Trích từ Dân Chúa

Chương III: Giáo Hội (6)

Phạm Hồng Lam

17. CÁC BÍ TÍCH

HOẠ ĐỒ KIẾN TRÚC ĐỜI SỐNG

- Nhiều người trước sau vẫn sử dụng các kiểu nói ki-tô giáo, nhưng chẳng còn hiểu gì về nội dung chúng, chứ đứng nói là sống theo những lời đó. Hãy nhìn vào bảy bí tích. Ngài có lần nói, trong các bí tích đó chứa đựng hoạ đồ kiến trúc cho cả cuộc sống. Và Johann Wolfgang von Goethe*, lớn lên trong giáo dục tin lành, quả quyết rằng, bí tích của Giáo hội công giáo không những là cái “cao cả nhất của tôn giáo”, mà còn là “biểu tượng khả giác của lòng tốt và hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa”.

Trước khi đi vào từng bí tích, tôi tự hỏi: Không hiểu những bí tích đó có ích gì? Bí tích thêm sức, chẳng hạn, đâu có giữ cho thanh thiếu niên khỏi rơi vào nghiện ngập. Hay bí tích hôn nhân đâu phải là bảo chứng cho vợ chồng không ngoại tình, không dối nhau, không bỏ nhau sau một năm sống chung.

Tôi tin rằng bảy phép bí tích thật sự đóng ấn cho cấu trúc và những chặng đường lớn của đời người. Người ta cần cho những thời điểm quan trọng - như sinh ra và chết, trưởng thành và kết hôn – một dấu chỉ nào đó, qua đó chúng nhận được tầm quan trọng, niềm hứa hẹn cho tương lai và như vậy cả sự nâng đỡ.

Nếu chỉ nhìn bí tích dưới khía cạnh hiệu năng và coi chúng như phương tiện giúp con người có được thần lực để hoán cải mình, thì ta sẽ thất vọng. Vấn đề ở đây không phải vậy. Đức tin không phải một thứ gì lơ lửng trong không khí.Nó nhập vào thế giới vật chất. Các dấu chỉ của thế giới vật chất lại giúp ta đụng chạm được với Thiên Chúa. Như vậy, các dấu chỉ là sự biểu lộ tính thể lí của đức tin. Việc thấm nhập giác quan và trí tuệ là sự tiếp nối biến cố Thiên Chúa đã trở thành xương thịt và đã đã tỏ mình ra cho ta qua những dấu chỉ trần thế.

Bí tích, vì thế, là một cách chạm vào chính Thiên Chúa. Nó cho thấy Thiên Chúa không phải là chuyện thuần tinh thần, nhưng Ngài có cộng đoàn và thiết lập cộng đoàn; và Ngài kéo theo cả trái đất và tạo vật vào Ngài, và như vậy, tạo vật cùng các thành tố của chúng cũng trở nên siêu việt.

Cơ bản ở đây là, qua các bí tích, tính cộng đoàn và tính thể lí của đức tin được thể hiện; và chúng còn cho thấy rằng đức tin không phải do ta mà có, nhưng nó đến từ một sự uỷ quyền cao hơn. Các bí tích, cũng như toàn bộ hành động của Chúa, tất cả dĩ nhiên đều được tín thác vào tự do của ta. Và bí tích – cũng giống i như Tin Mừng – không tác động trong ta một cách máy móc, chúng chỉ tác động khi được ta chấp nhận và cùng bước đi với chúng.

GIÁC NGỘ

- Khởi đầu là phép rửa, mà thời Giáo hội nguyên thuỷ cũng gọi là sự giác ngộ. Đó là một nghi thức đầy tôn kính và trịnh trọng, ghi dấu cuộc đời bằng những bài đọc quan trọng. Trong phụng vụ phép rửa, khi trao thánh giá, người trao phép nói: “Tôi chúc lành cho anh / chị bằng dấu thánh giá, để anh /chị nhận ra rằng đức Giê-su yêu qúy anh /chị. – Tôi làm dấu thánh giá trên mắt anh /chị, để anh / chị thấy việc Ngài làm. – Tôi làm dấu thánh giá lên tai anh /chị, để anh / chị nghe được lời Ngài nói. – Tôi làm dấu thánh giá lên miệng anh / chị, để anh /chị đáp trả lại tiếng gọi của Ngài. – Tôi làm dấu thánh giá trên tay anh /chị, để anh / chị hành động như đức Giê-su“. Công thức trên là một biểu tượng. Nó muốn nói gì?

