Trích từ Dân Chúa

Đức Gioan XXIII với Bí mật Fatima nhìn ra nguy cơ Cộng Sản

Vincent Vũ Văn An

(VietCatholicNews 09/09/2007)

John_XXIII.jpg

Năm 1960 là năm, theo những người công giáo quá khích, đức Gioan XXIII phải công bố bí mật thứ ba của Fatima. Tại sao lại là năm 1960? Theo họ, vì lúc đó tình hình đã chín mùi, trước khi quá trễ.

“Cơn cùi cộng sản” đến lúc đó đã khởi động những cuộc bách hại đẫm máu nhất chống lại Giáo Hội, đúng như phần thứ hai của Bí Mật đã tiên báo: “Nếu không (dâng thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ), nó (Nước Nga) sẽ truyền bá các sai lạc của nó ra khắp thế giới, gây nên nhiều cuộc chiến tranh và bách hại chống lại Giáo Hội. Người lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu đau khổ rất nhiều, nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt”.

Theo họ thì chị Lucia cho hay các thị kiến của Bí Mật thứ ba sẽ cho thấy các lời tiên tri trên được nên trọn ra sao.

Giáo Hội Thập Niên 1950 & 1960

Kể từ khi Tây Ukraine bị xát nhập vào Liên Bang Xôviết năm 1939, rồi sau đó là các quốc gia vùng Baltic (1940), Giáo Hội Công Giáo từng bị bách hại nặng nề ở các vùng đó rồi (1). Sau Thế Chiến II, hàng giáo phẩm Công Giáo hoàn toàn bị trừ khử tại Rumania, Albania và Bulgaria: bị lùa ra khỏi toà của mình, các giám mục lần lượt chết trong các trại giam hay các trại lao động khổ sai hay tiếp tục ngồi tù. Tại Ukraine, năm 1945, chính Nikita Krushchev, lúc ấy là Đệ Nhất Bí Thư Đảng Cộng Sản Ukraine, đã phát động cả một chiến dịch bách hại tàn ác vô cùng dã man chống lại Giáo Hội theo Nghi Lễ Đông Phương hiệp thông với ngai tòa Phêrô.

Đức Hồng Y Slipyj thuật lại rằng ngày 4 tháng 11 năm 1945 “tôi bị bắt cùng với mọi giám mục khác. Non một năm sau, hơn 800 linh mục cũng đã theo chúng tôi vào nhà tù. Từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 3, Thượng Hội Đồng bất hợp pháp của Lviv được triệu tập. Dưới áp lực của vô thần, hội đồng này công bố việc “tái hiệp nhất” giữa Giáo Hội Công Giáo Ukraine và Chính Thống Giáo, dưới sự lãnh đạo của chế độ Xôviết. Việc tái hiệp nhất này, và do đó cũng là việc thanh tóan chính thức Giáo hội của chúng tôi, đã được thi hành bằng bạo lực thô cằn. Các giám mục bị đầy đi khắp phía Liên Bang Xôviết. Hầu hết đã qua đời hay đã bị thảm sát trong tù. Mỗi người chúng tôi phải leo núi Canvariô riêng của mình. Bây giờ đã 88 tuổi, ký ức của tôi về Janiseik, Mordovia, Polaria, Inta và Siberia đã mờ nhạt phần nào, nhưng lúc ấy nó là một thánh giá thật nặng. Tôi tạ ơn Đấng Toàn Năng đã ban cho tôi sức mạnh để vác cây thánh giá này gần 18 năm dài đằng đẵng và tôi xin kính cẩn ca ngợi 10 đồng nghiệp trong hàng giám mục của tôi, hơn 1,400 linh mục và 800 nữ tu, hàng chục ngàn tín hữu, trong thời gian cầm tù, đã dùng hy lễ đời mình, đóng ấn lòng trung thành của mình với Đức Giáo Hoàng, với Tông Tòa Rôma và với Giáo Hội Hoàn Vũ.

“Các linh mục của chúng tôi phải lựa chọn: hoặc tham gia Giáo Hội của chế độ (Chính Thống Giáo) và do đó từ bỏ sự hiệp nhất Công Giáo hoàn vũ, hay phải chịu, ít là 10 năm, số phận đau thương phải biệt xứ với đủ thứ biện pháp kỷ luật kèm theo. Tuyệt đại đa số các linh mục chọn con đường dẫn tới nhà tù và trại tập trung của Xôviết”.

Những vị này đã lập thành điều Đức Piô XII gọi là “Giáo Hội thầm lặng”, vì “môi miệng họ bị bịt kín và chân tay họ bị xích xiềng” (2).

Sau khi đã tàn phá Đông Âu, cơn hủi cộng sản tràn qua Á Châu nơi không biết bao nhiêu cộng đồng Kitô giáo phồn thịnh bị phân mảnh và hầu như bị bứng rễ bằng những cuộc bách hại khủng khiếp. Các vị tử đạo đông vô kể này là chính những người được các trẻ Fatima thị kiến ngày 13 tháng 7 năm 1917: “…và cùng cách ấy (3), nhiều người lần lượt qua đời: giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, và giáo dân, đàn ông đàn bà thuộc đủ giai tầng và chức vụ”.

Một cái nhìn đại cương các cuộc bách hại đẫm máu của thế giới cộng sản trong thập niên 1950 sẽ giúp ta hiểu rõ hơn tại sao, theo người công giáo quá khích, Bí Mật Fatima lại trở nên ‘rõ ràng hơn” vào năm 1960.

Trường hợp Trung Hoa bi thảm rõ rệt. Sau khi công bố nền Cộng Hòa Nhân Dân vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, các nhà truyền giáo ngoại quốc thẩy đều bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn trong những cuộc hỏi cung bất tận. Người cộng sản Trung Hoa, sau đó, trục xuất họ với ý đồ đặt Giáo Hộ dưới quyền lực của họ. Nhưng thất bại không lôi kéo được các giám mục ủng hộ các nguyên tắc ly giáo của “Phong Trào Ba Tự Trị” được vẽ ra năm 1950, họ quay qua tấn công những người Công Giáo khăng khăng trung thành với Tòa Rôma một cách khủng khiếp như thể muốn thanh tóan Giáo Hội ấy cách có hệ thống. Thí dụ tại Thượng Hải, ngày 8 tháng 10 năm 1950, Ủy Ban Quân Quản ra lệnh bãi bỏ Đạo Binh Đức Mẹ, bị tố cáo là một tổ chức bí mật phản cách mạng.

Jean Lefeuve thuật lại: “Đó không phải chỉ là việc làm rơi đầu một số người, nhưng là loại trừ bất cứ sự kháng cự nào. Toàn bộ thành phố được huy động để tạo áp lực đối với mấy trăm hội viên Đạo Binh. Những người này bị xách nhiễu bằng truyền thanh, báo chí, bích chương, biểu ngữ, trình diễn và biểu tình”. Thấy một hay hai linh mục có trách nhiệm với Đạo Binh tỏ ra có khuynh hướng muốn đầu hàng, lấy lý do việc này ít tồi tệ hơn, một số giáo lý viên đã lấy máu mình biên thư sau cho các vị: “Chính Máu và cái chết của Chúa Giêsu đã sinh ra Mẹ Giáo Hội và làm Giáo Hội tăng trưởng. Và kể từ đó, giống một định luật bất biến điều hòa đường hướng sinh hoạt ngàn đời của Giáo hội, chính máu và cái chết của Kitô Hữu kết hiệp sự hy sinh của họ với sự hy sinh của Chúa Kitô đã duy trì được sự cường tráng và phong phú của Giáo Hội. Giờ đây hãy coi kìa, giờ đã đến để Cơ Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu tại Trung Hoa sinh nở; vì trong cuộc tranh đấu dữ dội mà mình đang phải trải qua hôm nay, Giáo Hội được truyền tin sẽ hạ sinh nhiều con cái mới. Hạnh phúc thay cho chúng ta được sống trong thời gian này… Tuy nhiên, gần đây chúng con được biết chính phủ đang gấy áp lực bắt các vị hướng dẫn chúng con phải nhìn nhận là thật những lời vu khống mà báo chí đang phao vu về chúng ta. Thậm chí còn có tin đồng rằng một số vị đang sắp sửa thỏa hiệp. Nguồn tin này làm chúng con run rẩy. Vào ngày trên báo chí xuất hiện chữ ký của các linh mục tự thú là đã xác tín về các tội ác họ bị tố cáo và về đủ thứ vu oan cáo vạ gán cho Đức Trinh Nữ, cho Đạo Binh của Người và cho Giáo Hội, liệu Kitô hữu chúng ta, nay đang kiên cường trong đức tin, có thể chịu đựng được cú xốc kia hay chăng? Hay là, vì một giây phút yếu đuối và lơ là nào đó, điều ta rất sợ xẩy ra trong những thời điểm như thế này, há ta không đang chứng kiến cảnh tượng hãi hùng trong đó Cơ Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô bị tháo rời ra từng mảnh đó sao? Không sao cầm được nước mắt khi nghĩ đến điều đó, hôm nay chúng con quyết định viết lá thư này, lá thư tất cả chúng con lấy chính máu mình mà ký.

