Trích từ Dân Chúa

4. Cõi lòng rộng mở: Liên đới trong Đức Kitô

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Đavít và toàn thể dân Israel nhảy múa vui mừng hết sức trước nhan Giavê theo tiếng hát, với đàn cầm, đàn sắt, với trống đệm cùng chũm chọe và kèn loa” (1 Ks 13,8)

I- PHỤNG VỤ NỐI NHỊP VỚI CUỘC SỐNG

Rõ ràng là đối với nhiều Kitô hữu, mối tương quan với Đức Kitô không quyết định được các chọn lựa căn bản trong cuộc đời họ. Sự dấn thân trong đức tin ít khi là yếu tố quyết định loại công việc nào mà họ đang đi tìm, hoặc địa điểm và loại nhà nào mà họ sống, hay thậm chí lối sống nào mà họ phải lựa chọn. Đôi khi sự dấn thân trong đức tin có thể ảnh hưởng trong việc chọn vợ gả chồng, hoặc kết nạp bạn bè. Nhưng đối với phần đông, tất cả những chọn lựa cơ bản trên được thực hiện trước, sau đó mới “rửa tội” cho những chọn lựa đó bằng cách đặt Đức Kitô vào sự việc đã rồi, để “thánh hóa” cho những quyết định mà dù sao họ cũng đã chọn lựa rồi. Đức Giêsu chỉ đến sau những tính toán con người.

Nguyên nhân là vì giữa phụng vụ và cuộc sống có một nhịp cầu nối quá mỏng manh. Những gì được cử hành trong nhà thờ không liên quan gì với thực tại mỗi ngày trong cuộc sống con người ngày nay. Ở nhà thờ, chúng ta chỉ quan tâm đến lãnh vực thiêng thánh, nhưng khi rời nhà thờ, chúng ta trở về với thực tế trần gian. Nếu kinh nguyện giúp chúng ta có nghị lực hơn để sống mỗi ngày thì tạ ơn Chúa! Nhưng ít khi chúng ta đặt cơ bản nơi phụng vụ để có một cái nhìn, hay một thẩm định sâu sát hơn về cách chúng ta phải sống thế nào để cuộc sống có ý nghĩa và có mục đích hơn.

Phụng vụ Chúa Nhật có cái gì có thể nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống gia đình không ? Có nhịp cầu nào nối giữa đức tin của chúng ta được diễn tả trong phụng vụ và công ăn việc làm của chúng ta ngoài phố chợ không ? Các câu hỏi này không bao giờ có câu trả lời nếu chúng ta hiểu phụng vụ Thánh Thể Chúa Nhật với những tư tưởng nặng về cá nhân mà xã hội tiêu thụ thường dạy cho chúng ta. Nếu Giáo Hội chủ yếu cung cấp những dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của chúng ta, thì sẽ rất khó để hiểu rằng mục đích chính của Phụng Vụ là làm cho chúng ta ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Chúa, giúp chúng ta bước theo nhịp điệu của Người để vũ hội có thể tiếp diễn.

Phụng vụ Giáo Hội, với nhiều âm giai tiết điệu, dẫn bước hành trình đời sống chúng ta hoàn toàn khác hẳn với cách dạy phát huy nhân bản của các minh sư Ấn Giáo. Bởi lẽ phụng vụ Giáo Hội dìm sâu chúng ta trong mầu nhiệm cuộc đời, mà ở đó ý nghĩa và ơn cứu độ chỉ tìm thấy nơi Đấng đã bị đóng đinh trên thập giá trong một hành động tự hiến hoàn toàn.

Theo Công Đồng Vatican II, canh tân phụng vụ là nhằm đổi mới cuộc sống người Kitô hữu. Vì là biểu hiện và tóm lược sự phong phú niềm tin của chúng ta, cho nên phụng vụ có khả năng đón nhận cuộc sống hằng ngày của chúng ta, biến đổi, thánh hóa bằng cách đưa nó tiếp cận với những hành động cứu rỗi của Đức Kitô. Nhưng Phụng vụ sẽ không có quyền lực nào nếu chúng ta cứ hiểu đó như là một hành động thánh thiện, hoàn toàn tách rời khỏi cuộc sống hiện thực.