Biểu tượng dịch nghĩa là “trùng hợp với nhau”. Thoạt tiên, biểu tượng là một cách tự giới thiệu. Nó gồm sự kiện như sau: Có hai người, mỗi vị chia nhau một phần – cái triện đóng dấu chẳng hạn - , và hai vị đó đã nhận ra nhau, sau khi so hai phần triện đó có sự phù hợp với nhau. Về sau, biểu tượng mang nghĩa rộng hơn, nó dùng những hình ảnh giác quan để diễn tả một cái gì đó không thể thấy được.

Có nhiều biểu tượng kết tinh trong phép rửa. Người ta đã đưa vào đó những bước căn bản của quá trình dạy và học giáo lí nhập đạo thời xưa. Điều đó cũng ám chỉ rằng, phép rửa đòi hỏi một quá trình giáo lí, nghĩa là đòi hỏi một cộng đoàn cùng học và sống với nhau. Những bước của quá trình đó được tóm lại trong phép rửa. Mở mắt, mở miệng, mở tai. Đó là câu “Ephata“ mà đức Giê-su đã công khai nói với người câm điếc, và rồi miệng và tai người đó đã mở ra và anh ta nói được, nghe được.Cũng vậy,nhờ phép rửa và nhờ cộng đoàn đồng hành, mà người tân tòng được đưa vào gia nhập trong đó, chúng ta hết câm để trả lời Chúa,hết điếc để nghe được tiếng Ngài. Nếu không nghe được Chúa, ta cũng không thể nói được lời đúng đắn,không thể cầu nguyện được với Ngài.Mở tai và mắt trong phép rửa cũng là để biết tập lắng nghe và tập ăn nói trong cộng đoàn sống đức tin, là để ta nhìn thấy được thiên tính trong tạo vật và thiên tính đó nối ta vào với Chúa qua dấu thánh giá.

- Trong Giáo hội cổ, phép rửa là một phần thưởng to tát. Ngoài việc phải qua thời gian học giáo lí, người dự tòng còn phải có hai người lớn làm chứng. Ngài chống lại việc rửa tội trẻ em?

Phép rửa còn có mục đích giúp cho đời người có một í nghĩa vượt lên trên đời sống sinh vật, để họ hiểu rằng cuộc sống này đáng sống. Nhất là giữa thời buổi với tương lai đen tối như hiện nay, ta có thể đặt câu hỏi, là liệu còn có chút đạo đức nào không, khi sinh một đứa trẻ ra đời và như vậy là vứt nó vào một tương lai vô định, muốn sống cho ra người cũng khó? Và quả thật, khi người ta chẳng còn biết có nên làm người nữa không, thì phép rửa chỉ đáng nên làm, nếu như ta hiểu rằng, làm thế là ta trao cho con người mới đó một cái gì hơn thể xác nó, ta trao cho nó một í nghĩa mà ta biết còn mạnh hơn mọi tăm tối của lịch sử. Chính phép rửa đưa con người đó vào chung cộng đoàn với đức Ki-tô.

Như thế thì phép rửa trẻ em rõ ràng nên làm. Nhưng phải xét lại, nếu như không có thời gian học giáo lí đi trước, đây là chuyện thường xẩy ra trong xã hội mất hết tính ki-tô giáo hiện nay. Nếu chỉ coi phép rửa như một nghi thức phải có, như một dịp lễ hội mà thôi, thì phải đặt lại vấn đề. Nhiều người ngày nay coi phép rửa là việc xã hội hoá trong một giáo xứ. Không, nó còn hơn điều đó nhiều; đó là một cuộc tái sinh mở ra những chiều kích sống mới.

- Khoản 849 giáo luật viết: “Việc lãnh nhận phép rửa thật sự, hay ít ra ước ao nhận lãnh nó, cần thiết cho sự cứu rỗi”. Nếu vậy, chết trước khi nhận phép rửa thì sao? Và số phận nào dành cho hàng triệu thai nhi bị giết trong bụng mẹ?

Câu hỏi, phép rửa có cần cho việc cứu rỗi không, càng ngày càng trở nên nóng bỏng trong thời hiện đại. Công đồng Vatican II dạy, những ai trên đường tìm Chúa và mở lòng ra cho cái mà ta gọi là phép rửa, thì cũng được cứu rỗi. Điều đó có nghĩa là việc đi tìm Chúa cũng là một tham dự tinh thần với phép rửa, với Giáo hội, với đức Ki-tô rồi.

