Trích từ Dân Chúa

Chương III: Giáo Hội (4)

Phạm Hồng Lam

QUẢ LÀ MỘT THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG.

- Về những yếu tố cơ bản giúp ta hiểu sự thành công ban đầu của Ki-tô giáo, tôi hiểu như vầy: Thứ nhất đó là sự tinh ròng của đức tin ki-tô giáo, rồi tới cái dễ hiểu của nó, và cuối cùng là yêu sách đạo đức của đạo này, một tôn giáo đã làm sống lại các định đề triết học khắc kỉ một cách trong sáng dễ hiểu trước một thế giới đã mục nát. Và nhất là Ki-tô giáo đã mang lại một yếu tố hoàn toàn mới lạ vào thời điểm đó, đó là bác ái ki-tô giáo; đây được coi là một chứng thực của đức tin, thể hiện qua việc chăm sóc những người đau khổ, một điều từ trước tới giờ chưa hề có. Yếu tố này làm cho bộ mặt Thiên Chúa trở nên thật đáng tin. Qua nó, người ta nhận ra đó là một Thiên Chúa mới và thật.

Trong tương quan với ngoại giáo, đã có nhiều diễn tiến phức tạp. Xét chung, cuộc truyền giáo không thống nhất. Đã có những nhà truyền giáo cuồng tín, họ đập phá các đền thờ ngoại giáo, coi đó là những thứ phục vụ ngẫu thần, cần phải dẹp triệt để. Người ta thấy có điểm tương đồng nơi triết học của dân ngoại, nhưng nơi tôn giáo họ thì không, vì nó xem ra nặng tính chất thoả hiệp.

Lúc đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô khôn ngoan muốn vận dụng sự liên tục của lòng đạo nơi con người vào lối truyền giáo của mình, thì tôn giáo của lương dân từ lâu đã chẳng còn là một lực cạnh tranh nữa. Nó đã kiệt sức từ lâu rồi. Tuy nhiên, lệnh của Grê-gô-ri-ô yêu cầu bảo tồn sự tiếp nối những gì thánh thiêng đã trở thành một quy luật ki-tô giáo. Cái nhìn của ngài thật thâm sâu. Ngài hiểu rằng, các tôn giáo tiền Ki-tô giáo, dù mang nhiều nội dung trái ngược, vẫn là một tìm kiếm, một ngưỡng vọng về Thượng đế. Vì thế, thay vì cắt đứt những tâm tình tín ngưỡng trong sáng này, ta nên tìm cách nối vào chúng và làm biến đổi chúng. Như vậy, mình vẫn ở trong cái liên tục của không gian thánh thiêng, nhưng đã đưa vào đấy một nội dung mới.

- Năm 1492, với con thuyền Santa Maria, Christophus Columbus đã tìm ra tân thế giới. Ông đặt tên cho hòn đảo nơi đặt chân đầu tiên là San Salvador. Đó là khởi đầu của một cuộc truyền giáo vô tiền khoáng hậu, Ki-tô giáo hoá toàn lục địa châu Mĩ. Cuộc truyền giáo ở châu lục này, dĩ nhiên, đã không hẳn chỉ có vinh quang. Bên châu Phi, mãi cho tới trong thế kỉ 19, Ki-tô giáo vẫn bị Islam cản bước ở miền bắc và đông bắc. Cả Ấn-độ và Trung-hoa, hai vùng đông dân nhất thế giới, Ki-tô giáo cũng chưa bén rễ được. Tại sao?

