Trích từ Dân Chúa

Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ!

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Đó đây tại tư gia cũng như ở Thánh đường, trong đền thờ đều có tượng Đức Mẹ Maria được chạm khắc đúc tạc bằng nhiều chất lọai khác nhau, và theo nhiều kiểu hình tượng khác nhau. Như tượng đức mẹ Fatima khác với chân dung Đức Mẹ Lộ Đức, khác với chân dung Đức Mẹ Lavang, khác với chân dung Đức Mẹ Banneux, khác với chân dung Đức Mẹ Međjugory, khác với Đức Mẹ nữ vương hòa bình …

Có nhiều tượng hình Đức Mẹ khác nhau. Nhưng chỉ có một Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa.

Có nhiều tượng hình Đức mẹ khác nhau theo là do tâm trí lòng cung kính của con người vẽ tạc hình dung ra.

Và tâm hồn đời sống cùng tình yêu của Đức Mẹ cũng chỉ có một, cho dù con người do lòng thành kính, do văn hóa mỹ thuật, nghệ thuật cùng địa danh đặt cho Đức Mẹ nhiều tên khác nhau.

Nhưng khi nhìn ngắm những tượng Đức Mẹ, dù khác nhau, đều có những nét chính diễn tả về Đức Mẹ: Triều thiên trên đỉnh đầu, đôi bàn tay hoặc chắp lại hoặc dang mở rộng ra, hoặc bồng ẵm trẻ Giêsu, và một sức sống nội tâm lan tỏa ra nơi khuôn mặt.

1. Triều thiên trên đỉnh đầu Đức Mẹ

Vòng hào quang còn có tên khác là triều thiên trên đỉnh đầu tượng ảnh Đức Mẹ có phải là cái mũ, chiếc nón hay cái khăn trang điểm cho đẹp thôi hay còn có ý nghĩa gì khác hơn nữa cho niềm tin đạo giáo không?

Ngày xưa khi còn sống trên trần gian Đức Mẹ đâu có đội triều thiên vương miện qúi gía sang trọng, như các vua chúa. Có thể Đức Mẹ cũng như bao phụ nữ thời đó bên vùng Trung Đông cũng đội quấn khăn trên đầu.

Thánh Gioan, Tông đồ, người sống thân cận bên cạnh Đức mẹ từ khi được Chúa Giêsu từ trên thánh gía trối trao phó nhiệm vụ săn sóc Đức Mẹ, sau này đã diễn tả về Đức Mẹ: “ Rồi có điềm lạ lớn xuất hiện trên trời: Một người Phụ Nữ mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” ( Kh 12, 1).

Khi nói đến bầu trời ta liên tưởng ngay đến một không gian rộng lớn bao la giống như một cái dù khổng lồ bao phủ vạn vật vũ trụ. Nền trời có đủ mọi mầu sắc tuỳ theo thời tiết. Nhưng thông thường, khi vẽ bầu trời, ta thường dùng mầu xanh, mà vẫn gọi là mầu xanh da trời. Mầu xanh này Hội Thánh dùng để chỉ vẻ đẹp trong sáng đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa của đức mẹ Maria. Lá cờ chúng ta thường treo trong những buổi lễ lạy, rước kiệu ngày lễ kính đức mẹ Maria có hai mầu trắng và xanh da trời. Mầu xanh này cũng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa, đấng dựng nên bầu trời ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng và các vì sao chiếu sáng. Theo cách diễn tả tâm tình của con người. Mầu xanh này nói lên lòng tin tưởng, niềm vui, sự trung thành của họ. Khi vào các nhà thờ bên Au châu thường nhìn thấy mầu xanh này nơi những cửa sổ kính mầu như của danh hoạ Marc Chagall hay tranh vẽ của Sieger Koeder. Các Ngôi sao trên triều thiên đức mẹ có mầu vàng chói sáng. Mầu vàng là mầu ánh sáng mặt trời. Mầu vàng cũng là mầu của các vua chúa trên trần gian dùng để trang hoàng cung ngai áo mũ. Vì thế mầu vàng có ý nghĩa chỉ về nhân đức cao trọng nhất, về tình yêu, về điều gì có tính chất vĩnh viễn như Đấng Tạo Hoá, như thiên đàng, như công trình sáng tạo trong thiên nhiên... Con số mười hai là số nói về điều gì mang lại hạnh phúc. Trong vũ trụ, một năm chia ra làm mười hai tháng theo vòng quay mặt trời. Một ngày chia ra làm hai chu kỳ: ngày có mười hai tiếng và đêm cũng có mười hai tiếng đồng hồ. Theo niềm tin của đạo Do Thái, dân tộc họ có nguồn gốc do mười hai chi tộc con cháu ông Gia-Cóp tạo thành. Số mười hai đối với họ là con số chỉ về điều đầy đủ trọn vẹn.

