Trích từ Dân Chúa

5. Tiết nhịp kể chuyện

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Ta đã vũ ngày Thứ Sáu, khi mặt trời sẩm đen…
Thật khó theo bước nhịp đều, khi quỷ dữ đè nặng trên vai.
Chúng chôn ta xuống mồ, tưởng đời ta đã hết,
Nhưng ta chính là điệu vũ, và vẫn đều chân bước.”

I- VAI TRÒ CỦA CHUYỆN KỂ TRONG CỘNG ĐOÀN

Một khi cộng đoàn tụ họp lại, đó là thời gian để kể những câu chuyện. Vì chính Lời Chúa mời gọi chúng ta quy tụ lại bên nhau và đồng hành với chúng ta như đèn soi bước chân ta. Chúng ta “là một dân của sách,” và đức tin chúng ta được biểu hiện trong Kinh Thánh. Đó là một đức tin đã bắt rễ trong hàng ngàn năm trước và vẫn luôn xác tín rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta làm dân của Người.

Mạc khải Kinh Thánh mà chúng ta có thể chia sẻ với nhau trong Thánh Lễ vượt lên trên cả lịch sử Thiên Chúa giao tiếp với một dân. Chủ yếu đó là mạc khải về Một Con Người.Khởi đầu tác giả thư gửi tín hữu Do Thái viết : “Thuở xưa, nhiều lần và nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Chúng ta tụ họp lại để trầm mình vào, và được biến đổi bởi câu chuyện Đức Kitô.

Robert Bellah, trong cuốn “Habits of the Heart” (Thói quen của con tim) ghi nhận rằng, các cộng đoàn, trong nghĩa nào đó, được cấu thành do quá khứ của mình. Tác giả thêm, để đừng quên quá khứ đó, một cộng đoàn phải để hết tâm trí vào việc kể lại lịch sử của mình, kể lại câu chuyện thành lập cộng đoàn của mình. Trong khi làm như vậy, chúng ta nêu lên mẫu gương của những người đã biểu hiện và minh họa cho ý nghĩa của cộng đoàn. Những câu chuyện kể về lịch sử này và những mẫu gương cá nhân là một phần quan trọng của truyền thống, là trung tâm của bất cứ cộng đoàn nào.

Hiển nhiên là các chuyện kể của cộng đoàn Kitô hữu vượt lên trên những câu chuyện của một bộ lạc, một đất nước, hoặc bất kỳ một nhóm nào khác. Các chuyện kể của chúng ta chủ yếu là những câu chuyện được cất giữ trong Thánh Kinh. Chúng ta đều biết các trình thuật Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng. Chúng ta có Thánh Kinh Do Thái (Cựu Ước), vì Đức Giêsu không bao giờ phủ nhận rằng lịch sử cứu độ bao gồm trong đó. Chính Thánh Kinh của người Do Thái đã giúp Đức Giêsu hình thành sự hiểu biết riêng của Người về Thiên Chúa Cứu Độ. Dĩ nhiên, đối với chúng ta, Tân Ước được nhấn mạnh hơn, vì Tân Ước là thành tựu của mạc khải Cựu Ước và là câu chuyện về chính Đức Giêsu.

Tân Ước còn đặc biệt quan trọng vì chứa đựng chính trọng tâm của “huyền thoại Kitô giáo”. “Huyền thoại” ở đây không có nghĩa là một chuyện thần tiên. Tuy nhiên, thuật ngữ này là một yếu tố quan trọng vì nói lên được sự kiện là có một số câu chuyện là trung tâm để nhóm tự hiểu mình hơn các nhóm khác. Rõ ràng chính vì tầm quan trọng đó cho nên các chuyện kể trở thành trục quay của cộng đoàn và xác định lý do sống còn của họ.

Mỗi nhóm tôn giáo đều có một huyền thoại cơ bản của mình để làm nổi bật nền thần học, việc thờ phượng và lối sống cụ thể. Ví dụ như huyền thoại tâm điểm của thời hậu Thánh Kinh Do Thái là Giao Ước của Môisê. Mọi trình thuật khác trong Kinh Thánh đều được kể trong tương quan với biến cố cơ bản này, vì chính biến cố cơ bản đó đem lại ý nghĩa cho toàn bộ Cựu Ước.