Anh nói đúng, Ki-tô giáo trong hai vùng văn hoá lớn Ấn-độ và Trung-hoa vẫn chỉ mới tạm có mặt hoặc chỉ mới thành công trên một vài nơi nhất định. Trong thế kỉ thứ 5 và 6, các đoàn truyền giáo thuộc phái Nestorius đã xuống tới Ấn và Trung-hoa. Họ đã để lại đó dấu vết và có lẽ cả ảnh hưởng trên việc tổ chức Phật giáo, nhưng rồi lại biến mất. Tại sao? Theo tôi – mà có thể cũng rất sai – là vì hai nơi đó đã sẵn có một nền văn hoá cao rồi. Trong khi các tôn giáo bộ lạc ở Phi châu, khi đối diện với các nền văn minh lớn, đã mở ra để đón nhận cái mới – mà cũng bởi vì chúng chỉ là những văn hoá bộ lạc, nên chúng phải biến đi -, thì ở Ấn và Trung ta có những nền văn hoá cao, trong đó tôn giáo, nhà nước, trật tự xã hội – chẳng hạn như lối phân cấp xã hội mang tính tôn giáo ở Ấn - quyện vào nhau không rời và những nền văn hoá đó cũng bước đi trên một tầm mức tinh thần cao và lớn. Ấn-độ và cả Trung-hoa có một triết lí tôn giáo cao. Việc chuyển tiếp sang Ki-tô giáo ở đó khó hơn, là vì người ta nghĩ rằng, họ đã có sẵn một hình thái tối ưu rồi, trong đó sự tổng hợp của nhà nước, triết lí, lí trí và tôn giáo đề kháng lại những gì lạ từ ngoài vào. Tuy nhiên, ở đây ta phải nói thêm, sự có mặt của Âu châu từ thế kỉ 19 đã làm bộ mặt Ấn giáo biến đổi nhiều. Những gì do các khuôn mặt quen thuộc như Ghandi hay Radha Krishan loan báo, chẳng còn mang tính chất ấn giáo thuần tuý nữa, nhưng là một Ấn giáo pha trộn nhiều yếu tố ki-tô giáo. Rõ ràng, Ki-tô giáo đã không thể bám rễ được, nhưng nó là một thứ lực đổi mới được Ấn giáo hút vào cho mình.

- Trường hợp ngoại lệ: Hàn quốc. Hình như thông điệp đức Ki-tô đã trực tiếp đi vào lòng người ở đây mà không do các thừa sai. Chuyện đó xẩy ra thế nào?

Đã có một nhóm người Hàn theo học ở Trung-hoa và họ đã tiếp xúc với các linh mục ki-tô giáo. Từ động lực ban đầu đó, khi trở về quê hương, họ tự học Kinh Thánh, xác tín rằng đó là lời Chúa thật và đã cố gắng mang Lời đó ra thực hành – nhưng luôn với tâm vọng là được nối kết với Giáo hội hoàn vũ. Thoạt tiên, tâm vọng đó đã không đạt được, và trải qua nhiều thời kì họ bị bách hại nặng nề.

Quả thật đó là một diễn biến lạ lùng. Một đàng, động lực đưa họ tìm về Đạo là Giáo hội sống động chứ không phải chỉ có Kinh Thánh. Nhưng mặt khác, khi đã bị đánh động, họ quay ra tìm hiểu kinh sách. Và cuộc gặp gỡ kinh sách đã đưa họ vào Đạo, nhưng không phải giữ Đạo trong tâm tưởng, mà đã trở thành cộng đoàn nối kết chặt chẽ với Giáo hội sống động.

- Sẽ còn có người ở đất Á châu vào Đạo? Hay cánh cửa vùng này đã được khép lại?

Tôi nghĩ, ta không nên đóng khung hi vọng. Như ta thấy đó, nhờ qua các trí thức Ấn mà men ki-tô giáo đã dậy được trong Ấn giáo. Con số những người Ấn kính thờ và yêu mến đức Ki-tô - thoạt tiên người Ấn coi đức Ki-tô chỉ là một trong nhiều vị thần cứu độ - lớn không thể tả, lớn hơn nhiều so với con số tín hữu ki-tô giáo.

Nước Nhật tỏ ra đặc biệt khó khăn đối với Ki-tô giáo. Dân Nhật thích học trường ki-tô giáo, thích phong tục ki-tô giáo, ngay cả thích được làm phép cưới trong nhà thờ công giáo, nhưng tinh thần của người Nhật thì lại dị ứng với Ki-tô giáo. Trung-hoa thì đang nằm dưới quyền lực í hệ. Í hệ này được coi là lực duy nhất để đoàn kết dân, giữ bản sắc dân tộc và tạo đà cho họ tiến vào thế giới. Nhưng nơi đây cũng có tín hữu dấn thân lạ lùng cho Chúa Ki-tô, có thể nói họ là men trong bột. Vì vậy có thể nói lịch sử chưa chấm dứt trên miền đất này.