Sáu mươi năm trước đây, chúng ta hẳn đã hết sức bàng hoàng trước sự kiện xảy ra ở Canada. Một linh mục đã công khai rời bỏ Giáo Hội và khước từ chức linh mục đang đứng ở góc đường thì một chiếc xe tải chở bánh mì chạy đến chỗ đó và dừng lại. Vị này đưa tay ra và đọc lời truyền phép “Đây là Mình Thầy…”

Sự việc này làm cho cả giáo phận hoang mang về vấn đề thần học. Dù gì đi nữa thì ông này là một linh mục đời đời thuộc phẩm hàm Melchizedek. Trong xe tải là bánh thật, và ông đọc thật đúng những lời truyền phép. Vậy thì cả xe bánh đó có trở thành Mình Thánh không ? Dư luận bất đồng ý kiến với nhau. Để an toàn, người ta mua hết xe bánh và đem phân phát cho trẻ mồ côi để tránh việc phạm sự thánh có thể xảy ra.

Ngày nay chúng ta có thể bật cười về một câu chuyện như thế. Nhưng câu chuyện này là để nói lên việc người ta đã quá dễ dàng gói gọn phụng vụ vào những lời hầu như ma thuật, vào những câu thần chú đầy quyền năng, hoàn toàn tách khỏi thực tại cuộc sống. Trong Thánh Lễ không có cái gì gọi là ma thuật hoặc máy móc hết. Để có ý nghĩa nào đó, phụng vụ Thánh Thể phải phản ánh được cuộc sống chúng ta, một cuộc sống chấp nhận Thiên Chúa là một thực tại siêu nhiên, trong Người chúng ta sống, hít thở và hiện hữu.

II- CHIỀU KÍCH CỘNG ĐOÀN CỦA THÁNH LỄ

Từ quan niệm về tiết nhịp triệu tập, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi liệu bí tích của cộng đoàn có cử hành được hay không, khi mà cộng đoàn không hề được nhắc đến ? Nhiều người cảm thấy khó chịu khi thấy rằng trong nhà thờ, hình như không ai để ý đến sự có mặt của họ. Hình như có một biểu hiện hoàn toàn mâu thuẫn với những gì cuộc sống người Kitô hữu phải nhắm đến.

Chúng ta cần phải khẳng định rằng chiều kích cộng đoàn hay các Tiết Nhịp Thánh Lễ đòi hỏi chúng ta phải có một cố gắng đầy ý thức, phải thực sự sống mối tình hiệp nhất mà chúng ta cử hành. Kitô giáo cần phải tác động trên cách chúng ta hiểu biết về chính mình. Hiểu biết giáo huấn trung tâm của Kitô giáo về tình yêu như thế nào là tùy vào cách hiểu đúng đắn bản chất đích thực của cộng đoàn Kitô hữu.

Phải công nhận đây là một đề xuất khá khó khăn, nhất là trong xã hội hiện đại. Nhiều hình ảnh liên quan đến cộng đoàn có vẻ như hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta. Có lẽ lý tưởng về cộng đoàn có thể chỉ còn là một hoài niệm về thời vàng son nào đó, khi mà mọi sự đều rất đơn giản! Sự việc vẫn còn đó : chúng ta cần diễn tả bằng những ngôn từ có thể hiểu được ý tưởng về cộng đoàn vốn là ý tưởng căn bản đàng sau tiết nhịp triệu tập.

Các giáo xứ của chúng ta ngày nay thường là những cấu thể vô danh, cách nào đó phản ánh tính vô danh và khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa trong xã hội. Có lẽ ta chỉ biết tên của một số nhỏ giáo dân trong giáo xứ. Ranh giới giáo xứ mập mờ, và ít người cảm thấy gắn bó với giáo xứ của họ! Và nghi thức nhập lễ có lẽ không cho ta cảm nhận được mình thuộc về một gia đình thực sự vốn rộng lớn hơn gia đình tự nhiên của mình.

Tuy nhiên, thực là một điều không bình thường nếu buổi họp mặt không phát huy được bất kỳ liên hệ nào giữa những người đang có mặt với nhau. Trong những ngày đầu của Giáo Hội tiên khởi, khi người Do Thái và kẻ ngoại đạo đông hơn các tín hữu, thì chắc chắn rằng các tín hữu đã phát huy được mối liên hệ đó. Có lẽ cần phải có một cuộc hoán cải trong cách nhìn để có thể giúp chúng ta biết được chân tính Kitô hữu của mình như là một trách nhiệm chung đối với xã hội rộng lớn hơn mà chúng ta tùy thuộc. Hình như đây là việc mà Giáo Hội sơ khai đã cố gắng thực hiện trong lòng đế quốc Rôma.