Đối với các Kitô hữu cũng thế. Trình thuật về cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời của Đức Kitô là nền móng mà trên đó tất cả những điều khác được xây dựng. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô : “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, đó là : Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15, 3-4).

Gán cho cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời của Đức Kitô một giá trị thần thiêng không có nghĩa là loại bỏ yếu tố thực tại lịch sử. Trái lại, việc chúng ta đòi hỏi các yếu tố đích xác về lịch sử, làm cho yếu tố thần thiêng sát cận hơn với kinh nghiệm sống hằng ngày của chúng ta. Robert Bellah cho thấy rằng ký ức nối kết chúng ta lại với quá khứ thì cũng hướng chúng ta đến tương lai như những cộng đoàn của niềm hy vọng. Robert Bellah nói : “Những ký ức đó chuyển tải một bối cảnh ý nghĩa, cho phép nối kết tâm tư nguyện vọng của chúng ta, và của những người gần gũi nhất của mình, với tâm tư nguyện vọng của một tổng thể rộng lớn hơn, và một phần nào làm cho các nỗ lực hiện nay của chúng ta là những đóng góp cho lợi ích chung.”

Tập trung vào cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời không làm giảm bớt giá trị của phần còn lại trong Thánh Kinh. Mọi điều trong Thánh Kinh giúp chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn về huyền thoại chính yếu đang qui tụ tất cả. Điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ hơn những giá trị khác nhau đang bao quanh và làm phong phú huyền thoại của chúng ta. Chúng ta luôn có nhu cầu cảm nhận ngày càng ý nghĩa hơn việc chúng ta là thành viên của cùng một cộng đoàn tôn giáo. Đó là Tin Mừng!

II- CHUYỆN KỂ VỀ TIN MỪNG PHỤC SINH

Nếu chúng ta nói về ơn cứu rỗi chỉ trong khuôn khổ của những sự đau đớn và cái chết của Đức Giêsu, thì trình thuật xem ra không mấy hứng khởi. Nhiều tín hữu đầu tiên đã bị ngã lòng vì điều này, đến nỗi có người đã quyết định bỏ cộng đoàn mà về nhà. Về nhà, họ có thể gặm nhấm những mảnh vụn tan tác của đời mình. Ý nghĩ về “những gì đã xảy ra tại Giêrusalem trong những ngày vừa qua” đã làm họ nản lòng và làm tiêu tan hết mọi hy vọng của họ. Đối với họ thì đây là tin buồn.

Tin buồn vẫn mãi là tin buồn nếu như không có việc phục sinh. Nếu như Đức Giêsu bị rơi từ trên mái nhà và chết đi, hoặc bị chết vì tai nạn giao thông thì đó cũng chỉ là một thảm kịch. Tuy nhiên, cái chết của Đức Giêsu không phải là một tai nạn. Đó là hệ lụy của những chọn lựa và mạo hiểm mà Người đã dấn thân vào. Từ bỏ mình để thi hành ý Cha, đã trở nên cái giá của lòng trung tín với sứ mệnh và ơn gọi của Người.

Cái chết của Đức Kitô cũng là cao điểm của cả một đời phục vụ. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm cho các ký lục và người biệt phái tức giận khi Người dong duổi đi tìm “những con chiên lạc của nhà Israel.” Người liên tục bị lên án vì đã ăn uống với những người tội lỗi, những quân thu thuế. Làm như thế cũng chỉ vì Người đã quá quan tâm đến những người nghèo, những người bị áp bức, và Người muốn chết để cứu họ. Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của Đức Kitô. Đó là Tin Mừng cho chúng ta.

Khi nói đây là “huyền thoại tâm điểm” của chúng ta, điều này có ý muốn nói đây là mẫu mực của mọi lối sống của người Kitô hữu. Ai trong chúng ta đã được Đức Kitô đụng chạm đến, đều cần phải có những thái độ, những dấn thân và lựa chọn như Người. Và chúng ta có thể chọn lựa những điều này vì biết rằng làm như thế đem lại cho chúng ta sự sống, cho chúng ta một cái nhìn về dân được quy tụ và được Đức Kitô nuôi dưỡng. Điều này rất quan trọng, vì nếu làm mất ý nghĩa huyền thoại cơ bản của chúng ta, thì mọi nghi thức trở thành trò ảo thuật.