Hẳn có nhiều vùng Á châu hiện chống lại Ki-tô giáo rất mạnh, coi đó là Đạo ngoại bang. Ta đã thấy lòng thù hận ở Ấn đối với Giáo chủ công giáo như thế nào, đã thấy dân ở đó chống í niệm cải đạo và phúc âm hoá ra sao. Phản ứng thật gay gắt. Nhưng cũng có thể hiểu như vầy, sở dĩ người ta chống, là vì người ta cảm thấy đó là một sức mạnh thật sự. Hiện lúc này chưa thể có được một dự đoán tương lai nào, nhưng ta cũng không nên bực dọc mà bảo rằng miền đất đó đã có chủ.

- Trên nhiều quốc gia vẫn không ngừng xẩy ra những cuộc bách hại Ki-tô giáo, mà dư luận phương tây chẳng quan tâm gì tới.

Vâng, trên nhiều quốc gia. Ta đã thấy ở Trung-hoa, đã chứng kiến ở Việt-nam, trên toàn vùng đông dương. Ta cũng thấy diễn tiến đang trên đà nguy hiểm ở Ấn-độ. Ta thấy sinh lộ của đức tin luôn phải trả bằng giá máu.

GIÁO CHỦ

- Nhiều người cho rằng Giáo hội là một cỗ máy quyền lực ghê gớm.

Đúng, nhưng người ta phải hiểu cho rằng cơ cấu đó là để phục vụ. Giáo chủ không phải là kẻ trị vì tối cao – mà, nói như đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô, là : “người phục vụ tất cả những kẻ phục vụ Thiên Chúa”. Tôi muốn nói rằng, ngài là kẻ bảo đảm cho sự vâng lời, để Giáo hội không bị uốn theo í muốn con người. Chính giáo chủ cũng không thể nói, tôi là Giáo hội, hay tông truyền là tôi, mà trái lại, ngài bị trói buộc, ngài là biểu tượng của sự trói buộc đó của Giáo hội. Nếu trong Giáo hội nẩy ra cám dỗ muốn làm khác đi, muốn bỏ bớt đi cho thoải mái, thì ngài là người sẽ tự hỏi, chúng ta có được phép làm như thế không?

Giáo chủ không phải là một cơ quan, để người ta thông qua đó mà thay đổi Giáo hội, nhưng ngài là bức tường bảo vệ chống lại sự chuyên quyền. Lấy một thí dụ: Theo Tân Ước, hôn nhân là bí tích không thể tháo gỡ. Giờ đây, nhiều người bảo rằng, giáo chủ đương nhiên có thể sửa điều đó. Không, ngài không thể sửa được. Tháng 2 năm 2000 ngài đã đọc một diễn văn quan trọng trước các quan toà Rô-ma, và cho biết, trước trào lưu muốn tháo gỡ mối dây ràng buộc đó, ngài không thể làm tất cả những gì mình muốn, mà trái lại, phải luôn nhắc nhở chúng ta về sự vâng lời, hay cũng một í nghĩa đó nhưng nói cách khác, là ngài phải tiếp tục thi hành động tác rửa chân.

- Ghế giáo chủ là một trong những định chế mê hoặc nhất trong lịch sử. Bên cạnh những hoàng kim, lịch sử cũng cho thấy những hố thẳm của định chế đó. Chẳng hạn Biển-đức thứ IX bị cách chức nhiều lần và đã là giáo chủ thứ 145, 147 và 150 trong Giáo hội. Ngài nắm giữ vai trò này lần đầu tiên lúc mới 12 tuổi. Vậy mà Giáo hội vẫn cứ trung thành với chức vụ đại diện Thiên Chúa trên trần gian đó.

