Trích từ Dân Chúa

Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008

Văn Học

VietCatholic News (Thứ Hai 18/08/2008 11:55)

Đại Lễ Hội La Vang tam chu niên lần thứ 28 đã khép lại, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng trong lòng mỗi người. Có quá nhiều cái đặc biệt để nói về sự kiện này trong 3 ngày diễn ra đại lễ, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số nét trong tầm nhìn và cảm nghĩ của một khách hành hương về Linh địa La vang lần này, gửi đến quý độc giả như một món quà cùng chia sẻ để thông qua đó góp thêm một âm thanh, tuy nhỏ, nhưng hy vọng chúng ta sẽ thêm lòng yêu mến Mẹ Maria và thấy được sức sống tiềm tàng của Giáo hội Việt Nam đang ngày càng được thể hiện qua những việc làm cụ thể.

La Vang, nơi hội ngộ của cõi linh thiêng vĩnh hằng bất diệt từ trời cao với cõi trần phù du trôi nổi tạm bợ. La vang, điểm hẹn của những loại hình văn hóa - đức tin. La vang, tiếng kêu thất thanh giữa núi rừng của bổn đạo con chiên thời xưa vì sợ hãi sự truy lùng và bách hại. Tất cả đã tạo nên sự kỳ vĩ nơi mảnh đất Quảng Trị đầy nắng và gió này. Mặc cho những kết án này nọ, những lăng mạ kỳ thị xuất phát từ sự xung đột trong ý thức hệ, La Vang vẫn là tiếng gọi da diết kêu mời mọi người đến với Mẹ nhân hiền.

La Vang là một vùng đất nhỏ bé mất hút giữa chốn rừng thiêng nước độc, ít người lui tới, ngoại trừ một số tiều phu tìm lên đây. Thánh Địa La Vang nằm trong khu vực gọi là Dinh Cát (đời chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, thế kỷ thứ XVI. Gọi là Dinh Cát hay Cát Dinh, tức là Dinh xây trên một vùng đất cát), nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo Phận Huế, cách thành phố Huế độ 60km về phía Bắc, và cách thị xã Đông Hà khoảng 6km về phía Nam. Dinh Cát là một vùng đất cống hiến nhiều vị anh hùng tử Đạo và cũng là nơi có số người Công giáo sinh động nhất.

Tại sao gọi là "La Vang"? Có nhiều cách giải thích. Nhưng chúng ta phải ngược dòng lịch sử quay lại thời điểm hơn 200 năm trước. Theo Tư liệu Toà Tổng Giám Mục Huế - 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi. Và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Mẹ đều được ơn theo ý nguyện.

- Theo cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài (Phước Môn Quận Công), trong bút tích về Đền Thờ Thánh Mẫu La Vang đề ngày 28/02/1925 tại Huế, có viết: "La Vang là tiếng kêu om sòm. Thường người ta đặt tên chỗ nọ chỗ kia thì lấy tên cái khe, cây cổ thụ, hay tên người nào đó ở vùng đó mà đặt tên; song đây lại lấy tên La Vang mà đặt tên thì cũng lạ. La Vang là tiếng khi người ta lâm nguy mà kêu cứu, tiếng đuổi thú dữ. La Vang là tiếng rao truyền. La Vang là tiếng khi người ta được sự vui mừng quá bội hay khi hoảng hốt… Những tưởng ý định đã xui cho người ta dùng tiếng La Vang mà đặt tên cho chỗ này để ứng nghiệm về việc đã xảy ra bấy lâu nay và mãi về sau này nữa".

- Theo Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (1878 - 1932), trong bài diễn văn về Đức Mẹ La Vang (18/08/1932), có nói: "Tên La Vang là vì xưa ở nơi đó có nhiều cọp, xóm Trí Bưu vào làm chòi ở lại, làm gỗ vỡ đất, nên đêm nào cũng đánh mõ la lối để đuổi cọp, vì thế xóm xung quanh nhà thờ gọi là La Vang".

