Trích từ Dân Chúa

Ai sẽ là Tổng Thống Hoa Kỳ?

Lê Phát Minh

obama-mccain.jpg

Cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm nay nhiều việc xảy ra ngoài dự đoán của nhiều người trong đó có cựu Đệ Nhứt Phu Nhân Hillary Clinton. Khi quyết định ra tranh cử bà nghĩ rằng trong nội bộ đảng Dân Chủ không ai có thể vượt qua bà để đại diện đảng ra tranh cử Tổng Thống, và bà cũng vững tin rằng bà sẽ trở thành nữ Tống Thống Hoa Kỳ đầu tiên dù ứng viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa là ai, bởi đa số dân chúng nghĩ rằng chính phủ đảng Cộng Hòa không thành công trong cuộc chiến tranh Iraq và muốn thay đổi!?.

Bỗng nhiên một người da màu mới chập chững vào chính trường chưa đầy 4 năm ghi danh tranh cử Tổng Thống đó là Thượng Nghị Sĩ Barack Hussein Obama. Đối thủ của bà với lý lịch không mấy gì hợp với quan niệm truyền thống đạo đức gia đình của người Hoa Kỳ từ trước tới nay, bỗng nhiên vượt qua bà trên mọi lãnh vực: tài chánh thu vào một cách dễ dàng, giới trẻ, nữ giới và hẳn nhiên 99% người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ứng viên Obama và lại được nhiều nhân vật uy tín của đảng Dân Chủ yễm trợ, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy, John Kerry…

Trong khi đó bà Hillary Clinton phải chật vật về tài chánh và đã phải vay nhiều triệu Mỹ kim để tiếp tục cuộc chạy đua tới giờ phút chót hy vọng lật ngược thế cờ với sự thắng lợi tại các tiểu bang lớn nhiều cử tri đoàn. Nhưng cái đau nhứt của bà Hillary là cuối cùng rồi cũng phải chịu thua (vì qui luật riêng của đảng Dân Chủ không giống như đảng Cộng Hoà và luật bầu cử của Liên Bang Hoa Kỳ, mà chia cử tri đoàn theo tỷ lệ phần trăm do cử tri bỏ cho mỗi ứng viên) cùng với món nợ nhiều triệu Mỹ kim trên vai mà phải tuyên bố ủng hộ và đi vận động tranh cử cho liên danh Obama-Biden vì con đường chính trị của bà ở tương lai trong đảng Dân Chủ.

Đảng Cộng Hòa, ngay trong ngày đầu Đại Hội, tất cả giới truyền thông đều đổ xô khai thác tin nóng bỏng của cơn bảo Gustav cấp 5 sắp đổ vào vùng vịnh Mexico, nhứt là tại thành phố New Orleans, Louissiana, nơi mà 3 năm trước đây bị thiệt hại vì bão Katina tới nay vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Mọi người những tưởng Đại Hội đảng Cộng Hòa sẽ bị nhận chìm bởi cơn bảo này vì bị giới truyền thông bỏ quên. Nhưng, hình như Thượng Đế còn thương, bảo Gustav đã giảm cường độ, đổi hướng không vào thẳng New Orleans mà yếu dần trước khi đổ vào phiá Tây New Orleans, vùng duyên hải phía Nam tiểu bang Louisiana; gây thiệt hại nặng, nhưng tương đối nhẹ hơn dự đoán, cho các tiểu bang Louisiana, Mississippi và Texas, … Cho nên ngày thứ nhì đại hội đảng Cộng Hòa mới trở thành tin nóng của giới truyền thông, nhứt là với sự xuất hiện của bà Sarah Palin, Thống Đốc Tiểu Bang xa xôi Alaska trong vai trò ứng viên Phó Tổng Thống.

