Trích từ Dân Chúa

Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008, phần 3

Văn Học

La Vang, ngày 15/08/2008

Thánh lễ sáng ngày cao điểm được bắt đầu từ 6 giờ. Khỏi phải nói về những con số và một vài tường thuật về không khí lễ hội trong buổi sáng ngày 15. Đông đảo, nô nức và "quá tải"… sẽ thành những con chữ vô hồn khi không biết lắng sâu vào những tiếng nguyện lời kinh của bao người hành hương cầm trên tay tràng chuỗi, ánh mắt rớm lệ ngước lên tượng Mẹ mà cầu xin, mà van nài.

80815RuocKieu_1133.jpg

Xem tập hình 09-Rước Kiệu Đức Mẹ La Vang sau thánh lễ bế mạc

Cầu gì? Xin gì? Không biết. Chỉ biết rằng Đức tin nơi những bà mẹ "chân quê" ấy thật sâu nặng, thật kiên vững. Đừng lý luận gì cao xa. Đừng nói đó là kiểu "cầu nguyện bình dân", đời sống Đức tin không vững chắc và dễ bị bứng rễ bật gốc qua một trận cuồng phong. Tôi dám chắc rằng, những tâm hồn ấy đẹp lòng Mẹ hơn bao bậc tu trì xúng xính trong phẩm phục, oai vệ trong phong thái nhập đoàn rước và đường bệ bước đi với một thái độ "hạ mục vô nhân". Nắng nóng, oi bức, ngột ngạt… và bao nhiêu hệ lụy khác của chốn tập trung đông người. Tôi thấy dọc hai bên lối đi dành cho đoàn rước, những cụ già như rướn hết sức lực bươn mình chen lấn để mong tìm một chỗ trống nho nhỏ lọt tầm mắt mà hướng nhìn lên Linh đài Mẹ. Những người không còn cách gì hơn, đành đứng vậy mặc cho sự chen lấn xô đẩy và cứ buông như không hề làm chủ được mình nữa. Vậy mà vẫn bao trùm một không khí thinh lặng và nghiêm trang đến nghẹn ngào. Tôi như muốn gào thét thật to để thấu đến màng nhĩ của những lỗ tai bị điếc, những con mắt bị mù của bao người vẫn quen lối phê bình chỉ trích tôn giáo. Sẽ có những hậu duệ của những ông thầy tư tưởng "đa nghi" mỉm cười vì thấy cảnh tượng đó như làm phong phú thêm kho tàng lý luận của họ. Tôi không để ý đến những tuần tự của các nghi thức diễn ra trong Thánh lễ sáng nay, tâm trí tôi dồn hết cho những nỗi cảm thông với cộng đoàn hành hương, đoàn con cái vì lòng yêu mến Mẹ, yêu mến Giáo hội mà tựu về bên Mẹ bất chấp cả đường sá xa xôi và nắng nóng. Ước chi tôi là đám mây che bớt cái chói chang của ánh mặt trời như đang đổ lửa xuống trên biển người - một cộng đoàn đức tin đông đảo. Ước chi tôi là làn gió mát làm dịu cái oi bức ngột ngạt của buổi sáng hôm nay. Nhưng Mẹ ơi! Có hề chi với con cái Mẹ trước những thứ đó. Lòng yêu mến Mẹ đã tăng thêm nghị lực và sức mạnh cho đoàn con. Đức tin và Tình yêu đã chiến thắng tất cả.

Chủ sự Thánh lễ sáng nay là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Giám mục Giáo phận Đà Lạt. Giảng trong thánh lễ, Ngài đã nhấn mạnh đến niềm xác tín sâu xa về tín điều Đức Maria linh hồn và xác lên trời. Thật ra, niềm tin vào Đức Mẹ Maria linh hồn và xác về trời đã có từ lâu trong lịch sử, Giáo hội tái khẳng định đặc ân này bằng một định tín là để nâng sự kiện hy hữu này lên một tầm mức cao hơn một chân lý hiển nhiên trong lòng người Kitô hữu để nhắc nhớ con cái Mẹ dành sự tôn sùng đặc biệt và phó thác hoàn toàn cho Trái Tim vẹn sạch của Mẹ. Nhưng phải nói thế nào cho con người thời đại với não trạng duy vật chất, duy thực nghiệm và muốn gạt sang một bên những thực tại thánh thiêng, chấp nhận được định tín này? Trời hay là cõi Thiên Đàng cực lạc mai hậu không phải là một nơi chốn như cảm giác thể lý nắm bắt được. Cõi ấy là một trạng thái, một chốn an nhiên tự tại, "là thế giới siêu nhiên vô hạn, thế giới thần linh của Thiên Chúa" chứ không là một không gian vật lý hữu hạn. Về trời nghĩa là "được Thiên Chúa cho tham dự vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi cách trọn vẹn cả hồn lẫn xác". Và "Mẹ đã được Thiên Chúa đưa ra khỏi thế giới tự nhiên hữu hạn đó". Đặc ân cao cả của Mẹ có một mối liên hệ sâu xa với thân phận con người của chúng ta, nghĩa là chúng ta cũng được thông phần với niềm vinh phúc của Mẹ trên thiên quốc, nhưng chỉ khác nhau về thời gian mà thôi.