- Theo Linh mục Philiphê Lê Thiện Bá (1891 - 1981), nguyên giáo sư Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện Huế, chính quán làng Cổ Vưu (Trí Bưu), có để lại bút tích giải thích tên gọi La Vang như sau: "Trong địa bộ làng Cổ Vưu có ghi: "Phường Lá Vằng", vì ngày xưa trên linh địa La Vang có vô số cây lá vằng. Loại cây này có hột đen, ăn được, vị đắng và lá là một vị thuốc. Người phụ nữ xứ Dinh Cát thường dùng lá vằng sắc uống khi sinh con. Do đó, khi lập phường thì nhà nước đặt tên là phường Lá Vằng. Về sau người ta đọc Lá Vằng thành La Vang".

"Phường Lá Vằng" - Thánh địa La Vang, là một vùng đất rừng rú xen kẽ nhiều thứ cây, trong đó có cây lá vằng nhiều hơn cả. Từ chốn Lá Vằng hay La Vang được loan truyền từ đời nọ sang đời kia là Đức Mẹ Maria hiện ra nâng đỡ an ủi con cái Mẹ trong thời kỳ bị bách hại.

- Theo Bs. Ts. Nguyễn Thị Thanh, vốn xuất thân từ La Vang, trong khi kiểm nghiệm thực tiễn tiếng la to giữa vách núi của khu vực này đã suy đoán, tiếng "la" to của người sẽ được các vách núi dội vọng lại thành tiếng "vang" hùng vĩ. Đi xa hơn trong suy luận, Nguyễn Thị Thanh còn cho rằng ý nghĩa tiếng "la vang" ở đây là tiếng trong âm thầm nhiệm mầu của đức tin các thánh tử đạo lên với Thiên Chúa trên trời, là tiếng la vang âm thầm trong nguyện cầu của những người đói khát ốm đau khốn khổ đã thấu vọng đến tai Nữ Vương Thiên Đàng, là tiếng Đức Mẹ trả lời những cầu xin của chúng dân, và cũng là tiếng dội trở lại của Nữ Vương Thiên Đàng trong lòng mỗi người khi bước chân đến thánh địa.

Từ đó, tiếng lành đồn xa khắp giáo phận Huế và các giáo phận khác ở Việt Nam và cả Đông Dương, về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cùng nhiều ơn lạ của Mẹ Thiên Chúa.

Thánh địa La Vang được - Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang trở thành điểm hẹn, nơi hội ngộ của khách thập phương, không phải trong tâm thái của một du khách hay của tao nhân mặc khách đi nhặt thi hứng cho túi thơ của mình, mà mang nhiều nổi niềm tâm sự chất chứa những khát vọng yêu thương và tìm một sự hóa giải cho vấn nạn cuộc đời nơi chốn linh thiêng này.

La Vang, ngày 13/08/2008

80813ThanhLe_0738.jpg

Xem tập hình
01-Khai Mạc Đại Hội
02-Khai Mạc Đại Hội (tiếp)
03-Thánh Lễ Khai Mạc
04-Kiệu Thánh Thể

So với những kỳ Đại lễ trước đây, lần Đại lễ hội này được ghi nhận là có số khách hành hương đông nhất. Chúng tôi đến La vang đúng 10 giờ 30 phút ngày 13/08 mà đã thấy rất đông xe và người từ con đường Lê Duẫn đổ về Trung tâm Linh địa.

Dưới cái nắng như đổ lửa của bầu trời miền Trung, trên mảnh đất chỉ là một dải cát trắng, cái nóng được cảm giác như hắt lửa vào mặt, thế mà vẫn không làm cản ngại bước chân của lớp lớp người con yêu mến Mẹ quy tụ về từ khắp mọi miền đất nước. Tôi thấy rất nhiều lều bạt khách hành hương mang theo đã được dựng lên để làm chỗ nghỉ. Tôi đi cùng đoàn Mái ấm Don Bosco Hà Nội của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, đây là đoàn hành hương đặc biệt - những người khuyết tật của các giáo phận miền Bắc, nên có nhiều ưu tiên hơn. Một khu vực được dựng sẵn và có mái che bằng vòm tôn cao thoáng dưới cây ngô đồng phủ bóng mát, trước tòa nhà Trung tâm. Đoàn gồm có 240 người đi trên 7 chiếc xe khách. Người thì bị bại liệt toàn thân, người thì bị khiếm thính, người bị câm, người bị mù cả hai mắt… Cùng đi với đoàn có rất đông các anh chị tình nguyện viên, là những học sinh sinh viên, đi cùng để giúp đỡ những người bị khuyết tật. Ấn tượng khó phai đó là sự nhiệt tình và vui vẻ của tuổi trẻ tràn đầy sức sống đã tạo nên một bầu khí thân thương đầm ấm như anh chị em trong một nhà.