Với cái nhìn thuần tuý lịch sử thì ghế giáo chủ quả thật là một cái gì lạ lùng. Nó là thể chế quân chủ duy nhất - nếu có thể nói được như thế - đứng vững suốt gần hai ngàn năm, chuyện không thể hiểu được. Nhưng tôi muốn nói, có một bí mật còn lớn hơn, đó là sự tồn tại của dân Do-thái. Còn ghế giáo chủ, sự tồn tại lạ lùng của nó cũng bắt mình phải đặt câu hỏi. Anh đã nói tới một thí dụ tiêu cực của định chế đó, và nó đã phải trải qua bao nhiêu chấn thương nặng nề, lẽ ra theo xác xuất lịch sử thì nó hẳn đã phải tiêu vong, không phải chỉ một lần. Tôi tin Voltaire* đã nói như thế này, đây là lúc Dalai Lama của Âu châu phải biến đi và nhân loại sẽ được giải thoát khỏi ông ta. Nhưng, như anh thấy đó, mọi chuyện vẫn cứ tiếp tục. Điều đó cho thấy rằng, sự tồn tại của nó không phải do khôn khéo của cá nhân các giáo chủ - nhiều vị đã ra công giật sập nó nữa là khác – nhưng là do một sức mạnh nào đó đứng đàng sau. Đó chính là sức mạnh đã được hứa cho Phê-rô. Quyền lực của hạ giới, của sự chết sẽ không thắng nổi Giáo hội.

- Chúng ta đã bàn về chuyện bất khả ngộ. Tại sao tín điều đó được hình thành quá trễ như vậy?

Trước hết phải hiểu là có một học thuyết về vai trò Phê-rô – và đặc biệt là việc hành xử vai trò đó – đã hình thành rất sớm. Trong lá thư của giáo chủ Klê-men-tô I viết khoảng năm 90 cho giáo đoàn Kô-rin-tô – giáo đoàn này đang có cơ tách ra khỏi tập thể -, ta đã thấy có đề cập tới trách nhiệm của Giáo hội ở Rô-ma và của giáo chủ Rô-ma rồi. Trách nhiệm đặc biệt đó lại thể hiện rất rõ vào thế kỉ thứ hai trong cuộc tranh luận về lễ phục sinh. Tính cách trung ương của Rô-ma đã từng bước lớn lên trong Giáo hội, và nói chung, nó được tập thể công nhận.

Cuối cùng, công đồng Ni-xê năm 325 đã nói tới ba vị trí ưu quyền trong Giáo hội, đó là Rô-ma, Alexandria và Antiochia. Rô-ma luôn được nói tới đầu tiên, và hai ghế giáo chủ kia cũng luôn có mối liên hệ với Phê-rô. Trong danh sách tham dự viên các công đồng, các đại biểu của Rô-ma cũng luôn được ghi tên trên cùng. Rô-ma được kính trọng như là prima sedes, vị trí ưu tiên, và chính công đồng Ni-xê đã làm vững thêm hệ thống đó.

Lịch sử các công đồng kế tiếp càng cho thấy rõ nhiệm vụ đặc biệt của giáo chủ Rô-ma. Thời đó, giám mục Rô-ma không cai trị với một giáo triều hoàn vũ liên tục như ngày nay, nhưng mỗi khi có nguy biến, ngài lại có một nhiệm vụ đặc biệt. Trong cuộc khủng hoảng, mà chút nữa giáo lí của Arius* sém trở thành giáo lí chung cho Giáo hội, thánh Anasthasius đã coi giáo chủ là tụ điểm phải theo. Và còn nhiều lí chứng khác nữa.

Năm 1054 Giáo hội phía đông và tây tách rời nhau. Phía đông vẫn công nhận vai trò đặc biệt của Rô-ma, sự công nhận đó đã không được phía tây nhìn ra một cách đúng đắn. Kể từ sau ngày phân rẽ, bên Rô-ma đẩy mạnh tư tưởng về ưu quyền, nhất là với Grê-gô-ri-ô VII. Tư tưởng này được tăng cường với việc xuất hiện các dòng tu ăn xin, khi họ quay về với giáo chủ Rô-ma. Số là các dòng này không thuộc vào một giáo phận nào cả, nên họ cần phải có một cơ quan hoàn vũ chung. Và chỉ có cơ quan chung này mới có thể tổ chức được một giới linh mục và các phong trào trải rộng khắp Giáo hội và, qua đó, tạo điều kiện cho công cuộc truyền giáo về sau.