Đối với đảng Cộng Hòa, từ tiến trình đầu tiên của cuộc vận động tranh cử 2008, chưa lần nào nội bộ của họ đoàn kết như lần nầy. Về bất đồng quan điểm ủng hộ phá thai và chống phá thai, đồng tính luyến ái, chống đồng tính luyến ái đã là một vấn đề nhức nhối trong những lần Đại Hội đảng Cộng Hòa trước đây khi đưa ra cương lĩnh (platform) xác định đường lối sẽ được thi hành bởi chính phủ mới để thu hút cử tri, đã từng gây nhiều tranh cãi, chia rẽ nội bộ trong quá khứ. Nhưng lần đại hội này mọi khuynh hướng bất đồng gần như được dẹp bỏ qua một bên, sau khi Thượng Nghị Sĩ John McCain, ứng viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa tuyên bố chọn và lần đầu tiên giới thiệu bà Sarah Palin, Thống Đốc tiểu bang Alaska làm ứng viên Phó Tổng Thống trong cuộc vận động tranh cử tại Ohio.

Trong bầu không khí sôi nổi, toàn thể đại hội nhiệt liệt ủng hộ trước sự xuất hiện của bà Thống Đốc Sarah Palin chấp nhận đề cử ứng viên Phó Tổng Thống. Trước khí thế phấn khởi của đại hội, đài Fox News phỏng vấn bà Mary, một đại biểu tiểu bang California cư dân San Francisco, một trong những người có xu hướng ủng hộ tự do phá thai:

- Tại sao bà ủng hộ bà Thống Đốc Sarah là người có chủ trương Bảo Thủ làm ứng viên phó Tổng Thống, trong khi bà đã từng chủ trương ủng hộ khuynh hướng tự do phá thai?

Bà trả lời:

- Đây là lần đầu tiên nữ giới được đề cử vào chức vụ này, thành ra quan điểm khác nhau chỉ là một việc nhỏ…..

Sau đại hội đảng Cộng Hòa, theo sự thăm dò của giới truyền thông lúc bấy giờ mức tín nhiệm liên danh McCain-Palin của cử tri vượt hơn liên danh Obama-Biden 7-8 điểm, bởi hấp lực của hiện tượng mới và sự trẻ trung của bà Thống Ðốc Sarah Palin. Ngoài ra cuộc chiến giữa Nga và Georgia đã làm cho nhân dân Hoa Kỳ thấy rõ tham vọng của Nga muốn khôi phục lại vai trò của Liên Bang Sô trước đây, thế đương đầu vẫn còn tiềm phục, muốn bảo vệ quyền lợi kinh tế cũng như vai trò lãnh đạo của một cường quốc quân sự số một của Hoa Kỳ người ta cảm thấy cần người kinh nghiệm như Thượng Nghị Sĩ McCain.

Nhưng một sự kiện quan trọng khác lại xảy ra là cuộc khủng hoảng tài chính đã làm đảo ngược mọi quyết định của cử tri, “công việc làm và túi tiền là trên hết” vì họ nghĩ rằng Thượng Nghị Sĩ Obama có nhiều khả năng về kinh tế hơn và chỉ có ông và đảng Dân Chủ mới có thể vực lại nền kinh tế đang khủng hoảng. Vì vậy mức tín nhiệm của cử tri đối với liên danh Obama-Biden theo sự thăm dò của giới truyền thông đã lại vượt hơn liên danh McCain-Palin tới 10 điểm và hiện tại chỉ còn chưa đầy 2 tuần lễ nữa là tới ngày bầu cử, mọi người đều nghĩ rằng liên danh McCain-Palin khó lật ngược thế cờ, nhứt là sau khi một nhân vật lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng Hoà, từng giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng dưới thời Tổng Thống Bush cha và Ngoại Trưởng trong nhiệm kỳ đầu của đương kim Tổng Thống George W. Bush là Tướng Colin Powell vừa tuyên bố ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Obama.

Những Điều Nghịch Lý

Trên thế giới ngày nay không một quốc gia Tây Phương nào tôn trọng giá trị đạo đức xã hội bằng nước Mỹ, chúng ta chỉ nhìn riêng về lãnh vực tôn giáo: Nơi hành lễ, thờ phượng của các tôn giáo vẫn tiếp tục xây dựng lên, tín đồ các tôn giáo đến đền, chùa, nhà thờ trong ngày cuối tuần hay các dịp lễ tôn giáo không thuyên giảm mà còn có khuynh hướng gia tăng, trong khi đó các quốc gia ở Âu Châu, nhiều nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã bị bỏ hoang vì thiếu con chiên và Linh Mục…!

