Trích từ Dân Chúa

13. Kết thúc vũ điệu

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

I – Ý NGHĨA SỰ THÁNH THIỆN

Nhiều tôn giáo có những nơi thánh, vật thánh, những con người thánh. Điều này có tốt không? Có thể thành vấn đề nếu điều đó tạo ra một khoảng cách giữa lãnh vực thiêng và tục. Lúc đó, sự thánh thiện dần dần bị giảm thiểu, chỉ giới hạn nơi một mảnh cuộc sống chúng ta, dẫn đến việc tôn giáo bị phân cách. Hậu quả là thế giới bị biến thành một nơi vô thưởng vô phạt, hay tệ hơn, một nơi của sự ác, thuộc quyền của Satan. Cách nào đó thì thế giới này không có liên quan gì đến tôn giáo.

Mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu phải làm cho người tín hữu xác tín rằng sự thánh thiện không thể tách rời khỏi trần thế. Bằng việc mặc lấy xác phàm nhân loại để sống như tất cả mọi người, Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta rằng toàn diện cuộc sống có thể được thánh hóa, và Thiên Chúa có thể được tôn vinh trong mọi sinh hoạt hằng ngày của ta. Theo nghĩa nào đó thì Đức Giêsu đã sống một cuộc đời rất trần thế. Người không phải là một người được thánh hiến. Người không bao giờ có một tác vụ nào trong Đền Thờ. Tác vụ của Người liên quan đến mọi sinh hoạt hàng ngày của những con người mà Người gặp gỡ. Và Người đã chết treo trên một ngọn đồi ở ngoài thành như một phạm nhân bị hành quyết, không có gì linh thánh !

Chính cuộc sống của Đức Giêsu đem lại ý nghĩa đích thực của sự thánh thiện. Theo một nghĩa nào đó, Kitô Giáo đã chuyển dịch ý nghĩa sự thánh thiện từ những sự vật hay những hành động đến lịch sử và đến chính thời gian. Cụm từ “ngày của Chúa” thường được nhắc đến trong văn chương ngôn sứ cũng đã dội lại nhiều lần trong Tân Ước. Học để thánh hóa ngày của Chúa, để thánh hóa thời gian, còn quan trọng hơn là chạy tìm kiếm Thiên Chúa trong một ngôi đền thánh nào. Quả thực, những gì cử hành trong phụng vụ chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta giúp làm tốt hơn công việc đầu tư tất cả ngày sống của chúng ta trong dấu ấn của Đấng tác thành nên thời gian.

Truyền thống Do Thái đặt nặng tầm quan trọng trong việc giữ ngày Sabát. Đây là điều phân biệt người Do Thái với các dân tộc khác. Ý tưởng về việc nghỉ ngơi trong ngày Sabát là một phần tư duy của họ. Giữ ngày Sabát là một bảo đảm liên hệ giao ước giữa họ với Thiên Chúa, và làm cho họ được đẹp lòng Ngài. Mặc dù vậy, các tín hữu tiên khởi đặt trọng tâm trên ngày Chúa Nhật hơn là ngày thứ bảy. Thật lạ lùng!

Đây không đơn thuần là vấn đề chuyển đổi ngày thánh vào một thời gian thuận tiện hơn. Điều này bao hàm một thần học hoàn toàn mới. Nếu Sabát là một ngày nghỉ ngơi, thì Chúa Nhật là một ngày làm việc! Cũng như Thiên Chúa khởi công tạo dựng trong ngày đầu tiên, thì Người bắt đầu công việc tái tạo cũng trong ngày đầu tiên. Ngày phục sinh là ngày mà người tín hữu họp nhau lại để tự dấn thân vào công trình cứu rỗi của Đức Kitô, để ra đi mang trong mình quyết tâm biến đổi thời gian, biến đổi toàn vẹn lịch sử với chất men của Tin Mừng.