“Ước mong máu này, vẫn còn rất tươi, có thể viết ra trên giấy lòng khát khao mãnh liệt trong tâm hồn chúng con. Ước chi những giọt máu này, biểu tượng cho sự hiệp nhất của chúng ta, làm chứng cho lòng trung thành của chúng con đối với Thánh Giá Cứu Chuộc của Chúa Kitô trên đó chúng con sẽ ở mãi cho đến khi lễ hy sinh của chúng con hoàn tất.

“Vì chúng con sợ rằng sức nặng tội lỗi mình có thể cản ngăn không cho lời khẩn cầu của chúng con bay lên cùng Chúa được, nên chúng con dùng những ngày sau cùng này để ăn chay và cầu nguyện. Với hết linh hồn, chúng con không ngừng xin Chúa ban cho sức mạnh để trung thành cho đến chết. Chúng con cũng cầu xin Chúa cho mọi chủ chăn của chúng con, để Người ban cho các vị ơn thánh biết bảo tồn một cách không nao núng sự tinh tuyền trọn vẹn của đức tin, trung thành giữ vững “thế đứng” của Chúa Kitô và tiếp tục hướng dẫn chúng con cách không sai lầm trên con đường tiến về phía trước, cho đến ngày vinh thắng” (4).

Một tuần lễ sau khi các giáo lý viên đưa ra lời kêu nài và tuyên xưng đức tin trên, cuộc tử đạo của cha Beda Tsang đã đem lại bao ơn phúc dồi dào, làm sống lại cả cộng đoàn Kitô giáo Thượng Hải đang bị đe dọa cách nghiêm trọng.

Để nhắc lại sự kiên cường đầy anh hùng của giới trẻ Kitô giáo nơi thành phố ấy, chúng tôi xin trích một bức thư do một thiếu nữ gửi cho cô giáo cũ của mình, vốn là một nữ tu lúc ấy đang tị nạn tại Nhật: “Khi dì nhận được bức thư này, con đã ngồi tù rồi. Con sẽ trình diện cảnh sát ngày 14 tháng này. Xin dì đừng quên ngày vinh quang ấy. Con đã vứt bỏ mọi đồ đoàn cá nhân ngoại trừ mấy tấm ảnh con gửi kèm đây cho dì: Con không thể hủy được chúng. Con xin dì giữ chúng hộ con.

“Hôm nay, con đi tạm biệt Mẹ N. vì con sợ con không thể tới bến xe vào ngày Mẹ lên đường đi Nhật được. Khi con từ biệt Mẹ, con cảm thấy một nỗi buồn da diết. Con không còn can đảm nghĩ đến điều gì khác ngoài Thiên Đàng.

“Con đã bị thẩm vấn nhiều lần. Lần đầu, cuộc thẩm vấn kéo dài 9 tiếng; lần thứ hai, 3 tiếng, và ngày hôm qua họ giữ con 5 tiếng. Đấy là những giây phút khó chịu thấu. Chị con chỉ vì lo lắng cho con mà sinh bệnh: hiện chị ấy đang ở bệnh viện.

“Xin dì cầu cho con: dì không thể tưởng tượng con chịu đau khổ biết bao nhiêu. Một vài người bạn đã phản bội con; xin dì hãy cầu nguyện và đền tội để Chúa Nhân Lành tha thứ cho họ. Phần lớn các linh mục mà chúng ta quen biết đã bị giam cầm. Xin dì đừng quên các vị ấy trong lời cầu nguyện: để các vị có can đảm chấp nhận tử đạo. Nỗi đau đớn nhất là gia đình con. Ngày cha mẹ con thấy tên con trên báo trong số những người bị tố cáo, các vị qùy lạy xin con từ bỏ đức tin. Lạy Chúa con! Chính lúc đó, lần đầu tiên, con hoàn toàn hiểu đau khổ là thế nào.

“Con chả còn chi để tặng dì ngoài tình âu yếm của con. Con xin tặng dì trước khi con chết, cho dì và cho các Mẹ từng quá tốt với con. Ngay cả nếu con phải mất mạng sống, con thích cái chết này hơn là cái chết đời đời, mà con đáng bị nếu con từ bỏ đức tin của con. Xin dì hãy cùng con ca khúc Alleluia!” (5).

Hàng giáo phẩm Trung Hoa vào năm 1950 có tất cả 119 giám mục, đến năm 1955, chỉ còn không hơn 20 vị sau rất nhiều những vụ trục xuất và ám sát, trong số ấy 10 vị bị cầm tù. Không khoan nhượng trong kế hoạch nô dịch hóa các cộng đồng Công Giáo luôn luôn sống vững trước bao nhiêu bách hại đẫm máu, người cộng sản buộc họ phải gia nhập những nhóm Công Giáo “yêu nước” thiểu số. Năm 1957, chính phủ của Mao lập ra “Hội Yêu Nước Của Người Công Giáo Trung Hoa” với những giáo xứ và nhà thờ riêng. Tổ chức này được đặt dưới thẩm quyền của Văn Phòng Tôn Giáo Vụ có nhiệm vụ đàn áp“ những con chó săn của phản động Vatican”

“Giáo Hội yêu nước” này chỉ thành hình được một cách hết sức khó khăn. Ngày 29 tháng 6 năm 1958, trong thông điệp Ad apostolorum principis, Đức Piô XII tuyên bố rằng tổ chức ấy nằm trong tình trạng ly giáo và cấm người Công Giáo không được gia nhập. Tuy nhiên cuộc ly giáo này khá dai dẳng. Cần phải thêm rằng người cộng sản Trung Hoa dùng đủ mọi phương thế để khuất phục những người “cứng cổ”. Bởi vậy cho nên, Tu sĩ dòng Biển Đức Peter Zhou Bangjiu, một vị trung thành tuyên xưng đức tin, càng ngày càng thấy mình bị cô lập. Ngài nhắc lại: “Từ lúc vào tù cho đến lúc vượt qua Bức Màn Tre [nghĩa là từ 1955 tới 1984], tôi không tận mắt thấy một linh mục hay một giáo dân nào trước đây ngồi tù chung với tôi, lại tiếp tục trung thành với Chúa cả. Tại sao? Đảng Cộng Sản đè nặng áp lực lớn lao và kéo dài trên họ!” Nếu Thầy Peter Zhou Bangjiu có thể chống chọi một cách hân hoan và anh hùng được tất cả các tra tấn đối với thầy, hẳn nhiên nhờ ơn thánh đặc biệt, điều mà người ta thấy được nhờ đọc tiểu sử tự thuật của thầy (6).

Lúc Đức Piô XII qua đời, Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa, lúc ấy trở thành hầm trú, gần như mất tích hẳn. Dưới đây là bản tóm lược 10 năm bách hại, được công bố năm 1959: “Trong số 2,676 linh mục Trung Hoa, 200 bị bắn hạ hay bị kết án khổ sai, 500 bị biệt xứ, và hơn 500 bị cầm tù gồm cả 9 giám mục người Trung Hoa. 632 nam tu sĩ Trung Hoa bị giải tu; nhiều vị bị cầm tù hay bị bắn bỏ. Trong số 5,112 nữ tu người Trung Hoa, 4,000 bị giải tu, những người khác bị cưỡng bức tự đặt mình vào việc phục vụ người cộng sản; số lớn phải ngồi tù” (7).

Người Công Giáo Việt Nam hiểu rất rõ tình hình ấy. Cho nên khi Cộng sản Việt Nam chiếm quyền ở miền Bắc, họ chỉ còn biết tìm đường về miền Nam. Trong số một triệu rưỡi giáo dân miền Bắc hồi ấy, hơn 700,000 người đã bỏ ruộng vườn, nhà cửa, mồ mả cha ông ra đi. Báo Time ngày 2 tháng 8 năm 1954 cho hay: tờ Osservatore Romano vui mừng vì việc đổ máu tại Đông Dương đã chấm dứt, nhưng tỏ ra quan ngại cho số phận đồng đạo của mình phải sống dưới ách toàn trị của cộng sản.