Thế mà nhiều sự việc liên quan đến vấn đề nhạy cảm của xã hội Hoa Kỳ, như vấn đề kỳ thị, tệ đoan xã hội, sự lừa đảo, gian lận gần như không ảnh hưởng đến quyết định của cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử lần này: Có phải là những nghịch lý hay chăng?

a. Như việc ban vận động tranh cử của bà Hillary Clion nêu lên bằng chứng cụ thể với những hình ảnh và lời tuyên bố đầy cực đoan, kỳ thị chủng tộc và nguyền rủa chính quốc gia cưu mang mình của Mục Sư Jeremiah Wright (… lên án chính sách đối ngoại áp đặt của Hoa Kỳ và cho cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 là đương nhiên và những lần thuyết giảng khác nguyền rủa Hoa Kỳ… không, không, chúa không phù hộ nước Hoa Kỳ, ….Godam American…). Trong khi đó TNS Obama lại liên hệ mật thiết với vị Mục Sư này trên 20 năm và chính vị Mục Sư này làm lễ hôn phối cho vợ chồng ông. Thượng Nghị Sĩ Obama chỉ đính chính là ông không biết và nghe những lời thuyết giảng này của Mục Sư Jeremiah Wright vì ông không có mặt. TNS Obama không có mặt nhưng không thể không biết, bởi những lời thuyết giảng đầy khích động thù hận và kỳ thị được tái diễn trong nhiều lần thuyết giảng khác nhau. Thế mà những người ủng hộ TNS Obama vẫn tin và chấp nhận giải thích không hợp lý này!? Và sau cùng vì áp lực dư luận bất lợi cho cuộc tranh cử, ông mới tuyên bố rời bỏ nhà thờ của Mục Sư Wright.

b. Tờ báo New York Times đặt vấn đề tư cách và đạo đức của Thượng Nghị Sị Obama, khi ông liên hệ lâu dài với ông William Ayers, người một thời là lãnh đạo của tổ chức khủng bố Underground Weathermen, chống chiến tranh Việt Nam và đã đặt bom nhiều nơi trên nước Mỹ trong đó có Ngũ Giác Đài, Thủ Ðô Washington, và New York…và vụ nổ bom tại San Francisco, California gây tử thương một cảnh sát và bị thương nhiều người. Trong quyển sách tựa đề “Fugitive Days” của ông Ayers phát hành ngày 11 tháng 9 năm 2002 trong đoạn đã viết: “Tôi không hối hận những vụ đặt bom. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm chưa đủ” (I don’t regret setting bombs. I feel we didn’t do enough).(1)

Trong cuộc vận động đầu tháng 10-2008 tại Englewood, Colorado và tại Crason và Costa Mesa California ứng viên Phó Thổng Thống Sarah Palin nêu lại vấn đề này và đặt câu hỏi tại sao TNS Obama lại làm bạn với kẻ khủng bố?

Khi giới truyền thông hỏi thì TNS Obama nói ông chỉ biết mặt chứ không quen và lúc ông Bill Ayers phạm tội ông chỉ mới 8 tuổi không biết gì về vấn đề này. Nhưng khi báo chí phanh phui, trong thời gian ông ra tranh cử Thượng Nghị Sĩ, chính ông Bill Ayers gây quỹ tranh cử cho ông, thì TNS Obama cho biết vì ông và ông Bill Ayers cùng dạy chung Đại Học Illinois of Chicago và hai người cùng thành viên trong HĐ Quản Trị của hiệp hội bất vụ lợi Chicago Annenberg Challenge. Nhưng sự thật TNS Obama đã quen biết ông Ayers từ lâu, đã cùng làm việc chung trong Hội Ðồng Quản Trị của hiệp hội Wood Fund và sau đó là Chủ Tịch Hội Ðồng Quản Trị Hiệp Hội Chicago Annenberg Challenge do ông Ayers sáng lập (2). Tóm lại TNS Obama thiếu thành thật trong sự liên hệ giữa ông và nhân vật khủng bố Bill Ayers.

