Trích từ Dân Chúa

Khen thưởng mẹ giết con

Đaminh Phan Văn Dũng

Mời quý độc giả đọc qua bài báo sau đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=319752&ChannelID=3

Một trong hai bà mẹ được Nhà nước đề nghị khen thưởng kể trên cũng là một trong hai bà mẹ trong một bài báo khác mà nhiều quý độc giả biết đến là bài “Đêm kinh hoàng trong hang hòn kẽm” đã đăng trên báo tuổi trẻ cách đây không lâu. Dạo qua một số diễn đàn tranh luận sôi nổi về hai bài báo này, có hai quan điểm được phân chia rõ ràng. Một bên thì cho rằng hành động giết con trong trường hợp để bảo vệ nhiều người khác là đúng còn phía bên kia thì nói ngược lại. Bất phân thắng bại. Thật là một trường hợp éo le, khó mà phán quyết về hành vi của người mẹ đối với con mình. Đâu là đúng, đâu là sai.

Riêng tôi, khi đọc hai bài báo trên, tự nhiên lại thấy phải liên tưởng đến chuyện bảo vệ sự sống, chuyện ngày xưa trong chiến tranh và chuyện ngày nay trong hòa bình. Xin đừng nghĩ rằng tôi méo mó, vì xét cho kỹ thì thấy ngày nay còn có những cảnh éo le kinh hoàng còn hơn thế nhiều. Nhưng trước khi đi vào chuyện bảo vệ sự sống. Có lẽ quý độc giả cũng cho phép tôi được trình bày vài ba suy nghĩ riêng tư về câu chuyện của hai bài viết trên.

1. Điều đầu tiên khi đọc mà cảm thấy phản cảm là chuyện Nhà nước “Đề nghị khen thưởng” hai bà mẹ đã giết con để cứu bộ đội và dân làng. Thoạt nghe qua thì thấy có vẻ hợp lý nhưng xét cho cùng thì lại thấy nó là chuyện vô cùng mai mỉa, thấy nó vô giáo dục sao ấy, thấy nó vô cảm đến lạnh lùng. Mấy mươi năm qua đi hai con người tội nghiệp vẫn sống trong cảnh nghèo túng bệnh hoạn không ai giúp đỡ, nay gần xuống lỗ lại được tuyên dương khen thưởng cho hành động “dũng cảm” ngày xưa. Có bà mẹ đoàng hoàng nào trên thế gian này lại cảm thấy hí hởn nhận tấm giấy khen trong trường hợp này. Lẽ ra, nếu chuyện là có thực thì Nhà nước cũng không nên sử dụng từ “khen thưởng” mà phải nói là tri ân cái ân cứu mạng mới đúng. Trong cái hành động được coi là “dũng cảm” ấy là một tấn bi kịch đắng cay đến khủng khiếp, người đã chết, người còn sống đều là những nạn nhân trong tột cùng của nghịch cảnh.

2. Chuyện phán quyết đúng sai trong hoàn cảnh kể trên thì xin cho tôi được theo gương Thầy Giêsu Chí Thánh. "Ai trong các ngươi vô tội hãy ném đá người này trước đi". hoặc “Anh em đừng xét đoán kẻ khác vì như thế anh em sẽ bị xét đoán”. Chiến tranh có những cái khốn cùng vượt ra khỏi các quy luật cuộc sống thông thường, chiến tranh có những hành động không thể phán quyết. Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu nỗi đau của nó ngậm nhấm từng giờ từng phút. Như Bà Mẹ Nghê nay đã phải ngơ ngẩn tìm con trong những đêm giông bão phần nào đã nói lên được tính khắc nghiệt cuồng bạo của chiến tranh. Xét cho cùng họ chỉ là những nạn nhân bị quên lãng của những con người đã tạo ra cuộc chiến và là nạn nhân trực tiếp của những người tham sống sợ chết trong cùng cảnh ngộ.

3. Cái vô ơn đến lạnh lùng của con người ngày nay quả là đáng sợ. Hàng trăm dân làng, hàng trăm cán bộ bức tử một đứa trẻ con để mình được sống. Nhưng khi cơn nguy biến qua đi, không ai còn nhớ đến cái ơn cứu mạng, không cán bộ nào khắc cốt ghi tâm cái chết đầy u uẩn của đứa bé mà cũng chẳng ai thèm đoái hoài đến nỗi đau của bà mẹ. Trong suốt một thời gian dài đằng đẵng của một đời người, những con người vô ơn bạc nghĩa ấy chính là những kẻ đã làm cho vết thương không bao giờ thành sẹo mà cứ rưng rức tưng tức mưng mủ trong trái tim khốn khổ của nạn nhân. Đó mới chính là những con người cần được phán quyết.

