Trích từ Dân Chúa

Chương II: Đức Giê-Su Ki-Tô (11)

Phạm Hồng Lam

- Bài giảng trên núi không nhất thiết phù hợp với những suy nghĩ thông thường. Nó còn phản lại định nghĩa của ta về hạnh phúc, về giá trị, về quyền lực, về thành công hoặc công lí. Rõ ràng đức Giê-su có những phạm trù khác. Vào cuối bài giảng Ngài còn tóm tắt cho người nghe biết cái gì thật sự quan trọng, có thể nói đây là một lề luật của các lề luật, đây là luật vàng của cuộc sống: “Như vậy, tất cả những gì các ngươi mong kẻ khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ! Lề luật và các tiên tri là đó”.

Luật vàng đã có từ trước thời đức Ki-tô rồi, nhưng nó được diễn tả một cách phủ định: “Cái gì ngươi không muốn người khác làm cho mình, thì cũng đừng làm cho kẻ khác”. Đức Giê-su đã chuyển nó lên thành thể xác định, thể này dĩ nhiên mang yêu sách cao hơn. Ngài nói, những gì ngươi muốn người khác làm cho mình, thì cũng hãy làm cho họ. Đó có thể nói là một thách đố cho trí tưởng tượng sáng tạo của tình yêu. Như vậy, luật vàng trở thành Luật Tự do; thư thánh Gia-cô-bê đã tóm tắt bài giảng trên núi, mà cũng là tóm tắt toàn bộ thông điệp của đức Giê-su, như thế. Sở dĩ gọi Luật Tự do là vì thông điệp đó rốt cuộc đã mở ra một không gian lớn vô tận, trong đó lực sáng tạo của sự thiện có thể triển nở.

Tôi tin cái tuyệt vời ở đây là người ta không còn phải hỏi: ai đã làm gì cho ai khi nào ra sao, không còn phải bận rộn với những cái khác biệt. Mà trái lại, người ta thấy được cái gì cơ bản đã được uỷ thác cho mình, đó là: hãy mở mắt ra, mở lòng ra và tìm ra những phương cách thực thi cái thiện. Không còn chuyện hỏi mình mong gì, mà vấn đề là làm cho người khác những gì mình mong. Và cái cho- mình- đi thật sự đó với tất cả trí tưởng tượng sáng tạo của nó, với tất cả những khả thể mà cá nhân có thể có, đã được tóm lại trong một quy luật hoàn toàn thực tế, chứ không còn chỉ là một giấc mơ lí tưởng nào nữa.

- Bài giảng khởi đầu với những lời chúc phúc. Lạ thật, có chín lời chúc tất cả. Số chín cũng là con số các thiên thần, bởi vì thế giới của thiên thần được chia ra chín tầng. Số đó cũng là biểu tượng của sự hoàn thiện.

Những câu chúc phúc quả đặc biệt, vì chúng vượt ra ngoài rất xa chuẩn mực của ta. Không phải những kẻ giàu, mà là kẻ nghèo, được chúc phúc – có sự khác biệt giữa phúc và hạnh phúc; và không phải những ai không đau khổ mới được phúc, nhưng là những kẻ khổ đau. Bản văn cũng đề cập tới nỗi khao khát công chính, tới việc cần có quả tim tinh tuyền, và nhiều điều khác nữa.

Trong một thông điệp, giáo chủ Gio-an Phao-lô II nói rằng, bản chúc phúc thật ra là bản tự thuật tiểu sử kín đáo của đức Giê-su. Chúng ta nhận ra từng lời chúc thể hiện thực sự trong con người Ngài. Ngài là kẻ nghèo trong Thánh Thần. Là người xuất thân từ hạng nghèo hèn. Là kẻ nỗ lực tìm công lí cho người khác. Là kẻ tạo hoà bình. Là người chịu đau khổ vì sự thật. Tôi tin rằng, ta chỉ hiểu đúng các lời chúc, một khi ta hiểu chúng từ con người đức Ki-tô. Ngài đã sống những lời chúc đó, và qua Ngài mà chúng cũng đã trở thành những bảng dẫn đường cho ta. Dĩ nhiên, trên con đường Ngài chỉ, mỗi người đi theo một ơn gọi khác nhau, mỗi người có một thứ tự ưu tiên khác nhau. Quan trọng là ta đọc những ơn gọi đó qua hình tượng đức Ki-tô, và rồi cũng theo Ngài sống ơn gọi đó.