Sự lo ngại ấy hòan toàn có cơ sở. Một phần do bài học Trung Hoa vốn được coi là quan thầy của Hà Nội. Nhưng mặt khác do chính kinh nghiệm của Việt Nam. Thực vậy ở những vùng Cộng Sản cai trị, họ đã từng nghiệt ngã với Giáo Hội Công Giáo rồi. Cụ thể là chiến dịch đấu tố địa chủ khởi sự từ 1953, một chiến dịch mà Bernard Fall ước lượng đã giết hại 50,000 người và bỏ tù hơn 100,000 người, đã giết hại khá nhiều linh mục và giáo hữu Công Giáo Việt Nam dưới chiêu bài này. Đối với họ, Công Giáo là một thế lực thù địch cần phải tìm mọi cách loại trừ hoặc ít nhất cũng biến nó thành công cụ nhà nước. Stephen Denney trong phần nói về Giáo Hội Việt Nam trong cuốn Catholicism and Politics in Communist Countries do Sabrina P.Ramet chủ biên, xuất bản năm 1990, cho hay trong giai đoạn này, để thi hành chính sách trên, ngay tức khắc họ tìm cách ly gián và giam giữ các giám mục và linh mục bị họ coi là “phản động”, nghĩa là hầu hết các linh mục còn kẹt lại miền Bắc. Đức cha Trần Hữu Đức bị lôi ra trước hội đồng nhân dân 17 xã bắt ký nhận tội trút thuốc độc xuống giếng giết hại dân lành, âm mưu ám sát cán bộ; đức cha Khuất Duy Tạo bị đưa ra tòa chỉ vì tội đã dám cấp bằng công nhận ban hành giáo; đức cha Trịnh Như Khuê bị mời ra uỷ ban nhân dân thành phố làm việc sau khi “tiêu cực” với đại hội “Những Người Công Giáo Yêu Tổ Quốc, Yêu Hòa Bình” họp tại Hà Nội tháng 3 năm 1955... Rất nhiều linh mục bị phát vãng, thủ tiêu hay tù tội kể cả hai cha Nguyễn Ngọc Oánh và Nguyễn Văn Thông từ Mỹ và Pháp về lại Hà Nội phục vụ. Các giám mục ngoại quốc như các đức Cha Jacq Mỹ của Lạng Sơn, đức cha Mazé Kim của Hưng Hóa hay Coonan Hành của Thanh Hoá… cũng như các cha của hội thừa sai Ba Lê và Dòng Chúa Cứu Thế Gia Nã Đại lần lượt bị trục xuất. Đức Cha già Hedde Minh của Lạng Sơn cũng được lệnh phải ra đi, nhưng đã qua đời trước ngày lên đường. Hãy nghe ngài viết cho người em: “Ngày tôi ra đi chưa đến, nhưng sắp đến. Tôi chỉ ước mong được gửi tấm thân già này ở Lạng Sơn, và chính giáo dân của tôi cũng muốn thế, nhưng tôi để mặc ý định của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Y như lời của Chúa Kitô trên thập giá!

Riêng Đức khâm sứ tòa thánh John Dooley bị cộng sản Hà Nội tìm cách tống xuất từ lâu mà chưa được. Sau Điạ hội Thánh Mẫu tại Sài Gòn (tháng 2 năm 1959), ngài và đức cha Khuê bị công an thẩm vấn. Không hiểu vì sao, sau đó ngài ngã bệnh nặng phải trao toà khâm sứ cho cha O’Driscoll xử lý, để qua Nam Vang chữa bệnh và không bao giờ được trở lại Hà Nội. Ngay như đức cha Hoàng Văn Đoàn, người có lần đã gửi thư chúc mừng buổi ra mắt của Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước tại Hà Nội, nhưng khi đã qua Hồng Kông chữa bệnh thì không còn được trở lại giáo phận nữa, chỉ vì sau đó đã gửi thư khác đính chính thư trên!

Stephen Denney trong tài liệu trên cũng cho hay sau khi Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước thành hình (1955), các giám mục và linh mục không còn được liên lạc thư từ gì với Vatican nữa dù trong năm đó, Hồ Chí Minh ban hành “Sắc Lệnh Tôn Giáo” (14/06/1955) nhìn nhận tự do tôn giáo. Thậm chí, không một giám mục nào được phép dự Công Đồng Chung Vatican II; thậm chí các tài liệu của Công Đồng này cũng không lọt được vào miền Bắc. Phải đợi tới năm 1974, lúc cộng sản Hà Nội tuyệt vọng đi tìm hậu thuẫn quốc tế, họ mới cho đức cha Khuê qua Rôma tham dự thượng hội đồng giám mục thế giới. Đức cha vẫn không tin người cộng sản Hà Nội, nên đã cử đức cha phó Trịnh Văn Căn đi thế. Chính vị giám mục naỳ đã trình bầy tình thế bi đát của Giáo Hội miền Bắc như sau: "300 linh mục, phần lớn già nua, coi sóc hơn 1 triệu giáo dân. Cũng nên nhớ sắc lệnh tôn giáo năm 1955 nhìn nhận quyền mở trường dạy học của các tôn giáo. Nhưng chữ ký của họ Hồ chưa khô mực, thì trường Dũng Lạc ở Hà Nội đã bị đóng cửa, rồi lần lượt các tiểu và đại chủng viện… Có lẽ nên đọc lại thư đức cha Khuất Văn Tạo viết năm 1963: “các nhà xứ có nơi sửa chữa được nhà thờ, có nơi bỏ bớt nhà ở vì củ nát, chữa cũng không có người ở, vì cả địa phận còn lại tính cả tôi cũng chưa được một chục người có chức thánh, ba thầy với mấy cậu ở nhà chung, nhà xứ. Còn giáo hữu tối thứ bẩy như ở Hải Phòng có khi được vài chục người nhớn bé…” (7b)

Đức Piô XII luôn được thông tri đầy đủ và cảnh giác đúng đắn về hoàn cảnh đau thương của Giáo Hội tại các nước cộng sản chiếm được quyền hành. Trong thông điệp truyền thanh ngày 2 tháng 9 năm 1956, Ngài cho hay: “Trong hàng tá năm qua, nhất là trong 10 năm gần đây nhất, Giáo Hội Công Giáo phải chịu một trong những cuộc bách hại trầm trọng nhất và, dù thế nào, cũng là cuộc bách hại nguy hiểm nhất chưa bao giờ từng gặp… Kẻ thù, nhờ các phương pháp cưỡng bức của Nhà Nước toàn trị và các kỹ thuật nhồi sọ tinh xảo sử dụng chống lại các cá nhân, nhất là thế hệ trẻ và trẻ em, đang triển khai những chiến chiến thuật gây áp lực mà chưa kẻ bách hại Giáo Hội thời trước đây từng biết” (8).

Bởi thế, lúc Đức Gioan XXIII lên ngôi giáo hoàng, ai cũng thấy quá rõ ràng rằng tại các nước bị cộng sản nô dịch, Giáo Hội quả gặp tình thế hết sức bi đát. Tại Lithuania với dân số 2,500,000 người, 85% là Công Giáo, việc tù đầy biệt xứ hàng loạt đã diễn ra dưới thời Stalin: 400,000 người bị phân tán trong 39 quần đảo gulác của Liên Bang Xô Viết. Mọi giám mục, chỉ trừ đức cha Paltarokas, đã bị sát hại hay đầy biệt xứ. Giờ đây, thời kỳ thanh bình và những dấu hiệu đầu tiên của phục hưng tiếp theo cái chết của Stalin đã không còn. Năm 1957, Đức cha Sladkevicius, vừa được tấn phong, bị bắt và giam lỏng. Năm 1961, chỉ còn một giám mục tại tòa là đức cha Mazeles, lúc ấy đã bệnh nặng. Về mặt chính thức, việc lưu đầy các tín hữu đã chấm dứt; nhưng trên thực tế, chúng đã được tái tục, dưới mạo danh “tự ý di tản” để mở những vùng đất hoang tại Kazakhstan.

Năm 1960, tại Hung Gia Lợi, các linh mục và tín hữu nào từ khước tham gia Chiến Sĩ Hòa Bình hay các hiệp hội cấp tiến và cộng sản giấu mặt khác đều bị cảnh sát trừng trị và những quấy nhiễu qủy quái. Tờ Nouvelles de Chrétienté cho hay: “Tình hình tại Hungary đã trở nên tệ hơn từ mùa thu 1959” (9).

Hồng y Joseph Mindszenty, Tổng giám mục Esztergom, tiếp tục ở trong tòa đại sứ Mỹ tại Budapest nơi ngài bắt đầu tị nạn khi Hungary bị quân đội Xô Viết đè bẹp và chiếm đóng năm 1956. Ngài còn không dám rời nơi đó để dự tang lễ của thân mẫu năm 1960 vì cảnh sát của chế độ sẽ bắt giam ngài tức khắc. Năm hay sáu giám mục sở tại còn tại chức luôn bị theo dõi xát nút và có thể bị thay thế bằng những ủy viên chính trị. Dân chúng gọi những tên này là “giám mục râu mép”. Trên thực tế, chính hắn mới thực sự cai quản giáo phận: hắn mở thư từ, ra các quyết định, viết bản tin giáo phận, chọn ứng sinh vào chủng viện, giám thị họ, chấp nhận cho họ làm linh mục hay bãi nhiệm họ. Tóm lại, hắn có thể “từ trong bóng tối, tiêu diệt Giáo Hội từ bên trong” (10).

Ta hãy rời Âu Châu để bước qua Phi Châu. Những cộng đồng trước đây phồn thịnh là thế, mà nay phải hứng chịu nhiều hậu quả tai hại của việc giải thực: đói kém, độc tài cộng sản, chiến tranh tôn giáo hay chủng tộc. Mặt khác, Hồi Giáo càng ngày càng gia tăng đe dọa và gây hấn, như ở Sudan chẳng hạn. Tờ Missi tháng 12 năm 1960 tường thuật: “Dân số Nam Sudan mà phần khá lớn theo Kitô giáo (50%) đang bị viên thống đốc cưỡng bức theo Hồi Giáo. Mọi học sinh ghi danh, dù ngoại giáo, cũng phải chọn lựa giữa Hồi Giáo và Công Giáo. Nếu chọn Công Giáo, em phải có phép của xã trưởng là viên chức đã được lệnh không được cấp giấy phép cho quá nhiều người. Rất nhiều phiền nhiễu và hạn chế đã áp đặt lên người Công Giáo, nhất là các nhà truyền giáo. Dân chúng không dám phát biểu ý kiến tự do sợ bị trả thù”. Các cuộc bách hại do Hồi Giáo khởi xướng chỉ càng gia tăng và mở rộng trong nhiều thập niên sau.