II – THÁNH THỂ LÀ SUỐI NGUỒN CUỘC SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Tạo thành là ngôn ngữ của Thiên Chúa. Thời gian là điệu nhạc, là vũ khúc của Người, và muôn loài được mời gọi tham dự vào vũ khúc đó. Phụng vụ Chúa Nhật mang ý nghĩa đưa ta hòa nhập với tiết nhịp của Thiên Chúa, giúp ta trở thành người làm chủ không gian của mình để thánh hóa thời gian và được thời gian thánh hóa. Đó là cách Thiên Chúa dạy cho chúng ta bước đi theo điệu vũ như con cái của Người. Đây là cách mà toàn bộ cuộc sống chúng ta thực sự được thánh hiến.

Phụng vụ dù được cử hành đầy đủ hoặc thiếu hụt ý nghĩa như thế nào thì cũng chứa đựng cả một kho tàng của biểu tượng. Biểu tượng phụng vụ có năng lực biến đổi kinh nghiệm nhân loại của chúng ta bằng cách đem lại ý nghĩa cho những biến cố khác nhau dệt thành cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tầm cỡ của công việc này có thể thấy được từ những những kinh nghiệm và nhu cầu rất khác nhau của con người trong bất cứ một cộng đồng nào. Những kinh nghiệm và nhu cầu của con người ở mọi thời, mọi môi trường, mọi cấp độ đều liên hệ với sự lớn mạnh của đức tin. Cách này hay cách khác, phụng vụ phải đáp ứng các nhu cầu của tất cả những ai tụ họp lại, và giúp họ thánh hóa cuộc sống của họ.

Sở dĩ phụng vụ có thể làm được chuyện này là vì kho tàng phong phú giá trị biểu tượng của phụng vụ có thể ngỏ lời với con người ở mọi góc độ khác nhau của cuộc sống. Phụng vụ nói về một thực tại quá phong phú đến nỗi chúng ta có thể rút ra từ thực tại đó những gì cần cho nhu cầu, những gì đã được chuẩn bị sẵn cho sự hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, phụng vụ cũng luôn kêu mời chúng ta đi sâu hơn, đầy đủ hơn, vào mầu nhiệm của Đức Kitô, vào vũ khúc của Thiên Chúa để làm cho cuộc sống Kitô hữu của chúng ta trở thành đúng ý nghĩa nhất.

Chúng ta không nên xem thường tác động tích lũy của việc cử hành Thánh Thể đều đặn mỗi Chúa Nhật. Hy vọng rằng việc cử hành Thánh Thể trong nhiều năm sẽ ghi dấu ấn qua việc giúp cho người tín hữu hiểu biết hơn ý nghĩa cuộc sống, và được lớn lên trong đức tin và tình yêu. Đó là hiệu quả trực tiếp của phụng vụ, cho dù phải lâu dài mới rõ nét. Khi cảm nghiệm được theo thời gian, chính việc cử hành có thể khuôn đúc thái độ, hình thành những giá trị và kiến tạo con người Kitô hữu. Theo một nghĩa nào đó, phụng vụ ban tặng một kinh nghiệm thực tế sâu xa hơn kinh nghiệm ta có được trong đời sống hằng ngày. Như một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa, phụng vụ khai mở cho chúng ta ý nghĩa của tất cả công trình tạo dựng.

Như thế, những gì chúng ta làm từ Chúa Nhật này qua Chúa Nhật khác không phải trước tiên là những gì chúng ta dâng lên Thiên Chúa, nhưng chính là những gì nâng đỡ, tăng sức và từ từ biến đổi chúng ta. Thời gian thánh hiến (trong lúc cử hành phụng vụ) và thời gian bình thường (trong cuộc sống hằng ngày) được hòa tan nên một, nhờ Lời và tác động của Đức Giêsu trong chu kỳ phụng vụ. Dần dần, chúng ta được sát nhập vào thời gian, vào trong cách nhìn sự vật của Thiên Chúa, và chúng ta nhận thức cách sâu thẳm rằng Thánh Thể gói gọn ý nghĩa đời sống Kitô hữu. Thánh Thể, như Công Đồng Vatican II nhắc nhở, là suối nguồn cuộc sống người Kitô hữu.