- Có thể nói được rằng mỗi lời chúc là chìa khoá đi vào một bí mật đặc biệt?

Vâng, có điều là ta không nên hiểu nó theo nghĩa huyền bí. Đó là chìa khoá đi vào cuộc sống, và rồi những cánh cửa bí mật sẽ đương nhiên mở ra, những bí mật mà trước đó ta không rõ. Đây không hẳn là một sự khai sáng dưới dạng huyền bí hay một giải toả bí mật. Nhưng đúng hơn, đó là một cái nhìn vào cuộc đời, và mỗi một bước song hành đi vào cuộc đời đó cũng sẽ mở ra cánh cửa hiểu và biết.

NHỮNG LO LẮNG ĐÚNG CHỖ VÀ KHÔNG ĐÚNG CHỖ

- Ta hãy đi vào một vài “quy chế thực hành” của bài giảng. Trong đó có nói tới những âu lo đúng chỗ và những âu lo không đúng chỗ. Đức Giê-su nói, ta không nên lo cơm ăn áo mặc, bởi chưng cuộc sống quan trọng hơn cơm áo. Chỉ những dân ngoại mới lo các thứ đó. Cha trên trời đã biết con mình cần những thứ gì rồi. Ngài khuyên: ” Hãy xem chim trời, chúng không gieo gặt và lượm lặt của ăn vào kho lẫm; Cha trên trời nuôi chúng. Anh chị em không giá trị nhiều hơn chúng sao?”

- Nghe hay thật, nhưng cứ theo lời đó, rồi thì chỉ biết gặm cỏ thay cơm.

Trong một thế giới được xây dựng hướng về tương lai và luôn phải lo làm sao cho mình mỗi ngày được tốt đẹp hơn, thì hiển nhiên chẳng ai hiểu được í nghĩa của câu trên. Tôi nghĩ, ta phải đọc thật kĩ bản văn. Rồi sẽ tìm thấy chìa khoá trong đó. Đức Giê-su cũng từng nói: Trước hết hãy tìm nước Thiên Chúa, rồi anh chị em sẽ nhận được thêm điều khác. Điều đó có nghĩa là có một thứ tự ưu tiên. Nếu ta bỏ ra ngoài ưu tiên về sự hiện hữu của Chúa trong thế giới, thì nhiều chuyện ta làm, dù hữu ích, có thể một cách nào đó rồi cũng sẽ đổ vỡ trong tầm tay. Và ta cũng sẽ nhận ra còn thiếu một cái gì đó. Các nỗ lực cải tiến kĩ thuật của thế giới có làm giảm đi nhiều gánh nặng đấy, nhưng trên một số phương diện chúng đồng thời làm cho cuộc sống nặng nề và đen tối hơn.

Tôi tin rằng phải đặt việc tìm nước Thiên Chúa lên hàng ưu tiên. Đó phải là âu lo nền tảng. Và rồi từ trong nước Chúa, âu lo này sẽ cấu trúc các âu lo khác. Hiển nhiên điều này không dễ đối với ta. Ta còn phải lo cho ngày mai, phải lo làm sao thế giới tiếp tục đi đúng hướng. Tuy nhiên, những âu lo đó sẽ giảm bớt và nhẹ gánh, nếu chúng ta gắn chúng vào cái ưu tiên kia. Và ngược lại, nếu con người hoàn toàn không còn thấy gì trong ưu tiên kia nữa, thì các âu lo sẽ làm họ hao mòn và rồi nuốt trửng họ.

XÉT ĐOÁN

- Một lần, từ trên núi, đức Ki-tô nói: “Đừng xét đoán, kẻo bị xét đoán! Bởi anh chị em xét đoán thế nào, thì cũng bị xét đoán như vậy, và sẽ bị xét xử theo tiêu chuẩn mà anh chị em đã dùng để xét xử kẻ khác”. Nghe thì dễ thật. Nhưng cả xét đoán nữa mình cũng không buộc phải làm?