Như vậy, câu hỏi trên ngày nay xem ra đã được trả lời. Nhưng câu hỏi về các trẻ chưa lãnh phép rửa vì đã bị giết trong bụng mẹ, càng khiến chúng tôi nóng ruột hơn.

Xưa kia người ta luận rằng, phép rửa ban cho ta ơn nên thánh, nhờ đó ta có thể chiêm ngưỡng Chúa. Việc chưa nhận phép rửa, nghĩa là đang ở trong tình trạng mang tội tổ tông, làm ta không có được ơn nên thánh đó. Các trẻ chết sớm như thế thì không mang tội cá nhân nào, nên không phải sa hoả ngục, nhưng mặt khác vì không có ơn nên thánh, nên không được diễm phúc hưởng nhan thánh Chúa. Các em chỉ được ở trong tình trạng hạnh phúc tự nhiên mà thôi, tình trạng đó ta gọi là lâm-bô (Limbus). Đối với tôi, giáo lí đó thiếu rõ ràng.

Vấn đề trên càng trở nên phức tạp hơn trong thế kỉ 20. Giáo lí kia là một hình thức để biện minh cho việc phải rửa tội trẻ em thật sớm, nhưng lối giải quyết của nó không vững. Rốt cuộc, với thông điệp Tin-mừng Sự-sống (Evangelium Vitae) Giáo chủ đã quyết định thay đổi. Í định này đã được đề cập trước đó trong sách Giáo-lí Công giáo, khi sách viết rằng, Chúa có đủ quyền năng để kéo vào Ngài cả những ai không thể nhận phép rửa.

TRƯỞNG THÀNH

- Theo niềm tin của Giáo hội công giáo, thêm sức là “bí tích để lớn lên trong đời sống siêu nhiên”. Nghĩa là sao? Đâu là tác dụng thật sự của nó ?

Có hai cử chỉ cơ bản nơi phép thêm sức : xức dầu và đặt tay. Đặt tay là dấu chỉ được Chúa che chở và cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Linh. Xức dầu nối kết kẻ nhận phép với chính đấng được xức dầu, là Chúa Ki-tô, và trở thành dấu chỉ Chúa Thánh Linh, đấng tiếp nối cuộc sống của đức Ki-tô. Phép thêm sức hoàn tất phép rửa ; phép rửa nhấn mạnh chủ yếu tới việc nối kết với Chúa Ki-tô, thêm sức nhấn mạnh việc chung sống với Chúa Thánh Linh.

Phép thêm sức cũng nói lên rằng người nhận từ nay là một thành phần tích cực, đầy đủ trách nhiệm trong Giáo hội. Vì vậy mà thời gian gần đây người ta hay gọi đó là bí tích thành niên. Trước đây còn có “tát tai”, gợi nhớ lại nghi thức thành niên ngoài đời. Công đồng Vatican II đã bỏ điểm này. Vì nghĩ là một bí tích thành niên, nên nhiều người hiện nay thường hay nhận trễ, ở tuổi khoảng 16 hay 18. Nhưng cũng có một cái nhìn khác. Các Giáo hội phương đông cho nhận thêm sức cùng một lần với phép rửa (trẻ em). Người ta lí luận rằng, chỉ được phép rước mình thánh Chúa, sau khi đã nhận hai bí tích dẫn nhập là phép rửa và thêm sức, và sau khi đã được nhận vào chung cộng đoàn với đức Ki-tô trong Chúa Thánh Linh.

Thêm sức là một thứ lễ gia nhập, qua đó người thanh thiếu niên làm lễ mừng bước vào giai đoạn trưởng thành, giai đoạn làm người lớn. Thời Trung cổ, tu sĩ dòng An-tịnh Thomas ở Kempen đã viết cuốn sách nhan đề “Theo gương Chúa Ki-tô”, trong đó nói về những qui điều chỉ lối cho ta sống đúng đắn. Sách đó là tác phẩm được nhiều người đọc nhất sau Kinh Thánh. Một vài điều trong đó xem ra xa lạ đối với ngày nay. Nhưng ngay một triết gia cộng sản là Ludwig Marcuse cũng công nhận đó là “nghệ thuật để trở nên tinh sạch». Tu sĩ Thomas viết : “Nhiệm vụ cao cả nhất của mỗi người là học cách nhận chân con người mình”. Và tiếp : “Phải có khôn ngoan và toàn hảo lắm mới có thể tự hạ mình và luôn nghĩ tốt, nghĩ điều cao cả cho người khác”.