Nhưng như Edward Kilmartin thường nói, cách nhìn phụng vụ này về ý nghĩa cuộc sống con người chỉ được hoan nghênh, chỉ mang tính thuyết phục với điều kiện phụng vụ thực sự trở thành trung tâm định hướng và nguồn năng lực cho hoạt động của người Kitô hữu trong mọi góc độ cuộc sống. Không có gì gọi là máy móc hoặc ảo thuật trong phụng vụ Thánh Thể. Đã qua rồi thời mà chúng ta cảm thấy rằng bao lâu không ở trong tình trạng mắc tội trọng thì chúng ta sẽ nhận lãnh được dư tràn ân huệ, đơn giản là vì chúng ta đã có mặt ở đó trong Thánh Lễ. Phụng vụ phải được hiểu cho đúng, tức là mối tương quan liên vị mà Đức Kitô mang lại cho chúng ta, mối tương quan đòi hỏi chúng ta phải thực sự hiện diện trong toàn ý nghĩa của hai từ “hiện diện” thì mới đem lại ơn ích.

III – THÁNH THỂ LÀ CHÓP ĐỈNH ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

Phụng Vụ Thánh Thể không những là suối nguồn nhưng còn là chóp đỉnh của đời sống người Kitô hữu. Cách nào đó phụng vụ chính là một cử hành thực tại cuộc sống chúng ta. Điều này thật kinh khủng, vì cho thấy cuộc sống hằng ngày của ta mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Chúng ta có đức tin hay thiếu đức tin khi đến cử hành phụng vụ, chiều sâu sự dấn thân mà chúng ta tỏ hiện, mẫu gương Kitô Giáo mà chúng ta ôm ấp, tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng trên phụng vụ chúng ta cử hành. Chúng ta không thể cử hành một cuộc sống hoàn toàn đi ngược lại với những gì phụng vụ biểu trưng, rồi trông mong rằng phụng vụ sinh ơn ích cho chúng ta.

May thay, trong hầu hết các buổi cử hành phụng vụ, cộng đoàn tham dự gồm nhiều thành phần khác nhau, đa số đều mong muốn thời giờ họ sống với Đức Kitô phục sinh sẽ mang lại hoa trái cho họ. Họ đã quen nghĩ Thánh Thể như là sự diễn tả cách bí tích tuyệt hảo về Giáo Hội, dù họ không hiểu gì nhiều về điều này, hoặc đã cảm thấy quá nhàm chán với phụng vụ. Tuy nhiên, Đức Kitô vẫn có thể làm một cái gì đó từ bất cứ thiện ý nào họ biểu lộ ra.

Hiểu về phụng vụ thánh lễ theo các tiết nhịp căn bản thú vị hơn là theo những phạm trù chuyên môn như hy tế, sự hiện diện thực sự, hiệp thông, phụng vụ Lời Chúa, và phụng vụ Thánh Thể. Điều đó không có nghĩa là bỏ qua những yếu tố khác biệt của phụng vụ Thánh Lễ, nhưng chỉ muốn đặt các yếu tố đó vào trong một cái sườn mới. Nếu Thánh Lễ thực sự là trung tâm điều hướng cho một cuộc sống mới thì Thánh Lễ phải được hiểu như một phản ánh trung thực cuộc đời người Kitô hữu.

Sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Thánh Thể thường được hiểu một cách hết sức thụ động, như một sự hiện diện tĩnh và thể lý. Chúng ta không tới tham dự thánh lễ như những khán giả thụ động, nhưng để trân trọng và đáp ứng những gì đang được cử hành. Trong thánh lễ chúng ta cần nhận ra Đức Kitô hiện diện không chỉ nơi bánh và rượu đã được truyền phép, nhưng còn nơi cộng đoàn đang tụ tập vì danh Người, trong Lời được công bố, trong linh mục chủ tế, và trong tình thương yêu là nét đặc trưng của cộng đoàn. Chúng ta được ngập tràn trong quyền năng và sự hiện diện của Đức Kitô lan tỏa khắp nơi. Nếu không thẩm định được sự hiện diện này, chúng ta không thể đáp trả lại với một lòng tin và tình yêu sẽ biến đổi chúng ta.

Các tiết nhịp phụng vụ không chỉ là những hình ảnh biểu tượng để giải thích về Thánh Lễ. Các tiết nhịp này tiêu biểu cho sự tuôn trào của hành động phụng vụ, cũng tương ứng với sự tuôn trào của chính đời sống người Kitô hữu và với ý nghĩa làm chi thể của Giáo Hội. Vậy chúng ta có thể đạt được ý nghĩa sâu sắc hơn thực tại Kitô hữu trong cuộc sống của mình khi hiểu rõ ý nghĩa và những nhịp tiến của Thánh Lễ. Hơn nữa, tiết nhịp cuộc sống của chúng ta càng gần với tiết nhịp thánh Lễ, thì việc cử hành phụng vụ của chúng ta càng sinh ơn ích.