Ngoài ra trong một phóng sự của đài Fox News, phỏng vấn một số nhân vật tại Đại Học Columbia ở New York cho biết Thượng Nghị Sĩ Obama theo học Cử Nhơn tại trường Đại Học nầy và trong thời gian đó TNS Obama đã quen ông Bill Ayers. Sau đó theo đề nghị của ông Bill Ayers, TNS Obama trở lại Michigan thành lập chi nhánh Hiệp Hội bất vụ lợi Acorns, sau một năm chi nhánh Acorns thành hình và hoạt động tốt, coi như cuộc thử thách đã được chấp nhận và TNS Obama được một học bổng của một Bác Sĩ người Saudi Arabia qua sự giới thiệu của ông Bill Ayers (vị Bác Sĩ này là người trong tổ chức Hồi Giáo chống Mỹ) và được ông John L. McKnight, giáo sư tại Ðại học Northwestern University trước đây trong nhóm cực tả Democratic Socialist of America viết thư tiến cử giới thiệu vào Ðại Học Harvard. Tóm lại qua các dữ kiện trên, cho thấy TNS Obama thiếu thành thật trong sự liên hệ giữa ông và ông Bill Ayers, người từng trong tổ chức khủng bố chống lại chính quê hương mình.

Nhưng giới truyền thông thiên tả của Hoa Kỳ và những người ủng hộ TNS Obama không quan tâm đến sự kiện này và mức ủng hộ không giảm mà còn gia tăng?! Quả là một điều nghịch lý?!

c. Hiệp Hội Acorns mà Thượng Nghị Sĩ Obama là thành viên và là Luật Sư cố vấn cho Acorns. Hiệp Hội Acorns có thể nói là ngoại vi của đảng Dân Chủ có 1,200 cơ sở trên 110 thành phố khắp nước Mỹ có 400 ngàn hội viên. Trên tư cách pháp lý là một tổ chức xã hội bất vụ lợi, nhưng trên thực tế hỗ trợ cho lợi ích chính trị của đảng Dân Chủ. Trường hợp Thượng Nghị Sĩ Obama, sau khi tốt nghiệp Ðại Học Luật Harvard năm 1992, ông tham gia vận động tranh cử cho bà Thượng Nghị Sĩ Carol Moseley Braun trong công tác điều hành thực hiện ghi danh cử tri với mục tiêu nhắm vào người Mỹ gốc Phi Châu và lôi kéo hơn 125 ngàn cử tri ghi danh kết quả bà Carol Moseley Bruan, là người phụ nữ da đen đầu tiên đắc cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ.

Từ những kinh nghiệm này cho nên Ban Vận Ðộng Tranh Cử của TNS Obama trao 832 ngàn Mỹ kim cho hiệp hội Acorns đứng ra điền đơn giúp cho những người có lợi tức thấp chưa có thẻ cử tri, mục tiêu nhằm vào người Mỹ da đen, kết quả thực hiện trên 1.3 triệu ghi danh bầu cử. Nhưng trong 1.3 triệu cử tri này đã bị khám phá có nhiều lý lịch gian trá xảy ra trên 12 tiểu bang: Indiana, Michigan, Nevada, Missouri,… và đặc biệt tại những tiểu bang có tỷ lệ cử tri ủng hộ hai liên danh Cộng Hoà và Dân Chủ ngang ngửa như tiểu bang Florida, Ohio, Nevada …. riêng tại Ohio theo lời tuyên bố của bà Jennifer, Bộ Trưởng Nội Vụ Tiểu Bang Ohio có tới 200 ngàn hồ sơ khai man lý lịch do hội Acorns thiết lập hồ sơ gian lận. Ðược biết trong những hồ sơ này có tên những người đã chết, hoặc những người chưa tới tuổi bỏ thăm, trong đó có 1 bé gái 7 tuổi, hoặc cư dân của tiểu bang khác…