Đúng vậy. Theo Mát-thêu câu 18, chính đức Giê-su đã đưa ra một quy chế cộng đoàn, khi Ngài bảo rằng, trước hết, ta nên cảnh cáo nhau giữa hai người mặt đối mặt, sau đó mới đưa ra tập thể lớn hơn, và cứ thế đi lên. Trật tự và luật pháp cần cho con người. Nhưng ở đây, vấn đề nằm trên một bình diện khác, đó là ta không làm như kiểu toà án thế gian, nghĩa là ta phải giữ bí mật của người khác trong khi kết án họ. Cả khi vì kỉ luật mà toà phải kết án – dĩ nhiên chẳng bao giờ kết án một con người, nhưng là kết án một hành động nào đó, và án này là câu trả lời cho hành động đó -, thì ta cũng phải giữ bí mật, vì đó là cái gì riêng tư, chỉ có Chúa mới có quyền phán xét nó mà thôi.

Đoạn thứ hai câu trên nhắc ta phải coi chừng, vì ta cũng sẽ bị xét xử theo tiêu chuẩn mình đã áp dụng cho người khác. Như vậy, nó cảnh cáo ta phải có tiêu chuẩn đúng, giới hạn đúng và phải có lòng kính trọng đúng đắn đối với người khác. Như thế, đức Giê-su đã ra cho ta một tiêu chuẩn nội tại áp dụng cho tình thế buộc phải xét xử. Tiêu chuẩn đó là việc công nhận quyền quyết định tối hậu của Chúa.

HAI CON ĐƯỜNG

- Đức Giê-su nói: “Hãy đi qua cửa hẹp! Vì cửa rộng đưa tới hư hỏng, và vì cửa đó rộng nên nhiều người bước vào. Song cửa dẫn vào sự sống thì hẹp, và vì cửa đó hẹp nên ít người tìm ra nó”.

Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng hoả ngục đầy người, trong khi thiên đàng vắng tanh. Hẳn nhiên, đây không có nghĩa như thế. Nhưng chỗ khác Chúa cũng nói – một lần nữa nên nhớ luôn cần phải đọc lời Chúa trong toàn văn –, là nhiều người từ đông sang tây sẽ đến, và họ sẽ ngồi vào bàn chung với Ab-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp. Sách Khải-huyền vẽ cho ta thấy trước cảnh đoàn lũ người quây quần bên ngai con chiên. Đây quả là một lời cảnh cáo thực tiễn: Nếu ta làm theo những gì người khác và thiên hạ làm, nếu ta chọn con đường rộng, nghĩa là con đường dễ dãi, lúc này đây xem ra quả dễ chịu hơn, thì như vậy là ta đang xa rời con đường thật. Câu trên muốn nói rằng, con đường hẹp và khó khăn cũng như cánh cửa hẹp mà ta cố ép mình bước qua chính là quyết định đúng.

Ở đây, ta có một hình ảnh đượm màu quyết liệt đông phương, nói lên nguyên tắc nền tảng cho việc xử trí hàng ngày. Nếu cứ để thả mặc, cứ buông trôi theo giòng rồi chìm đi trong đám đông, thì rốt cuộc mình sẽ luôn lặn ngụp trong đám đông đó, và kết cuộc sẽ kết thúc trong trống rỗng. Chính sự can đảm đi lên, can đảm chấp nhận khó nhọc sẽ đưa ta vào con đường đúng.

CÁC TIÊN TRI GIẢ

- Đức Ki-tô nói: “Hãy coi chừng các tiên tri giả; họ tới với anh chị em như những con cừu (ngoan), nhưng thật ra là những chú sói dữ. Cứ nhìn vào kết quả tất sẽ nhận ra được họ. Có thế nào thu hoạch được nho từ bụi gai hay được vả từ cỏ gai? Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu”. Nghe như một mệnh lệnh chống lại các giáo phái hoặc bè rối.

Cũng có thể như vậy. Trước hết, đó cũng là một quy luật đơn giản. Đó chính là thời của những triết gia lang thang, những lang băm, những nhà cứu tinh. Họ ai nấy đều hứa hẹn cứu khổ và vẽ ra con đường đúng, họ muốn làm đẹp con người, và xem ra muốn mang lại điều tốt cũng như điều đúng đắn, nhưng thật ra thường chỉ vì tư lợi. Họ là sói dữ, phá hoại.