Tính cách trầm trọng và quy mô vô tiền khoáng hậu của các cuộc tấn công nhằm vào Giáo Hội trên khắp thế giới như trên đã được tóm lược bằng hai câu chú thích tấm bản đồ “Giáo Hội Thầm Lặng” trong cuộc triển lãm truyền giáo tổ chức lại Lourdes năm 1961: “Trong các thế kỷ đầu tiên của niên đại này, 300,000 Kitô hữu đã tử vì đạo. Ngày nay, từ Bá Linh tới Thượng Hải, từ Tây Bá Lợi Á tới Bắc Kỳ, 90,000,000 người Công Giáo đang bị bách hại vì đức tin của chúng ta!”. Không ai có thể bác bỏ nhận định trên. Ngay một người cấp tiến như hồng y Frings cũng phải tuyên bố: “Ta không bao giờ được quên rằng nửa thế kỷ qua một mình nó đã sản sinh ra nhiều tử đạo hơn cả ba thế kỷ người La Mã bách hại Đạo” (11). Nhận định của Tu viện trưởng de Nantes (11b) cũng tương tự như thế: “Trong thời đại ta, Giáo hội, người từng bị bách hại ngay từ những ngày khởi đầu, hiện đang phải giáp mặt với quyền lực ma qủy đáng sợ nhất xưa nay” (12).

Tất cả xem như đã ứng nghiệm thị kiến của Ba Trẻ ở Fatima. Nguyên nhân những ma quái trên phát xuất từ đế quốc Xô Viết Mạc Tư Khoa. Điều ấy, theo các người Công Giáo cực đoan, đáng lẽ phải là ánh sáng soi đường cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội lúc ấy, nhất là đức Giáo Hoàng Gioan XXII.

Đức Gioan XXIII và Bí Mật Fatima

Đức Gioan XXIII không xa lạ gì với Fatima. Hai năm trước ngày lên ngôi giáo hoàng, ngài được giám mục Fatima mời qua chủ tọa lễ kỷ niệm 25 năm nước Bồ Đào Nha được hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Lễ này diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng 5 năm 1956 với sự tham dự của 600,000 khách hành hương. Ngài hiểu rõ tầm quan trọng của Fatima. Trong thánh lễ hôm ấy, ngài nghe rất rõ bài giảng thuyết của hồng y giáo chủ Lisboa: “Đã đến lúc phải công bố công khai việc này rằng nhờ việc dâng hiến này – dĩ nhiên chúng ta không được giảm thiểu hóa các cố gắng của các nhà lãnh đạo của chúng ta, họ vốn là những dụng cụ của Chúa Quan Phòng – trong khi cả thế giới rực lửa chiến tranh, thì Bồ Đào Nha tiếp tục hưởng thái bình. Sáu hay bẩy tháng trước ngày 1 tháng 9 năm 1939, ngày bắt đầu thế chiến, Đức Cha giáo phận Leiria có gửi cho tôi bức thư của người được thị kiến Đức Mẹ, tức Nữ Tu Lucia, trong đó chị khẳng định rằng cuộc chiến được Đức Mẹ báo trước sắp sửa xẩy ra, Chúa sắp sửa tắm máu nhiều dân tộc và những dân tộc nào xa lánh các giới răn Kitô Giáo sẽ chịu nhiều đau khổ hơn cả; chính Tây Ban Nha cũng phải chung số phận ấy. Riêng Bồ Đào Nha sẽ được gìn giữ khỏi chiến tranh, nhờ sự che chở của Đức Trinh Nữ Đầy Phúc” (13).

Không những thế, theo Thượng Phụ Venise, M.C. de Braganca, hồng y Roncalli còn được chứng kiến hiện tượng khỏi bệnh cách lạ lùng của một khách hành hương bại liệt (14). Nhưng nhiều người khá thất vọng khi ngài không tỏ ý muốn gặp mặt Chị Lucia. Sau khi Đức Piô XII qua đời, ngài được cơ mật viện bầu làm giáo hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, lấy hiệu là Gioan XXIII. Ngài đọc Bí Mật thứ ba của Fatima 10 tháng sau khi lên ngôi. Năm 1997, nguyên thư ký riêng của ngài là tổng giám mục Loris Capovilla tiết lộ lần đầu tiên nội dung lời ghi chú ngài đọc cho vị này ghi lại sau khi đọc tài liệu trên, lời ghi chú sau đó được đặt vào cùng phong bì với tài liệu trên: “Đức Gioan XXIII bảo tôi: ‘viết đi’. Và tôi viết điều ngài đọc cho tôi: ‘Đức Thánh Cha tiếp nhận tài liệu này từ tay đức cha Philippe. Ngài quyết định đọc nó vào ngày Thứ Sáu, trước sự hiện diện của cha giải tội riêng của ngài. Khi nhận ra có thành ngữ tối nghĩa, ngài cho mời đức cha Tavares phiên dịch hộ. Ngài cũng để các cộng sự viên thân cận nhất của ngài đọc nó nữa. Sau cùng, ngài quyết định đặt nó lại trong phong bì, và nói: ‘Cha không đưa ra phán quyết chi cả. Im lặng liên quan đến việc đây có thể là việc Chúa tỏ mình hay không ‘” (15).

John_XXIII_b.jpg

Theo những người công giáo quá khích, điều ấy chứng tỏ ngài hoài nghi tính cách chân thực của Bí Mật. Họ còn lần về quá khứ để tìm ra manh mối cho thái độ này: lúc còn là một giáo sĩ trẻ tuổi, ngài vốn đi lại giao du với phe cấp tiến vốn đã được thành hình dưới triều Đức Lêô XIII, chống lại quan điểm học lý vững chãi và bài cách mạng của Đức Piô IX, nên từng bị tố cáo là người theo phe Tân Đại (Modernist) (16).

Dưới triều Đức Piô XII, xem ra ngài khá dè dặt với việc khai triển lòng sùng kính Đức Mẹ. Ngài sợ rằng việc tôn vinh sứ mệnh và các đặc ân của Đức Mẹ Vô Nhiễm sẽ có hại cho chính nghĩa đại kết. Ngày 22 tháng 4 năm 1954, được yêu cầu ký thỉnh nguyện thư thiết lập lễ Đức Mẹ Là Nữ Vương, ngài viết như sau: “Con xin ngài tha thứ sự im lặng của con, một sự im lặng nói lên điều con không chắc chắn và sợ rằng một ngày lễ như thế có thể làm suy yếu công trình lớn lao hiện đang được đưa ra nhằm tái lập sự hiệp nhất Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn cầu. Trước khi chết, Chúa Giêsu nói với thánh Gioan rằng ‘Này là Mẹ con’. Điều ấy đã đủ cho đức tin và phụng vụ rồi. Mọi điều khác có thể - và chắc chắn một phần lớn - rất xây dựng và cảm kích đối với các linh hồn sùng kính và đạo hạnh; nhưng đối với nhiều người khác, đông hơn nhiều, gồm cả những người rất có thiện cảm đối với Giáo Hội Công Giáo, nó có thể chỉ là chọc giận và, như ngôn ngữ thời đại thường nói, phản sinh lợi (counterproductive)” (17).

Ngay tại buổi lễ kỷ niệm ở Fatima năm 1956, người ta cũng lưu ý đến bài giảng ngài ngỏ với khách hành hương. Dù ngài có nhắc đến việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, nhưng bỏ qua không nói gì đến việc sùng kính đền tội các Ngày Thứ Bẩy Đầu Tháng cũng như việc dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ. Ngài cũng không đề cập đến những lời tiên tri, cảnh cáo và đe doạ trừng phạt chứa trong các bí mật một và hai của Fatima (18).

Theo các người công giáo quá khích, điều ấy cho thấy không những ngài dửng dưng mà còn thù nghịch đối với các sứ điệp Fatima. Dường như ngài không nhìn ra mối liên kết giữa các sứ điệp này và hiện trạng khốn khổ của Giáo Hội. Ngài luôn luôn có cái nhìn lạc quan. Ngày 14 tháng 11 năm 1962, ngài nói với cuộc họp khoáng đại của Vatican II như sau: “… Xét chung, các đề nghị đại lượng và các mục tiêu cao thượng trên củng cố điều này là thế kỷ chúng ta không phải là một thất vọng như người ta thường hay nói, như thể cái gì tốt cũng đều là đặc quyền của quá khứ cả. Không, cả ngày nay nữa, và người ta còn dám nói là với nhiều hứng khởi to lớn hơn nữa, các nhà rao truyền ánh sáng đã ý thức được rằng cuộc sống và công việc của họ phải dõi sự sáng láng của Mẹ Giáo Hội ra khắp nơi. Dĩ nhiên, giống như ở mọi thời đại, các cuộc bách hại, đôi khi hết sức nghiêm trọng và tàn bạo, quả không thiếu. Nhưng trong thực tế, những bách hại ấy chỉ làm tinh sảo thêm đặc tính cao thượng của con cái Thiên Chúa, và làm chứng cho sự hiện diện của dân tộc Kitô giáo mà không ai có thể tiêu diệt được” (19).

