Trích từ Dân Chúa

10. Đôi tay rộng mở: Dấn thân

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

“Bấy giờ thanh nữ sẽ vui ca nhảy múa
Mọi người già trẻ sẽ mừng vui.
Ta sẽ đổi tang tóc thành hoan lạc, ủi an
và dẫn chúng từ sầu muộn đến niềm vui
Và dân Ta sẽ no đầy phúc lộc.” (Gr 31, 13-14)

I - CHIA SẺ LÀ BẢN CHẤT CỦA THÁNH THỂ

Một linh mục làm việc mục vụ ở Philippines chia sẻ câu chuyện sống động sau : Khi còn phụ trách một nhà thờ tại Manila, ngày kia tôi xuống phố, tình cờ gặp hai bé gái bụi đời khoảng bảy và chín tuổi. Chúng là hai chị em. Mái nhà của chúng là con hẻm nhỏ giữa hai cao ốc văn phòng. Tôi được biết chúng là hai đứa trẻ của một gia đình đông con, không có cha nuôi dưỡng. Có lẽ vì thế chúng luôn sát cánh bên nhau, và sung sướng khi có người quan tâm đến. Trên đường đến tiệm thuốc tây, tôi đề nghị hai em cùng đi với tôi.

May cho tôi là tiền thuốc không mắc như tôi tưởng, sau khi trả tiền thuốc cho hai em, tôi còn được ít tiền lẻ. Tôi cho hai em chọn lựa : “Hai con thích kem hay táo ?” Táo giá khoảng 35 xu, chỉ bằng phân nửa tiền kem. Mắt hai em sáng lên và đồng thanh nói : “Tụi con chọn táo!” Có lẽ chúng chưa bao giờ được ăn trọn vẹn một trái táo.

Tôi mua cho hai em mỗi đứa một trái táo lớn thật ngon. Chúng cầm lấy món quà, và trên đường trở về nhà thờ, chúng sung sướng ngắm nhìn hai trái táo. Một lúc sau tôi hỏi : “Sao tụi con không ăn táo đi ?” Câu trả lời của hai em làm tôi sửng sốt : “Không, chúng con không ăn bây giờ. Chúng con sẽ đem về chia cho anh chị em trong nhà.” Ở trường hợp chúng, có lẽ tôi đã bị cám dỗ ăn ngay quả táo và không nói gì khi về nhà. Hai em thấy rằng chia sẻ cho người khác không phải là một gánh nặng, nhưng là một dịp hiếm có, một đặc ân, một niềm vui. Hai đứa trẻ bụi đời này hiểu biết về ý nghĩa của việc chia sẻ và Thánh Thể nhiều hơn tôi.

Đây là cách chia sẻ Đức Giêsu muốn chúng ta phải có. Chia sẻ chính là bản chất của Thánh Thể. Đức Giêsu không chỉ chia sẻ chính mình Người cho chúng ta, nhưng còn nêu gương và ban cho chúng ta sức can trường để chia sẻ cho nhau. Thánh Thể là phương thức Đức Kitô tiếp tục nuôi dưỡng Giáo Hội. Nếu chúng ta muốn thấy Thánh Thể phải được sống như thế nào trong đời sống thực tế, không gì tốt hơn là chúng ta suy nghĩ về mẫu sống phản ánh trong những câu chuyện “bánh hóa nhiều” trong các sách Tin Mừng. Những câu chuyện này đã thu hút sự chú ý của các nhà chú giải trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là vì ngôn ngữ mang tính phụng vụ Thánh Thể rõ ràng của các trình thuật đó. Chúng ta đọc thấy Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, và phân chia cho dân chúng. Đây là âm vang trung thực nhất của việc truyền phép trong Thánh Lễ. Rõ ràng là có một sự chủ tâm như thế.

Không phải tất cả các tác giả sách Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện đó như thánh Gioan. Trong sách Tin Mừng của Gioan, Đức Giêsu chỉ đơn giản cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và tự mình phân chia. Theo cách của Gioan, thì mọi tác nhân trung gian đều bị xóa mờ. Các môn đệ chỉ làm một việc là thu lượm các vụn bánh còn thừa.