Trở về với nội tâm cũng là điều quan trọng cho ngày nay. Một trong những khía cạnh rõ ràng của thêm sức là nó đưa ta ra khỏi cái suy nghĩ thuần chuyện bề ngoài, thuần chuyện thành công và hiệu năng, đồng thời muốn nói cho ta hiểu rằng, ta còn có một nội tâm. Nó nhắc ta, như thánh Phao-lô nói xưa, hãy làm vững con người bên trong của mình. Nội tâm èo uột đang là một trong những vấn nạn lớn của thời đại. Trong í nghĩa đó, có lẽ phép thêm sức quả thật là một đối trọng của khuynh hướng chạy theo bề ngoài, nó giúp cho những gì trong cuộc sống làm người giữ được cân bằng.

Thành công vật chất, trong nền văn minh tân tiến hiện nay, đã trở thành thước đo của mọi giá trị. “Ai cũng có thể làm được”, đó là lời hứa của đạo quân các nhà tâm lí kích-động. Thái độ này gần như trở thành mồi thuốc phiện.

Nó làm cho người ta theo nhau nghiện. Thấy người ta làm được, mình cũng muốn theo. Cha mẹ thấy con cái người khác chải chuốt và có tương lai, dĩ nhiên cũng muốn cho con mình được như thế. Nhưng tôi nghĩ, như thế, là người ta chỉ còn nhìn về một phía. Người ta muốn có thật nhiều, muốn nở mặt nở mày với thiên hạ. Tiếc rằng, chúng ta đã quên mất sự cần thiết của văn hoá nội tâm trong cuộc sống chúng ta.

Lúc này người ta cũng đang thử dùng các phương pháp tĩnh tâm để tìm cách dựng lại một thứ nội tâm nào đó. Nhưng, nhìn chung, những văn hoá tĩnh tâm đó lại thường nhằm để tăng cường khả năng thành đạt bề ngoài. Hoặc đó là những kĩ thuật đổ rác, làm cho con người rốt cuộc chẳng còn chút nội lực thật sự nào nữa. Tôi muốn nhắc lại, chúng ta phải thật sự tìm lại cho mình một nền văn hoá nội tâm mới, phải học lại cách làm sao để “con người bên trong”, chữ của thánh Phao-lô dùng, cùng lớn lên với con người bên ngoài, và làm sao để có được năng lực, hầu có thể chống lại được những cái bên ngoài đi ngược lại với ta.

HÀNH ĐỘNG CỰC THÁNH TẠI NƠI CỰC THÁNH

- Khoảng năm 150 công nguyên, một học giả tên Justinus đã dâng lên hoàng đế Antonius Pius một thỉnh nguyện thư nhằm bảo vệ người ki-tô giáo. Nhờ thư đó ta biết được việc cử hành thánh lễ thời đó. Thư viết : “Vào ngày gọi là Chúa nhật, mọi người trong thành và ở miền quê tụ tập nhau lại. Họ đọc lên cho nhau nghe những điều đáng suy nghĩ của các tông đồ hoặc sách các tiên tri, lâu hay mau tuỳ theo thì giờ họ có. Sau khi nghe xong, người chủ trì yêu cầu mọi người hãy noi theo những điều tốt trong các bài đọc. Sau đó tất cả chúng tôi đứng dậy và cầu nguyện. Sau cầu nguyện, bánh, rượu và nước được mang tới ; người chủ trì lớn tiếng dâng lên lời nguyện và cảm tạ, và dân chúng đồng thanh thưa Amen. Tiếp đó là phần chia các tặng vật. Mỗi người được lãnh một phần của thánh đó. Ai vắng mặt, các phó tế sẽ mang tới cho. Của ăn đó giờ đây gọi là lễ tạ ơn (Eucharistie). Được phép tham dự chỉ những ai coi giáo lí chúng tôi là đúng, đã được tẩy sạch tội lỗi và tái sinh trong bể nước, và sống theo như đức Ki-tô đã dạy”. Cho tới ngày nay, sau 2000 năm, nghi thức đó xem ra vẫn không đổi ?