III- VAI TRÒ CỦA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Trong chương trước chúng ta có nói về câu chuyện một linh mục đã hồi tục đọc lời truyền phép trên chiếc xe chở bánh mì, và những vấn đề thần học nảy sinh từ việc đó. Một trong những điểm có thể được nói tới trong trường hợp này, đó là rõ ràng đã không có việc công bố Lời Chúa khi sự việc xảy ra. Do đó không có một chủ ý đích thực muốn đặt những lời truyền phép vào trong huyền thoại làm nền tảng cho nghi thức của chúng ta. Thiếu điều này mà cho rằng chỉ cần những lời truyền phép kia là có thể làm cho Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể thì hóa ra là đã cho những âm thanh rỗng tuếch đó một giá trị độc lập. Làm như thế chắc chắn biến phụng vụ thành trò ảo thuật, một trò bịp bợm.

Chỉ riêng sự việc này cũng giúp ta nhận định được vị trí quan trọng của Lời Chúa trong việc cử hành phụng vụ. Tự nó, nghi thức không thể có sự sống độc lập nếu không có Lời Chúa. Điều này cũng nói lên quyền năng của Lời Chúa. Về mặt tâm lý cũng như thần học, hoàn toàn giống như sự kiện chúng ta đọc thấy trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau. Họ đã có thể nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh chỉ sau khi tâm hồn họ rực cháy nhờ việc giải thích Thánh Kinh xảy ra trước đó.

Trong trường hợp này, việc công bố Lời Chúa là một thực tại có năng lực giúp chúng ta mở lòng trí, và giúp chúng ta trở nên thành viên của cộng đoàn tưởng niệm cũng như cộng đoàn hy vọng trong thế giới hôm nay. Trên dặm đường bôn ba kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời, chúng ta có thể tìm ra ý nghĩa đó trong việc bẻ bánh, vì qua sự kiện này ta nhận chân rằng sự sống thực sự chỉ tìm thấy được khi trao ban chính mình cho người khác.

Như vậy, vừa khi cộng đoàn tụ tập, chúng ta một lần nữa kể lại câu chuyện cứu độ. Và nếu chính cộng đoàn biểu lộ sự hiện diện của Đức Kitô, thì Người cũng được tỏ hiện cách đích thực trong việc công bố Lời Chúa. Đây là một sự hiện diện mà chúng ta bỏ quên từ lâu nay.

Từ sau Công Đồng Vatican II, chúng ta bắt đầu hiểu Thánh Lễ được chia làm hai phần chính : Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Cả hai phần đều thiết yếu trong việc cử hành Thánh Thể. Ai cũng thấy điều này rất dễ hiểu, nhưng trong quá khứ không phải rõ ràng như thế. Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã không mang lại cho Thánh Kinh tầm quan trọng tương xứng. Từ thời phục hưng, vì phía Tin Lành nhấn mạnh đến Lời thì ta nhấn mạnh trên Bí Tích. Cứ thế cả hai bên đều trở nên nghèo nàn, cằn cỗi.

Trước Công Đồng Vatican II, chúng ta thường nói đến “những phần quan trọng” của Thánh Lễ. Nhưng khía cạnh luật được nhấn mạnh, có nghĩa là, không ai có thể bỏ một trong những phần đó mà không mắc tội. Phụng vụ Lời Chúa không được sát nhập vào trong những phần quan trọng này. Bây giờ thì chúng ta phải công nhận rằng những cách thức cử hành phụng vụ Lời như ngày nay, không có vẻ gì buộc người giáo dân phải tham dự bằng không thì mắc tội. Tuy nhiên, phần Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ cũng quan trọng không kém phần phụng vụ Thánh Thể.

