khải-hoàn. Hội-thánh chiến-đấu là toàn-thể cộng-đồng tín-hữu đang sống ở trần-gian, đang phải chiến-đấu với mọi thế-lực của tội lỗi và các tà-thuyết duy-vật. Hội-thánh đau khổ hay Hội-thánh thanh-luyện gồm mọi tín-hữu đã qua đời mà đang còn chịu nhiều thử-thách trong luyện-ngục và Hội-thánh chiến-thắng khải-hoàn là thành-phần dân Chúa đã được vào cõi vinh-phúc. Cả ba tập-hợp Hội-thánh này có mối dây liên-lạc thiêng-liêng với nhau để cùng chia sẻ nguồn ân-phúc nơi Ðấng Cứu-độ cũng như cùng liên-đới với nhau trong tội lỗi. Chính vì quan-niệm rằng một khi đã được gọi là cộng-đồng những người tin thì mọi người cũng phải cùng chung phần trách-nhiệm về cả sự tội và sự phúc của nhau và chính vì Hội-thánh nhìn nhận giá-trị của mối giao-cảm này mà có tín-điều "Các thánh cùng thông-công".

Lẽ đạo là vậy, niềm tin đã nên như vậy nhưng thực sự trong cuộc sống của Ki-tô hữu đã thể-hiện được bao nhiêu phần trăm của tín-điều này. Nói chung, ít nhất thì cũng mỗi tuần, Ki-tô hữu phải đọc kinh Tin-kính một lần trong Thánh-lễ Chúa-nhật, có nghĩa là ít nhất thì mỗi tuần cũng có tuyên-xưng tín-điều này một lần cùng với một số những tín-điều căn-bản khác, nhưng sợi dây liên-kết đã thắt được bao mối chặt, bao mối ơ-hờ lỏng lẻo thì thực chỉ có Thiên-Chúa mới đếm nổi mà thôi. Và cái khó là ở đâu, ở nút thắt nào không kết lại được?

Chúng ta có thể tin nhận rằng mọi người đều chung phần trách-nhiệm về sự tội cũng như sự phúc của nhau, nhưng để chu-toàn cái trách-nhiệm này chúng ta đã thực-sự thông-công theo lẽ nào. Ðối với những người anh em đã ra đi, dù còn đang chịu thanh-luyện hay đã đạt cõi phúc trường-sinh, những Ki-tô hữu xem ra cũng dễ tỏ bày tâm-tình liên-kết qua kinh-nguyện và Thánh-lễ dâng mỗi ngày để cầu cho phần linh-hồn của họ. Nhưng cái mối cảm-thông, liên-kết này đã thật khó khăn nơi chính cái tập-hợp của Hội-thánh đang chiến-đấu với mọi mưu chước của thế-gian. Ðó là cộng-đoàn Dân Chúa đang sống đạo, đang thi-hành sứ-mạng rao giảng Tin Mừng. Giữa lòng Hội-thánh này, những kinh nguyện không thôi chưa đủ mà còn phải cầu-nguyện bằng việc làm nữa.

Nhìn lại từ những đơn-vị nho nhỏ là gia-đình Công-giáo, các hội-đoàn trong giáo-xứ đến các tập-thể rộng lớn đáng lẽ ra đều được đòi hỏi phải có sự thông công nhiều qua cách suy-nghĩ và sống sao cho tình huynh-đệ được thể-hiện để thông-công. Sự thông-công chỉ có được qua sự nâng-đỡ và liên-đới với nhau, dìu giắt nhau, chia sẻ và xây-dựng tình người với nhau để sống Tình Chúa trong một mối hiệp-thông chân-thành nhưng liệu mỗi tấm lòng, mỗi tâm-hồn có thực-sự thông qua được cái biên-giới nhỏ hẹp của cái tôi đáng ghét và ích-kỷ, chỉ lo sao cho được sống còn mà thay vì là phải sống cùng và sống với anh em hay không? Ðó mới chính là mối giao-cảm thâm sâu phát-xuất từ một Giáo-hội duy-nhất, thánh-thiện, công-giáo và tông-truyền vậy.

Lm Phạm Minh Tâm

URL: http://danchuausa.net/luu/mua-giao-cam/