IV – THÁNH LỄ GÕ NHỊP CHO CUỘC SỐNG

Sức qui tụ của Tiết Nhịp Triệu Tập phù hợp với bản chất của chính Giáo Hội như là Thân Mình Đức Kitô, một cộng đoàn họp nhau lại tưởng niệm Người để tiếp nối công trình của Người nơi trần gian. Một chủ tâm lớn hơn về ý nghĩa của Thánh Thể sẽ giúp chúng ta hiểu thâm sâu hơn ý nghĩa của việc được cứu rỗi. Phương diện này cũng là một phản ánh đời sống nội tâm của chính Thiên Chúa. Dù những quan niệm về Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ được hàm ý nói đến, nhưng vẫn thẩm thấu và đặt nền cho mọi sự hiểu biết mang tính cộng đoàn về phụng vụ và Giáo Hội.

Điều này cũng có thể thấy nơi mối dây liên kết chặt chẽ giữa Tiết Nhịp Chuyện KểTiết Nhịp Ngôn Sứ. Người Kitô hữu phải múc lấy sự sống từ mạc khải của Thiên Chúa. Đạo của chúng ta không mang tính quy ngã, nhưng là một cái gì chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu Kitô. Kitô giáo cũng như chính cuộc sống chúng ta cần được cắm rễ sâu nơi Lời Chúa, nếu ta thực sự muốn là Kitô hữu. Như thơ gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta, đó là Lời sống động và đầy hiệu năng, “sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi… có thể dò thấu tư tưởng và tâm tư” (Do Thái 4,12). Không chỉ đơn thuần để giúp cho sự hiểu biết, cho thêm hứng khởi hoặc ủi an, Lời Chúa còn thách đố, còn thúc đẩy chúng ta đến sự viên mãn cuộc sống trong Đức Kitô mà Thánh Thần Chúa đang gieo niềm phấn khởi.

Tầm mức quan trọng của Tiết Nhịp Dưỡng Nuôi rất nổi bật trong phụng vụ. Đây là cao điểm của toàn thể các nghi thức. Đức Giêsu đã kêu mời chúng ta đến bàn tiệc của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời, bằng Thịt và Máu Người. Đức Giêsu làm chúng ta đầy ắp bằng chính Người để chúng ta cũng có thể làm đầy ắp những người khác. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta càng phản ảnh cách có ý thức sự quan tâm và lòng thương cảm này của Thiên Chúa, thì chúng ta càng có thể vào sâu trong trái tim Đức Kitô trong Phép Thánh Thể. Kết hiệp thân tình với Người, đi sâu vào trong trái tim Người chỉ có thể được đảm bảo, nếu chúng ta để cho Thánh Thần Chúa giúp chúng ta nhận ra Đức Giêsu trong người nghèo, người bị áp bức, trong những kẻ bị đạp ra bên lề xã hội, là những người mà Đức Giêsu đã đồng hóa với họ cách mật thiết.

Đối với Tiết Nhịp Sai Đi cũng vậy. Tiết nhịp này hầu như bị quên lãng, ít nhất là đối với hàng giáo dân. Nhưng từ sau Công đồng Vatican II, chúng ta mới thấy được rằng ân huệ của Chúa Thánh Thần ngập tràn trong toàn thể Giáo Hội, chứ không phải chỉ trên hàng giáo phẩm. Chúng ta nhận ra rằng chính Giáo Hội không chỉ được sai đi mà thôi nhưng còn có sứ mạng sống động trong và cho thế giới. Giáo Hội không phải hiện diện cho chính mình, nhưng đúng hơn là để đem ánh sáng của Đức Kitô đến cho mọi dân nước.