Đức Giê-su cảnh cáo ta trước những “lang băm cứu độ” đó. Ngài chỉ ra tiêu chuẩn để nhận định: Hãy xem chính các lang băm đó sống như thế nào? Họ thật sự là ai? Đâu là hoa trái họ tạo ra nơi họ và chung quanh họ? Cứ nhìn vào họ tất sẽ biết sự thật ra sao. Tiêu chuẩn thực dụng thời đó cũng đúng cho lịch sử ngày nay. Hãy nghĩ tới các nhà thuyết giảng cứu độ trong thế kỉ vừa qua, từ Hitler cho tới các tay tổ cộng sản, họ xuất hiện và nói, đây là lúc chúng tôi mang tới cho các bạn điều thật sự đúng. Trong một cái nhìn nào đó, họ xuất hiện như những chú cừu ngoan, nhưng rốt cuộc là những tay phá hoại có tầm cỡ.

Nhưng không chỉ những tay tổ đó, mà cả những nhà thuyết giảng nhỏ, những tiên tri giả nữa. Họ mách với người ta là họ nắm chìa khoá trong tay, cứ việc làm theo, thì rồi bạn sẽ thành đạt nhanh, giàu nhanh, sẽ có ngay hạnh phúc. Đức Giê-su yêu cầu ta phải biết phân biệt, phải coi chừng những lời hứa hẹn đó. Đừng để bị rơi vào tròng, nhưng hãy giữ đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, đừng để rơi vào những phong trào xem ra tốt đẹp, nhưng rốt cuộc chỉ là trống rỗng hoặc phá hoại. Nhất là Ngài muốn chúng ta luôn phải tự hỏi, đâu là hằng số của lời Chúa, đâu là hoa trái thật.

- Lời khuyên kia cũng đúng cho các phong trào trong Giáo hội?

Hoa trái luôn là tiêu chuẩn để nhận định. Trong Giáo hội, ta phải để í xem có phải người đó chỉ muốn rao giảng về họ, chỉ muốn ép ta theo quan điểm của họ mà thôi hay không. Hay họ là người khiêm nhu, muốn phục vụ đức tin của Giáo hội, muốn trở thành kẻ phục vụ lợi ích chung, phục vụ lời Chúa.

- Bài giảng trên núi còn có nhiều lời khuyên thiết thực khác. Tôi muốn nêu lên đây câu cuối cùng của bài giảng. Đức Giê-su nói điều sau đây thật khó hiểu và lại càng khó theo: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những ai bách hại mình”. Và thêm, Thiên Chúa để cho “mặt trời chiếu sáng trên kẻ xấu và người lành, và Ngài để mưa xuống trên người công chính cũng như trên kẻ bất lương”.

Yêu kẻ thù quả thật là một bước mới và lớn. Ở đây, chẳng còn chuyện trả thù nữa. Ta cần nhìn ra khía cạnh người nơi kẻ thù, nhìn ra nơi họ khía cạnh thụ tạo của Chúa. Điều này không có nghĩa là khoanh tay mặc cho sự dữ tới với mình. Nhưng ta phải biết kính trọng con người trong chính hành động của mình. Nghĩa là cố gắng làm điều tốt cho cả kẻ thù, cố gắng đưa họ về đàng lành, rốt cuộc đưa họ hướng về đức Ki-tô. Trong í nghĩa đó, cầu nguyện cho họ vốn là một việc làm nền tảng, đó là một cách làm tốt cho họ. Khi ta muốn điều tích cực cho kẻ thù trước mặt Chúa, khi ta cố gắng cầu cho họ không còn là kẻ thù nữa, nhưng cho họ được thoát ra khỏi tư thế thù địch, thì lúc đó ta đã thay đổi từ thâm tâm cái nhìn về họ.

