Trích từ Dân Chúa

Bài Giảng Của Đức TGM Giáo Phận Huế Trong Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 2009 Tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang

+TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể

90815TGMThe.jpg

Kính thưa cộng đoàn hành hương,

“Có một điềm vĩ đại xuất hiện trên trời: một người phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh. 12,1).

Đoạn trích sách Khải huyền vừa rồi trong bài đọc I trình bày một thị kiến, một giấc mơ huyền diệu về lịch sử nhân loại và vũ trụ. Đó là lịch sử đang tiến dần về một sự hòa hợp phổ quát cả nhân loại và vũ trụ, mà biểu tượng là một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai sao sáng.

Có cả âm dương ngũ hành, mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Có cả tam tài: thiên-địa-nhân: trời, đất và con người hòa hợp với nhau. Cả vũ trụ đang chuyển động đi về một mục đích: Trời mới Đất mới.

Chúng ta liên tưởng đến một giấc mơ huyền diệu khác tương tự, đó là giấc mơ linh ứng của ngôn sứ Isaia. Ngài mơ về một thế giới hài hòa lý tưởng, trăm họ an vui, thiên hạ thái bình, khi tuyên sấm rằng:

“Bấy giờ (đến thời Thiên sai) sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ. Bé thơ còn đang bú, giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa, thọc tay vào ổ rắn hổ mang… Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta. Vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập cõi đất này, cũng như nước lấp đầy mặt biển” (Is. 11,6-9).

Anh chị em thân mến,

Dưới cái nhìn đức tin, bước đi của lịch sử nhân loại và vũ trụ đang hướng tới sự viên mãn tốt đẹp trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, bất chấp những khập khiểng, những cản trở, những trì trệ, những vướng mắc dọc đường… do những giới hạn và tội lỗi của con người.

Con ác thú Mãng Xà mà sách Khải huyền nói tới, có đến bảy đầu và mười sừng, tượng trưng cho uy lực to lớn của sự dữ, sự ác, cuối cùng rồi cũng bị khuất phục.

Cái nhìn đức tin mở ra cho chúng ta một trời chan chứa hy vọng. Trời mới đất mới đang được hình thành và sẽ hoàn tất, để rồi sau hết, Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, trong một bản giao hưởng hài hòa giữa trời, đất và con người được cứu độ.

Bài đọc II trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô cho thấy như vậy. Thánh nhân viết:

“Như mọi người, vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên kết với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống. Khi Đức Kitô quang lâm (ngày tận thế), những kẻ thuộc về Người cũng được sáng chói. Mọi sự sẽ hoàn tất, khi Người tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa Cha”.

Kính thưa cộng đoàn,

Trong tiến trình hoà hợp thiên-địa-nhân được thấm nhuần ơn cứu độ, vai trò của Người Nữ trong sách Khải huyền quả là rất quan trọng, có một không hai. Đó chính là Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ chúng ta. Mẹ được Thiên Chúa chọn gọi, cho cọng tác mật thiết vào chương trình cứu độ của Người. Mẹ là sự hài hoà tinh tuyền nguyên vẹn giữa ân sủng Chúa ban nhưng không và nỗ lực bền bỉ của con người. Sau cuộc lữ hành trần thế, Mẹ đã được Thiên Chúa ân thưởng đưa lên trời cả hồn cả xác trong vinh quang muôn đời.

Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay thuật lại cuộc viếng thăm của Mẹ Maria đến nhà người chị họ Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng cô em Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng, và bà được đầy tràn Thánh Thần. Một lời chào thôi, thế mà tác động sâu xa đến người mẹ lẫn cả đứa con nhảy nhót trong dạ mẹ.

Phải chăng lời chào của Mẹ Maria làm vang vọng lại lời chào của sứ thần truyền tin:

“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

Một lời chào hỏi đơn sơ mà chân tình, không khách sáo, lại thấm đượm yêu thương và nguyện cầu, sẽ trở thành Tin Mừng tác động đến chiều sâu của người mình gặp, và đánh thức những điều tốt đẹp dễ thương đang tiềm ẩn trong lòng họ.

Cha Anselm Grun (O.S.B.) nói rằng:

“Những gì xảy ra giữa Đức Maria và bà Ê-li-sa-bét có thể xảy ra trong các cuộc gặp gỡ chân chính giữa chúng ta với nhau”.

Đức Maria đánh thức đứa bé trong lòng bà Ê-li-sa-bét làm nó nhảy mừng. Còn bà Ê-li-sa-bét khám phá chính Chúa Kitô hiện diện trong Đức Maria và cất tiếng ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin”. Và như thế, mỗi người nhận ra huyền nhiệm của người kia, một huyền nhiệm vượt quá sự hiểu biết của mình.