Linh địa La vang vào buổi trưa của ngày đầu Đại lễ còn im ắng… một cảm giác an lạc, cao vời và thăm thẳm tỏa lan trên đồi Dinh Cát và trong lòng người đối cảnh. Linh đài La vang được xây lại rất cao đẹp. Cây đa cổ thụ xưa, nơi Mẹ Maria hiện đến để an ủi cứu giúp những người con đau khổ của Mẹ, nay đã được mô hình hóa bởi một kiến trúc sư tài ba. Dấu tích của một thời chỉ còn lại ngôi tháp cổ, vẹn nguyên như bảo chứng của vùng đất phải chịu cảnh cày xéo của bom đạn trong chiến tranh, sừng sững giữa nắng mưa qua bao tháng năm. Nếu bạn tiếp chuyện với một người cao tuổi ở Quảng Trị bạn sẽ được nghe một bài học lịch sử rất sinh động về cuộc chiến chống Mỹ. Và nếu các bạn đã đọc "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh thì mới thấu hiểu hết những đau khổ mà người dân nơi đây phải hứng chịu, sự thật cuộc chiến đã được lột trần dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn đã từng vào sinh ra tử trong trận chiến ở Khe Sanh-Đường 9 Nam Lào vào mùa mưa 1972.

Dòng người cứ đổ về Thánh địa La Vang bất chấp nắng nóng. Đến chiều 13/08, trước khi diễn ra Thánh lễ khai mạc, trên Thánh địa là một biển người, rợp muôn sắc áo khoe màu. Đúng 16 giờ thì Đại lễ hội tam niên La Vang được bắt đầu với chủ đề: Mẹ Maria nhà giáo dục Đức tin.

Trước hết, Đức TGM Huế cử hành một hồi trống khai mạc Đại Hội. Sau đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế trình diễn vũ khúc theo chủ đề: “Mẹ Maria, Nhà Giáo Dục Đức Tin”. Đội múa thứ nhất bắt đầu trong tiếng đàn theo bản nhạc Lòng Mẹ của Y Vân đã đưa lòng người chuồi theo dòng cảm xúc ngọt ngào lời ru của mẹ. Từ những lời ngợi ca người mẹ trần thế, lòng người được cảm nếm một tình mẹ bao la cao vời mênh mông hơn, đó là người Mẹ thiên đình hằng dõi theo bước con đi để đỡ nâng và dìu lên theo những cung bậc tình yêu. Đội múa thứ hai diễn múa cảnh “Maria trong tiệc cưới Cana” nói lên sự quan tâm của Mẹ đối với con cái trong cơn khát rượu tình thương, rượu hy sinh và dấn thân. Đội múa thứ ba diễn múa đề tài “Maria, Mẹ giáo dục đức tin”.

Thánh lễ khai mạc có sự hiện diện của các Tổng Giám mục và Giám mục:

1/ Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội.

2/ Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Giám mục giáo phận Thanh Hóa.

3/ Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng thư ký HĐGM Việt Nam, Giám mục phó giáo phận Nha Trang.

4/ Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa.

5/ Đức Cha Giuse Trương Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng.

6/ Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng.

7/ Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục phó giáo phận Bùi Chu.

8/ Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục giáo phận Huế.

9/ Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục phụ tá giáo phận Huế.

10/ Đức tân Giám mục Bắc Ninh Cosmas Hoàng Văn Đạt.

11/ Đức viện phụ Dòng Thiên An Stêphanô Huỳnh Quang Sanh.

Thánh lễ khai mạc do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Cha Giuse đã nói về "Cơn khát của đoàn con được Mẹ Maria nhận ra đầu tiên, đó là cái khát tình yêu thương, khát sự bao dung và vị tha, khát sự dấn thân giữa một thế giới co cụm lại trong ích kỷ và hận thù".

Tối hôm đó rải rác có những hạt mưa như làm dịu lại cái nóng ban ngày. 8 giờ 30 bắt đầu rước Thánh Thể.

(còn tiếp)

- Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008, phần (1), (2) & (3)

Văn Học

URL: http://danchuausa.net/la-vang/ky-su-dai-le-hoi-la-vang-2008/