Trích từ Dân Chúa

Lời Cảnh Báo (Như Lời Cầu Kinh)

Hương Vĩnh

(Như Lời Cầu Kinh, Anthony De Mello)

Điều mầu nhiệm là tâm hồn con người khao khát Chân Lý vì ở trong đó con người mới tìm thấy sự giải thoát và toại nguyện. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của con người đứng trước Chân Lý là một thái độ đối nghịch và sợ hãi. Vì thế, các vị minh sư của nhân loại như Đức Phật và Chúa Giêsu, đã tìm ra một thủ thuật để làm thính giả thất bại trong việc chống đối: đó là kể chuyện. Họ biết rằng những chữ có ma lực hấp dẫn nhất trong bất cứ ngôn ngữ nào vẫn là: "Xưa có một lần..."; họ biết người ta dễ chống đối một chân lý, nhưng không thể chống lại một câu chuyện.

Vyasa, tác giả sách Mahabharata, nói rằng nếu người ta chăm chú lắng nghe một câu chuyện, người ta sẽ không còn là con người cũ nữa. Đó là vì câu chuyện sẽ thâm nhập vào tận tâm can bạn và phá tan những rào lũy ngăn trở con đường đưa đến thiên tính. Cho dù bạn có đọc qua hết các câu chuyện trong cuốn sách này với mục đích duy nhất là để giải trí, không có gì sẽ bảo đảm rằng câu chuyện này hay câu chuyện khác sẽ không len lỏi vào giữa những rào lũy tâm tư của bạn và sẽ không bùng nổ vào lúc mà bạn ít ngờ nhất. Vì vậy, bạn đã được báo trước rồi nhé!

Nếu bạn có đủ can đảm truy tầm sự giác ngộ, thì tôi xin nhắc nhở bạn mấy điều:

1.- Ghi khắc một câu chuyện vào tâm tư bạn để nhẩm đi nhẩm lại vào những lúc nhàn rỗi. Đó là cơ hội để tiềm thức bạn làm việc và moi móc ra những gì tiềm ẩn. Và rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy rằng câu chuyện đó sẽ hiện ra trong trí óc bạn một cách bất ngờ, đúng vào lúc mà bạn cần tới nó để làm sáng tỏ một biến cố hay một cảnh huống và đem lại cho bạn cái nhìn rõ ràng và hàn gắn vết thương lòng. Đó là lúc mà bạn nhận chân rằng, trong lúc đắm mình vào những câu chuyện đó, bạn đã theo đuổi một khóa học về sự giác ngộ mà bạn không cần một minh sư nào khác ngoài chính bạn.

2.- Vì mỗi một câu chuyện sau đây là một mạc khải về Chân Lý, với hai mẫu tự CL viết hoa, có nghĩa là chân lý đối với mỗi cá nhân. Bạn có thể chắc chắn rằng, trong khi đọc mỗi câu chuyện, bạn hoàn toàn tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa về chính bạn. Đọc như khi bạn đọc một quyển sách y khoa, bạn tự hỏi mình có một trong những triệu chứng đó không, chứ không giống như khi bạn đọc một quyển sách tâm lý, để xem bạn bè của bạn thuộc loại nào. Nếu ai bị lôi cuốn vào việc tìm hiểu kẻ khác thì những câu chuyện này sẽ trở nên tai hại.

Giáo sĩ Hồi giáo Nasruddin là một người say mê chân lý cho đến đổi đã băng ngàn lội suối để kiếm tìm những chuyên gia về kinh Coran và ông đã không cảm thấy ngại ngùng gì để thảo luận về những chân lý của đức tin với những kẻ bỏ đạo ông gặp ở các cửa hàng tạp hoá.

Một ngày kia, vợ ông cho ông biết ông đã bất công với bà như thế nào, để cuối cùng bà khám phá ra rằng ông không tha thiết gì hết đối với loại Chân Lý đó!

Dĩ nhiên, đó là loại chân lý duy nhất đáng kể. Quả thật, nếu ai trong chúng ta, dù là học giả hay lý thuyết gia, tu sĩ hay giáo dân, đều nuôi dưỡng một lòng mộ mến muốn biết chính mình hơn là biết những lý thuyết và giáo điều, thì thế giới chúng ta sẽ khác hẳn.

"Đó là một bài thuyết giảng rất hay, một nữ giáo hữu vừa nói như vậy vừa lay bàn tay vị giảng thuyết: mọi điều ngài nói đều áp dụng cho người này hay người kia mà tôi biết"

Bạn đã hiểu chứ?

CHỈ DẪN

Nên đọc những câu chuyện theo thứ tự dưới đây. Không nên đọc hơn một – hay hai câu chuyện mỗi lần – ngoại trừ khi quí độc giả chỉ muốn đọc để tiêu khiển mà thôi.

GHI CHÚ

Những câu chuyện kể trong sách nầy bắt nguồn từ nhiều quốc gia, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chúng thuộc về di sản thiêng liêng – và nền trào phúng bình dân – của nhân loại.

Tất cả những gì mà tác giả đã làm là nối kết chúng lại với nhau theo một mục đích riêng biệt có sẵn trong đầu óc. Tác giả chỉ làm công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm mà thôi. Tác giả không có công trạng gì với bông gòn và chỉ dệt.

(còn tiếp)

Hương Vĩnh chuyển ngữ

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/loi-canh-bao-nhu-loi-cau-kinh/