Họ không thấy nơi người kia một đối thủ cạnh tranh, sợ rằng người kia hơn mình và có giá trị hơn mình. Họ không còn cảm thấy phải đè bẹp người kia, để cho mình được nổi lên.

Họ bắt gặp huyền nhiệm của người kia và qua đó, họ cũng ý thức huyền nhiệm của chính mình. Bấy giờ, không còn vấn đề là ai có lợi hơn ai, qua cuộc gặp gỡ này. Hai bên đều có lợi (win – win), vì sau đó, mỗi người trở nên sống động hơn và được biến đổi, lớn lên thành những người khổng lồ trong đức tin và lòng mến.

Chính vì chúng ta ao ước được gặp gỡ nhau như thế mà chúng ta yêu thích bài Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay. Nó cho chúng ta niềm hy vọng rằng chúng ta cũng có thể gặp gỡ nhau và làm cho nhau sống động hơn và trưởng thành hơn trong Đức Kitô. Vì chúng ta mong ước rằng cuộc gặp gỡ với người khác sâu lắng đến độ mình có thể đến với chính Chúa, và như thế, là chạm vào một huyền nhiệm mở ra cho chúng ta một chiều kích mới của cuộc sống.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến,

Ông bà chúng ta dạy:

-“Tiên học lễ, hậu học văn”.

-“Lời nói chẳng mất tiền mua,
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Ông Lê Thiết Cương xót xa nhận xét:

“Mấy chục năm lại đây, quá nhiều nét đẹp văn hoá đã bị mất đi. Ác một nỗi là thời chiến tranh, thời nghèo khó, thì cái đẹp còn. Thời mở cửa, thời làm ăn, thời kinh tế thị trường, thì cái đẹp lại mất đi. Được tí tiền mà mất đi từng ấy văn hoá, chả biết có nên coi là được chăng? Kiếm tiền tưởng là khó, nhưng hoá ra vẫn dễ hơn kiếm văn hoá. Những nét đẹp văn hoá bị mất đi trong khoảng 20 năm qua, liệu 40 năm nữa có lấy lại được không?

Đời sống kinh tế khấm khá hơn, mâm cơm có nhiều thức ăn hơn, những tưởng rằng cũng có một mặt bằng văn hoá cao hơn, nhưng hình như mọi sự đang diễn biến ngược lại. Chả nói gì to tát, lời ăn tiếng nói hằng ngày, cái tưởng chẳng bao giờ mất, thì cũng đã mất đi quá nhiều. Chính xác là vẻ đẹp thanh lịch của lời ăn tiếng nói đã bị thay thế bằng sự dung tục. Nó biểu hiện sự nhếch nhác trong tâm hồn. Có lẽ mất văn hoá làm cho tinh thần người ta trở nên tăm tối nhanh nhất.

Ăn không nên đọi, nói không nên lời đã trở thành phổ biến. Lối ăn nói xô bồ, dung tục ngày càng nhiều… Khi ăn không nói có, ăn hô nói thừa được coi là bình thường, thì người ta sẽ ứng xử xấu, làm xấu, chơi xấu với nhau cũng là lẽ đương nhiên” (Tuổi trẻ cuối tuần 28-6-2009).

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn cả xác, sau một cuộc sống âm thầm lặng lẽ, mà sức lan toả của Tin Mừng vừa nhẹ nhàng vừa mạnh mẽ biết bao, thật là khôn sánh!

Đời thường, gặp gỡ, thăm hỏi… đơn giản thôi, thế mà chan hoà tình nghĩa, mà tao nhã tế nhị, mà đi vào lòng người không cưỡng được.

Người Nữ đầy ân sủng Chúa ngày Truyền Tin ấy đã làm toả ngát hương vị thần thiêng, qua những tương quan thanh lịch, ân cần, qua cách sống yêu thương và phục vụ, như ngày Thăm viếng bà Ê-li-sa-bét.

Người Nữ thánh thiện và nhã nhặn, tinh tế ấy mời gọi chúng ta gặp gỡ nhau, thăm viếng nhau, ứng xử với nhau một cách có văn hoá, do lòng bác ái Kitô giáo gợi hứng và đòi hỏi.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc sống hằng ngày, giúp chúng con bước theo Mẹ, theo gương sáng và cách sống của Mẹ, để Tin Mừng Chúa Giêsu được toả sáng trên các nẻo đường đời của chúng con. Amen.

+ Têphanô Nguyễn Như ThểTổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế

(Nguồn: tonggiaophanhue.net)

+TGM Têphanô Nguyễn Như Thể

URL: http://danchuausa.net/la-vang/bai-giang-cua-duc-tgm-giao-phan-hue-trong-thanh-le-duc-me-hon-xac-len-troi-2009-tai-trung-tam-thanh-mau-la-vang/