Sự gian trá này ai cũng thấy rõ mục đích của hiệp hội Acorns; tuy nhiên theo sự thăm dò số người ủng hộ TNS Obama không thay đổi, quả là một điều nghịch lý của nhiều nghịch lý trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm nay?!

d. Ban vận động tranh cử của TNS Obama cho rằng bà Thống Ðốc Sarah Palin không đủ kinh nghiệm trong vai trò Phó Tổng Thống, trong khi đó bà Sarah Palin dù chưa nhiều năm thâm niên, nhưng đã điều hành nhiều cơ cấu công quyền, trước khi đắc cử Thống Ðốc Tiểu Bang Alaska. Trong khi đó TNS Obama chưa một ngày điều hành một cơ sở thương mại, một cơ sở công quyền dù là Thị Xã hay một hiệp hội (ông chưa bao giờ nắm chức vụ Ðiều Hành). Thế mà nhiều cử tri chỉ thấy tài ăn nói giỏi của TNS Obama mà tin rằng ông sẽ là một Tổng Thống giỏi?! Chuẩn bị giao cho lèo lái con thuyền quốc gia trước bối cảnh an ninh nhiễu nhương trên thế giới và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh chưa hồi kết thúc.

Hiện tượng này giống như một chàng trai trẻ thao thao bất tuyệt vỗ ngực cho rằng mình đủ tài năng lèo lái con thuyền vượt biển trong cơn sóng gió đến bờ nơi vùng đất hứa, và mọi người tin tưởng trao con thuyền cho chàng trai trẻ. Trong khi chàng trai này chưa một lần đi thuyền, chưa bao giờ học điều khiển, lèo lái con thuyền. Như vậy con thuyền đó sẽ đi về đâu?

Nếu TNS Obama đắc cử Tổng Thống trong cuộc bầu cử lần này, với kinh nghiệm chưa có, chắc chắn phải dựa vào những cố vấn có khuynh hướng Cực Tả mà ông quen biết từ ngày còn cấp sách đến trường gồm những người trong thập niên 70 là thành viên của các nhóm Student Of America Democratic Society, Communist Party USA, Democratic Socialist of America và nhóm khủng bố Weathermen Underground đó là: Frank Marshall Davis, đảng viên đảng Cộng Sản Hoa Kỳ. Trong quyển sách Dreams From My Father của TNS Obama có đề cập đến Frank Marshall Davis như một cái gì có liên hệ mật thiết…bởi có tư tưởng giống cha của ông là Barack Obama Sr. Kế đến một nhân vật cực tả khác đó là bà Alice Palmer, cựu Dân Biểu Tiểu Bang Illinois, bà có chân trong trong tổ chức có tên Hội Đồng Hoà Bình của Liên Sô trong thập niên 70. Tiếp theo Giáo Sư John L. McKnight, thuộc nhóm cực tả Democratic Socialist of America, người đề bạt và giới thiệu cho Obama vào Đại Học Harvard đã đề cập bên trên, rồi Giáo Sư Bill Ayers …..Như vậy nước Mỹ sẽ đi về đâu? Với chủ đề “Thay Đổi” trong cuộc tranh cử của TNS Obama?

Có phải “Thay đổi” từ một cường quốc Kinh Tế, Quân Sự số 1 Thế Giới trở thành cường quốc số 2, số 3!? Thay đổi từ chủ nghĩa Tư Bản sang chủ nghĩa Xã Hội? (theo chính sách thuế khóa của ông lấy bớt tiền của những người chịu khó làm việc có lợi tức cao sang cho người lợi tức thấp ít chịu làm việc hoặc không chịu làm việc. Cũng như ông đã nói chính phủ sẽ điều hành chương trình y tế không cần đến các công ty Bảo Hiểm trong cuộc tranh luận lần thứ nhì. . ).