Tuy nhiên, ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật những câu chuyện này hơi khác. Sự biến đổi mang nặng ý nghĩa. Ví dụ chúng ta đọc trong Marcô 6,41, sau khi tạ ơn và bẻ bánh ra, Đức Giêsu trao cho các môn đệ để phân phát. Đây là sự việc tiếp theo sau khi các môn đệ tỏ ra chống đối lệnh truyền trước đó của Người là hãy cho dân chúng ăn (6,37). Vai trò của các môn đệ rất cần thiết cho công việc này. Ngày nay, Bánh của Đức Kitô, khả năng nuôi dưỡng của Người, được phân phối chủ yếu qua trung gian các môn đệ. Họ mà trễ nải thì dân chúng sẽ bị đói.

Đó là lý do tại sao các sách Tin Mừng đều liên kết phép lạ “bánh hóa nhiều” với Thánh Thể. Đây là bữa ăn quan trọng nhất của Đức Giêsu. Ngoài bữa ăn cuối cùng, đây là bữa ăn độc nhất mà tất cả bốn sách Tin Mừng đều nhắc đến. Thậm chí trong Marcô và Mathêu, câu chuyện này còn được nhắc đến hai lần. Rất ít khi có những sự kiện được nhắc đến cách trọn vẹn như thế trong các sách Tin Mừng. Hầu chắc là, đối với các tác giả sách Tin Mừng, lòng thương cảm và thái độ quan tâm dấn thân đến với người khác biểu lộ trong biến cố này là trọng tâm nói lên bản chất đời sống Kitô hữu.

Câu chuyện này cũng cho thấy sự tương phản giữa Đức Giêsu và bản thân chúng ta. Khi thấy dân chúng đói, tác giả Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng Người xúc động và chạnh lòng cảm thương dân. Các môn đệ thì trái lại, tuy có bị xúc động nhưng lại hơi khó chịu vì ý nghĩ phải chia bớt phần lương thực ít ỏi của họ. Giải pháp của họ đối với những người đói mà họ đang trông thấy là giải tán đám đông này đi. Mặc dù biện pháp này không thỏa mãn được cơn đói của bất cứ ai, nhưng ít ra cũng tránh được tình trạng khó xử để có một “khoảng cách an toàn”, nghĩa là để ta không phải chứng kiến cảnh thương tâm đó mà đau đớn lòng nữa, và tưởng rằng nó không hiện hữu. Cách mặt, xa lòng! Bịt mắt trước một vấn đề khó khăn rồi chúng ta giả bộ như không có vấn đề đó xảy ra!

Từ câu chuyện này, có thể rút ra được bài học cho chúng ta ngày nay. Đó là việc nuôi ăn được bắt rễ sâu trong lòng thương cảm của Thiên Chúa. Đúng hơn có thể nói rằng việc đó có cội nguồn từ sự kiện Thiên Chúa chính là lòng thương xót. Thánh Gioan nói Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (1Ga 4, 16). Đây là lý do Thiên Chúa ở trong chúng ta. Bức thư của Gioan còn thêm rằng : “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (4, 20).

II - TÌNH YÊU, LÒNG NHÂN HẬU VÀ THƯƠNG XÓT

Tình yêu của của Thiên Chúa là chủ đề xuyên suốt trong diễn từ biệt ly, sau bữa ăn cuối cùng. Điều răn mới Đức Giêsu để lại cho các môn đệ được đặt nền tảng cách đơn giản và gói gọn trên tình yêu của Người, một tình yêu từ nay trở đi là đặc tính của tất cả các môn đệ (xem Ga13,34-35; 15,11-17). Tình yêu, lòng nhân hậu và thương xót được trình bày cho chúng ta như các đặc tính trổi vượt của Thiên Chúa. Đó là những nét phải được phản chiếu trong cách sống của tất cả những ai đã cảm nghiệm được tình yêu đó.

