Trích từ Dân Chúa

3. Tiết nhịp triệu tập

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Ta đã vũ cho kinh sư và biệt phái,
nhưng họ không nhích bước theo Ta.
Ta đã vũ cho các người chài lưới,
cho Giacôbê và Gioan,
Họ đã nhập cuộc với Ta và vũ điệu tiến hành.”

I- Ý NGHĨA CỘNG ĐOÀN QUY TỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

Nghi thức Nhập Lễ ít khi được xem như thành phần quan trọng của phụng vụ. Quả thực nghi thức này chỉ xuất hiện vào thế kỷ XV. Trước đó, vị chủ tế chỉ bước vào cung thánh và mọi sự bắt đầu với phần Phụng Vụ Lời Chúa. Rất đơn giản, gọn gàng, không chút rườm rà.

Nói cách tự nhiên thì phụng vụ phải khởi đầu từ chỗ nào đó. Nhưng trong suốt 15 thế kỷ qua, đã có nhiều loại nghi thức dẫn nhập khác nhau. Các loại hình này phục vụ cho nhiều mục đích. Một trong những mục đích là mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện, chuẩn bị tâm hồn cho việc thờ phượng sắp được cử hành long trọng. Các nghi thức này cũng là để chào mừng cộng đoàn tụ họp lại cùng nhau chia sẻ bữa ăn hy tế của chính Đức Kitô.

Sự kiện quan trọng này có thể dễ dàng bị bỏ qua để chỉ tập trung vào việc chia sẻ bàn tiệc Lời Chúa và Mình Chúa. Tuy nhiên, để hiểu chính xác về Thánh Lễ, cần phải đánh giá cho đúng về cộng đoàn được quy tụ để cử hành Thánh Thể.

Cộng đoàn không phải là một đám người hỗn tạp. Cuộc họp mặt Chúa Nhật khác và phải khác với đám người tụ họp lại xem trận đấu thể thao hoặc xem chiếu bóng. Ở sân vận động hoặc nhà hát, tất cả đều làm một việc, cùng một lúc, nhưng mỗi người làm theo cá nhân, cho cá nhân mình. Họ họp mặt nhau, như những khối cẩm thạch trong một cái bao, lạnh lùng, vô cảm, không ai quan tâm đến sự hiện diện của người khác cũng có mặt bên họ. Cộng đoàn Kitô hữu tham dự phụng vụ không thể so sánh như một đám khán giả thụ động ngồi theo dõi việc gì đang xảy ra trên cung thánh.

Sau Công Đồng Vatican II, chiều kích cộng đoàn trong việc cử hành Thánh Thể được nhấn mạnh hơn nhiều. Ở những thế kỷ đầu, mỗi thành phố chỉ có một nhà thờ, và tất cả thành viên phải có mặt trong một thánh lễ độc nhất được cử hành trong ngày đó. Do đó họ biết tên nhau, và từ sự quen biết đó họ quan tâm lo lắng cho nhau.

Sự kiện này khác xa với các thành phố lớn của chúng ta ngày nay, nơi có rất nhiều người Kitô hữu sinh sống. Các nhà thờ trông rất đồ sộ, và có nhiều buổi cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, thực sự thì người này không biết người kia. Chẳng những ý nghĩa tự nhiên của một cộng đoàn đã khó thực hiện rồi mà nhiều người lại chẳng hứng thú gì để hình thành một cộng đoàn như thế. Họ thích những gì là vô danh mà cuộc sống thành thị đem lại hơn. Và họ không thấy được cộng đoàn phải làm cái gì đó để có thể giúp đỡ những người khác qua thánh lễ.

Tình trạng lạc lõng này không chỉ là một vấn đề xã hội, nhưng còn là vấn đề thần học (cần phải đặt lại vấn đề). Nó phản ánh một nền thần học bắt nguồn từ thời Trung Cổ, thời mà phần đông giáo dân không sao hiểu nổi ý nghĩa của phụng vụ, cho nên họ chỉ biết làm những việc sùng kính theo sở thích cá nhân để nuôi dưỡng lòng đạo của mình.