4. Việc phán xét đôi khi là một chuyện tâm lý bình thường của con người trước một sự kiện nhưng có nên chăng chúng ta cứ lên án hành động giết con của hai bà; hay có nên chăng chúng ta lại ủng hộ hành động ấy trong khi trái tim các bà chưa bao giờ nguôi ngoai ân hận, nó giống như chuyện mang thiệp mừng chúc tụng đến gia đình đang có đám... ma vậy. Vậy đây có phải là một việc làm vô cảm trên nỗi đau của người khác. Đã thế nay Chính quyền cộng sản còn đề nghị khen thưởng thì quả là... hết chỗ nói.

Vâng, trên đây chỉ là vài suy nghĩ của người viết bài này qua câu chuyện thương tâm của hai bà mẹ khốn khổ kể trên. Nhưng như đã nói. Có những điều dội lên trong tôi khi đọc câu chuyện ấy về việc bảo vệ sự sống, về việc hàng triệu các thai nhi bị giết bỏ không chút đắn đo thương tiếc mỗi năm khi mà chiến tranh đã qua đi cả mấy chục năm rồi.

1. Ngày nay, Nhà nước cũng có những chương trình để giết bỏ hàng triệu những thai nhi, những em bé từ khi còn trong cung lòng mẹ. Nhà nước cũng tuyên dương những địa phương thực hiện tốt việc kế hoạch hóa gia đình. Nhà nước cũng kỷ luật những ai dám vượt kế hoạch sinh đẻ, bằng mọi biện pháp, bằng mọi thủ đoạn để bức tử hàng triệu thai nhi, tạo ra hàng triệu Mẹ Nghê để phát triển cái nền kinh tế vốn chỉ phục vụ cho một số cán bộ tham ô đục khoét. Đục đến nỗi biến hàng triệu cung lòng mẹ thành cái hang hòn kẽm kinh hoàng ngày xưa .

2. Ngày nay đâu ai còn phải sống trong nghịch cảnh chiến tranh, đâu có ai phải hoang mang sợ hãi cái chết sẽ đến với mình và với mọi người như hai bà mẹ ấy. Thế mà họ vẫn giết bỏ những đứa con của mình một cách tỉnh bơ, mừng rỡ thản nhiên như trút bỏ một khối u ác tính trên thân thể. Giết con rồi cũng “lãnh thưởng” như ai, cũng nhận lấy vài lon sữa, vài ký đường để tẩm bổ bồi dưỡng thân thể sau cuộc sinh sát con mình. Tàn nhẫn đến như thế vậy mà chúng ta lại phán quyết cho rằng hai bà mẹ ấy nhẫn tâm.

3. Những người dân, những người cán bộ trong hang Hòn Kẽm xưa sợ hãi hèn hạ run rẩy trước cái chết nên họ phải chọn một giải pháp hy sinh đứa trẻ để giữ an toàn cho bản thân. Họ vô ơn quên đi cái ơn cứu mạng. Nhưng ngày nay, nhiều người trong xã hội đâu phải ở trong hoàn cảnh ấy. Sống an toàn, sung sướng giầu sang. Thế nhưng độc ác thay họ lại cổ vũ cho việc giết hại các thai nhi, họ lại vì một chút hư danh ảo vọng để giết chết những mầm sống còn trong bụng mẹ...Thực chất là họ giết người chỉ để bảo vệ cho một lối sống ích kỷ bê tha sa đọa. Họ sẵn sàng phạm vào tội ác chỉ để che dấu những một lối sống buông thả xác thịt.

Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay thật lắm cảnh bi hài. Hãy xin nhau một lời cầu nguyện thiết tha để chúng ta có thể vui sống mà chẳng đoán xét lẫn nhau. Hãy xin nhau một chút chân thành để chúng ta không phải chứng kiến những thảm cảnh của cuộc sống. Hãy xin nhau một lời tri ân để chúng ta có thể mãi nhớ đến nhau. Hãy xin nhau một lời xin lỗi để chúng ta có sự bình an trong tâm hồn. Và hãy xin các thai nhi một lời tạ tội để chúng ta có được sự thứ tha.

Đaminh Phan Văn Dũng

URL: http://danchuausa.net/luu/khen-thuong-me-giet-con/