Trong hai bài báo tựa đề “Thánh Lễ và Cộng Đoàn”, đăng trên tạp chí “Worship”, Jerome Murphy O' Connor trình bày một nghiên cứu tỉ mỉ về cộng đoàn theo tư tưởng thánh Phaolô. Tác giả hai bài viết đó đã cho thấy chiều sâu và nét thực tiễn của tư tưởng thánh Phaolô. Chính cộng đoàn đem lại ơn cứu độ mà Đức Kitô tạo nên. Lời rao giảng của Đức Kitô đã không thể lọt đến tai con người của thế giới đương thời nếu không được cộng đoàn công bố lên. Vậy cộng đoàn trở thành sự tiếp nối bằng xương bằng thịt sứ vụ cứu độ của Đức Kitô.

Murphy O' Connor cũng nêu lên được điểm quan trọng này là Phaolô xem Đức Giêsu như hiện thân của một nhân loại đích thực. Đức Kitô là tất cả những gì mà nhân loại ngay từ thuở ban sơ muốn đạt đến, một thực tại đã bị tội lỗi làm vẩn đục. Không giống như bản liệt kê các nết xấu của những người cùng thời với Ngài, khi Phaolô liệt kê những tội lỗi chính của nhân loại (gồm 40 tật xấu), thì tuyệt đại đa số nhân loại phạm cái tội chống lại tính xã hội. Phaolô xác tín rằng tội lỗi chế ngự nhân loại bằng cách chia thế giới ra thành từng mảng tách biệt, ở đó các mối tương giao chỉ đặt nền trên ích lợi của bản thân.

Trong thư thư nhất gởi tín hữu Côrintô chương 10, nói về việc tham dự Thánh Thể, Phaolô nhắc nhở chúng ta : “Khi nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô đó ư ? Khi chúng ta bẻ bánh, chẳng phải là tham dự vào Thân Mình của Đức Kitô sao ?” (1Cr 10,16). Từ “dự phần” (participation) ở đây được dịch bởi từ “koinonia”, một ý niệm then chốt trong sách Tân Ước. Ví dụ, chúng ta cũng gặp lại từ này trong sách Công Vụ khi tóm tắt những gì mà cộng đoàn Kitô hữu nhắm đến.

Công Vụ 4,32 (cũng như 2,42 và tiếp theo) cho biết “cộng đoàn các người tin chỉ có một lòng một ý, và không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng tất cả đều là của chung.” Không có bóng dáng nào là lòng đạo cá nhân ở đây hết. Họ thường tự xưng là “ekklesia của Thiên Chúa”, một cụm từ mà ngày nay chúng ta dịch ra là “Giáo Hội”. Điều này cho thấy một ý thức lạ thường về bản thân mình, qua ý thức này họ chấp nhận trách nhiệm làm trung gian cho quyền năng cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô cho thế gian.

Việc làm trung gian này được thực hiện qua nhiều cách. Cách rõ ràng nhất có lẽ là việc tiêu trừ các rào cản xã hội. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Galát rằng do Phép Rửa họ không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nam hoặc nữ, nô lệ hay tự do. Họ có những liên hệ mới, thoát khỏi mọi phân biệt chia rẽ. Chung chung, Giáo Hội tiên khởi là một xã hội không giai cấp. Điều nổi bật nhất trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi trong những thế kỷ đầu là khả năng của họ trong việc xóa bỏ mọi phân biệt giai cấp xã hội và kinh tế. Sự khác biệt về sắc dân làm cho con người tách biệt nhau. Lý lịch cá nhân thường rất khác biệt, tất cả những thứ đó đặt thành những giai cấp khác nhau trong cái thế giới chúng ta đang sống. Phụng vụ Thánh Thể đòi hỏi chúng ta phải hòa lẫn tất cả với nhau làm thành một Thân Mình Đức Kitô, bất kể mọi yếu tố phân rẽ. Việc con người từ mọi mức độ sống có thể ngồi chung bàn với nhau là một sự kiện chưa từng nghe thấy ở những thời xa xưa. Sự kiện này đã làm cho dân ngoại thán phục đến phải thốt ra : “Xem họ thương yêu nhau biết chừng nào !”