Vâng, đó là cơ cấu nền tảng của thánh lễ, mặc dù ngày nay một số chi tiết đã được phát triển thêm.

- Có lẽ phải cần một thời gian nào đó để hiểu rằng đằng sau các nghi thức kia còn có một cái gì hơn thế nữa. Cũng như chỉ khi ta đứng từ bên trong nhà thờ mới thấy các tranh kính màu trên cửa sổ nhà thờ rạng sáng. Trước hết, ngài có thể giải thích cho tôi hay về diễn tiến của một thánh lễ ?

Trước hết là phần bài đọc. Người ta tụ họp nhau lại để lắng nghe và nhận lãnh bài đọc, đúng như những gì đã xẩy ra trong Giáo hội sơ khai gần núi Si-nai. Các bài đọc nói tới trong thư trên là của các tiên tri và các thánh sử. Chúng giữ chỗ quan trọng trong thánh lễ, vì, như người ta nói, người ta muốn lắng nghe tiên tri, các tông đồ và đức Ki-tô. Tiên tri ở đây là toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Tông đồ là các tông thư và đức Ki-tô là tin mừng Tân Ước. Như thế, lời Chúa có thể nói gồm ba phần. Justinus viết, sau đó là phần cảnh cáo của vị chủ trì, điều này có nghĩa là có phần giải thích í nghĩa bài đọc, bởi vì lời Chúa do những người không gần gũi với ta viết, nên muốn hiểu cần phải được diễn giảng.

Sau phần căn bản đó của thánh lễ: tụ tập nhau nghe lời Chúa, lời đổi mới, sửa dạy và khai sáng ta, mới đến phần thực sự là lễ tạ ơn. Phần này cũng chia ra ba giai đoạn. Trước hết giai đoạn chuẩn bị của lễ, bánh và rượu. Phần này tượng trưng cho việc ta dâng tạo vật lên cho Chúa. Tiếp đó là lời nguyện cảm tạ. Có nghĩa là vị giám mục hay linh mục đọc lên những gì mà đức Giê-su đã nói ra trong đêm trước ngày chịu nạn. Đó là bài ca lớn ngợi khen Thiên Chúa. Bài ca bao gồm việc cảm tạ Chúa Ki-tô, đồng thời nhắc nhớ lại những gì Ngài đã nói và làm trong những giờ cuối của Ngài – và như thế, bánh và rượu không còn là của lễ của ta nữa, mà biến thành của lễ của Chúa Ki-tô, qua đó Ngài thực sự hiện diện đúng như những lời trong bữa tiệc li. Justinus là một tác giả cổ, ông viết rằng các của lễ đã “trở thành tạ ơn” (eucharistiert). Nói khác đi, bánh không còn là bánh, nhưng thành thịt đức Ki-tô. Rượu chẳng còn là rượu, mà là máu đức Ki-tô. Của lễ như vậy đã biến thành Lời sống động, thành lời của đức Ki-tô, lời cảm tạ của Thiên Chúa.

Cuối cùng, qua cảnh phân phối quà chung góp, Justinus nói tới việc rước lễ và đề ra những điều kiện. Ông cho hay, đây là thánh lễ của những người đã tin. Như Chúa Ki-tô xưa trong bữa tiệc li đã chia sẻ với nhóm mười hai như thế nào, thì nay thánh lễ là cuộc tụ họp của những ai đã tin vào đức Ki-tô, đã qua phép rửa trở thành Giáo hội. Xem thế thì điều kiện tham dự cũng như cơ cấu cuộc lễ đã được hình thành hoàn chỉnh từ xa xưa rồi, và tới nay nói chung vẫn không thay đổi.

- Thánh lễ được xem là hành động cực thánh nhất trần gian diễn ra nơi cực thánh nhất trần gian. Trong bí tích đó có thịt, máu, hồn và cả thiên tính của đức Giê-su. Tôi muốn hỏi thêm một câu thật cụ thể : Phải chăng, với nghi thức trên, mỗi ngày thật sự diễn ra một phép lạ mới ? Việc bánh rượu trở thành mình máu chỉ có thể là một hình ảnh biểu tượng mà thôi.