Có một điều mà tôi không muốn nói ra đây, nhưng có một sự thôi thúc thầm kín trong lòng mình như muốn bảo tôi phải điểm qua chi tiết ấy. Đó là tiếng ồn ào gây mất trật tự trong Thánh lễ thỉnh thoảng rộ lên như muốn phá tan bầu khí tôn nghiêm của buổi lễ, kéo sự chú ý của mọi người hướng về một sự kỳ lạ huyền hoặc và mơ hồ nào đó. Tình trạng này chỉ diễn ra trong thời điểm cần sự tập trung cao độ: Chiều ngày 13, trước khi diễn ra những vũ khúc và Thánh lễ khai mạc Đại hội; sáng 14 và 15 trong khi mọi người chú ý nghe giảng. Có người nói đó là âm mưu của kẻ cắp: ăn cắp tiền và ăn cắp tư tưởng. Nhưng với những người chuyên hành nghề "hai ngón" thì, tôi nghĩ, họ không nảy ra được cao kế đó đâu. Cũng có thể có những người do hiếu kỳ, thích được nhìn thấy phép lạ mới trào lên nguồn cảm xúc và tăng thêm niềm tin nên a dua với đám đông vô lối đó! Ngoài phép lạ Gio-na, hỏi còn đâu phép lạ khác nữa. Mà đức tin Công giáo vốn không hệ tại ở những điềm thiêng dấu lạ đó. Ngay khi mới xuống khỏi xe, tôi đi vào nhà của ban trật tự phía tòa nhà Trung tâm, một người phụ nữ trạc ngoại tứ tuần, người miền Nam, bảo tôi: "Ông thầy đưa máy ra chụp hình mặt trời đi, có hào quang của Mẹ tỏa sáng đẹp lắm, chụp để đưa về tuyên truyền cho mọi người, từ sáng tới giờ tôi lấy di động chụp được". Và người khách kia đưa cho tôi xem, quả thật có cái vòng tròn phát tán ánh sáng 7 màu xung quanh mặt trời, tuy nhiên tôi vẫn không tin vào hiện tượng đó là sự hiển linh của Mẹ, vì dưới ánh mặt trời chói chang ấy mắt ta nhìn lên sao không khỏi bị lóa và thấy nhiều đốm sáng loé lên. Nhưng tôi vẫn đưa máy lên nháy vài lần, không có chi, chị kia bảo: "Chắc ông thầy không được ơn của Mẹ rồi". Tôi đưa máy cho chị chụp, cũng không có chi. Tôi: "Chắc chị cũng không có ơn của Mẹ".

"Hội ngộ rồi chia ly", cuộc đời vốn vẫn là những xoay vòng của con tạo. Mới vài ba hôm trước, sự nô nức hăm hở lên đường của mọi người vẫn còn vẹn nguyên những lo lắng sắm sửa hành trang, nay lại chuẩn bị từ biệt Mẹ ra về. Mẹ Lang Vang, xin hẹn Mẹ ngày này năm sau, ba năm sau. Đọng lại trong mỗi khách hành hương là những gì? Hẳn là nhiều ấn tượng đẹp lắm về một lễ hội có nhiều sự kiện đặc biệt này: Những lời giảng dạy chia sẻ sau sắc của các Đức Giám Mục; những giờ cầu nguyện chia sẻ của các cộng đoàn Đức tin; những cảnh rước với các tổ chức đoàn thể chỉnh tề nghiêm trang trong trang phục truyền thống dân tộc hay trong tà áo dài tha thướt duyên dáng của bao thiếu nữ xinh đẹp đậm đà cái nắng xứ Quảng in trên khuôn mặt; tiếng hát của các ca đoàn; những màn vũ khai mạc bế mạc với trang phục lộng lẫy của những vũ nữ kiều diễm mang phong thái của dòng giống hoàng tộc; sự nhiệt tình của ban trật tự nhằm đảm bảo cho Đại hội được nghiêm trang; sự tận tụy đến quên mình của những nhóm anh chị em thu gom rác thải trên khắp các bãi đậu của khách hành hương; và một công việc không thể không nhắc đến của cha quản nhiệm La Vang, là thông tin về những anh chị em thất lạc, một cầu nối vô cùng quan trọng để cho bao người được tìm thấy nhau giữa biển người này. Tất cả đã làm nên một lễ hội đầy ý nghĩa: Tôn giáo, văn hóa, xã hội… Trước khi lên xe ra về, tôi đã tranh thủ ghi được một vài tấm hình về những công việc làm âm thầm lặng lẽ nhưng rất quan trọng và rất đỗi thân thương này của Ban tổ chức Đại hội. Giá như không có cầu nối thông tin nhắn tìm người nhà thì có biết bao em nhỏ khóc hết nước mắt vì sợ lạc không về được và bao người già quanh quẩn lần tìm lối ra trong cái nóng như rang này.

Đôi dòng ghi vội về một kỳ đại hội lớn lao chắc chắn sẽ không bao quát và chuyển tải hết được những diễn biến của sự kiện hy hữu này. Nhưng như một chút ân tình gửi gắm cùng muôn cõi lòng tri âm, xin được chia sẻ cùng mọi người qua trang nhà của Giáo phận Vinh chúng tôi. Xin hẹn đến kỳ đại hội 2011.

(hết)

- Ký sự Đại Lễ Hội La vang 2008, phần (1), (2) & (3)

Văn Học

URL: http://danchuausa.net/la-vang/ky-su-dai-le-hoi-la-vang-2008-phan-3/