Thay vì đặt quan tâm trên cộng đoàn họp mặt bên bàn tiệc của Chúa, thì đã có một xu hướng chủ yếu nhấn mạnh về sự hiện diện huyền bí của Chúa Giêsu trong bánh và rượu. Ngay cả ngày nay chúng ta cũng thường hiểu Thánh Lễ dựa trên những gì xảy ra cho bánh và rượu, và phải sử dụng đúng đắn “chất thể” (matter) và “mô thể” (form). Thay vì nhấn mạnh vào những khía cạnh trên thì Giáo Hội tiên khởi chủ yếu quan tâm đến việc dân chúng chia sẻ bánh và rượu để tưởng nhớ Đức Kitô. Lại một lần nữa, điểm nhấn là dân và chiều kích tích cực của việc cùng nhau họp mặt để cử hành đức tin.

Tuy nhiên, vào thời Trung Cổ, nhất là sau khi việc dâng Mình Thánh Chúa lên lúc truyền phép được đặt lên hàng đầu trong Thánh Lễ vào thế kỷ XIII, sự nhấn mạnh được chuyển đổi. Một sự cung kính khép nép đối với mầu nhiệm sau khi bánh lễ được truyền phép đã phát triển. Như đã nói trước đây, nhiều người thậm chí chạy từ nhà thờ này qua nhà thờ nọ chỉ để bắt cho kịp đúng thời điểm linh mục dâng Mình Thánh lên lúc truyền phép, mà thường thường chủ tế lại không dâng cao lên cho những người tụ họp trên quảng trường chỉ vì mục đích chiêm ngắm.

II – Ý NGHĨA CỦA NHÀ THỜ – NƠI DÂN CHÚNG TỤ HỌP

Từ sự nhấn mạnh này trên sự hiện diện của Đức Kitô (lễ Mình Thánh Chúa được thiết lập vào thời đó) người ta bắt đầu hiểu về nhà thờ bằng cách khác. Từ ý nghĩa nguyên thủy là nơi cho dân chúng tụ họp, nhà thờ trở thành nơi ở của Chúa. Việc phát huy lòng sùng kính Đức Kitô hiện diện trong nhà tạm biện minh cho quan niệm này. Dĩ nhiên tập tục viếng Thánh Thể đáp ứng cho một nhu cầu rất cần thiết của dân chúng. Họ cảm thấy phải thiết lập một quan hệ riêng tư với Chúa Giêsu. Phụng vụ chủ yếu là lời kinh nguyện chung của cộng đoàn, không có nhiều thời gian cho kinh nguyện cá nhân. Giờ chầu Thánh Thể trước và sau Thánh Lễ giúp nội tâm hóa những gì được cử hành trên bàn thờ.

Nhưng thực tế trong lúc cử hành Thánh Lễ, nhà tạm trở thành một lúng túng mang tính chất phụng vụ. Chúng ta được dạy là khi đi ngang qua nhà tạm, hay mỗi lần bước vào và ra khỏi nhà thờ phải kính bái, bằng không thì chúng ta quên khuấy nhà tạm. Mọi chú ý đều phải tập trung trên bàn thờ và trên bục giảng. Do đó cách giải quyết hay nhất là nên có một nhà nguyện riêng cho Thánh Thể. Đây cũng là nét đặc biệt cho các nhà thờ đầu tiên, và cũng rất tiện cho việc cầu nguyện riêng tư với bầu khí bình an và thinh lặng.

Hầu hết chúng ta lớn lên với niềm tin tưởng rằng sự bình an và yên tĩnh này là đặc tính của tất cả các nhà thờ. Vì thế đã có những phản đối khi yêu cầu cộng đoàn hãy chào hỏi nhau lúc bắt đầu thánh lễ. Đối với hầu hết người Công Giáo, hình như có một cái gì đó có vẻ theo Tin Lành, nếu chúng ta vào trong nhà thờ để tìm người này người nọ, hoặc chuyện trò thăm hỏi nhau thay vì quỳ gối nghiêm trang thinh lặng để cầu nguyện riêng tư.