Trước Công đồng Vatican II, người ta ít khi nghĩ về Giáo Hội theo chiều hướng này. Chúng ta thường nghĩ về Giáo Hội như là một xã hội hoàn hảo nặng về cơ cấu và giáo điều. Tạ ơn Chúa, với Công Đồng này, yếu tố cơ cấu và giáo điều không còn được nhấn mạnh nữa, điều này hứa hẹn nhiều khả năng sẽ không còn một mẫu thống trị nào. Tuy nhiên chắc chắn rằng sẽ tồn tại kiểu mẫu mang tính Thánh Thể, nhất là kiểu mẫu của cộng đoàn các môn đệ. Khi quây quần bên bàn tiệc của Chúa, người ta có thể xác định lại căn tính chung của mình, và cùng nhau dấn thân cho việc xây dựng triều đại mà Đức Giêsu đã sống và chết cho triều đại đó.

Ở đây, Phép Rửa đem lại cho chúng ta chân tính cơ bản. Gia nhập Kitô Giáo không giống như gia nhập một loại câu lạc bộ cứu rỗi nào đó. Đúng hơn, việc sát nhập vào gia đình Thiên Chúa là đón nhận một quốc tịch mới, với đòi hỏi của những tương quan mới với mỗi người anh chị em khác trong Đức Kitô. Với ý nghĩa này, Kitô Giáo không đơn giản là một nhãn hiệu đính thêm vào lý lịch của một người là Việt Nam, Mỹ, Phi Luật Tân hay gì khác. Đó chính là cái xác định một ai đó như chính là bản vị của mình. Bản vị tính, theo nghĩa Kitô Giáo, chủ yếu là liên hệ tính.

Công Đồng Vatican II làm sáng tỏ ý tưởng chúng ta là một dân lữ khách. Tư tưởng này ít nhất ngụ ý rằng chúng ta chưa đạt đến cứu cánh hay vận mệnh của mình. Chúng ta vẫn còn đang trên đường, chưa đến đích. Nhưng chúng ta tay trong tay cùng nhau tiến bước trên con đường đó. Chúng ta không cần tìm sự trọn hảo nơi tất cả những người bạn đồng hành với mình. Cộng đoàn chúng ta không phải là nơi vắng bóng mọi trở ngại, mọi bất toàn và tội lỗi. Đó là qui luật. Một vị linh mục đã có câu đáp rất hay cho một người phát biểu rằng anh ta không muốn đến nhà thờ, vì nhà thờ toàn là những kẻ giả hình. Linh mục đó trả lời : “Đúng đấy, luôn luôn vẫn còn chỗ cho một tên giả hình nữa.”

Trong thời buổi đa dạng này, chúng ta không đòi hỏi nghi thức Nhập Lễ phải nói lên được tinh thần đồng nhất với tổng thể xã hội chúng ta đang sống. Nhưng ít nhất phụng vụ phải liên kết chúng ta chặt chẽ hơn trong việc phụng thờ của cộng đoàn. Phụng vụ cũng có thể giúp chúng ta biết chính bản thân mình hơn, như là những bản vị. Sức mạnh của phụng vụ có thể làm cho mỗi cá nhân chúng ta trở thành anh chị em của Đức Kitô.

Điều này được ứng dụng cụ thể như thế nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta ? Điều cần thiết đầu tiên là một cách xét mình mới. Hãy bắt đầu bằng cách không chỉ xét mình theo Mười Điều Răn. Ở đây không có ý nói là chúng ta không cần giữ Mười Điều Răn, nhưng là hãy bỏ đi ý tưởng cho rằng Mười Điều Răn tóm tắt toàn bộ đời sống Kitô hữu. Tại sao chúng ta không được dạy để lấy Tám Mối Phúc, hay là quang cảnh Ngày Phán Xét Chung trong Mt 25, 31-36, hay là Giới răn duy nhất “hãy yêu thương nhau” mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong Ga13, 34-35 để làm chuẩn mực cho đời sống Kitô hữu của mình ? Tuy nhiên để phát triển một linh đạo về phụng vụ ở đây, chúng ta nên sử dụng những tiết nhịp của Thánh Lễ như tài liệu này đang cố gắng thực hiện.

III – TÍNH CỘNG ĐOÀN VÀ TÌNH THÂN HỮU

Việc chăm chú đến tiết nhịp triệu tập nói lên điều gì ? Nó cho thấy việc thiếu tính duy nhất và cộng đoàn chẳng phải là từ nơi Chúa, và sự thiếu sót đó có thể không bao giờ đưa chúng ta trở về với tấm lòng của Đấng tạo thành chúng ta. Như thế, cần phải phát triển mối tương quan với nhau, nhất là với người nghèo và người bị áp bức. Đây là điều cần thiết và có thể được diễn tả bằng nhiều cách. Điều chúng ta đang nói đến ở đây là khả năng bẻ gẫy bất cứ cái gì làm cho con người trở nên xa lạ đối với nhau, cũng như những gì phá vỡ tính cộng đoàn và tình thân hữu.