Trong Tin Mừng dường như chúng ta không nghe Đức Giêsu dạy phải thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh, cho dù đây là lệnh truyền đã được lặp đi lặp lại 12 lần trong Luật Torah (Luật Do Thái). Sự thánh thiện của Thiên Chúa là một đề tài chính yếu trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, sự thánh thiện như thế không phải là một chủ đề trong tất cả các sách Tin Mừng. Chỉ có một lần, trong Gioan 17,11, Đức Giêsu đề cập đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nói cách khác, Tin Mừng thường dạy chúng ta noi gương lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa. Quả thế, trong Tin Mừng, các môn đệ của Đức Giêsu phải thực hiện cho được lòng nhân hậu và thương xót thay thế cho sự thánh thiện.

Trọng tâm đường lối đạo đức của Đức Giêsu là việc noi gương Thiên Chúa. Nội dung và ý hướng các hành động của Thiên Chúa nhắm đến là xác định cách thức chúng ta nên đối xử thế nào trong tương quan với nhau. Trong Matthêu 18, 23-35, dụ ngôn về tên đầy tớ không có lòng thương xót đặc biệt dạy cho chúng ta biết cách sống của con cái Chúa phải như thế nào. Chúng ta đã cảm nghiệm được lòng xót thương của Thiên Chúa trong chính bản thân mình, thì cũng phải lấy lòng thương xót đó mà đối xử với anh em và định hướng cuộc sống của mình.

Trong Matthêu cũng như trong Luca, đạo lý về lòng xót thương đặt trên nền tảng vì Cha trên Trời là Đấng đầy lòng thương xót (xem Mt 5, 38-48; Lc 6,27-36). Lòng xót thương của Thiên Chúa, một lòng xót thương tràn đầy yêu thương, chính là nét đặc thù của dân Chúa. Cảnh phán xét cuối cùng trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (25,31-46) làm nổi bật tư tưởng là chỉ khi nào con tim của ta xúc động trước nhu cầu và nỗi khổ đau của người khác, thì ta mới được xét là xứng đáng vào Nước Trời.

Khả năng để có thể chia sẻ nơi bàn tiệc của Chúa và để cảm nghiệm tình yêu Đức Kitô đối với chúng ta tuy mang tính cách cá nhân, nhưng phải trở thành lời nhắc nhở thường xuyên rằng những ân huệ này phải được chia sẻ cho nhau. Cuộc sống người Kitô hữu là một cuộc sống quan tâm lẫn nhau. Người Kitô hữu là người biết quan tâm lo lắng cho người khác. Sự quan tâm và lòng yêu thương đó phải là yếu tố phân biệt chúng ta với những người chưa cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa.

Trong sách Công Vụ, tác giả mô tả tính độc đáo của Giáo Hội sơ khai, khi cho ta thấy cảnh những “tân tòng” đầu tiên hiện diện trong ngày lễ Ngũ Tuần. Họ đã đáp trả lời kêu gọi của Phêrô bằng một cuộc đổi đời, và chấp nhận lãnh phép rửa để bước vào cuộc sống mới. Từ đó nét độc đáo của họ là có thể ra đi làm chứng như các tông đồ, cũng như cầu nguyện, tham dự phụng vụ Thánh Thể. Họ làm chứng bằng cách sống sâu thẳm nghĩa tình anh em, ngay cả việc để tất cả mọi sự làm của chung, vì họ biết quan tâm đến nhu cầu người khác (Cv 2,42-47).