Điều này không phải là để đả phá quan niệm về việc cầu nguyện riêng tư. Mọi người chúng ta đều cần nội tâm hóa việc cử hành buổi tưởng niệm Đức Kitô bằng việc cầu nguyện để làm cho toàn diện cuộc sống chúng ta thành một Thánh Lễ kéo dài. Sau khi nói đến điều này rồi, thì cũng phải nhấn mạnh rằng thời gian dành cho việc cầu nguyện riêng tư chủ yếu là thời gian trước hoặc sau Thánh Lễ. Khi họp mặt với nhau để cử hành phụng vụ thì trung tâm chú ý là chính cộng đoàn và tất cả những gì liên quan đến cộng đoàn.

Để minh họa điều này, xin chia sẻ một câu chuyện có thật. Đức Giám Mục Dom Helder Camara trong lúc còn làm giám mục ở Recife, thì một ngày kia mấy tay đạo chích vào một nhà thờ cạy cửa nhà tạm. Vì chỉ muốn lấy cắp các chén thánh mạ vàng, nên khi ra khỏi nhà thờ, họ đổ hết bánh thánh trên đất lầy, tệ hơn thế, họ còn dẫm nát lên trước khi đi. Việc này làm giáo dân rất hoang mang và phải dành một ngày cầu nguyện đền tạ cho tội phạm sự thánh này. Họ mời Đức Giám Mục Dom Helder đến cầu nguyện chung với họ, và xin ngài cho vài lời phát biểu. Đức Giám Mục lên tiếng : “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tụ họp ở đây để làm việc đền tạ vì tội phạm thánh đã xảy ra trong nhà thờ chúng ta. Người ta đã cạy cửa nhà tạm, lấy cắp chén thánh và chà đạp Mình Thánh Chúa xuống bùn, ngay nơi cổng nhà thờ. Điều này làm chúng ta rất đau buồn và chúng ta đau buồn là rất đúng. Nhưng thưa anh chị em, trên đất nước chúng ta đây, hằng ngày, Đức Kitô vẫn bị chà đạp xuống bùn trong những con người là chi thể của Người, thế mà chẳng ai cảm thấy đau buồn và nhỏ cho một giọt nước mắt !”

Thánh Augustin sẽ hoàn toàn đồng ý điều này. Trong bài giảng số 272, ngài nói : “Nếu anh em là thân mình Đức Kitô và là chi thể của Người, thì chính mầu nhiệm của anh em được đặt trên bàn thờ. Anh em chịu lấy chính mầu nhiệm của anh em, và đáp trả bằng tiếng Amen với chính mầu nhiệm của bản thân anh em.” Rất tiếc, quan niệm này về Thân Mình Đức Kitô, một thần học có từ thời thánh Phaolô lại không phải là quan niệm trọng tâm đối với nhiều người trong thời đại chúng ta. Tuy nhiên, quan niệm này diễn tả ý nghĩa trung tâm của việc được cứu rỗi. Được cứu rỗi không chỉ đơn giản là nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Tinh của bản thân mình. Trong Kinh Thánh không tìm đâu ra được một bảo đảm cho quan niệm về ơn cứu rỗi bị cá nhân hóa này. Đúng hơn, chúng ta được cứu rỗi do việc được sát nhập vào một cộng đoàn được Thần Khí Đức Kitô nuôi sống.

Trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người chọn một “Dân”. Giavê đã chọn Abraham và dòng tộc ông. Môsê đã đưa toàn thể Dân được chọn đó ra khỏi Ai Cập. Thiên Chúa đã thiết lập với họ một quan hệ đặc biệt, một giao ước. Chính bởi giao ước đó họ được nhìn nhận là dân của Người, và Người sẽ mạc khải Luật của Người cho họ và giúp họ biết được đường lối của Người. Hồng Ân Cứu Rỗi mang tính xã hội.

Trong Tân Ước, mỗi trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể đều nhắc nhở chúng ta về tính cách xã hội này khi Phaolô và Luca nói đến “Giao Ước trong Máu Đức Kitô”, còn Marcô và Mathêu dùng “Máu của Giao Ước”. Hành động của Đức Kitô được hiểu như hành động khai mào cho Giao Ước mới đã được Giêrêmia báo trước (Gr 31, 31-34), một cộng đoàn được cứu rỗi để tiếp nối các lời hứa và hành động của Thiên Chúa trong quá khứ.