Những Luồng Sóng Ngầm

Hãy nhìn qua cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại của Hoa kỳ - Một ưu điễm bất ngờ cho TNS Barack Obama-. Một trong những nguyên nhân chính đưa đến cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay đã đến từ chính sách Người Dân Có Nhà của Tổng Thống Bill Clinton. Chuẩn bị cho cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai, Tổng Thống Clinton chỉ thị cho ông Robert E. Rubin, Bộ Trưởng Tài Chính thực hiện chương trình, tạo điều kiện dễ dàng giúp cho người có lợi tức thấp có thể vay tiền mua nhà và những người mua nhà đầu tiên được trợ cấp 5 ngàn mỹ kim… Ðể thực hiện chương trình này khỏi gặp trở ngại, Tổng Thống Clinton đã đưa ông Daniel Mudd vào chức vụ Giám Ðốc Ðiều Hành công ty Fannie Mae và ông Richard Syron Giám Ðốc Ðiều Hành Công Ty Freddie Mac là hai viên chức trong Bộ Tài Chánh. Và kể từ đấy đã có sự móc nối nhịp nhàng giữa Fannie Mae, Freddie Mac với Hiệp Hội Acorns.

Với đạo luật mới, những người có lợi tức thấp, nhứt là người Mỹ da đen có cơ hội làm chủ được căn nhà. Với sự vận động của hiệp hội Acorns, hai công ty tài chánh lớn Fannie Mae và Freddie Mac mua lại các món nợ xấu này cho các ngân hàng, chính vì vậy nhiều ngân hàng đã quá dễ dãi trong việc xét credit người vay nợ như trước đây và theo đà đó, dịch vụ cho vay đã đem lại nguồn lợi lớn cho ngân hàng. Và họ đua nhau khuyến khích cho vay với những phần huê hồng nhiều triệu Mỹ kim cho các viên chức điều hành ngân hàng.

Song song với chương trình người dân có nhà này đã giúp cho kỹ nghệ xây cất bùng phát, đã tạo thêm hàng triệu việc làm cho các ngành nghề liên hệ, đã đưa nền kinh tế đi lên và kết quả Tổng Thống Clinton tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Nhưng cũng kể từ đó nền mống thị trường tài chánh bắt đầu bị những món nợ xấu sói mòn dần cùng những món tiền tự thưởng cho nhau của thành phần lãnh đạo các công ty Fannie Mae, Freddie Mac, các ngân hàng, tín dụng, đầu tư…?! Riêng trong đệ nhứt tam cá nguyệt năm 2008 Fannie Mae lỗ 5 tỷ Mỹ kim, thế mà Hội Đồng Quản Trị của công ty thưởng cho ông Daniel Mudd 5 triệu Mỹ kim?! Không biết có phải đây là hình thức cấu kết nhau để tham nhũng hay không?!

Trong cuộc phỏng vấn ngày 6-10-2008 của phóng viên Bara Vaida thuộc National Journal Staff: Ông Lanny Griffith nguyên cố vấn Tổng Thống Bush cho biết trong năm 2003 Tổng Thống Bush đã lưu ý đến hệ quả xấu từ hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac cần phải điều chỉnh để chận lại nguy cơ khủng hoảng tài chánh. Và ông Griffith được chỉ thị liên lạc Quốc Hội về vấn đề này. Ông Griffith đã liên lạc với Dân Biểu Richard Baker (CH-La) chủ tịch Tiểu Bang Tài Chánh, Dân Biểu James Leach (CH-Iowa), Dân Biểu Barney Frank (DC-Ma) đưa ra dự luật Federal Housing Enterprise Regulatory Reform Act (S.190) với mục đích kiểm soát hai công ty Fannie Mae, Freddie Mac và kết quả dự luật được thông qua ở Hạ Viện nhưng bị chận tại Thượng Viện, vì sự chống đối của tất cả các Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ và một số Nghị Sĩ thuộc đảng Cộng Hoà bởi sự vận động của hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac.