III - NGHĨA TÌNH ANH EM, HIỆP THÔNG VÀ THÁNH THỂ

Nghĩa tình anh em, hiệp thông (koinonia) và thánh thể là những thực tại củng cố hỗ tương lẫn nhau. Việc này kéo theo việc khác, tăng cường cho nhau. Ngược lại, sự vắng mặt hay sự yếu đuối của người này ảnh hưởng bất lợi trên người kia. Trong khi rước lễ, tất cả chúng ta đều nhận từ Đức Kitô. Những người thông dự Thánh Thể phải là những người biết quan tâm lẫn nhau. Nhưng trong thực tế làm thế nào để thể hiện sự quan tâm đó ? Về điều này, chúng ta có thể kiểm điểm lương tâm mình trên ba vòng khép kín sau đây. Vòng tâm điểm thứ nhất là về các liên hệ của chúng ta đối với gia đình và bạn hữu. Vòng kế tiếp là những người chúng ta thường gặp, những người chúng ta có trách nhiệm trong xứ đạo, đoàn thể, cơ quan xí nghiệp và trong xã hội dân sự của ta. Vòng thứ ba là liên hệ của chúng ta đối với những người khác ở phạm vi rộng lớn hơn trong thế giới ta đang sống. Mỗi người trong ba loại trên đều xứng đáng được chúng ta quan tâm.

1- Vòng tâm điểm thứ nhất. Đó là các liên hệ của chúng ta đối với gia đình và bạn hữu, lạ lùng thay, có thể nổi cộm lên nhiều khó khăn nhất. Đôi khi chúng ta cảm thấy dễ dàng thương cảm, quan tâm đến người ngoài, hơn là với những người trong vòng gia đình mình. Chúng ta đầu tư tình cảm quá nhiều cho gia đình mình nên chi rất khó mà có thái độ khách quan. Vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào những thành viên trong gia đình cho nên khi có sự va chạm hoặc xích mích gây khổ đau cho nhau, chúng ta không đo lường được mức độ nặng nề của sự cố đến nỗi thường thường sự thông cảm, hòa giải và tha thứ xem ra là một việc không thể có được.

Xã hội làm đầy ắp tâm hồn chúng ta những kỳ vọng sai lầm đặt nơi người khác. Chúng ta thường có xu hướng tin vào những câu hát cho rằng những người khác ở đó “để thắp sáng cuộc đời chúng ta”, mà không ý thức rằng điều đó cũng có mặt trái của nó. Người khác cũng có thể, và thường làm đen tối cuộc đời của ta. Nhưng nếu không chống lại cơn cám dỗ chỉ thấy những điều xấu hơn là điều tốt nơi người khác, thì chúng ta khó tránh được những khó khăn thảm họa.

Một văn sĩ đã viết cách rất thuyết phục về “mầu nhiệm sự dữ gây nên bởi những người tốt.” Không nơi nào phơi bày rõ thực tế này bằng khung cảnh gia đình. Biết bao nhiêu sự chểnh mảng và lạm dụng mà con cái phải gánh chịu. Biết bao nhiêu cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc kết thúc bằng việc ly dị. Biết bao nhiêu hận thù xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Chừng đó cũng đủ để minh chứng rằng cần thiết phải có một chương trình mục vụ gia đình cụ thể liên tục. Đây là lãnh vực đầu tiên chúng ta phải quan tâm.

Cội nguồn của vấn đề đó là tính ích kỷ. Chúng ta trông chờ người khác làm cho ta cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi người khác không đo lường và không đáp ứng được sự trông chờ này, chúng ta liền bắt đầu có những giọng trách móc (dĩ nhiên là không bao giờ chúng ta tự trách cứ mình). Càng nghĩ về những điều này, chúng ta càng cảm thấy khó chịu hơn, cho đến lúc ta bắt đầu vạch mặt chỉ tên được điều sai trái nơi người khác. Tuy nhiên, điều thường thấy ở đây là sự thiếu đối thoại cởi mở, chúng ta chỉ biết nói bóng nói gió. Chúng ta đánh mất khả năng lắng nghe người khác (chỉ vì chúng ta thực sự không quan tâm đến họ).