Để giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng của Kinh Thánh hơn, việc canh tân phụng vụ xảy ra sau Công Đồng Vatican đã quyết định sử dụng ba bài đọc trong ngày Chúa Nhật và lễ trọng thay vì chỉ hai, và chu kỳ phụng vụ là ba năm thay vì chỉ một năm như trước kia. Tất cả mục đích của việc canh tân này nhằm cung cấp cho cộng đoàn dân Chúa bàn tiệc Lời phong phú hơn. Để chúng ta có thể đem về nhà và sống Lời Chúa, bài giảng cũng cần phải có trong mọi cộng đoàn cử hành Thánh Lễ.

Buồn thay, chỉ từ khi có Công Đồng Vatican chúng ta mới thấy Giáo luật buộc phải thuyết giảng trong tất cả thánh lễ Chúa Nhật. Trước đó, việc thuyết giảng chỉ khuyên nên làm chứ không bắt buộc. Hội Thánh bây giờ đã nhìn nhận rằng Lời Chúa cần phải được giải thích để ý nghĩa được sáng tỏ hơn cho ngày hôm nay. Khác với bài giảng dạy đơn thuần, bài giảng lễ Chúa Nhật không chỉ là một sự thuyết trình có tính nghiên cứu về ý nghĩa của Kinh Thánh vào thời điểm Kinh Thánh được viết ra. Đúng hơn, bài giảng cố gắng làm cho cộng đoàn đối diện với ý nghĩa của Lời Chúa cho ngày hôm nay, bất luận chúng ta ở trong trạng huống nào. Nếu Đức Giêsu có mặt trong những buổi công bố Lời của chúng ta, chắc hẳn Người chỉ dùng thì hiện tại khi nói với chúng ta. Vì không muốn đi cho đến cùng lô-gích nói trên, cho nên đối với các bài giảng lễ ngày thường, Giáo luật chỉ khuyên nên làm chứ không bó buộc. Sự kiện này cho thấy là ở một mức độ thực hành, chúng ta vẫn chưa nhận thức được tầm mức hết sức quan trọng của việc giảng Lời Chúa. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục giảm thiểu các bài giảng, ta chỉ làm cho Phụng Vụ nghèo nàn hơn. Lời Thiên Chúa chưa thực sự được công bố, bao lâu Lời ấy chưa trở thành hiện thực cho ngày hôm nay.

Phụng vụ Lời, trong nghĩa nào đó, là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và chúng ta. Mọi chi tiết trong phụng vụ đều xây dựng trên bài Tin Mừng và hướng về bài Tin Mừng. Với chu kỳ ba năm mà hiện giờ đang có, chúng ta có cơ hội để tập trung vào bức chân dung của Đức Kitô được mỗi tác giả Tin Mừng Nhất Lãm thay phiên nhau trình bày mỗi năm với Matthêu, Marcô và Luca. Các bài đọc ít nhiều liên tục đưa ta vào sâu trong đời sống công khai của Đức Giêsu với phụng vụ các ngày Chúa Nhật thường niên.

Trước hết chúng ta nghe một bài đọc từ Cựu Ước. Bài đọc này luôn được lựa chọn để có liên hệ với bài Tin Mừng. Các bài đọc II từ Tân Ước có hơi phiền phức một chút. Các bài đọc này như tự đi theo con đường riêng của mình, và đôi khi xem ra ít liên hệ với chủ đề chung của bài Tin Mừng. Chúng ta cần phải chấp nhận như thế như là nguyên liệu để chúng ta sống và suy niệm trong suốt một tuần.

Sau các bài đọc, có một thời gian thinh lặng suy niệm. Đây là lúc chúng ta có thể bắt đầu nhận thức Chúa đang nói gì với ta hôm đó. Những khoảnh khắc thinh lặng đó rất quý báu, không được phép biến nó thành những lúc để chia trí lo ra. Bài đọc I luôn có bài thánh vịnh đáp ca tiếp theo để giúp chúng ta tập trung cho sự đáp trả Lời Chúa. Chúa nói và chúng ta đáp lại.