Người công giáo quá khích cho rằng điều trên cho thấy Đức Gioan XXIII cố tình hạ thấp quy mô cũng như tính bạo lực các cuộc tấn công vào Giáo Hội Công Giáo để theo đuổi một chính sách mới, chính sách mở cửa đối với các lãnh tụ Cẩm Linh.

Cái Nhìn Của Người Công Giáo Quá Khích

Nhiều người Công Giáo quá khích như Tu Viện Trưởng de Nates (l’Abbé de nantes) dĩ nhiên không đồng ý với cái nhìn của Đức Gioan XXIII. Họ vẽ ra một hình ảnh Giáo Hội bi đát hơn thế nhiều lắm. Trong bài “Sự Sa Đọa Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Duy Tiến Bộ”, ông tiên đoán năm 1960 máu sẽ đổ, máu của binh lính, máu của các vị tử đạo; chủ nghĩa cộng sản đầy bách hại sẽ tràn qua khắp Châu Phi, từ đó, nó sẽ dội tới Âu Châu và hướng về Mễ Tây Cơ. Nguyên sức mạnh quân sự chưa đủ để giải thích sự bành trướng này mà là sức mạnh qủy quái của rù quyến đang lôi kéo nhiều vùng bao la rộng lớn mà không cần bắn một phát súng. Một mặt, các nước chậm tiến bị mê hoặc bởi cái thứ biện chứng pháp phá hoại do chính Phương Tây sáng chế ra. Mặt khác, chủ nghĩa duy tiến bộ cùng với man vàn phe phái ý thức hệ khác nhau của nó không những không coi chủ nghĩa cộng sản là thù địch đối với nền văn minh và tôn giáo của ta, mà còn coi nó như một phong trào chị em. Việc Pháp sắp sửa chào đón Krushchev là một bằng chứng. Hậu quả là nó sẽ dùng thủ đoạn rù quyết mà lôi kéo các dân tộc hiếu hòa vào vòng chiến tranh tương tàn dưới danh nghĩa chiến tranh dành độc lập hay chiến tranh giải phóng. Nhiều sông máu sẽ tuôn chẩy từ thứ chiến tranh này tạo nên những thác máu không một sức mạnh nào có thể ngăn được, trừ khi các Kitô hữu và mọi người văn minh cùng nhìn về một hướng, cùng có chung một quyết tâm. Đấy là điều hiện đang thiếu. Ngay trong lòng Giáo Hội, vẫn có người tin rằng việc triển khai ấy hoàn toàn chính đáng và hợp ý Chúa quan phòng. Ngay các nhà truyền giáo cũng coi những hiện tượng này chỉ là việc thay đổi trật tự chính trị. Đây chính là sự sa đoạ tinh thần của phe duy tiến bộ mang đến hai hậu quả: hậu quả thứ nhất, nó khiến họ coi các cuộc nổi dậy này, trong đó người Kitô hữu, người Hồi Giáo, người ngoại đạo và cộng sản chung lộn với nhau, như một tiến bước mới của Nhân Loại đầy tính thánh kinh và phúc âm hướng về Đất Hứa và Thánh Thánh Thiên Chúa. Hậu quả thứ hai là một hình thức hết sức ngây thơ gần như mù quáng hèn nhát tưởng mình có thể đem lại cho Giáo Hội sự tự do đầy đủ trong các thế giới mới ấy.

Thực chất, vị tu viện trưởng này cho hay: cùng với người lính lê dương cuối cùng rời khỏi Cameroun, người ta đã tấn công và sát hại các nhà truyền giáo, những người từng ủng hộ kháng chiến quân và phủi tay mà thề rằng Giáo Hội không hề góp phần tạo ra các tranh chấp thế tục. Và cùng với họ là từng mảng rộng lớn thế giới Kitô giáo mà họ đã từng góp phần tạo nên (20).

Trước cảnh chính phủ de Gaulle lùng bắt những người chống đối chính sách của ông đối với một Algérie độc lập, với sự ủng hộ của nhiều giới Giáo Hội, cũng vị tu viện trưởng này ngửa mặt lên mà than rằng: “Ôi Mẹ Giáo Hội Chí Thánh, khi nào Mẹ chỗi dậy và nắm trong tay việc bảo vệ con cái bất hạnh của Mẹ? Khi nào Mẹ cùng đi với họ vào nhà tù và vào cõi chết? Khi nào các vị tử đạo thấy Mẹ ở bên cạnh họ, trong tâm trí họ, cùng hãnh diện chia sẻ nỗi đau của họ, thay vì liên tục thấy Mẹ cùng đi với những kẻ áp bức?” (21).

Đức Gioan XXIII và Chính Trị Phương Đông

Nhiều người cho rằng năm đầu tiên làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII bị hồng y Domenico Tardini, một học giả thần học và một người tự xưng là chống cộng, lúc ấy là quốc vụ khanh, cản trở không thi hành được chính sách bắt tay với Phương Đông (ostpolitik [22]) của mình. Nhưng sau khi vị này qua đời vào ngày 31 tháng 7 năm 1961, ngài được rảnh tay thi hành chính sách ngoại giao theo quan điểm bản thân.

Mấy tháng sau, trước ngày Bức Tường Bá Linh được dựng nên ngày 10 tháng 9 năm 1961, ngài truyền thanh lời kêu gọi “hòa bình trên thế giới”. Đức giáo hoàng truyền dạy việc giải giới và do đó ủng hộ tuyên ngôn của các quốc gia phi liên kết do Tito, Nehru, Nasser và Bourguiba cầm đầu. Tại Cẩm Linh, Krushchev ca ngợi lời kêu gọi ấy vốn đã được hai tờ báo của Mạc Tư Khoa là Pravda và Izvestia đăng tải.

Ngày 25 tháng 11 năm 1961, Đức Gioan XXIII mừng sinh nhật thứ 80. Lúc 1 giờ 30 chiều, quốc vụ khanh của ngài là hồng y Cicognani mang tới cho ngài một thông điệp do đại sứ Xô Viết mang tới tận Quirinal trao cho khâm sứ, Đức Cha Grano. Thông điệp viết như sau: “Theo chỉ thị nhận được từ Ông Nikita Krushchev, tôi yêu cầu ngài chuyển trình lên Đức Thánh Cha Gioan XXIII, nhân dịp sinh nhật thứ tám mươi của ngài, lời chúc tụng và thành thực cầu mong ngài dồi dào sức khỏe và thành công trong nguyện vọng cao cả góp phần vào việc tăng cường và củng cố nền hòa bình thế giới cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế bằng phương tiện thương thảo cởi mở” (23).

Đức Gioan XXIII đọc thông điệp ngay tức khắc và nói với hồng y Cicognani: “Đây là một tin rất tốt. Ta phải trả lời. Ta sẽ tìm ra cách thích hợp. Chắc chắn đây là tín hiệu tốt cần được giải thích cách tích cực: một cái vuốt ve bao giờ cũng tốt hơn một cái tát, không phải sao?” (24). Buổi chiều hôm đó, ngài tâm sự với thư ký riêng của ngài là Loris Capovilla: “Một điều gì đó đang diễn ra trên thế giới. Chúa đang dùng dụng cụ hèn mọn là cha để đẩy thế giới về phía trước. Hôm nay, ta nhận được dấu chỉ từ Thiên Chúa Quan Phòng” (25).

Thứ Hai, ngày 27 tháng 11, Đức Gioan XXIII gửi tòa đại sứ Xô Viết cạnh chính phủ Ý một thông điệp gửi Krushchev: “Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những lời cầu chúc tốt lành và về phần mình, xin gửi đến nhân dân Nga lời cầu chúc thân ái đối với việc phát triển và củng cố nền hòa bình hoàn vũ nhờ hân hoan hiểu biết tình anh em nhân loại. Ngài xin sốt sắng cầu nguyện cho ý nguyện đó”.

Ngày 17 tháng 12, các lời cầu chúc của Đệ Nhất Bí Thư Đảng Cộng sản Liên Bang Xô Viết và lời cám ơn của Đức Giáo Hoàng được đăng trên tờ L’Osservatore Romano. Rõ ràng Đức Gioan XXIII muốn cho thế giới thấy các thông điệp này như “những dấu chỉ của Chúa Quan Phòng” rằng con gấu Bônxêvích đã thuần hóa rồi.