Ðầu năm 2005 Thượng Nghị Sĩ Chuck Hagel (CH-Nebraska), TNS Elizabeth Dole (CH-N.Carolina) TNS John Sununu (CH-NH), giới thiệu lại dự luật S.190 của Hạ Viện đưa lên trước đây nhưng không được sự hưởng ứng của đồng viện. Nên dự luật được sửa đổi lại hoặc thêm một số điều luật để dễ thuyết phục đồng viện và dự luật này được gọi là Government Sponsored Enterprise (GSE) với các vị TNS Mel Martinez (CH-Florida), TNS John McCain (CH-Ariz) ký tên đồng bảo trợ. Dự luật (GSE) nhằm mục đích để giám sát hai công ty Fannie Mae, Freddie Mac và Frederal Home Loan Bank nhứt là các vốn cho vay thuộc loại Secondary Housing Finance đã đưa ra thị trường chứng khoáng, nhằm ngăn chặn sự lừa gạt cổ đông, theo đó hàng năm phải kiểm toán (audit) chứng từ các dịch vụ của Fannie Mae và Freddir Mac. Dự luật GSE được thông qua Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viên, lúc đó Thượng Nghị Sĩ Richard Shelby (CH-AL) là chủ tich Ủy Ban Tài Chánh, nhưng một lần nữa gặp sự chống đối của toàn thể Nghị Sĩ đảng Dân Chủ thành ra không đủ túc số đưa ra phiên họp khoáng đại Thượng Viện và dự luật GSE của Thượng Nghị Sĩ Chuck Hagel giống như số phận dự luật S.190 của Hạ Viện trước đây. Và sau khi Ðảng Dân Chủ nắm đa số tại Thượng Viện từ năm 2006 vấn đề này bị bỏ qua không nhắc tới. (3)

Qua những dữ kiện trên, cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại do lỗi của ai, hẳn nhiên không phải do Tổng Thống Bush, bởi ông đã quan tâm và vận động Quốc Hội để đưa ra luật ngăn chận cuộc khủng hoảng này ngay từ năm 2003, vì đó là trách nhiệm và quyền hạn là của Quốc Hội. Và lỗi đó do Quốc Hội đã không nhìn rõ nguy cơ do khuyết điểm của đạo luật từ thời Tổng Thống Clinton đưa ra. Nếu đã là lỗi của Quốc Hội, thì ai là thủ phạm chính? Chính là các vị Thượng Nghị Sĩ của đảng Dân Chủ!

Thế mà nữ Dân Biểu Nancy Pelosi (DC-CA), Chủ Tịch Hạ Viện và hầu hết thành phần lãnh đạo đảng Dân Chủ lúc nào cũng rêu rao, chỉ trích chính sách kinh tế của Tổng Thống Bush đã đưa đến cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Và đại đa số người dân bình thường Hoa Kỳ đã tin như vậy và cho rằng Tổng Thống Bush và đảng Cộng Hoà làm kinh tế dở hơn Dân Chủ và muốn thay đổi.

Nếu chúng ta nhìn lại hơn 7 năm rưỡi cầm quyền của Tổng Thống Bush, trong 6 năm đầu sẽ thấy rõ hơn:

Nhưng bản chất thích thay đổi “Change” và trong mùa bầu cử năm 2005 họ đã dồn phiếu cho đảng Dân Chủ, và đảng Dân Chủ nắm đa số lưỡng viện Quốc Hội đầu năm 2006.

Trong hai năm qua chúng ta thấy gì?! Quốc Hội luôn luôn gây trở ngại nhiều chương trình của Hành Pháp đưa ra. Như những trường hợp tôi vừa nêu bên trên, dự luật S.190 của Hạ Viện, dự luật GSE của TNS Hagel để chận đứng nguy cơ sụp đổ tài chánh, đã bị bức tử và kết quả từ năm 2006 tới nay:

Mọi người đều đổ tội cho Tổng Thống Bush. Nhưng nên nhớ mọi vấn đề do Quốc Hội quyết định, Hành Pháp không có thẩm quyền kiểm soát mọi lãnh vực nếu Quốc Hội không cho phép, như dự luật S.190 của Hạ Viện và GSE của Thượng Viện bị bức tử.

Ai Sẽ Vào Toà Bạch Ốc?

Theo sự thăm dò mức ủng hộ của cử tri mới nhứt, Liên danh Obama-Biden dẫn đầu hơn liên danh McCain-Palin 10 điểm và từ nay đến ngày bầu cử 4 tháng 11 chỉ còn chưa đầy 2 tuần lễ. Như vậy, có thể Thương Nghi Sĩ Barack Obama sẽ là Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ! Coi như lịch sử Hoa Kỳ sẽ lật qua một trang sử mới? Nhưng trang sử mới này tốt hay xấu, thế hệ sau sẽ phải nhận lãnh.