Câu tung hô Aleluia đi trước bài Tin Mừng, và đôi khi có hương nến đi theo, là để giúp chúng ta nhớ rằng mục đích của Tin Mừng còn đi xa hơn việc những thông tin hiểu biết được nhét đầy vào đầu chúng ta. Khoảnh khắc đó được dành cho giác quan và tâm hồn ta cảm nhận để chúng ta có thể được đẩy đi theo tiếng rên khôn tả của Thần Khí.

Dĩ nhiên, chính bài thuyết giảng cố gắng liên kết toàn bộ phụng vụ Lời Chúa lại với nhau cho lợi ích của cộng đoàn. Chức năng của bài thuyết giảng chính là làm cho Đức Giêsu hiện diện trong ý thức – đức tin của cộng đoàn. Và cũng như Phụng vụ đề cập mọi tình huống trong mọi lúc mọi thời, từ việc ca khen Thiên Chúa vì những kỳ công tạo dựng, đến cảm tạ về công trình Cứu Rỗi trong Đức Kitô, và cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trở nên Thân Mình của Đức Kitô, thì bài giảng cũng làm như thế khi đề cập đến quá khứ, hiện tại và tương lai.

IV- CÁCH THỨC CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Các sách Tin Mừng nói về các hoạt động quá khứ của Đức Giêsu. Chúng ta nghe những trình thuật đó nhưng luôn với ý thức rằng, một cách nào đó, câu chuyện của Người cũng liên quan đến câu chuyện của chúng ta ở đây và bây giờ. Chúng ta mãi mãi là những đối tượng của tình yêu và sự quan tâm của Người. Với thách đố làm cho thái độ, lý tưởng, ý nghĩa của sứ điệp và lời mời gọi của Người được nhập thể một lần nữa, Chúa Giêsu trở nên hiện diện một cách sâu đậm trong tâm trí chúng ta. Người không còn là một ký ức xa vời, vì chúng ta biết rằng các hoạt động cứu rỗi của Người trong quá khứ vẫn đang hiện thực trong ngày hôm nay.

Hơn nữa chúng ta được triệu tập nơi bàn ăn mà chính Đức Kitô là chủ tiệc. Chúng ta chia sẻ nơi bàn ăn của Người với tư cách là thành viên của gia đình Người. Trong ý nghĩa này, với tư cách là Đấng Phục Sinh thì Chúa Giêsu là thành tố của dự án tạo dựng lớn hơn nữa của Thiên Chúa, một dự án vẫn còn đang chờ được tỏ hiện. Chính Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa cho dự án này cũng như cho việc tham dự của chúng ta vào trong đó. Chỉ trong Đức Kitô mà chúng ta đang được cứu độ ngay cả khi chúng ta lắng tai nghe Lời Ngài.

Bài thuyết giảng cũng hướng về tương lai. Chúng ta biết rằng Triều Đại của Chúa vẫn chưa đến, và tất cả tạo vật vẫn còn đang rên siết chờ sự viên mãn của công trình cứu chuộc tỏ hiện. Cộng đoàn Thánh Thể tự mình là tiểu vũ trụ của bàn tiệc thiên quốc. Như chúng ta vẫn hát trong thánh lễ sau lời Truyền Phép : Chúa Kitô sẽ trở lại. Sự bảo đảm đó là quà tặng của Thánh Thần, là bảo chứng của vinh quang tương lai.

Việc đáng buồn là nhiều cử hành Thánh Thể vẫn chưa làm cho chúng ta đối diện được với Đức Kitô. Ý nghĩa về sự hiệp thông với Chúa phục sinh ít khi được nổi bật trong các cử hành phụng vụ. Vậy cần phải làm gì để câu chuyện của chúng ta có đủ lực thúc bách ?

Martin Buber kể đi kể lại câu chuyện về ông nội của mình, một người bị bại liệt. Là người thuộc phong trào mộ đạo Do Thái, ông cụ rất ngưỡng mộ Baal Shem Tov là vị sáng lập phong trào này. Baal Shem Tov có một cách cầu nguyện xuất thần, trong đó ông có thể nhảy múa trong khi hứng khởi vui mừng. Ngày kia có người xin ông nội của Martin Buber diễn tả việc cầu nguyện đó xảy ra như thế nào. Khi ký ức của ông cụ trở nên càng ngày càng sống động thì sinh khí của ông bắt đầu gia tăng. Ngay sau đó, ông cụ rời chiếc xe lăn, đứng dậy để minh họa những gì ông đang kể. Ông cụ đã hết bại liệt. Một câu chuyện hay phải được thuật lại như thế đó.