Để tránh điều tệ hại này, chúng ta phải nỗ lực ý thức việc cần phải gia tăng tình yêu và tôn trọng giá trị của nhau giữa các thành viên trong gia đình. Dĩ nhiên ý thức của chúng ta cũng phải được thể hiện qua hành động mở lòng đến với người khác. Điều này đòi hỏichúng ta phải xem xét kỹ lưỡng mọi hành động của mình coi đã thực sự là một sự hiến dâng cuộc đời cho người khác haychưa. Nói chuyện và đối thoại với người khác phải nhằm mụcđích củng cố cho sự cảm thông, cho việc tôn trọng nhau, chứkhông phải để thuyết phục người khác phải theo cách suynghĩ và hành động của mình. Chúng ta thực sự chưa đối xửvới người khác như những nhân vị, bao lâu ta chưadành cho họ một sự tự do thoải mái như chúng tamong muốn họ dành cho mình. Điều này đòi hỏi chúng taphải hiểu họ như chính “họ là” chứ không phải nhưnhững gì mà chúng ta muốn “họ phải là”. Điều còn lại làmỗi người phải lãnh trách nhiệm xây dựng các mối quan hệtrong gia đình, làm cho sự tương giao này trở thành những thể hiệncủa việc trao ban cuộc sống cho nhau. Sự đối thoại cởi mởcó thể là chiếc đũa thần giải quyết mọi vấn đề. Cần phải dấn thân cho công việc này vì xác tínrằng trong gốc nguồn, tất cả chúng ta là anh chị em với nhau trong bàn tiệc của Chúa, và đều có được sự thương yêuquan tâm của Đức Kitô. Chúng ta nên làm quen với một vàikỹ thuật đối thoại hiện đại, hoặc theo cách củaGinnott, không phê phán, “không khen mà cũng không chê”, hoặc theo cách “chẳng mất mát gì” của Gordon.Theo các phương pháp này thì người đối thoại cảm nhận đượcsự tôn trọng và phẩm giá mà họ đáng được như là người anh chị emcủa Đức Kitô. Chính vì thế mà các phương pháp này có hiệu quả. Nhưng sự tôn trọng đó, phẩmgiá đó chỉ có được khi có tình yêu thực sự.

2- Vòng tâm điểm thứ hai. Đó là tương quan với người lân cận. Có thể lấy môi trường giáo xứ để dễ dàng xem xét rõ hơn. Về mặt lý thuyết, các giáo xứ là những cộng đoàn chia sẻ và quan tâm lẫn nhau. Đó là sự nối dài của những gia đình mà nét đặc thù là có khả năng nuôi dưỡng nhau. Nhưng khi thể hiện lý tưởng đó, trong thực tế các giáo xứ còn rất nhiều thiếu sót. Vì giáo xứ là ngôi nhà thiêng liêng của chúng ta nên rất cần được ta yêu thương và quan tâm, nếu muốn xứ đạo tiến gần hơn với lý tưởng được Đức Giêsu đề ra.

Chúng ta không còn có thể quan niệm giáo xứ như là một trạm dịch vụ thiêng liêng nữa, ở đó giáo dân đóng vai trò thụ động, tất cả mọi việc phải theo hệ thống hàng dọc từ trên cao rót xuống, và cha sở là người làm tất cả mọi việc. Buồn thay, ý nghĩ sai lầm này đang ngày càng trở nên rõ nét hơn ! Toàn thể giáo xứ phải là một cộng đoàn dưỡng nuôi. Bất cứ công việc quan tâm chăm sóc nào mà những người có trách nhiệm trong giáo xứ làm đều mang ý nghĩa như một mẫu gương điển hình mà tất cả mọi người trong giáo xứ đều phải làm.