Bởi chính sách đối ngoại hay đối nội của người lãnh đạo quốc gia, nhứt là tại Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng lớn và lâu dài, và nếu là chánh sách xấu không dễ dàng sửa đổi. Như trường hợp quyết định sai lầm của Tổng Thống Jimmy Carter vấn đề Iran. Khi phong trào Hồi Giáo nổi lên chống đối nhà vua Iran Mohammad Reza Pahlvai do Giáo Sĩ Ayatolla Khomeini lưu vong tại Pháp lãnh đạo. Lúc bấy giờ Tổng Thống Carter và nội các của ông cho rằng đó là phong trào dân chủ đòi lật đổ chế độ, nên bỏ rơi chế độ quân chủ này. Kết quả toàn thể nhân viên Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Iran bị bắt làm con tin 444 ngày kể từ ngày 4 tháng 11 năm 1979 đến 20 tháng 1 năm 1981, vì Hoa Kỳ không chịu giao nhà vua Iran đang trị bệnh tại New York cho nhà cầm quyền mới của Iran.(4)

Do quyết định sai lầm của Tổng Thống Jimmy Carter đã tạo dựng nên một chính quyền Hồi Giáo cực đoan, quá khích tại Iran và luôn luôn chống lại quyền lợi của Hoa Kỳ cũng như các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ tại trung tâm chiến lược Trung Đông. Một vết thương nhức nhối của thế giới sau gần 30 năm chưa giải quyết được.

Qua các sự kiện vừa trình bày ở mục những điều nghịch lý, cho thấy Thượng Nghị Sĩ Obama quả là người quá phóng khoáng, trong quá khứ thời niên thiếu ông ghiền ma túy, và bây giờ ông thân cận với những người mà quan niệm đạo đức xã hội Hoa Kỳ không chấp nhận, như: Mục Sư Jeremial Wright, ông Bill Ayers. Lập trường của ông lại chấp nhận phá thai và đồng tính luyến ái.

Từ đây tới ngày bầu cử chưa đầy hai tuần lễ, nhưng nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra, chính vì vậy liên danh Obama-Biden lo sợ kêu gọi người ủng hộ ông đi bỏ phiếu sớm để không còn thay đổi được ý kiến.

Qua 33 năm sống trên đất nước này, người viết nhận thấy nhân dân Hoa Kỳ dù quan niệm sống nặng về cá nhân, nhưng giá tri đạo đức xã hội vẫn được tôn trọng, đề cao và cũng là cây thước làm chuẩn để họ đánh giá chọn người đại diện cho mình bất cứ ở lãnh vực và vị trí nào trong guồng máy cai trị đất nước.

Vì vậy, dù sự thăm dò của giới truyền thông, liên danh Obama-Biden đang dẫn đầu hơn liên danh McCain-Palin 10 điểm, nhưng lần này chưa hẳn đúng bởi bản chất cuộc bầu cử năm nay nhiều việc xảy ra ngoài dự đoán của mọi người. Và nếu quả thật giá trị truyền thống đạo đức xã hội Hoa Kỳ còn được đề cao, tin chắc rằng liên danh McCain-Palin sẽ là người thay thế Tổng Thống George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ 2009-2013. Hãy chờ xem!.

Long Beach, California, ngày 24 tháng 10 năm 2008

Lê Phát Minh

Ghi chú:

(1) New York Times ngày 5 tháng 10 năm 2008
(2) Chicago Sun Times ngày 18 tháng 4 năm 2008
(3) Công báo Thượng Viện ngày 28 tháng 7 năm 2005
(Article Posted: 07/28/2005 1:12:53 PM)
Hagel Legislation to Strengthen Oversight of Fannie Mae & Freddie Mac
Passes Senate Banking Committee.
(4) Wikipedia The Free Encyclopedia Website

Lê Phát Minh

URL: http://danchuausa.net/luu/ai-se-la-tong-thong-hoa-ky/