III – Ý NGHĨA THÂN MÌNH ĐỨC KITÔ

Thánh Phaolô đã khai triển thần học về Thân Mình Đức Kitô, và làm cho thần học đó rõ ràng hơn bằng cách dùng nhiều hình ảnh. Đúng hơn, Phaolô đã đặt một cầu nối giữa các chi thể của thân mình, và một sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các chi thể. Một chi thể bị đau, toàn thân đều bị đau. Mỗi chi thể phải thể hiện phần hành của mình cho lợi ích toàn thân. Các ân huệ của Thần Khí không dành cho cá nhân, nhưng để cho toàn thân được hưởng.

Cụm từ “trong Đức Kitô” mà thánh Phaolô dùng hơn 48 lần là một thí dụ cụ thể khác để thấy Phaolô hiểu thế nào về việc chuyển thông ân sủng Thiên Chúa. Vấn đề cụ thể mà Phaolô phải đối diện là làm cách nào để “gieo tinh thần của Đức Kitô” vào não trạng của dân ngoại trở lại. Điều này thật khó vì họ là những người đến từ môi trường bị bao vây do bè bạn, láng giềng, thân thích ngoại đạo mà những giá trị và tính cách hoàn toàn ngoại đạo.

Đối với Phaolô, họ chỉ có thể thực sự trở lại nếu họ sống “trong Đức Kitô”. Qua từ ngữ này Phaolô muốn nói đến cộng đoàn Kitô hữu, một cộng đoàn có thể làm trung gian cho một hệ thống giá trị mới, cung cấp mẫu phần hành mới, gồm những người có thể nâng đỡ nhau bằng gương sáng và sự trợ giúp lẫn nhau. Chính “trong cộng đoàn” mà một người trở lại có thể gặp gỡ Đức Kitô. Chúng ta đã được cứu rỗi nhờ cuộc tử nạn của Đức Kitô, và được cứu thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại nhờ việc trở nên thành phần của một cộng đoàn luôn biết quan tâm đến nhau, và cộng đoàn đó là hiện thân của Thân Mình Đức Kitô ở đây, trên mặt đất này (x. Gl 1,4).

Từ vài trăm năm trở lại đây, chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi một đường hướng đạo đức cá nhân đã ngấm ngầm ảnh hưởng trên sự hiểu biết của chúng ta về bản chất thực của Giáo Hội. Đường hướng đạo đức này làm chúng ta tưởng tượng đến một Triều Đại của Thiên Chúa như một thực thể nội tâm trong tâm hồn của những cá nhân có lòng tin đang sống rải rác trên toàn thể mặt đất. Nhưng không phải trong tư cách những cá nhân, mà đúng hơn chính trong tư cách một dân mà Giáo Hội mới có thể là một dấu chỉ đáng tin cho tất cả thế giới về hồng ân cứu rỗi.

Cuộc cải cách của Tin Lành đã cố gắng đặt giáo dân trong một tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa. Phong trào cải cách này mong muốn giải thoát giáo dân khỏi cơ cấu tôn giáo cường quyền, tự cho mình có toàn quyền trên mọi phương tiện cứu rỗi, điều này thật đáng trân trọng. Nhưng khi Adolf Von Harnack, một nhà thần học rất có ảnh hưởng, đã mô tả thế kỷ cuối cùng như một thế kỷ của tôn giáo cá nhân và chủ quan, đó chỉ vì ông đã xác tín rằng điều này cũng diễn đạt đúng giáo huấn của Chúa Giêsu.

Theo Harnack, Triều Đại Thiên Chúa đến với từng cá nhân, bằng cách đi vào trong tâm hồn họ và được họ đón nhận. Đó là Luật của Thiên Chúa trong trái tim mỗi người. Theo cách hiểu này thì chúng ta thực sự không cần đến Giáo hội. Giáo hội chỉ còn là một hội ái hữu gồm những người hiểu biết trên toàn mặt đất này. Nếu vậy Kitô giáo chỉ còn quan tâm đến đời sống nội tâm, chiều kích xã hội của đức tin chúng ta dứt khoát chỉ còn là một bình diện phụ thuộc.