Học thuyết ưu quyền được hình thành từng bước vừa qua lí thuyết lẫn thực hành. Nó đã được diễn tả thành văn ở công đồng Firenze trong thế kỉ 15, nhưng cũng đã được nói đến cả trong công đồng Lyon vào thế kỉ 13. Trong công đồng Trento, người ta phải bàn quá nhiều chuyện liên quan tới khủng hoảng tin lành, nên cuối cùng đề tài phải dành lại cho công đồng Vatican I. Nhưng tại đây nhiều người đã ngỡ ngàng, vì nội dung đề tài đã được trình bày quá chặt. Ta biết rồi, nhiều giám mục đã bỏ ra về sớm để khỏi phải kí tên. Tuy nhiên, số nghị phụ thiểu số đó vẫn công nhận bản chất học thuyết ưu quyền không phải là một cái gì xa lạ với đức tin công giáo, và học thuyết này cũng có nền tảng Kinh Thánh qua các lời hứa của Chúa với Phê-rô. Thật ra, người ta đã trình bày tín điều với một sự chính xác mới bằng một hình thức hơi quá mức mà thôi, chứ nó chẳng phải là gì mới. Nội dung của nó chỉ là gom nhặt và cụ thể hoá những gì đã diễn tiến và thành hình trong suốt lịch sử.

- Phê-rô có lẽ đã không nghĩ rằng, mình sẽ để lại cho những người kế vị một việc làm quá nặng nề đến như thế: Là giám mục giáo phận Rô-ma, giáo chủ phải giải quyết những vấn đề tại chỗ. Trong tư cách nguyên thủ quốc gia trên “ngai thánh”, ngài phải điều hành công việc của thành quốc. Lại vừa phải giải quyết chuyện của Giáo hội hoàn vũ với tư cách là đức Thánh cha. Phải soạn diễn văn, thư chung, bài giảng, tiếp các loại khách lớn nhỏ. Rồi với những Bộ, Toà án, Uỷ ban, Hội đồng về giáo lí đức tin, phụng vụ, kỉ luật, giáo dục… Rồi cả hàng trăm nhà dòng mẹ, hơn một trăm học viện v.v. May có đoàn hồng i như là ban cố vấn thượng thặng gồm những chuyên gia từ mọi vùng văn hoá, dày kinh nghiệm suy tư và chính trị. Nhưng mỗi ngày văn phòng đổng lí lại nhận được cả thùng đầy ắp giấy, mỗi tờ là một vấn đề cần giải quyết. Các giám mục khắp nơi tới tấp gởi về những câu hỏi có khi thật nặng đầu. Bên cạnh đó, giáo chủ còn có cuộc sống tâm linh với giờ nguyện, giờ chầu và công việc cá nhân riêng tư. Giáo hội hoàn vũ càng ngày càng lớn ra – như vậy vai trò và ghế giáo chủ có phải thay đổi không?

Vấn đề điều hành công việc thay đổi theo thời gian. Thế kỉ thứ 8 khác thế kỉ 15, và thế kỉ 15 lại khác thế kỉ 20. Nhiều điều anh vừa kể không hẳn phải như vậy. Hãy bắt đầu với quốc gia Vatican: Đó chỉ là một khung hình hỗ trợ. Tự thân giáo chủ không cần quốc gia, nhưng ngài cần tự do, cần bảo đảm cho sự độc lập thế quyền, ngài không được phục vụ cho một chính quyền nào cả.