Không. Giáo hội xác tín rằng đấng Phục sinh hiện diện thực sự trong đó. Điểm này hẳn đã là đề tài gây tranh luận trong nhiều giai đoạn lịch sử của Giáo hội. Cuộc tranh luận lớn đầu tiên xẩy ra trong buổi đầu thời Trung cổ, cuộc thứ hai trong thế kỉ 16. Trong lần sau, Luther vẫn công nhận sự biến hình, trong khi Calvin và Zwingli* cho rằng đó chỉ là biểu trưng, nhưng mỗi người diễn giải mỗi cách, vì thế mà có sự phân rẽ lớn trong nội bộ phong trào Cải cách.

Nhưng Luther tin Chúa hiện diện chỉ trong chốc lát lúc truyền phép mà thôi, còn Giáo hội công giáo tin rằng Chúa tiếp tục ở lại trong của lễ. Bởi vì, nếu bánh và rượu đã “biến hình” thật sự, như vậy nếu của lễ của con người đã biến thành của lễ đức Ki-tô, thì hẳn Chúa cũng đã chiếm hữu hoàn toàn của lễ ấy. Vấn đề này lại được mang ra tranh luận trong thế kỉ này. Nhưng dù có nhiều nhà chú giải Kinh Thánh công giáo không đồng quan điểm với nhau, thì vẫn có những nhà chú giải không công giáo như Käsemann nhất mực bảo vệ sự hiện diện thật sự của Chúa. Ông cho hay, điều đó chính Kinh Thánh đã nói và đã trình bày rõ. Và trên thực tế, Kinh Thánh – và cả lưu truyền của Giáo hội nữa – đã nói rất rõ : Chúa Ki-tô không những trao cho ta những biểu tượng, mà còn thật sự trao cho ta chính mình Ngài. Điều đó có nghĩa : rước lễ là một cuộc gặp gỡ giữa người với người ; qua đó Chúa Ki-tô đi vào trong tôi và tôi được vào trong Ngài.

- Nhưng ai cũng thấy là rượu vẫn còn nguyên rượu…

Đó không phải là một phát biểu vật lí. Chưa bao giờ Giáo hội xác quyết rằng, có một cái gọi là biến đổi vật lí sẽ xẩy ra. Biến hình ở đây mang một chiều sâu khác. Truyền tụng bảo rằng đó là một hành vi siêu hình. Bánh và rượu thuần vật lí đã được Chúa Ki-tô chiếm lấy và làm chúng biến đổi trong tận cùng sâu thẳm, và Chúa thực sự đã hiện mình trong đó.

- Và khi một người rước mình thánh Chúa bằng cách đó, bí tích cực thánh này sẽ tác động thế nào trên người đó ? Hoặc ít ra nó có thể tác động ra sao?

Cả ở đây nữa, chúng ta cũng nên bỏ đi lối suy nghĩ xem mọi chuyện đều là phép lạ hoặc ma thuật. Đây là một diễn biến nội tâm cá nhân. Đấng phục sinh, mà giờ đây đang hiện diện trong bánh rượu kia, không phải là một sự vật. (Chữ “thịt và máu” luôn nói lên tính cách toàn thể của đấng Nhập thể, đấng vẫn giữ nguyên hình hài con người trong thế giới mới của phục sinh). Tôi không rước lấy một phần Chúa Ki-tô. Hiểu như thế quả là vô lí, nhưng đây là một diễn biến nội tâm. Chính Ngài tỏ lộ cho tôi và muốn đồng hoá tôi làm một với Ngài.

Thánh An-tịnh tin rằng ngài đã nghe câu này trong một thị kiến :”Hãy ăn ta, ta là bánh của kẻ mạnh”. Với câu đó, đức Giê-su muốn nói một điều trái ngược với sự thường. Khi ta ăn gì, của ăn đó bị tiêu tán và trở thành một phần của cơ thể ta. Nhưng với đức Giê-su thì khác : Ăn Ngài vào thì Ngài sẽ hoà tan ta vào trong Ngài. Ngài là kẻ mạnh hơn, Ngài sẽ đồng hoá ta vào Ngài. Như đã nói, đó là một diễn biến nội tâm. Trong cuộc trao đổi này, ta là người được nhận lãnh. Ta được trở nên ngang bằng với Chúa, được trở nên giống như Ngài. Và đây mới chính là quá trình giao tiếp: Ta để cho Chúa kéo vào Ngài, kéo vào chung làm một với Ngài, và rốt cuộc nhờ đó tâm hồn ta được trở nên giống Ngài.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/chuong-iii-giao-hoi-6/