Người công giáo quá khích lại phao tin rằng chính Đức Gioan XXIII đã nhờ bí thư đảng cộng sản Ý là Palmiro Togliatti vận động để Krushchev chịu gửi thông điệp trên (26). Họ cho rằng đui mù trước các trò ma quái của Mạc Tư Khoa, Đức Gioan XXIII đã bơm vào đầu óc quần chúng đủ thứ hy vọng hão huyền về hoà bình và hoà giải quốc tế. Qua tuyên bố của ngài, nhất là bài diễn văn Giáng Sinh 1961 (27) và lời kêu gọi đàm phán nhân vụ khủng hoảng Cuba (28), ngài gán người Bônxêvích công lao tạo ra cái tự nhận là chính sách quốc tế về “sống chung hòa bình” và hòa dịu, một chính sách được họ coi là nhằm mục đích ru ngủ và đánh lừa Phương Tây. Họ cũng cho rằng khủng hoảng Cuba, xẩy ra giữa tháng 10 năm 1962 trùng hợp với ngày đáng lý ra Đức Giáo Hoàng nên cùng các giám mục hoàn cầu dâng hiến nước Nga cho Đức Mẹ như lời yêu cầu tại Fatima: vì lúc ấy các giám mục hoàn cầu đang tụ tập tại Rôma để tham dự Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên ngài đã không làm như thế, rõ ràng ngài không muốn liên kết cơn khủng hoảng ấy với những lời tiên tri và thị kiến của Fatima, dù chính ngày kêu gọi đàm phán để giải quyết cơn khủng hoảng ấy, ngài có tiếp một phái đoàn hành hương Bồ Đào Nha và nhắc lại cho họ nghe cuộc viếng thăm Fatima năm 1956 của ngài. Đầu óc ngài rõ ràng có những ý tưởng khác và kế hoạch khác nhằm làm cho nước Nga trở lại và cổ vũ hòa bình thế giới.

Tháng 12 năm 1962, qua nhà báo cấp tiến Mỹ là Norman Cousins, Nikita Krtushchev gửi Đức Giáo Hoàng bức điện ngắn sau đây: “Nhân mùa Giáng Sinh thánh thiện, tôi khẩn khoản xin ngài nhận những lời cầu chúc tốt đẹp của một người muốn ngài được sức khỏe tốt và sức mạnh trong các cố gắng liên lỉ cho hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng của toàn thể nhân loại. Ký tên, Nikita Krushchev”.

Sau khi đọc bức điện trên, Đức Gioan XXIII nói với Norman Cousins: “Chúng ta phải nói truyện với người Nga. Chúng ta phải luôn cố gắng chú tâm tới lòng tốt nằm sẵn nơi con người. Trong cố gắng ấy ta đâu có mất gì. Mọi sự có thể sẽ mất đi nếu con người không tìm ra cách thế cùng làm việc với nhau để cứu vãn hòa bình. Tôi không sợ nói truyện với bất cứ ai về hoà bình thế giới. Nếu ông Krushchev đang ngồi ở chỗ ông vào lúc này, tôi không tin là tôi khó chịu khi nói truyện với ông ấy” (29). Ngài trao Cousins một huân chương và yêu cầu ông chuyển giao cho Krushchev với lời chúc lành (30). Theo sử gia Paul Dreyfus, Krushchev rất trân trọng huy chương này, thường mang nó ra khoe các viên chức cao cấp của đảng khi họ đến thăm văn phòng ông tại Mạc Tư Khoa (31).

Không chậm trễ, Đức Gioan XXIII trả lời Krushchev ngay: “Hết lòng cám ơn việc trao đổi thân ái các lời chào hỏi. Đáp lại, chúng tôi gửi đến ngài với trọn tâm hồn chúng tôi những lời đã từ Trên Cao nói ra: ‘Bình an dưới thế cho người thiện tâm!’ Chúng tôi xin lưu ý ngài hai văn kiện Giáng Sinh gần đây (32) kêu gọi củng cố nền hòa bình công chính giữa các dân tộc. Xin Thiên Chúa tốt lành lắng nghe và đáp ứng lòng nhiệt thành và thành thực trong các cố gắng và lời cầu nguyện của chúng ta. Fiat pax in virtute tua, Domine, et abundantia in turribus tuis. Xin nhận những lời cầu chúc tốt đẹp nhất đối với sự thịnh vượng của dân tộc Nga và mọi người trên thế giới” (33).

Theo những người công giáo quá khích, hồng y quốc vụ khanh thấy lời lẽ đó quá nồng ấm, nhưng Đức Gioan XXIII không thay đổi một chữ. Theo họ, bị Krushchev mê hoặc, Đức Gioan XXIII ngây thơ cho rằng việc cởi mở với Krushchev và các tiếp xúc của ngài với người Xôviết là một phương thế đầy quan phòng để lót đường dẫn đến việc nước Nga trở lại. Ngày 26 tháng 12 năm 1962, ngài tự tay viết: “Tâm trí tôi luôn quan tâm đến công việc mầu nhiệm Chúa đang làm lúc này. Há cái ông Nikita Krushchev này đang không tình cờ làm chúng ta ngạc nhiên đó sao? Đêm nay, sau khi đã suy niệm rất nhiều và đọc phần dẫn nhập cuốn văn phạm tiếng Nga do Ettore Lo Gatto viết, cuốn sách mà đức cha Capovilla cung cấp cho tôi hôm qua, tức ngày lễ Giáng Sinh, tôi chỗi dậy và qùy gối trước tượng chịu nạn, tôi dâng đời tôi cho Chúa trong một lễ hy sinh trọn cả con người mình, liên quan tới điều Ngài muốn tôi làm cho công trình vĩ đại của Ngài để nước Nga trở về với Giáo Hội Công Giáo. Tôi đã nhắc lại ý chỉ này trong Thánh Lễ được cử hành với cùng một tinh thần” (34).

Theo những người quá khích này, Đức Gioan XXIII không mảy may có ý định thực thi điều Chúa muốn ngài làm vì ngài khư khư từ khước không tuân theo ý của Chúa được sứ điệp Fatima nói ra. Giống như Đức Piô XI trước đó, ngài thích đi theo con đường tự nhận là ngoại giao hơn là cậy trông vào sự trung gian đầy quyền năng của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria qua việc long trọng đền tạ và dâng hiến nước Nga. Ấy thế nhưng, cũng chính ở thời điểm này, Nikita Krushchev cho tăng cường chiến dịch tuyên truyền vô thần tại Liên Xô và mở rộng các cuộc bách hại. Chính cựu linh mục cấp tiến Peter Hebblethwaite cũng phải viết như sau: “qua việc đóng cửa các nhà thờ [mười ba ngàn nhà thờ cả thẩy!] và khinh miệt xử tệ các Kitô hữu, thời gian Krushchev cầm quyền là thời kỳ còn độc tài hơn cả thời Stalin” (35). Đức Gioan XXIII được phúc trình đầy đủ các dữ kiện này qua các bản tin do văn phòng quốc vụ khanh của ngài cung cấp.

Đức Gioan XXIII Nhận Giải Hòa Bình

Ngày 1 tháng 3 năm 1963, Hội Đồng Qũy Balzan nhất trí quyết định tặng Đức Gioan XXIII ‘giải hòa bình’. Bốn đại biểu Xôviết tại Hội Đồng này cho hay chính Krushchev chấp thuận việc này vì “ông đánh giá rất cao các cố gắng của Đức Giáo Hoàng nhân danh chính nghĩa hòa bình giữa các dân tộc” (36). Đức Gioan XXIII chấp nhận giải Balzan này vì ngày 28 tháng Hai, ngài được tin Alexis Adzhubei, con rể Krushchev và là chủ nhiệm nhật báo Izvestia, nhân viếng thăm Rôma vào dịp này, tỏ ý muốn được yết kiến ngài.

Theo những người công giáo quá khích, mọi sự đều được Mạc Tư Khoa tính toán cả: giải thưởng kia được quyết định sau khi đã dàn xếp xong cuộc yết kiến của Adzhubei. Bởi thế Đức Gioan XXIII đã hoan hỉ tiếp con rể Krushchev bất chấp lời can gián của hồng y Ottaviani cũng như các phân tích và quan điểm báo chí được văn phòng quốc vụ khanh sưu tầm. Ta hãy đọc một bài báo của nhóm này nhận định về những trao đổi trên: “Chính sách của Xôviết đối với Vatican có lẽ nhằm trung lập hóa Giáo Hội Công Giáo. Ai có thể quên được những cuộc bách hại nghiêm trọng mà Giáo Hội phải chịu kể từ ngày cách mạng Bônxêvích? Ai dám cho là hiểu lầm, do hoàn cảnh lịch sử tạo nên, cái mục tiêu đã được công khai tuyên bố là khách quan: tận diệt Kitô giáo và mọi tôn giáo nói chung? Tổng Giáo Chủ của Ukraine (37) vừa tới Rôma chỉ là người sống sót duy nhất của một đạo quân đông vô kể những người bị sát hại. Phương pháp thì nay đã thay đổi: xử bắn hàng loạt, những phiên xử náo động, những vụ mất tích trong đêm và trong những hoàn cảnh bí hiểm không còn nữa. Tuy nhiên, mục tiêu ý thức hệ vẫn y nguyên, việc độc quyền tuyên truyền vô thần cũng thế” (38). Và một bài khác được tường thuật là văn phòng quốc vụ khanh đã thu lượm, cho hay: Nếu Krushchev muốn không bị coi là kẻ thệ thù của Vatican, thì chỉ là vì “những lý do kinh tế, chính trị và tuyên truyền” mà thôi. Ông ta muốn hòa hoãn với “siêu cường” tinh thần này để rảnh tay đối phó với các khó khăn mọi mặt khác (39).