Chúa Giêsu khi đi rao giảng tin mừng nước trời đã kêu gọi mười hai tông đồ làm nền tảng để thành lập Hội Thánh trên trần gian. Trong sách Khải Huyền một trời mới đất mới, một tương lai mới trên trời cũng bao gồm con số mười hai: 12 cửa thành, 12 tên chi tộc Do Thái, 12 nền móng bằng đá quý có khắc tên 12 Thánh tông đồ của Chúa Giêsu( KH 21, 9-14). Triều thiên đức mẹ Maria có 12 ngôi sao trong sách Khải Huyền muốn nói đến Bà là mẹ Giáo Hội, là mẹ của dân Thiên Chúa. Một dân đã được cứu chuộc bằng chính đời sống của Chúa Giêsu để nối laị tình yêu với Thiên Chúa, đã bị tội lỗi cắt đứt. Số mười hai theo niềm tin của người Công giáo, được chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm có ba số: bốn nhóm chỉ bốn hướng trên trời Đông Tây Nam Bắc, còn con số ba chỉ về mầu nhiệm Thiên Chúa ba ngôi: Chúa Cha, chúa Con và chúa Thánh Thần.

Mầu sắc cùng hình tượng không là niềm tin. Nhưng chúng giúp cắt nghĩa phần nào, làm sáng tỏ và qua đó giúp củng cố niềm tin. Con số hay một vật thể nào đó không là điều căn bản của niềm tin. Nhưng chúng được dùng để cắt nghĩa diễn tả mầu nhiệm niềm tin cách cụ thể. Triều thiên tượng ảnh Đức Mẹ Fatima được vẽ xếp đặt vẽ tạc theo hình một cái tháp thánh đường kiểu Gô-Tích vươn lên trời cao. Trên cao chót là cây Thánh gía, dưới cây Thánh gía là qủa địa cầu, rồi mới đến hình vòng bầu dục có nhiều múi khía và 12 hạt ngọc được gắn chung quanh. Chúng chiếu sáng như những ngôi sao nhấp nhánh trên nền trời.

2. Đôi bàn tay

Ðôi bàn tay là phần quan trọng của toàn thân con người. Ðôi bàn tay tạo nên sự cân bằng hài hòa cho vẻ đẹp một người. Vì thế thiếu một trong hai, hay tai hại hơn nữa cả đôi bàn tay, là điều rất đau buồn, là người khuyết tật. Và cũng do đó sinh ra những hậu qủa không tốt trong cuộc sống về thể lý lẫn tâm lý.

Nơi tượng hay hình Đức Mẹ Maria, đôi bàn tay Đức Mẹ hoặc chắp lại trước ngực hay dang rộng mở ra hay bồng ẵm Chúa Giêsu còn thơ bé.

Những cử chỉ này của đôi bàn tay Đức Mẹ nói lên ý nghĩa gì?

2.1. Đôi bàn tay chắp lại

Khi đôi bàn tay chắp nói lên cử chỉ thái độ cung kính, cùng ngôn ngữ của trái tim tâm hồn. Cử chỉ này muốn diễn tả: tôi muốn tập trung tinh thần lại nhìn vào sâu trong tâm hồn. Tâm hồn và thể xác cùng đan bện hướng nội vào bên trong.

Có nhiều kiểu cách chắp đôi bàn tay lại với nhau. Hoặc những ngón tay duỗi ra úp lại song song với nhau. Cách này diễn tả cung cách thư thái bình tĩnh. Nhưng đầy suy tư và lắng nghe. Hoặc những ngón tay đan xen kẽ vào sang nhau. Cách thế này diễn tả một ý chí đầy năng lực sức mạnh phát tỏa từ trong tâm hồn sẵn sàng bắt tay nắm làm việc.

Nơi ảnh tượng Đức Mẹ Fatima đôi bàn tay của Đức Mẹ trong vị thế chắp lại trước ngục, các ngón tay duỗi thẳng ra úp vào nhau.

Đức đương kim Gíao hoàng Benedictô 16. đã suy niệm về cung cách chắp tay đó như sau: „ Người nhận lãnh sự sống đặt đôi bàn tay của họ vào bàn tay của Thiên Chúa, và muốn nói lên: Con đặt tay con vào lòng bàn tay Chúa của con. Xin bàn tay Chúa ôm giữ tay con. Điều này muốn diễn tả lòng tin tưởng cũng như lòng trung thành „ ( Joseph Kardinal Ratzinger, Der Geist der Liturgie, Herder 2002, S. 175.)