Đến một mức độ lớn hơn, phụng vụ đặt chúng ta trong thế căng thẳng cố hữu giữa công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ, cách đặc biệt như đã thấy nơi Đức Giêsu, với lời hứa cứu rỗi sẽ dành cho chúng ta trong thời cánh chung. Phụng vụ đem lại cơ hội để nối kết thực tại hiện hữu của chúng ta với những gì là chúng ta đã là và những gì chúng ta sẽ là. Chính lời hứa về tương lai này làm chúng ta luôn mở rộng lòng cho tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống.

Đặt mình vào trung tâm công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, chúng ta có thể nhìn lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện để biết rằng quyền năng cứu độ của Người vẫn đang hiện thực qua các Bí Tích. Chúng ta có thể nhìn về phía trước, ý thức rằng mỗi lần cử hành phụng vụ là mỗi lần tuyên xưng cuộc tử nạn của Chúa “cho đến ngày Người lại đến”. Cái nhìn hướng về một tương lai chưa thành toàn rất quan trọng. Nó giúp chúng ta tránh khỏi thái độ tự mãn, tránh khỏi ảo tưởng cho rằng tất cả mọi việc đều tốt đẹp, mọi sự đang tiến về cùng đích. Nó giúp chúng ta đo lường được giữa “những gì đang là” và “những gì phải là”.

Phương pháp nghiên cứu trong tài liệu này được xây dựng trên quan niệm rằng cấu trúc cơ bản của Thánh lễ là cấu trúc của một bữa ăn huynh đệ, một bữa ăn được cộng đoàn Kitô hữu chia sẻ cùng với Đấng Cứu Chuộc phục sinh. Do đó, những động tác rõ nét nhất chính là việc cộng đoàn cùng nhau tụ họp, kể lại các mẫu chuyện, nuôi dưỡng họ, và sai họ trở lại nhà. Đó là cấu trúc thấy được trong bữa ăn cuối cùng của Chúa. Đó là cấu trúc xa xưa hơn và cơ bản hơn cấu trúc hiện nay.

Trong vấn đề sử dụng các tiết nhịp, một điều chúng ta phải tránh đó là áp dụng cách quá máy móc một tiết nhịp cho chỉ một phần đặc biệt nào trong Thánh Lễ. Ví dụ, tiết nhịp trình thuật không chỉ cột chặt với phần phụng vụ Lời và chỉ có phần phụng vụ Lời. Chúng ta đặt những câu chuyện của chúng ta vào trung tâm của chính lời nguyện Thánh Thể, trong những lời Truyền Phép. Cũng thế, tiết nhịp ngôn sứ được nhấn mạnh trong kinh nguyện Thánh Thể khi cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi không những các lễ vật mà còn chính cả bản thân chúng ta nữa, để chúng ta thực sự trở nên những gì chúng ta công bố : trở nên thân mình Đức Kitô.

Cũng theo cách thức đó, chiều kích của việc sai đi không bị giới hạn trong câu cuối cùng kết thúc Thánh Lễ ! Một lần nữa, kinh nguyện Thánh Thể nhắc nhở ta rằng những gì chúng ta đang làm đây là “để tưởng niệm” Đức Kitô, một Đức Kitô chưa bao giờ tách khỏi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chính cùng một Đức Kitô, cách nào đó, hiện diện cách đích thực và thâm sâu trong lịch sử, trong thân mình Giáo Hội được bắt rễ sâu và được dưỡng nuôi bằng Thánh Thể. Khía cạnh truyền giáo của Giáo Hội được bắt rễ trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Kinh nguyện Thánh Thể, ngoài việc bao trùm trên tất cả tiết nhịp, còn đem lại cho chúng ta tinh thần cảm tạ, tinh thần này cũng thẩm thấu toàn diện việc cử hành phụng vụ. Cảm tạ Chúa vì những hành động cứu rỗi của Đức Kitô đã nêu tấm gương của cuộc sống hy tế làm mẫu mực cho toàn bộ cuộc sống người Kitô hữu đích thực.

Tài liệu này đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Kitô trong Giáo Hội, trong chiều kích cộng đoàn của các buổi cử hành phụng vụ. Đó là điểm nhấn đã bị lãng quên quá lâu. Vì chỉ đề cao một lối đạo đức cá nhân, do đó giảm thiểu thánh lễ vào một điểm tập trung hạn hẹp trên những gì xảy ra cho bánh và rượu mà thôi. Đúng ra điểm nhấn mạnh phải được đặt trên những gì xảy ra cho giáo dân, những người chia sẻ bánh và rượu để tưởng niệm Đức Kitô. Đây chính là trọng điểm mà Giáo Hội sơ khai nhắm đến.