Ngày 7 tháng 3, Alexis Adzhubei, người ngày hôm trước tuyên bố trong một bữa ăn tối ở Rôma rằng mình là “người tuyệt đối vô thần” (40), có mặt tại Vatican cùng với nhiều nhà báo để nghe Đức Gioan XXIII nói về tính trung lập tích cực của Giáo Hội: “Tính trung lập siêu quốc gia toàn diện của Giáo Hội và người đứng đầu hữu hình của nó” (41). Cuối buổi gặp gỡ này, với sự hiện diện của thông dịch viên, Cha Koulic, Đức Giáo Hoàng tiếp riêng vợ chồng Alexis Adzhubei tại thư viện của ngài. Sau cuộc nói truyện, Đức Gioan XXIII thổ lộ với người thư ký của mình như sau: “đây có thể là một ảo tưởng, mà cũng có thể là sợi chỉ mầu nhiệm Chúa Quan Phòng ban cho ta. Trong trường hợp ấy, ta không có quyền giựt đứt nó” (42). Mourin thì cho rằng Mạc Tư Khoa đã dành được thắng lợi vẻ vang: “các tờ báo của cộng sản Tây Phương, nhất là ở Ý, đã khai thác tận mức và cho các mục tiêu riêng của họ buổi yết kiến dành cho Adzhubei cũng như bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng về tính trung lập của Giáo Hội, bằng cách giải thích bài diễn văn này như là ban cho người Công Giáo quyền tự do lựa chọn chính trị, ngược hẳn lại chỉ thị của hàng giám mục. Ở phía đối nghịch, báo chí của phe hữu thì tố cáo cuộc thao dượt của Xôviết nhằm đạt cho bằng được ‘việc giải giới tâm lý’ cho Phương Tây, trong khi con người dưới các chế độ cộng sản tiếp tục sống dưới cùng một khuynh hướng như xưa” (43).

Một tháng sau, khi cho công bố thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới, Đức Gioan XXIII gửi tặng Krushchev một bản đã được dịch sang tiếng Nga (44). Ngày 21 tháng 4, tại Mạc Tư Khoa, khi nói truyện với phóng viên tờ nhật báo Il Giorno của Milan, viên chủ tịch Xôviết này tỏ bầy niềm sảng khoái của mình như sau: “Chúng tôi hoan nghênh lập trường của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về hoà bình… Tôi không phải là một thần học gia, nhưng như tôi có thể nhớ được, thì theo Phúc Âm, Chúa Giêsu Kitô truyền giảng hòa bình chứ không phải chiến tranh. Do đó, tất cả những ai tự coi mình là tín hữu nên ý thức điều này là họ không nên sản xuất ra bom đạn, hỏa tiễn, súng ống và các loại vũ khí khác…” (45). Tờ Izvestia thì công bố rằng khi “can thiệp vào lãnh vực chính trị, Đức Giáo Hoàng chứng tỏ một sự khoan dung nào đó đối với người cộng sản vô thần” (46). Bởi thế, tờ Corriere d’Informazione, cũng của Milan, đã đặt phụ đề cho thông điệp trên là Falcem in Terris (Chiếc Liềm Trên Thế Giới).

Theo người công giáo quá khích, có gì mới trong thông điệp này? Tu viện trưởng de Nantes, trong Thư Gửi Các Bạn Tôi ngày 28 tháng 4 năm 1963 nhận định: Trong Pacem in Terris, Đức Gioan XXIII không nhắc gì tới thế giới Kitô Giáo, không thèm nhắc đến các nguy cơ thế giới ấy đang gặp phải, không lo lắng tới việc cứu các cộng đoàn lịch sử của nó, nhưng đã chính thức nhìn nhận hiến chương nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và ủng hộ một cộng đồng thế giới tự do, bình đẳng và anh em; cái xã hội lý tưởng chỉ có trong tương lai này phải được xây dựng trên thiện chí của mọi người. Theo Tu viện trưởng, cái thế giới anh em ấy chỉ là một không tưởng (utopia) ta không thể đem đất nước của mình, những tin tưởng, các giá trị hiện hữu của mình mà hy sinh cho. Cái thế giới anh em ấy đã được người cộng sản rao bán suốt mấy chục năm qua, kết quả chỉ là việc bành trướng đầy khiếp đảm đế quốc cộng sản, vô nhân đạo nhất trong lịch sử loài người (47).

Theo họ, với chủ trương “vấn đề công bình là luôn phải phân biệt giữa sai lầm và người phạm sai lầm”, Đức Gioan XXIII đã gần như bãi bỏ việc ngăn cấm không được cộng tác với người cộng sản (48). Người ta cho rằng: Tại Ý, hậu quả của thông điệp thấy rất rõ: đảng cộng sản Ý thắng lớn trong các cuộc bầu cử ngày 28 tháng 4. So với cuộc tổng tuyển cử trước đây, cộng sản đã lấy thêm một triệu phiếu từ Đảng Dân Chủ Kitô giáo. Điều ấy không làm Đức Gioan XXIII xao xuyến. Ngài hình như chắc mẩm Giáo Hội đã hết kẻ thù và giờ hòa giải đã điểm. Chính ngài nói với các sinh viên ở Học Viện Nga (Russicum) rằng nhân dân Nga “hiện nay cần được thông hiểu và chinh phục bằng các bằng chứng của tình anh em, của lòng dịu dàng và hòa bình” (49).

Người công giáo quá khích cho rằng lối suy nghĩ không tưởng này đã rơi vào ý thức hệ cộng sản: bề ngoài thì cổ vũ sống chung hòa bình, mà bên trong thì tìm cách tiêu diệt thế giới Kitô giáo. Thời của Đức Gioan XXIII là thời sống chung hòa bình với cộng sản thế giới với cái giá cắt cổ bỏ rơi Á Phi, và máu của không biết bao nhiêu tử đạo Kitô Giáo (50).

Nhìn Lui

Nhìn lui, nhận định trên không đúng chút nào. Lịch sử quá trình sụp đổ các chế độ cộng sản toàn trị ở Đông Âu và Nga Sô đã chứng minh điều đó. Nhưng lịch sử không phải chỉ là một khoảnh khắc, dù khoảnh khắc ấy là hai mươi hay ba mươi năm. Các chính phủ thường bảo quản các tài liệu mật của mình ít nhất cũng trong 30 năm mới cho công bố. Vì những nhận định hay phê phán của người đương thời đối với những quyết định tế nhị không luôn luôn mang lợi lại cho quốc gia xét về mặt trường kỳ. Những nhận định của người đương thời về đường lối, chính sách của Đức Gioan XXIII, nếu nhìn trở lui từ góc cạnh ngày nay, ta thấy quả là hẹp hòi. Tiếc thay, hiện vẫn còn những cái nhìn như thế đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng. Bài học lịch sử nào cũng cần dò tìm mới ra, ít khi nằm chình ình một đống. Nếu không đã chẳng có những sai lầm đáng tiếc.

Ai cũng gán cho Đức Gioan Phaolô II công phá sập các chế độ cộng sản ở Đông Âu và ở Nga nữa. Và điều ấy không ai chối cãi được. Tuy nhiên, một mình ngài không thể thực hiện được điều đó. Cụ thể nếu không có chuyển biến ngay trong lòng những người cộng sản Nga và Đông Âu, thì làm sao có được những người như Gobachev, Yeltsin và cả những Gomulka (cộng sản quốc gia), Gierek (cộng sản tiêu thụ) và Jaruzeslki… tìm cách chặn bước tiến của đạo quân Xôviết và chư hầu [mà có thật hay không?]? Cái diễn trình thay đổi kia không thể một sớm một chiều mà có được, nó bắt đầu lúc nào, không ai biết, nhưng nhất định Đức Gioan XXIII là một trong những người khởi xướng.

Tất nhiên, ngài không không tưởng như người ta nghĩ. Ngài am tường tình hình bi đát của Giáo Hội lúc ấy. Ngài cũng đau cái đau của hàng giám mục Ukraine, Lithuania, Trung Hoa…Nhưng ngài không hành động theo đơn đặt hàng, hay theo tầm nhìn của người khác. Ngài mò mẫm trong bóng tối đi tìm giải pháp với lòng phó thác hoàn toàn vào Chúa quan phòng. Chủ trương phân biệt giữa sai lầm với người phạm sai lầm của ngài quả thức thời. Sai lầm thì bất biến, mà người sai lầm thì đổi thay. Cá nhân người sai lầm thay đổi đã chậm. Người sai lầm tập thể lại càng cần có thì giờ để thay đổi hơn. Tất nhiên ta không ngồi yên để hòng người ta thay đổi. Ta dấn thân vào việc tạo ra sự thay đổi ấy, dù cho trong đoản kỳ, sự dấn thân ấy phải được mua bằng giá đắt cho bản thân. Đó chính là nét táo bạo của Đức Gioan XXIII. Và sự táo bạo ấy đã thành công rực rỡ, mang lại sự thay đổi tưởng như không bao giờ có. Rất tiếc những người công giáo quá khích như Tu viện trưởng de Nantes, dù nay còn sống, lại đã không nhìn ra sự thay đổi ấy và nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này.