Tất cả chúng ta, trong mức độ nào đó, đều bị ảnh hưởng bởi điều này. Dù cố giữ lại một thần học chung chung về cộng đoàn, thế nhưng trong thực tế, chúng ta cũng chỉ sống ý tưởng đó với một lối sống cá nhân chứ không phải như nó đã được thai nghén từ nguyên sơ. Thế kỷ XVII đã phát động mạnh mẽ một đường hướng tu đức cá nhân. Mục vụ và cách hiểu của chúng ta về Giáo Hội và Phụng vụ Giáo Hội vẫn còn quá mang tính cá nhân.

Tôi nghĩ đến một sự kiện mà chắc chắn nhiều người sẽ thấy rất quen thuộc. Đến giờ lễ, chỉ có khoảng 50 người hiện diện. Tôi bắt đầu thánh lễ với câu thường lệ: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Không ai đáp lại. Tôi tiếp, “Chúa ở cùng anh chị em.” Lại một lần nữa tôi chỉ được đáp trả bằng một sự thinh lặng. Tôi đưa mắt nhìn quanh giáo dân. Họ ngồi rải rác khắp nơi trong nhà thờ như phiên chợ chiều, càng cách xa nhau càng hay. Tôi còn thấy một vài người ở phía sau đang thắp nến khấn vái trước toà vị thánh bổn mạng nhà thờ. Những người khác chúi mũi trên những trang sách kinh xưa cũ. Người khác tay đang vân vê cỗ tràng hạt, miệng lâm râm đọc kinh.

Như bị khiêu khích, tôi bỏ hết những gì đã chuẩn bị cho bài giảng. Thay vào đó tôi nói : “Tôi chỉ có một câu hỏi gởi đến anh chị em sáng nay. Anh chị em đang làm gì ở đây ? Đức tin cho chúng ta biết rằng khi tụ họp nhau để dâng thánh lễ thì tất cả mọi người cùng họp mặt nơi bàn tiệc của Chúa. Chính nơi bàn tiệc này, Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Mình Máu Người. Thế mà hình như tất cả anh chị em ai cũng mang theo phần ăn riêng của mình. Chẳng ai để tâm đến ai. Còn đâu ý nghĩa của cộng đoàn dân Chúa !”

“Vác túi đầy đến bàn tiệc Chúa”, nghe ra quá khiếm nhã, thế nhưng người ta làm việc đó mỗi ngày. Họ đến nhà thờ để làm những việc riêng của họ chứ không phải để làm những việc của Chúa. Lòng đạo cá nhân đã bỏ qua một thực thể hết sức quan trọng : đó là sự hiện diện của Đức Kitô trong cộng đoàn.

Sự hiện diện của Thánh Thể không xảy ra trong một khoảng không. Công Đồng Vatican và Đức Thánh Cha Phaolô VI (trong Mysterium fidei và Instruction on Eucharistic Worship) đã khẳng định rõ điều này : Sự hiện diện của Thánh Thể biểu hiện trong toàn bộ một mạng lưới tương quan liên hệ. Chính trong tương quan liên hệ đó mà Đức Kitô thực sự hiện diện với chúng ta. Trong phụng vụ, chúng ta thường đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của Chúa nơi linh mục, trong việc công bố Lời, trong các việc bác ái nhân danh Chúa, và nơi bánh và rượu. Nhưng, để bắt đầu với tất cả những sự hiện diện đó, Chúa hiện diện nơi những ai đến để cùng nhau tưởng niệm Người. “Ở đâu hai hoặc ba người tụ họp với nhau vì danh Thầy, Thầy có mặt ở giữa họ” (Mt 18, 20).

Chúng ta hãy cảnh giác về ý nghĩ cho rằng Đức Kitô, cách nào đó, vắng mặt cho đến lúc truyền phép. Một bài ca cũ của Pháp diễn đạt tư tưởng này rất có thứ tự lớp lang. Bài ca mời gọi chúng ta thờ lạy Chiên con và Bánh các Thiên Thần đã đến từ Trời. Đối với chúng ta, Chúa Giêsu không cần phải “đến từ” bất cứ nơi đâu. Người đã có mặt giữa chúng ta rồi trong nhiều cách thức. Dấu chỉ mạnh mẽ nhất và hữu hình nhất của sự hiện diện này là chính cộng đoàn tụ họp lại, nhất là họp mặt trong tình yêu và bình an.