2.2. Đôi bàn tay dang mở ra

Cũng có bức hình tượng Đức mẹ, như Đức mẹ ban ơn lành, Đức Mẹ Međjugory, đôi bàn tay Đức Mẹ dang rộng mở ra.

Cung cách này diễn tay thái độ chân thành niềm nở mở rộng đón chào, để tiến dâng và cũng rộng mở để đón nhận ân đức từ trời cao ban xuống.

Khi suy diễn về cung cách dang đôi tay ra, Tertuliano, nhà viết lịch sử Hội Thánh công giáo, đã nhìn thấy ý nghĩa có nguồn gốc như đôi cánh tay của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thánh gía cũng dang ngang ra hai bên trái phải. Ðôi tay Ngài dang ra đón nhận tất cả mọi người và cũng là đôi tay dâng hiến mình làm của lễ lên Ðức Chúa Cha.

2.3. Đôi bàn tay bồng ẵm

Có những bức hình vẽ hay tượng Đức Mẹ Maria bồng ẵm trẻ Giêsu trên tay bên phải. Tay Đức Mẹ vòng như một chiếc ghế, hay chiếc ngai cho vua Giêsu còn thơ nhỏ ngồi an toàn. Rồi tay bên trái chỉ hướng về trẻ Giêsu như đang giới thiệu với mọi người: đây là vua Giêsu nhỏ, là đấng Cứu Thế của con người!

Hình ảnh này là hình ảnh quen thuộc trong đời sống con người hằng ngày. Người con nào khi còn thơ bé cũng hằng nằm ngồi trên cánh tay mẹ mình. Cung cách này nói lên tình yêu thương, sự lo lắng săn sóc của người mẹ.Tình yêu thương nồng ấm của người mẹ đem đến cho người con sự an toàn, niềm vui hạnh phúc.

3. Sức sống nội tâm chiếu tỏa trên khuôn mặt

Xưa nay có nhiều bài thơ, bài hát ca tụng Đức Mẹ là người đẹp hiền từ như vầng ánh trăng, như hoa hồng đỏ tươi thắm, như bông hoa huệ trắng ngần...

Những lời ca ngợi đó là lời ca ví của con người, không phải chỉ dựa trên vẻ trắng trẻo, vẻ dịu dàng bên ngoài của ảnh tượng Đức Mẹ. Nhưng những ca ví đó muốn diễn tả điều gì thâm sâu hơn phát tỏa nơi khuôn mặt Đức Mẹ: Sức sống nội tâm đầy lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa.

Sức sống nội tâm thâm sâu đó chiếu tỏa nơi ánh mắt Đức Mẹ là người sẵn sàng chú ý lắng nghe những tiếng nói vọng đến, nhất là tiếng Thiên Chúa nói trong cuộc đời Đức Mẹ.

Sức sống nội tâm thâm sâu đó biểu hiện qua lời „Fiat – Xin Vâng“ của Đức Mẹ với ý định chương trình của Thiên Chúa: Chấp nhận làm mẹ để Chúa Giêsu nhập thể trong cung lòng mình làm người mang ơn cứu độ cho trần gian. Dù có phải chấp nhận những thử thách, những đau khổ chồng chất đến trong đời sống.

Sức sống nội tâm thâm sâu đó phản chiếu qua lòng tin tưởng phó thác của Đức Mẹ hoàn toàn vào bàn tay của Thiên Chúa. Vì Đức mẹ tin rằng: „ Không có gì là không có thể với Thiên Chúa“ ( Lc 1,37).

„Chân dung hình tượng Đức Mẹ Maria diễn tả cách đặc biệt về mối liên kết hiệp nhất giữa Cựu ước với thời tân ước. Chân dung Đức Mẹ cũng nối liền tôn giáo tự nhiên với đức tin. Không có gì đi ngược lại với cung cách đạo đức kính Đức Mẹ cả. Nhưng là một trong những lý lẽ quan trọng phù hợp về ý nghĩa Đức Mẹ là mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ, như các Thánh Giáo phụ đã suy niệm, là thửa đất khu vườn Kitô giáo, là thửa đất khu vườn đã vun trồng cho Chúa Giêsu..“ ( Benedikt XVI. Joseph Ratzinger, Gottes Glanz in unserer Zeit, Herder 2005, tr. 92)

Kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima 1917. 13.05.2007

Lm Nguyễn ngọc Long

URL: http://danchuausa.net/luu/ave-maria-con-dang-loi-chao-me/