Trong thời cổ, người ta đã nói đến một Thiên Chúa độ lượng, Ngài muốn phân phát cho ngay cả kẻ xấu những món quà của tạo dựng. Nhưng thời đó người ta dùng hình ảnh này để nói lên phần nào sự dửng dưng của Thiên Chúa trước chuyện thiện ác. Và đức Giê-su đã nâng nó lên một bình diện khác, khi Ngài qua đó chỉ ra lòng tốt hải hà của Thiên Chúa là đấng muốn đưa mọi người vào đường thiện, muốn trao cho họ những cơ hội, muốn chăm sóc họ bằng điều tốt lành. Và cả khi Thiên Chúa có thể nói là trừng phạt ta đi nữa, thì Ngài cũng chỉ muốn cho ta trở nên quan tâm lắng nghe. Là Tạo hoá, Ngài không thể làm gì khác hơn là yêu thương những tạo vật của Ngài, và muốn cho chúng tìm ra con đường ngay lành. Mọi loại trả thù đều hoàn toàn xa lạ với suy nghĩ của Thiên Chúa.

- Sau khi giảng dạy và khuyên răn, và người nghe dù đôi chút thấm mệt nhưng cũng cảm thấy hạnh phúc, vì hiểu rằng nguồn gốc và cùng đích cuộc đời mình không phải là thế gian này và cũng không dừng lại ở đây, đức Giê-su còn đưa ra bảo đảm cho những điều Ngài nói: “Ai nghe lời tôi dạy và làm theo, kẻ đó là người khôn, biết xây nhà trên đá”.

Còn những người khác xây nhà trên cát, và khi lũ lụt tới, chúng sẽ cuốn trôi tất cả. Nhà xây trên nền đá mới chắc chắn. Chỗ này cũng giống như đoạn phúc âm Gio-an mà ta đã nghe: Ai sống theo Tin Mừng, ai dám thử nghiệm theo nó, ai thật sự xây nhà trên lời Chúa, kẻ đó biết rằng mình đã chọn được một nền chắc chắn.

Tuy nhiên, ở đây còn có thêm một liên tưởng khác. Hình ảnh xây nhà trên đá làm ta nhớ đến lời đức Ki-tô nói với Phê-rô, là Ngài sẽ xây nhà – Giáo hội của Ngài – trên đá. Như thế, lời đó có thể đưa ta tới í nghĩ rằng ta không nên xây một mình. Ai chỉ muốn xây cuộc đời mình như là một chỗ trú ẩn riêng, thì người đó đã xa lìa nền đá. Xây dựng cuộc đời luôn có nghĩa là cùng xây. Cùng xây chung một căn nhà Chúa, dựa trên nền lời Ngài, và như vậy căn nhà sẽ chắc chắn tồn tại.

- Có thể nói không cùng về cuộc đời, về chuyện nên nhìn đời ra sao, làm sao cho cuộc sống đơm hoa, được sống tự do, thoải mái và hứng thú. Nhà soạn kịch người Anh William Shakespeare, một tín đồ công giáo, đã sống cuộc đời ông hết mình. Tên các vở kịch của ông nghe ra như một bản lí lịch đầy biểu tượng, nào là “Ồn ào vô ích”, nào là “Chừng mực” cho tới “Kết cuộc tốt là mọi chuyện tốt”. Là nhà giáo dục giỏi, ông cuối cùng đã đưa ra một lời khuyên, xem ra như đây là kết tinh mọi nhận thức trần thế của ông: “Buy terms divine in selling hours of dross”, “Hãy mua lấy thời giờ của Chúa bằng cách bán đi những giờ u tối trần gian”.

Đó là một lời khôn ngoan mà người ta có thể chờ đợi nơi một nhân vật lớn. Thời giờ đã được sử dụng một cách tốt nhất là thời giờ đã biến thành cái tồn tại; là thời giờ ta nhận được từ Chúa và trả lại cho Ngài. Còn thời giờ không dính dáng gì tới Chúa chỉ là thứ thời gian vô bổ và chóng qua.

(còn tiếp nhiều kỳ)

VÔ THẦN LÀ GÌ ?

Không nhận diện thật chính xác, thì không thể chống lại vô thần đang đầy dẫy ở mọi lãnh vực, phạm trù từ tinh thần đến vật chất, để bảo vệ chính bản thân, chứ đừng mong hướng dẫn, bảo vệ những người mình có trách nhiệm. Cuốn THIÊN CHÚA của tác giả Manfred Lutz, do Phạm Hồng Lam dịch, giúp chúng ta trả lời khá sâu sắc các vấn đề liên quan đến vô thần.