Tôi đã từng biết một người có cách đọc các bài đọc trong Thánh lễ rất tuyệt vời. Vốn có được chất giọng trầm ấm truyền cảm, anh cũng là một xướng ngôn viên được huấn luyện trong nghề, một giáo sư môn diễn thuyết ở đại học. Người ta luôn cảm thấy thích thú khi nghe anh đọc sách thánh. Có lần tôi nói với anh rằng tôi rất ưa nghe giọng đọc của anh, tuy nhiên tôi thấy rằng dường như khi đọc bài đọc thứ hai trong Thánh Lễ, anh luôn luôn đọc hay hơn. Tại sao vậy ?

Anh ta bẽn lẽn mỉm cười và nói : “Có lẽ vì tôi rất thích thánh Phaolô.” Thì ra chẳng những anh rất hâm mộ thánh Phaolô, mà còn có cả đầy đủ bộ chú giải các thư thánh Phaolô. Anh ta không bao giờ đứng lên công bố Lời Chúa, mà không đọc trước phần chú giải và cầu nguyện trên những bài đọc. Anh ta đã trình bày thánh Phaolô từ trong sâu thẳm nội tâm mình.

Những người đọc sách thánh là các thừa tác viên Lời Chúa của cộng đoàn. Do đó nên chọn những người có đặc sủng về truyền thông. Việc lựa chọn bất cứ ai, dù tốt hay xấu, dù có chuẩn bị trước hay không, là coi thường Lời Chúa. Nhất là nếu tiêu chuẩn lựa chọn người công bố Lời Chúa lại dựa trên những người có chức có quyền, có vai vế trong giáo xứ, hay là những người hay tài trợ hay rộng tay đóng góp cho cộng đoàn thì coi chừng biến việc thiêng thánh đó thành hình thức mua danh, đáp lễ ! Cũng khó mà xác tín đó là “Lời Chúa” khi chúng ta đọc từ một tờ giấy hoặc từ một cuốn sách lễ nhỏ xíu.

V- ĐẶC TÍNH HIỆU NĂNG CỦA VIỆC KỂ CHUYỆN

Bên cạnh những nhận xét tỉ mỉ đó, John Shea đã cố gắng phân tích ba đặc tính đầy hiệu năng của việc kể chuyện.

- Đặc tính thứ nhất rất đơn giản, đó là kể đi kể lại. Việc này không bao giờ nhàm chán. Chúng ta chỉ cần lấy kinh nghiệm mà chúng ta đều có nơi các trẻ nhỏ. Chúng luôn vui sướng nghe đi nghe lại những câu chuyện chúng ưa thích. Nếu bất cứ ai dám bỏ đi một trang hay thay đổi một đoạn, chúng sẽ la toáng lên là người đó đã thay đổi câu chuyện. Đối với chúng điều đó luôn luôn không thể chấp nhận được. Những câu chuyện hay cần phải được kể đi kể lại càng nhiều lần càng tốt.

Đó là lý do vì sao chúng ta nhớ được hầu hết các sách Tin Mừng, là nhờ những câu chuyện của Đức Giêsu. Giáo dân rất quen thuộc với câu chuyện người con hoang đàng (hoặc người cha phung phí!), người Samari nhân hậu, và nhiều mẩu chuyện khác, dù họ có thể không quen lắm với nhiều giáo huấn khác chứa đựng trong Tin Mừng. Thực khó mà quên một câu chuyện hay.

- Đặc tính thứ hai là hình thức kể chuyện làm lan toả ra thái độ và quan điểm về mầu nhiệm của sức sống trong cộng đoàn. Các câu chuyện hay luôn mở ra những lối giải thích sâu xa hơn, đụng chạm đến cốt lõi con người chúng ta. Càng nghe những chuyện kể đó, chúng ta càng khám phá ra được những ý nghĩa thâm sâu. Các chuyện kể đó bắt chộp chúng ta trong nhiều cách thức khác nhau và mới mẻ.