Tôi dám cả quyết rằng, sở dĩ ngôi vị giáo chủ ở Rô-ma triển nở được, là nhờ chế độ quân chủ với Konstantinus đã dời đô về Byzanz. Nhờ đó giáo chủ mới có được tự do cần thiết. Tôi coi lập luận cho rằng, nhờ có sự hiện diện bên cạnh của chính quyền quân chủ nên vị thế giáo chủ mới lớn lên được, là hơi ngược đời. Trong ba thế kỉ đầu, Rô-ma là chốn chắc chắn nhất để các tín hữu đi vào tử đạo. Cũng vì vậy mà giáo chủ thời đó được coi là những ứng viên tử đạo. Chỉ sau khi hoàng triều dời đô sang phía đông, tạo nên ở Í khoảng trống quyền lực, thì một thứ độc lập tinh thần đã xuất hiện, và nhờ đó mà giáo chủ chẳng còn phải trực tiếp suy phục một thế quyền chính trị nào nữa cả. Về sau, Quốc-gia Giáo-hội hình thành, kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy bất hạnh. Và Quốc-gia đó đã kéo dài cho tới năm 1870. Ngày nay nhìn lại, ta phải cám ơn Chúa là nó không còn nữa. Thay thế nó, nay ta có một khung hình mới là thành quốc tí hon Vatican. Quốc gia này chỉ có mỗi một nhiệm vụ là giữ cho giáo chủ được tự do trong công việc của ngài. Mô mẫu thành quốc này còn có thể đơn giản hoá thêm được nữa không, hãy chờ xem.Có những điều khác, mà anh kể ra, cũng không hẳn như vậy. Không phải tất cả các nhà dòng mẹ đều có mặt ở Rô-ma. Và giáo chủ phải ra bao nhiêu tông thư, phải viết bao nhiêu diễn văn, cái đó tùy trường hợp và cũng tuỳ tâm tánh mỗi vị. Dù vậy, ngài vẫn còn có quá nhiều chuyện phải làm. Bao nhiêu là cuộc gặp gỡ để giữ liên lạc với Giáo hội hoàn vũ; bao nhiêu là chuyện phải quyết định ; rồi làm sao còn phải dành giờ cho việc tâm linh, cho kinh nguyện – cả là một vấn nạn lưỡng nan.

- Nhưng ngày nay cũng có nhiều phương thức lãnh đạo hoàn toàn mới?

Chúng tôi đang nghĩ xem việc tản quyền có thể giúp giảm bớt được lượng công việc không. Chính Giáo chủ trong Tông thư về đại kết đã mời gọi mọi người đóng góp í kiến về vai trò giáo chủ và tổ chức giáo triều. Đã có nhiều vị cho í kiến. Cựu tổng giám mục Quinn của giáo phận San Francisco, chẳng hạn, đã đề cập rất nhiều về việc tản quyền. Chắc chắn có thể tiến hành được nhiều chuyện. Tuy nhiên, tôi cho rằng các chuyến thăm viếng ad limina của các Hội đồng giám mục là rất quan trọng, đó cũng là dịp cho những chạm mặt, gặp gỡ. Cần có chúng để tăng cường mối đoàn kết trong Giáo hội. Thư từ không thể thay thế được những gặp gỡ. Không có gì thế được những cuộc trao đổi, bàn luận, nhìn nhau, lắng nghe nhau.

Vì thế, tôi có thể nói, những hình thức gặp gỡ cá nhân bất nghi thức mà Giáo chủ hiện nay đang thực hiện, sẽ mang tầm quan trọng trong tương lai. Chúng quan trọng, cũng là vì nếu không có gặp gỡ cá nhân – xuyên qua mọi vấn đề và mọi thách đố văn hoá – thì không thể hiểu nhau, không thể đoàn kết với nhau được.

Ngày nay, sau những đắn đo suy nghĩ, càng ngày người ta càng nhận ra nhu cầu về một tụ điểm đoàn kết, một tụ điểm gần như vai trò giáo chủ hiện đang đóng. Anh em tin lành nay bảo rằng nên có một biểu tượng thống nhất, một phát ngôn viên cho thế giới ki-tô giáo. Và một số trong họ nói, nếu như chức vụ giáo chủ được thay đổi thích hợp thì họ có thể chấp nhận. Dù sao, như anh nói, đó là một “việc vượt sức người”, tưởng như không thể kham nổi. Song mặt khác, việc đó vẫn có và phải có – nhưng với ơn Chúa, mình cũng có thể vượt qua được.