Một điều lý thú: Đức Gioan XXIII bị coi là sống chung với cộng sản thế giới, nhưng chính người phá sập nền toàn trị độc ác của cộng sản Nga và Đông Âu lại là người đưa ngài vào danh sách những người được tôn kính trên bàn thờ khắp Giáo Hội. Người sau chắc chắn không hiểu lầm người trước. Người trước chắc chắn kỳ vọng người sau. Nói thế để biết rằng chống kẻ thù muôn mặt như cộng sản, một chiến tuyến chẳng làm gì nên trò. Phải có cả những chiến tuyến như Ronald Reagan. Tại sao ngày nay, các chiến tuyến lại quay qua bắn nhau để ngư ông cười ha hả hưởng lợi?

Chú Thích

(1) Toute la vérité sur Fatima, vol. 3, p. 88-89; 133-137.

(2) Thông điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1951.

(3) Có người giải thích “cùng cách ấy” là cùng cách như Đức Thánh Cha bị đạn và mũi tên giết chết.

(4) Jean Lefeuvre, Les enfants dans la ville, Témoignage chrétien, Paris, 1956, p. 99-103.

(5) Do Louis Dransard trích dẫn, Vu en Chine, Téqui, 1952, p. 72.

(6) Tu sĩ Peter Zhou Bangjiu O.S.B., Dawn Breaks in the East, Serenity, 1992, p. 57; (7) André Jany, Les torturés de la Chine, Librairie Mignard, Paris, 1959, p. 21.

(7b) Tài liệu về Giáo Hội Miền Bắc Việt Nam lấy của Cha Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, I-III, Calgary-Canada, 2002, các trang 400-460, và của Stephen Denney, The Catholic Church in Vietnam, trong Catholicicsm and Politics in Communist Countries, Sabrina P. Ramet chủ biên, 1990, các trang 272 và tiếp theo.

(8) Documentation Catholic (D.C.), 1956, col. 1244.

(9) Nouvelles de Chrétienté, no. 282, November 24, 1960.

(10) Nouvelles de Chrétienté, no. 350, May 17, 1962.

(11) Hội Nghị 20-11-1961, D. C., 1962, col, 268.

(11b) Georges de Nantes là một linh mục Pháp, chịu chức năm 1948, lập dòng truyền giáo theo tinh thần Charles de Foucauld năm 1958, được giám mục Troyes tiếp nhận nhưng vì không chịu xin Imprimatur cho các Lá Thư Gửi Các Bạn Tôi, nên năm 1963 bị yêu cầu ra khỏi giáo phận này; năm 1966 bị “treo chén” (suspens a divinis), từ đó công khai chỉ trích Giáo Hội qua các cuốn Tố Cáo Vatican II, Tố Cáo (Đức) Phaolô VI và Tố Cáo (Đức) Gioan Phaolô II và lập ra Liên Đoàn Phản Cải Cách Công Giáo (La Ligue de la Contre-Réforme Catholique) năm 1984 đổi thành La Phalange hay Communion Phalangiste, được coi là một giáo phái (secte) theo luật nước Pháp. Năm 1996 có lúc đã chấp nhận lệnh giáo quyền chịu đi ẩn dật tại một đan viện, nhưng năm 1997 lại trở lại đường cũ cho đến nay.

(12) Lettre à mes amis no. 100, January 1, 1962, p. 1.

(13) M. C. de Bragança, Le lendemain de Fatima, Lisboa, 1958, p. 23-24.

(14) Ibid., p. 4.

(15) Trích trong tập san Contre-Réforme Catholique (CRC) no. 341, December 1997, p. 7.

(16) Paul Dreyfus, Jean XXIII, Fayard, 1979, p. 53.

(17) Trích bởi Hebblethwaite, John XXIII, Pope of the Council, Geoffrey Chapman, London, 1985. p. 249.

(18) Ngài cũng không ám chỉ tới thị kiến hỏa ngục. Có người như Giancarlo Zizola còn cho hay trong suốt thời làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII không bao giờ dùng dù “một lần, hạn từ hỏa ngục” (xem D. Chivot, La Croix, March 15, 1997).

(19) D. C., 1962, col. 1572.

(20) Lettre à mes amis no. 63, January 1, 1960.

(21) Lettre à mes amis no. 100, January 1, 1962.

(22) Ostpolitik tiếng Đức có nghĩa là Chính Trị Đối Đông (Eastern Politics) một thuật ngữ được Egon Bahr sử dụng năm 1963 để chỉ cố gắng của Willy Brandt, thủ tướng Tây Đức lúc đó, trong việc bình thường hóa các mối liên hệ với các nước Đông Âu.

(23) Báo Osservatore Romano đăng thông điệp này 3 tuần lễ sau đó, vào ngày 17 tháng 12 năm 1961. Tại Pháp, nó được trích dẫn trong Documentation Catholique năm 1962 cột 28. Các báo chí của phe tả Ý đăng nó ơ ởrang đầu (xem Mourin, Le Vatican et l’Urss, Payot, 1965, p. 247).

(24) Giancarlo Zizola, L’utopie du pape Jean XXIII, Seuil, 1978, p. 136.

(25) Ibid.

(26) P. Hebblethwaite, op. cit., p. 393.

(27) D. C., 1962, col. 2-8.

(28) Ibid., col. 1443-1444.

(29) Zizola, op. cit., p. 161.

(30) Ibid., p. 28; cf. Paul Dreyfus, Jean XXIII, Fayard, 1979, p. 364 and 382. Theo Peter Hebblethwaite, p. 483, Đức Gioan XXIII còn trao cho Adzhubei một số huân chương cho Krushchev vào ngày 7 tháng 3 năm 1962.

(31) Dreyfus, op. cit., p. 382.

(32) Có ý nói đến cuộc nói truyện truyền thanh của ngài dịp Giáng Sinh, phát đi ngày 22 tháng 12, và bài diễn văn của ngài với ngoại giao đoàn. Tờ Pravda, không lâu sau đó, đã đăng tải nhiều trích đoạn trong bài nói truyện truyền thanh nhân lễ Giáng Sinh của ngài. Trong đó, Đức Giáo Hoàng nhắc lại “lời kêu gọi hòa bình và hòa hợp mọi dân tộc… Chúng tôi nài van mọi chính phủ đừng tiếp tục giả điếc trước tiếng kêu tha thiết này của nhân loại. Ước chi họ làm mọi cách trong quyền hạn của mình để duy trì hòa bình” (D. C., 1963, col. 3)

(33) Zizola, op. cit., p. 162-163.

(34) Trích bởi Antoine Wenger, Les trois Rome, Desclée de Brouwer, 1991, p. 120.

(35) Hebblethwaite, op. cit., p. 515, rút kết luận từ Medvedev, Khrushchev, Basil Blackwell, Oxford, 1983.

(36) Trích bởi Mourin, op. cit., p. 257.

(37) Msgr. Josef Slipyj.

(38) Trích bởi Giancarlo Zizola, op. cit., p. 177.

(39) Ibid., p. 178.

(40) Ibid., p. 183.

(41) D. C., 1963, col. 419.

(42) Mourin, op. cit., p. 267.

(43) Ibid., p. 259.

(44) Zizola, op. cit., p. 208.

(45) D. C. 1963, col. 662.

(46) Dreyfus, op. cit., p. 384.

(47) Lettre à mes amis no. 139, 28 April 1963. Cf. Pour L’Église, volume 1, p. 344-348.

(48) Một sắc lệnh của Bộ Tín Lý,công bố ngày 1 tháng 7 năm 1949, cấm mọi hình thức cộng tác với cộng (Toute la vérité sur Fatima, vol. 3, p. 179-180). Tháng 4 năm 1959, trong một thông tư chính thức, Thánh Bộ nhắc lại và làm sáng tỏ sắc lệnh này (cf. Dreyfus, p. 292). Nhưng trong Pacem in Terris, Đức Gioan XXIII cho rằng “Vấn đề công bình là phải luôn phân biệt lỗi lầm và người phạm lỗi lầm, ngay cả trường hợp những người có quan điểm sai lầm và ý niệm thiếu sót liên quan tới tôn giáo và luân lý. Một con người rơi vào sai lần thì anh ta vẫn là một con người; anh ta vẫn giữ phẩm giá nhân bản của mình, một điều ta luôn phải xem sét”. Rồi ngài còn áp dụng cả nguyên tắc ấy vào cộng sản nữa và kết luận rằng chủ yếu đừng lẫn lộn kết án chung chủ nghĩa vô thần của Marx và chính đảng của ông Krushchev, hay các đảng cộng sản Ý hay Pháp, vốn là “những thực tại đang thay đổi, trong diễn trình biến hóa theo hướng đúng” (cf. Pacem in Terris, nos. 156-158, D. C., 1963, col. 541-542). Theo nhà báo Ý Zizola, đoạn này, và dường như cả phần còn lại của thông điệp, không do Đ1ưc cha Pavan viết mà do chính Đức Gioan XXIII viết (Zizola, op. cit., p. 35).

(49) Gioan XXIII, 30 tháng Tư, 1960. Trích bởi Antoine Wenger, Vatican II, première session, Le Centurion, March 1963, p. 21.

(50) Lettre à mes amis no. 161, 1 January 1964.

Vincent Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/luu/duc-gioan-xxiii-voi-bi-mat-fatima-nhin-ra-nguy-co-cong-san/