Ngày nay, một trong những lãnh vực dấn thân ở cấp độ giáo xứ là lãnh vực của phong trào đại kết. Một trong những thảm kịch bi thương nhất xảy ra trong Hội Thánh Chúa Kitô là sự chia rẽ giữa quá nhiều nhóm cạnh tranh nhau. May thay, từ Công Đồng Vatican II chúng ta không còn cho các giáo hội Tin Lành là do ma quỉ phát động nữa, nhưng đã bắt đầu nhìn nhận họ như những giáo hội đích thực. Chúng ta phải đi đầu trong việc hàn gắn các vết thương chia rẽ đã xảy ra hằng bao nhiêu thế kỷ trong Giáo hội, và trong việc dựng xây những chiếc cầu nối liền khoảng cách của sự mâu thuẫn hiểu lầm. Đây là việc làm rất khẩn thiết để đẩy mạnh tới ngày mà tất cả được hiệp nhất, được nên một, như chính Đức Giêsu đã thiết tha cầu nguyện trong đêm trước khi đi chịu chết (Ga 17,20-23). Mối quan tâm của chúng ta không nhất thiết luôn luôn phải có một giáo xứ làm nền. Đức tin và tình yêu có thể làm cho chúng ta trở thành những công dân sẵn sàng dấn thân trong bất cứ nơi nào chúng ta sinh sống. Đơn giản là vì chúng ta không có quá nhiều nhà chính trị được phong thánh, nên không có lý do để nghĩ rằng những phần hành này là mạo hiểm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Quả thực, thế giới đang kêu gào để có những con người thực sự quan tâm đến nhu cầu của người khác, và sẵn sàng xả thân để làm cho cuộc sống trên hành tinh này tốt đẹp hơn. Người ta sẵn sàng cung cấp mảnh đất phì nhiêu để cho sự quan tâm và dấn thân của người Kitô hữu được bắt rễ sâu hơn.

3- Vòng tâm điểm thứ ba. Đó là thế giới rộng lớn hơn mà ta đang sống. Ở đây cũng cần phải có sự lựa chọn. Chúng ta hoàn toàn không thể chăm lo được hết mọi khổ đau của nhân loại. Tuy nhiên chúng ta nên chọn ít nhất một lãnh vực, trong đó khả năng và nhiệt tình của mình có thể thi thố được. Có nhiều phương cách giúp chúng ta theo kịp với những gì xảy ra trên cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu. Cố gắng làm cho luật pháp rọi chiếu trên những giá trị, nỗ lực cách này hay cách khác làm cho thế giới sáng tình người hơn, hy sinh bản thân cho người khác có được một cuộc sống xứng đáng… Tất cả những điều đó đều phát xuất từ việc thẩm định sâu sắc ý nghĩa của việc hiệp thông, và là những cách thể hiện sự sống của Chúa Thánh Linh.

IV- THỰC HÀNH CHAY TỊNH VÀ LÀM VIỆC BÁC ÁI

Giáo Hội thời xưa thường nhấn mạnh việc thực hành chay tịnh và làm việc bác ái trong suốt mùa Chay cũng như vào những thời điểm sám hối khác. Thực ra, cả hai việc này đều liên kết mật thiết với nhau. Chúng ta ăn chay là để có cái gì chia sẻ cho người khác. Vào thế kỷ thứ V, Đức Giáo Hoàng Gregôriô Cả đã diễn tả các tư tưởng này qua ngôn ngữ Thánh Thể :

“Giờ đây chúng ta hãy dang rộng đôi tay để đến với người nghèo khó, để có được nhiều người cất tiếng cảm tạ Thiên Chúa, và để cho người túng quẫn bớt cực nhọc nhờ việc chay tịnh của chúng ta. Không có việc sùng kính nào của người tín hữu đẹp lòng Chúa hơn là việc làm cho kẻ nghèo khó bớt đói khổ. Nơi đây Chúa thấy lòng bác ái đầy sự quan tâm trìu mến, chỗ khác Chúa nhận ra sự phản chiếu tình phụ tử ân cần của Người.

“Trong những hành động trao ban này, chúng ta không sợ thiếu thốn phương tiện. Một tấm lòng bao dung rộng lượng tự nó đã là một kho tàng rồi. Lòng đại lượng không bao giờ thiếu hụt chất liệu, vì ở nơi đó chính Chúa Kitô vừa là Đấng dưỡng nuôi vừa là Đấng được nuôi dưỡng. Trong tất cả những việc bác ái này, luôn hiện diện bàn tay của Người đang hóa bánh ra nhiều bằng cách bẻ bánh ra, nhân số bánh lên và phân phát cho người khác.” (Bài Giảng số 10 trong tập Mùa Chay 3-5; PL 54, 299-301).