- Tản quyền – có nghĩa trong Giáo hội công giáo cũng sẽ có việc chia thành các vùng thượng phụ?

Trước đây tôi nghĩ phải tổ chức thành các đơn vị châu lục lớn, nhưng quan điểm này càng ngày tôi thấy càng không đứng vững. Vùng thượng phụ có nguồn gốc liên quan tới địa điểm phát xuất của mỗi tông đồ. Nhưng công đồng Vatican II đã chọn các Hội đồng giám mục làm hình thức tổ chức cho các vùng lớn. Và trên đó lại có các Thượng hội đồng châu lục. Châu Mĩ la-tinh, châu Phi, châu Á hiện đã có Thượng hội đồng với những cơ cấu tổ chức khác nhau. Có lẽ đó là những cơ cấu thích hợp cho ngày nay. Dù sao, phải có cơ cấu cho sự hợp tác vùng, nhưng chúng phải được tổ chức linh động để tránh biến thành những bộ máy quan liêu, cửa quyền. Hẳn các kết hợp vùng đó sẽ có thể cáng đáng cả những công tác của Rô-ma.

- Ngài có nghĩ rằng một ngày nào đó giáo chủ công giáo lại cũng được nhìn nhận bởi Giáo hội Tin lành, Chính thống và Anh giáo?

Đã có một cuộc đối thoại thần học trên hình thức với Giáo hội Chính thống, nhưng chưa dám đề cập tới đề tài nóng bỏng đó. Một mặt, ưu quyền của giáo chủ Rô-ma không hẳn xa lạ đối với truyền thống chính thống, vì trước đây Rô-ma luôn được công nhận ở vị trí hàng đầu. Nhưng mặt khác, ưu quyền đó đi ngược lại cơ cấu tự trị quốc gia của bên Chính thống. Có rất nhiều tế nhị lịch sử cản ngăn hoặc gây khó khăn cho việc công nhận. Có lẽ có một số lãnh vực bớt phức tạp hơn. Khó hi vọng có một thành công nhanh chóng, nhưng phải cố gắng đi tới mục tiêu đó.Anh giáo trả lời lại tông thư đại kết của Giáo chủ với một viễn kiến về vị trí và vai trò của giáo chủ theo cái nhìn của họ. Đó là một bước xích lại gần Rô-ma. Và với Anh giáo, đang có một cuộc đối thoại về “Uy quyền trong Giáo hội”, nhưng trong cuộc đối thoại này vấn đề công nhận đã không được đặt ra. Cũng đã có những tiến bộ trong đề tài đối thoại, nhưng vẫn còn nhiều rào cản dựng lên từ nguồn gốc lịch sử của Anh giáo. Chờ xem.Tin lành là một đại lượng phúc tạp. Một bên, có những Giáo hội truyền thống như Tin lành phái Luther, phái methodisch, phái presbyterianisch và v.v. Nhiều nơi trên thế giới họ đang rơi vào khủng hoảng. Ở những nơi đó, trọng lượng của họ đang chuyển sang các phong trào evangelical, pentecostal* và bảo căn. Sức sống đức tin các nhóm mới này đang nở rộ và đẩy những phái truyền thống vào hậu trường. Tổ chức Evangelical và bảo căn đã là hai đối thủ cổ điển chống lại Giáo chủ Rô-ma. Nhưng gần đây hai tổ chức này đã có những thay đổi ngoạn mục, vì họ nhận ra Giáo chủ quả thật là tảng đá biểu trưng chung, vì ngài cũng như họ chống lại áp lực của tân tiến đang đè nặng trên Ki-tô giáo. Trên một bình diện nào đó, họ xem Giáo chủ là một đồng minh, mặc dù các dè dặt trước đây vẫn chưa hết. Tóm lại, bức tranh đang chuyển động. Chúng ta tin tưởng vào những điều có thể hi vọng, nhưng cũng cần kiên nhẫn.

(còn tiếp nhiều kỳ).

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/chuong-iii-giao-hoi-4/