Trong các kinh nguyện Thánh Thể hiện nay, chúng ta hầu như quen với “lời nguyện khấn xin” (epiclesis) được chia ra làm hai phần. Chúng ta kêu xin Chúa Thánh Thần trước khi đọc Lời Truyền Phép để biến đổi các lễ vật thành Mình và Máu Đức Giêsu. Sau lời kinh tưởng niệm, chúng ta lại khấn xin Chúa Thánh Thần biến đổi cộng đoàn thành Thân Mình đích thực của Đức Kitô. Thế nhưng rất thú vị, nhiều “lời nguyện khấn xin” trước đây chỉ cầu xin Chúa Thánh Thần biến đổi cộng đoàn. Điều đương nhiên là bánh và rượu phải được biến đổi trước để mang lại một sự thay đổi trong cộng đoàn, một cộng đoàn mà việc trở nên giống Chúa, theo một vài Giáo Phụ Giáo Hội Đông Phương, được thực hiện qua sự kết hợp với Thịt đầy Thánh Linh Chúa của Đức Kitô (Spirit-filled flesh of Christ).

Chúng ta đã không luôn nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần nhiều như chúng ta mong ước. Đây có thể là mặt yếu, vì trong Giáo Hội Tây Phương chúng ta có xu hướng nhìn Thánh Thể cốt yếu từ nhãn giới Kitô học. Đó là chúng ta coi thánh lễ trước hết như phương tiện đem lại sự hiện diện đích thực và thân mật của Đức Kitô trong bánh lễ, quên bẵng đi các cách thức khác Đức Giêsu cũng hiện diện với chúng ta.

Nhưng lại một lần nữa, sự nhấn mạnh trên sự hiện diện của Đức Kitô trong cộng đoàn có thể được xem như một lời biện hộ cho việc nhìn nhận vai trò của Thánh Thần Chúa. Vì chính Chúa Thánh Thần cấu thành Giáo Hội và làm cho Đức Kitô có thể hiện diện trong Giáo Hội. Đời sống của chính Giáo Hội, như Yves Congar đã nói, là một “Kinh Nguyện Khấn Xin” trường tồn.

Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Đây thực sự là trọng tâm của Thánh Lễ. Làm một việc gì để tưởng nhớ Đức Giêsu có nghĩa là chúng ta phải thấy, phải hành động, suy nghĩ và yêu thương như thế nào đó để người ta có thể nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu trong chúng ta. Việc tưởng nhớ xảy ra bởi vì cộng đoàn đã chứng được cho chính mình và cho cả thế giới. Đây là một hành động mang tính tập thể, một hành động trong đó chúng ta giúp nhau để trở nên những gì mà ân sủng Thiên Chúa cống hiến cho mỗi người ở bất cứ nơi nào chúng ta họp nhau lại để tưởng nhớ Đức Kitô.

Mỗi lần cử hành việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là chúng ta dấn thân tiếp nối cho công trình cứu rỗi bản thân mình. Đây là một cuộc hợp tác mạo hiểm. Qua những tiết nhịp khác nhau của Thánh Lễ, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự có mặt của tội lỗi trong tính ích kỷ, trong việc chúng ta a tòng bắt tay với bất công, đồng thời thúc đẩy chúng ta hướng đến một cuộc sống mới. Nhờ thông chia Mình và Máu Đức Kitô, dần hồi chúng ta được giải thoát khỏi mãnh lực của sự dữ. Trong cùng chuyển động này, chúng ta dấn bước theo nhịp chân của chính Thiên Chúa, và dâng lên Thiên Chúa Cha cuộc sống riêng của mỗi người cùng với những hy vọng và đau thương của tất cả những người cùng sánh vai với chúng ta để dựng xây một xã hội dựa trên nền tảng công bình và bác ái. Chính Thiên Chúa là Chủ của Vũ Khúc.

(hết)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/13-ket-thuc-vu-dieu/