Phụng vụ luôn vang lên những lời nhắc nhở chúng ta phải trở nên “một thân thể, một tinh thần trong Đức Kitô.” Thái độ dấn thân làm cho người khác lớn mạnh, và cho việc củng cố sự hợp nhất mà Đức Kitô rất tha thiết như là một phần cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sự dấn thân này đòi hỏi hai điều. Điều thứ nhất là phải xác tín thực sự có mối liên hệ mật thiết giữa phụng vụ và cuộc sống. Việc biến tôn giáo thành chuyện riêng tư nhằm giam giữ tôn giáo trong cung thánh nhà thờ và tách biệt khỏi đời sống xã hội, việc đó cần phải chấm dứt. Sự liên hệ này mật thiết đến nỗi phẩm chất cuộc sống Kitô hữu của chúng ta ảnh hưởng một cách trực tiếp, hoặc quả thực có thể đe dọa, việc sinh hoa kết trái của Thánh Thể. Thánh Phaolô còn đi xa hơn nữa khi quả quyết rằng cách cư xử thiếu tế nhị của những người giầu với người nghèo mang tầm mức quan trọng đến mức độ có thể làm cho việc họ tụ tập lại không còn là để cử hành Bữa Ăn cuối cùng của Chúa nữa (Xem 1Cr 11,20).

Điều thánh Phaolô muốn ám chỉ trong bản văn là thực tế các việc cử hành Thánh Thể của chúng ta bị tùy thuộc rất nhiều vào phẩm chất cuộc sống của ta. Đến với bàn tiệc thánh, mà tâm trí gần gũi với những người có mặt chung quanh, tức là làm cho họ cũng được gần gũi với Chúa Giêsu. Nếu không thể nhận ra Đức Kitô trong những người khác, trong người khách lạ đang cần giúp đỡ, chúng ta sẽ không có khả năng nhìn nhận ra Người trong tấm bánh trắng đâu! Đức Kitô là một tổng thể không chia cắt, do đó chúng ta không thể nói chỉ yêu mến cái đầu mà không yêu mến toàn thân của Người.

Thứ đến, chúng ta rất cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chúng ta chỉ có thể yêu mến người khác như chính ta đã được Đức Kitô yêu mến khi cảm nghiệm được tình yêu đó trong cuộc sống của mình, đồng thời được Chúa Thánh Thần cho ta cảm nhận được bản chất của tình yêu tự hiến này. Chỉ khi đó chúng ta mới nhận thức được rằng tình yêu tự hiến này áp dụng cho Thiên Chúa, cho tha nhân, và cho toàn thể thế giới quả thực không thể đo lường được. Nhưng tình yêu tự hiến đó vẫn là nền móng cơ bản. Trong mỗi thánh lễ, Đức Kitô lên tiếng xác nhận rằng tình yêu của Người sẽ thấm nhuần mọi mặt cuộc sống nhân loại của chúng ta tới mức độ làm cho chúng ta có cùng một tình yêu đó đối với người khác.

Lại một lần nữa, trong thư thứ nhất, thánh Gioan nói với chúng ta:

“Đây là lời loan báo cho anh em đã nghe từ lúc khởi đầu : chúng ta hãy yêu thương nhau…. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có đầy đủ phương tiện thế gian mà thấy anh em mình đang lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ? Hỡi anh em là những người con nhỏ bé, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1 Ga 3, 11, 16-18).”

Liên quan đến “Tiết nhịp Thánh Thể” mà chúng ta đang đề cập, chính vì ta được quy tụ nơi bàn tiệc của Chúa, được Lời Ngài dưỡng nuôi và thúc đẩy sống một đời sống Kitô hữu đích thực hơn, mà chúng ta có thể nuôi dưỡng mình bằng Máu Thịt Đức Kitô, và nhận biết rằng ta đã lãnh nhận nhiều đến nỗi sau khi chia sẻ, ta vẫn còn rất nhiều để sẻ chia, vượt trên cả những gì ta có thể tưởng tượng được.

(còn tiếp)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

URL: http://danchuausa.net/luu/10-doi-tay-rong-mo-dan-than/