Rõ ràng chính sự hiện diện này trong cộng đoàn, một sự kiện chủ yếu của tính chất cộng đoàn người Kitô hữu, mà mỗi phụng vụ phải cố làm nổi bật. Việc họp mặt cùng nhau mỗi Chúa Nhật đòi hỏi một đức tin tích cực, một hành động nhận biết phần việc chúng ta phải làm. Chúng ta được mời gọi để nhận biết sự hiện diện của Đức Kitô trong tất cả mọi người đang họp mặt nhau. Chính vì sự hiện diện đó của Người mà chúng ta không còn phân biệt là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay người tự do, nam hay nữ. Đúng hơn, tất cả chúng ta là một trong Đức Giêsu Kitô (x. Gl 3, 26-28).

IV – Ý NGHĨA NGHI THỨC NHẬP LỄ

Sự hợp nhất và nên một này là điều mà chúng ta cầu nguyện trong mỗi Thánh Lễ khi kêu xin Chúa Thánh Thần biến đổi để chúng ta “thực sự trở nên một thân mình, một tinh thần trong Đức Kitô.” Lời nguyện đặc biệt cầu xin Chúa Thánh Thần này luôn được đem vào trong tất cả các kinh nguyện Thánh Thể sau này. Làm như vậy là Giáo hội quay trở về với việc sử dụng những kinh nguyện cổ xưa nhất. Trong những kinh nguyện đó, Chúa Thánh Thần luôn được kêu xin để thánh hóa Giáo hội, để “làm cho chúng ta hợp nhất nên một.”

Tiếc thay, cách thức mà lời kinh nguyện này được sắp xếp như chúng ta có hiện nay có thể làm khuất mờ đi ý nghĩa của nó. Lời kinh đó đã bị cắt ra làm hai phần. Ngay trước khi đọc lời truyền phép, chúng ta xin Chúa Thánh Thần “đến thánh hóa lễ vật này để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.” Điều này không gây vấn đề gì. Chúng ta thường có quan niệm về Thánh Lễ như sự biến hóa bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô. Chúng ta tin chắc chắn việc đó sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta không thể quên phần thứ hai của kinh nguyện Thánh Thể. Trong phần này, chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến hóa thêm một lần nữa. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi lễ vật trên bàn thờ và “tất cả những ai tụ họp lại để cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu này”. Rõ ràng là chúng ta xin được trở nên một như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong bữa ăn cuối cùng (x. Ga 17). Chúng ta bực mình không chấp nhận nếu có ai nói Chúa Thánh Thần không thể biến hóa những lễ vật. Chúng ta nghĩ rằng sự bất lực này làm hỏng hết Thánh Lễ. Nhưng điều gì xảy ra nếu Chúa Thánh Thần không thể biến đổi được cộng đoàn ? Ở phần cuối giáo huấn của thánh Phaolô về Thánh Thể, trong 1 Côrintô, có một câu đầy ý nghĩa. “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Mình Chúa, là ăn và uống án phạt của chính mình” (11, 29). Người Công Giáo thường có khuynh hướng hiểu câu này như muốn nhấn mạnh đến hiểu biết của chúng ta về sự hiện diện của Đức Kitô trong những yếu tố Thánh Thể, hoặc được xem như việc khắc sâu vào tâm trí chúng ta lòng tôn sùng và thái độ xứng hợp trước sự hiện diện này. Nhưng Phaolô không đề cập đến sự hiện diện của Đức Kitô trong bánh và rượu mà nhấn mạnh trên sự hiện diện của Đức Kitô trong những ai “đang gặp gỡ nhau như một Giáo Hội” (11, 17).

Vấn đề chính mà Phaolô nói đến trong chương 11 là việc người ta đã không nhận ra Đức Kitô trong những người đang tụ họp, và sự xấu hổ mà những thành viên nghèo hơn trong cộng đoàn phải chịu vì thái độ của những người giầu. Phaolô nói rằng sự không nhận biết này đem lại chẳng những án phạt trên chính chúng ta mà còn làm hỏng cả buổi cử hành. Quả thực việc nhận ra toàn thể Đức Kitô, đầu và thân mình của Người, là nền tảng không thể thiếu được trong bất cứ cuộc cử hành Thánh Thể nào cách đúng đắn và mang lại ơn ích. Chỉ như vậy, chúng ta mới cảm nhận được mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, một mầu nhiệm mà qua đó, Đấng vắng mặt trở thành hiện diện trong một thế giới che giấu Ngài.