- Đặc tính sau cùng là ngoài việc giúp chúng ta suy tư về mầu nhiệm của sự sống, tạo nên niềm xác tín và thái độ kiên vững, câu chuyện kể hay còn đem lại một sự nhạy bén luân lý nào đó trước những giá trị Tin Mừng. Điều này thường đưa đến một cuộc chiến đấu luân lý đạo đức khi chúng ta đối chiếu cuộc sống của mình với những lý tưởng nổi cộm trong chuyện kể, hoặc đối chiếu giá trị trong chuyện kể với những giá trị của xã hội chúng ta sống. Việc này sẽ được đề cập đến đầy đủ hơn khi chúng ta tiếp tục theo dõi những tiết tấu mang tính tiên tri trong Thánh Lễ.

Vậy yêu cầu của phụng vụ không chỉ là làm cho Lời Chúa được công bố, nhưng phải làm sao cho tất cả những người có mặt phải dính dấp, phải liên đới với Lời. Làm sao đạt yêu cầu này? Chúng ta phải thực hiện những bước cần thiết sau đây :

- Bước đầu tiên là phải nhận thức thức rằng Chúa Giêsu được tỏ hiện cho chúng ta qua việc công bố Lời. Nếu không có một quan tâm, một xác tín về điều này, chúng ta có thể coi phụng vụ Lời như một nghi thức phải có (và đôi khi nhàm chán), trước khi đi vào phần chính thức là hiệp lễ. Lời Chúa phải được quan tâm cách đặc biệt vì Lời có thể biểu hiện Chúa Giêsu cho chúng ta.

- Kế tiếp là chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa cách tích cực. Có nghĩa là chúng ta phải để cho Lời Chúa thách đố chuyện đời riêng tư của mình. Chúng ta truy tìm sứ điệp Chúa gửi đến cho ta qua những bài đọc khác nhau. Chúng ta bắt đầu tìm hiểu những bài đọc, nối kết với những đoạn Kinh Thánh khác, để cảm nhận tính thời sự của những đoạn Kinh Thánh đó ngày hôm nay. Lời Chúa đem lại một sứ điệp về cuộc sống và niềm hy vọng cho con người trong một không gian và thời gian cụ thể. Lời Chúa thách đố từng cộng đoàn trung tín với đường lối riêng của mình.

- Sau cùng, mỗi người chúng ta phải lãnh nhận trách nhiệm cá nhân với chuyện kể. Thực ra, Lời Chúa đụng chạm đến mỗi cá nhân chúng ta trong khuôn khổ cộng đoàn. Chúng ta chỉ có thể bổ sung cho sức sống của cộng đoàn Kitô hữu của mình khi bắt đầu đáp trả nghiêm túc những đòi hỏi của Tin Mừng,

Đó là điều chúng ta có thể thực hiện được dù có cảm thấy thỏa mãn hay không trong việc công bố Lời Chúa trong nhà thờ. Đâu cần phải than vãn kêu ca nếu bài giảng dường như không thích hợp hoặc không được chuẩn bị chu đáo. Nếu đã chuẩn bị những bài đọc trước khi đến tham dự phụng vụ, thì chúng ta sẽ ở trong tư thế vật lộn với các bài đọc, sẽ tự hỏi các bài đọc thách đố chúng ta cụ thể về điều gì? Chúng ta sẽ rao giảng nội dung các bài đọc đó lại như thế nào? Tại sao? Biết đặt những câu hỏi như thế, chúng ta sẽ thấy một khác biệt rõ ràng giữa một sự tham dự nhàm chán và một sự tham dự đầy ý nghĩa.

Tiết nhịp chuyện kể là một trong những động tác nhận chìm con người chúng ta trong biến cố Đức Kitô. Tiết nhịp này có thể giúp chúng ta cảm nhận được cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô như là một Tin Mừng. Vì ngôi mộ đã không thể giữ Đức Kitô được lâu, và vũ điệu vẫn là của Người đồng thời cũng có thể là của chúng ta.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/5-tiet-nhip-ke-chuyen/