Nhiều người đã làm điều đó trong cuộc sống gia đình, cũng như đã có những nỗ lực để chữa lành vết thương, để vươn đến các bệnh nhân, để bắc những nhịp cầu và trở thành sứ giả hòa bình. Những nỗ lực đó chẳng phải dễ dàng mà có. Trước hết phải có sự đồng cảm đích thực. Chúng ta phải trở thành những người biết-hướng-đến-người-khác, để cho những nhu cầu và nỗi đau của họ chạm đến trái tim ta. Nếu không, ta sẽ chẳng mảy may lưu tâm tới dẫu người khác đang phải đổ máu. Khó khăn hơn nữa, chúng ta còn phải học biết tha thứ.

Đối với nhiều người, tha thứ là điều hết sức khó khăn, thế nhưng đó lại là điều Chúa Giêsu dạy ta phải làm cách vô giới hạn. Chúng ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy (Mt 18, 22). Chúng ta còn phải yêu thương cả kẻ thù, và làm ơn cho những người thù ghét chúng ta (Mt 5, 44). Trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa “tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Và chúng ta phải làm điều đó với tất cả sự chân thành, đến nỗi như Chúa Giêsu, ta có thể cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho họ vì “họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Chỉ đức tin mới có thể dẫn chúng ta đến lối nhìn này. Cứ dừng lại ở bề mặt và chỉ thấy nỗi đau riêng của mình đó là chuyện dễ. Chúng ta rất nhanh nhạy khi nhận diện tội lỗi của người khác. Chỉ cần chút tinh tế là đủ để nhận ra những yếu đuối và khiếm khuyết của kẻ khác, và tất cả chúng ta đều có sự tinh tế đó. Thế nhưng để nhìn sâu vào bên trong, để thấy được ánh lửa thần linh Thiên Chúa đặt trong lòng ta, để nhận ra Chúa Kitô nơi những chi thể bầm dập trong Thân Mình Người, thì phải có một đức tin sống động mới có thể nhận thức được.

Điều chúng ta đang bàn ở đây là nỗ lực để làm cho những hoàn cảnh và con người trở nên toàn diện. Nghĩa là học xây dựng hơn là phá đổ. Trong cuộc sống hằng ngày, có nhiều cơ hội cho chúng ta làm được việc này, dù trong gia đình hay trong những quan hệ xã hội, nghề nghiệp. Tất cả những gì cần đến ở đây là có đuợc sự nhạy bén với những cách thế trải rộng tình yêu Chúa Kitô, hơn là chỉ ngừng lại ở chỗ nghĩ rằng nếu ta thành công trong việc “tránh tội” thì coi như đã là Kitô hữu tốt rồi.

IV – TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI XÂY DỰNG THẾ GIỚI HOÀ GIẢI VÀ BÌNH AN

Thế rồi còn có vấn đề lớn hơn nữa, đó là trách nhiệm của chúng ta trong việc làm cho thế giới này trở thành một thế giới của hoà giải và bình an. Chúng ta cần có nhận thức sâu sắc hơn về nhiều cách sống, qua đó, bằng sự im lặng hay đồng lõa, chúng ta đã a tòng với việc khai thác tha nhân. Tội lỗi thường dễ bị nhận diện khi nó mang tính cá nhân và liên quan đến những chuyện đơn giản như trộm cắp, giết người hay ngoại tình. Thế nhưng ngày nay người ta khám phá ra rằng tội lỗi có thể vượt lên trên bình diện cá nhân, và gắn liền với chính những cơ cấu của thế giới chúng ta đang sống.

Những tội mang tính xã hội này xem ra mới mẻ đối với chúng ta. Chỉ gần đây thôi, chúng ta mới nghe nói đến những tội danh như kỳ thị giới tính, kỳ thị chủng tộc và bao nhiêu hình thức của tội định kiến. Chúng ta chỉ mới bắt đầu đối diện những vấn đề như tại sao người Mỹ, chỉ là một thiểu số dân cư của mặt đất, mà có thể cho mình quyền sử dụng hơn một nửa tài nguyên của hành tinh này ? Liệu cá nhân chúng ta không làm gì tổn hại người khác thì đã đủ chưa ? Đã đến lúc chúng ta phải làm một cái gì tích cực để khai trừ những điều xấu xa đó chưa ?