Vậy đây là những gì nghi thức nhập lễ nhắc nhở chúng ta. Nghi thức này bắt đầu ngay cả trước khi cất bài ca nhập lễ. Tại nhiều nhà thờ, chúng ta chào hỏi nhau ở ngưỡng cửa. Đôi khi chúng ta cũng được mời gọi chào hỏi nhau khi nghi thức vừa bắt đầu. Nhưng ở đâu không có tập tục này thì điều cần thiết là chúng ta phải diễn tả cách nào đó sự nhận biết về sự hiện diện của những người ở những hàng ghế bên cạnh chúng ta khi họ bước vào.

Rồi đến việc cất lên bài ca nhập lễ. Mục đích của bài ca này không phải là lấp đầy thời gian trống khi chủ tế cùng đoàn tùy tùng bước vào cung thánh. Chúng ta đã bao lần nghe lời dẫn như thế này : “Xin mời cộng đoàn đứng dậy đón chào vị chủ tế…” Bài ca này không phải để chào đón linh mục hay mời chủ tế bước lên bàn thờ. Đúng hơn đây là bài ca triệu tập đầy vui tươi, nói lên ý lực của việc cử hành hôm nay. Tất cả chúng ta đều tham gia vì tất cả đều là những người cử hành. Đây là phụng vụ của chúng ta. Linh mục hướng dẫn hay chủ tọa buổi lễ, nhưng chính toàn Thân Mình Đức Kitô là chúng ta dâng lên Thiên Chúa việc tôn thờ chung.

Có lẽ chúng ta muốn thấy Chúa thực sự đang ở với ai đó như Đức Maria, hoặc với bất cứ một người thánh thiện nào một cách hiển nhiên. Nhưng khi thấy chính Chúa đang ở với người bên cạnh tôi, hoặc với chính tôi thì điều này làm tôi càng sửng sốt hơn. Quan điểm này đòi hỏi chúng ta nghiêm chỉnh ý thức được giá trị của mình. Chúng ta phải nhận ra rằng khi họp mặt nhau nhân danh Đức Kitô thì chúng ta hình thành chính Thân Mình Người. Chúa Giêsu thực sự đang ở với chúng ta. Nếu không thì có thể chúng ta không bao giờ tiến hành việc làm cho Người hiện diện trong bánh và rượu được.

Kế tiếp, nghi thức phụng vụ cho phép chủ tế nói vài lời nhập đề. Có thể chỉ cần một câu để nhắc rằng chúng ta cùng nhau họp mặt nơi đây làm nên một thân mình để thờ phượng Thiên Chúa, và tập trung chú ý của chúng ta vào phụng vụ của ngày hôm đó. Dù sử dụng công thức sám hối nào, chúng ta cũng được mời gọi để nhận ra rằng cuộc sống chúng ta bên ngoài nhà thờ khác với những gì chúng ta cử hành. Chúng ta có trách nhiệm đối với nhau. Chúng ta không đơn độc hiện diện nơi đây.

Nghi thức nhập lễ chấm dứt với lời mời, “Chúng ta hãy cầu nguyện.” Mấy giây thinh lặng sau đó không cho chúng ta có cơ hội để nhìn quanh và chia trí, nhưng là để chúng ta hòa nhập vào việc cử hành đặc biệt này, tại nơi này, trong lúc này. Dù ở bất cứ nơi nào trên cuộc hành trình trần gian này, chúng ta vẫn có thể xin Chúa nhận chìm cuộc sống chúng ta ngày càng sâu hơn trong Đức Kitô. Chúng ta nhìn nhận Người là Chúa chúng ta, bằng cách xin Người cho ta quan tâm hơn đến vũ điệu của Người. Sau đó, linh mục thâu tóm tất cả lời kinh nguyện cá nhân của chúng ta trong lời cầu nguyện mở đầu, và chúng ta sẵn sàng lắng nghe lại câu chuyện tuyệt vời về ơn cứu độ của chúng ta trong tiết nhịp kế tiếp : Tiết Nhịp Kể Chuyện.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/3-tiet-nhip-trieu-tap/