Vô thần, theo nghĩa chung chung ngày nay, là phủ nhận có sự hiện hữu của một Đấng tạo dựng trời đất toàn năng, vị này tiếp tục giữ gìn tạo vật trong tay, và đến “ngày sau cùng” sẽ phán xét con người, tách biệt người lành kẻ dữ, người lành sẽ được thưởng phúc thiên đàng, kẻ dữ bị luận phạt hoả ngục. Đi ngược trở lại lịch sử của í niệm này, ta thấy lắm hiện tượng khá rối trí. Vì không chịu thờ thần linh nhà nước và thờ hoàng đế thiên tử, các ki-tô hữu xưa bị coi là vô thần. Cả Sokrates cũng phải chết vì tội vô thần, vì ông dám coi đám thần linh lúc nhúc trong bầu trời Hi-lạp chẳng ra gì, và, với suy nghĩ của một triết gia, ông đã lên đường tìm về một Thiên Chúa duy nhất.

Nếu lấy í niệm Thiên Chúa theo lối hiểu Ki-tô giáo ngày nay để thăm dò cổ thời nhân loại, ta sẽ thấy đầy dẫy “Vô thần”. Bởi vì làm sao người thời đó hiểu được Thiên Chúa như ta hiểu ngày nay? Mặt khác, toàn bộ lịch sử nhân loại lại đầy dẫy những niềm tin muôn màu vào thần linh và vào Thiên Chúa. Vì vậy, phải cẩn thận, đừng để rơi vào chủ nghĩa đế quốc tinh thần do những mánh khoé lạm dụng í niệm tạo ra, và qua đó kéo dãn vương quốc vô thần hay vương quốc niềm tin Thiên Chúa ra quá rộng một cách không thích đáng. Dù sao, í niệm Vô thần khá mơ hồ, và có lẽ nó càng rõ nghĩa hơn, khi ta càng tiến gần vào thời Hiện đại.

Nhưng thời nay cũng không dễ có được những đối lập đơn giản. Nhà thần học Karl Rahner gọi thái độ của những người tự coi là vô thần, nhưng sống một cuộc sống như có Thiên Chúa, là “vô thần vì kính trọng Thiên Chúa”. Họ chấp nhận thà là “vô thần”, còn hơn phải sống với một thứ Thiên Chúa bề ngoài của mấy ông bà “đạo đức” môi miệng. Thiên Chúa này không hợp với kinh nghiệm tôn giáo bề sâu của họ.

Vì thế, ta vẫn phải chấp nhận phần nào tính mơ hồ của í niệm Vô thần, nhất là để khỏi phải loại trừ ra bất cứ hiện tượng quan trọng nào. Sử gia người Pháp Georges Minois cũng công nhận như thế. Năm 2000 Georges Minois cho phát hành cuốn sách nổi tiếng của ông, ấn bản tiếng Đức 700 trang Lịch Sử Vô Thần Từ Khởi Thuỷ Tới Hiện Nay, cuốn sách thật đầy đủ và hấp dẫn, đúng là chỉ có sử gia Pháp mới viết được những cuốn như thế. Sách ông đã giúp tôi viết chương này. Minois có cảm tình với quan điểm vô thần, dù vậy, ông đã không đứng về một phía nào khi viết, và sách ông nói chung đã thành công nhờ thái độ khách quan đó. Ông phân biệt ra Vô thần thực hành và Vô thần lí thuyết. Người vô thần thực hành sống như không có Thiên Chúa, dù họ có bảo mình tin gì đi nữa. Ngay chính trong những thời hoàng kim của Ki-tô giáo, thái độ sống này cũng rất phổ biến nơi các tầng lớp dân chúng. Người vô thần lí thuyết tuyên xưng rõ ràng sự Vô thần của mình và thường đưa ra những biện minh cho quan điểm mình.

Minois nói nhiều tới loại Vô thần phản kháng, nghĩa là loại người chống lại quan điểm đức tin nhiều ít cứng nhắc trong những giai đoạn nào đó. Thái độ này được coi là ngang ngạnh, can đảm hay cũng chỉ là một thứ tình cảm quá độ. Và như thế, tùy theo mỗi giai đoạn, Vô thần mang những nét hoàn toàn khác nhau.

Phạm Hồng Lam

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/chuong-ii-duc-giesu-kito-11/