Chúng ta có thể lạnh lùng nói chúng ta không làm gì được. Nhưng đã có biết bao nhiêu gương mặt sáng lên trong thế giới này, chỉ vì họ là những người luôn trăn trở.Những gương sáng đó có thể phát xuất từ môi trường Giáo Hội, học đường, hoặc môi trường chính trị mọi cấp. Dù chỉ viết các văn thư thông báo cho nhà hữu trách về mối bận tâm của mình, cũng còn hơn là khoanh tay không làm gì.

Chắc chắn các giáo xứ có thể trở thành những cộng đoàn tự chăm lo cho nhu cầu của mỗi thành viên. Tại sao chỉ các linh mục mới phải viếng thăm bệnh nhân, phải chăm sóc kẻ liệt, chào đón những người mới gia nhập giáo xứ, giải gỡ cho người bối rối, hướng dẫn học Kinh Thánh, trợ giúp người nghèo, đến bệnh viện thăm bệnh nhân, đến nhà dưỡng lão thăm người già yếu, và làm bất cứ điều gì nhu cầu giáo dân đòi hỏi ?

Giáo xứ phải là một đơn vị hữu cơ, trong đó mọi người tương quan với nhau qua việc thông chia một đời sống chung. Bằng cách chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc và quan tâm đến nhau, người giáo dân có thể giúp nhau trở thành những con người tự do như Chúa muốn, những con người được giải thoát khỏi tính ích kỷ mà chính nó đã sinh ra biết bao tội lỗi và xung khắc. Một nhóm người thực sự mặc lấy “tinh thần của Đức Kitô” (1 Cr 2, 16) và dấn thân làm cho cộng đoàn của họ tốt lành hơn, là chứng tá hùng hồn về quyền năng Thánh Thần Chúa đang hoạt động giữa chúng ta.

Nếu có một điểm nào đó nói lên đặc tính sứ vụ của Đức Kitô đó chính là sự quan tâm của Người đối với người khác, nhất là những người lầm đường lạc lối. Không như các thầy tư tế khác, Đức Kitô không chỉ biết đặt cái bàn và ngồi đó chờ thiên hạ đến với mình. Đúng hơn, Người thấy có trách nhiệm phải bươn chải tìm đến với “con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 10, 6). Vậy thì các chi thể của Người có thể làm điều gì khác hơn ?

Tại nhiều nước trong thế giới thứ ba, Giáo Hội đã có một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Điều này làm cho bao nhiêu người lên tiếng công kích vì cho rằng Giáo Hội không có bổn phận phải chường mặt vào trong những đấu trường công khai. Có một thứ đạo đức chỉ biết cố gắng làm sao cho từng cá nhân có một tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, nhưng rất ít quan tâm đến tương quan tốt mà họ phải có đối với nhau. Giáo Hội mà dính dấp vào các lãnh vực công bằng xã hội, thì bị chế diễu và bị gọi là Mác-Xít, bị kết án là đi xa đường hướng Phúc Âm. Dom Helder Camara có câu trả lời này : “Khi tôi cho người đói khổ ăn, thì mọi người cho tôi là thánh. Nhưng khi tôi lên tiếng hỏi tại sao người nghèo không có cơm ăn, thì họ cho tôi là Mác-Xít.”

Chúng ta quan tâm đến người nghèo không chỉ vì Đức Giêsu đã sinh ra như một người nghèo khó, nhưng còn vì trong đời hoạt động, Người đã tự đồng hóa mình với người nghèo. Đức Giêsu liên tục bị người Pharisiêu công kích vì đã mon men gần gũi với những người mà họ cho là ngoài lề xã hội, những người sống ngoài lề luật. Đức Giêsu đến với họ không phải vì thương hại họ, nhưng vì yêu mến họ. Họ là anh chị em của Người.

Thầy hỏi các môn sinh “Khi nào thì ánh sáng đủ để nhìn ?” – Một môn sinh trả lời : “Ánh sáng đủ để nhìn khi con có thể phân biệt được cây dừa với cây cau.” Thầy nói “Chưa đúng.” Môn sinh thứ hai tình nguyện đáp : “Con biết là có đủ ánh sáng khi con có thể phân biệt con ngựa với con bò.” – “Cũng sai” – Không còn ai có câu trả lời nào. Cuối cùng Thầy nói : “Ánh sáng đủ để nhìn khi tôi có thể nhìn thẳng vào một người và nhận ra người đó là anh em hoặc chị em của tôi.”

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/4-coi-long-rong-mo-lien-doi-trong-duc-kito/