Trích từ Dân Chúa

Ý niệm Tiếp Nhận trong hiệp thông

Vũ Văn An

Với hiệp thông, người ta không còn nói tới vâng lời, quy phục, trở về, quay lại, hồi tâm, thống hối, ăn năn trở lại nữa, mà nhấn mạnh tới ý niệm tiếp nhận (receptio). Tuy nó được năng nói tới từ thời Công Đồng Vatican II, nhưng thực ra ý niệm này vốn đã có từ trước đó và được Linh Mục Yves Congar định nghĩa là diễn trình qua đó một giáo hội thực sự biến làm của mình một quyết định không do chính mình tạo ra cho mình, và nhìn nhận biện pháp của quyết định kia như một qui luật áp dụng cho chính sinh hoạt của mình (La réception comme réalité écclésiologique, 370).

Nói đến qui luật, theo định nghĩa trên, là nói đến vấn đề thực tiễn, thực hành. Và vì thế, vấn đề sẽ được thấu đáo hơn, nếu ta có thể tìm hiểu ý niệm tiếp nhận này trong ba lãnh vực giáo lý, giáo luật và đại kết.

I. Việc tiếp nhận và Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo

Nhân dịp ban hành Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo năm 1992, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông hiến Fidei Depositum (Kho Ký Thác Đức Tin), đã viết rằng: “Tôi xin các vị chủ chăn của Giáo Hội và các tín hữu hãy tiếp nhận cuốn sách giáo lý này trong tinh thần hiệp thông”.

Linh mục Gerard Kelly thuộc Học Viện Công Giáo Sydney, trong bài “The Catechism, the Seven Sacraments and the Reception of Vatican II” đăng trên The New Catechism, Analysis and Commentary, Catholic Institute of Sydney, 1994, nhận định về thông điệp trên như sau: Ý niệm tiếp nhận ở đây phải được hiểu như một khía cạnh trong đời sống hiệp thông của Giáo Hội. Nó muốn gợi ý rằng cuốn Giáo Lý này phải được dùng như một dụng cụ hiệp thông giữa các giáo hội địa phương, và nhất là giữa giáo hội địa phương với giáo hội Rôma, vốn có một vị trí đặc biệt giữa mọi giáo hội địa phương. Không còn gì thích hợp hơn khi giáo hội địa phương Rôma này cổ vũ sự hiệp thông giữa các giáo hội.

Theo cha Kelly, hệ luận của điều trên có tính giáo huấn rất lớn. Trước hết, nó muốn nói: việc ban hành Sách Giáo Lý này không được dẫn tới tính độc dạng (uniformity) trong Giáo Hội. Vì nếu điều đó xẩy ra, kể như ta đã dùng sai Sách này và nó hết còn là dụng cụ của hiệp thông và của việc tiếp nhận Công Đồng Vatican II. Tưởng cần giải thích ở đây rằng: sự hợp nhất của đức tin Công Giáo không và chưa bao giờ được biểu lộ một cách độc dạng khắp nơi trên thế giới. Đức tin cần một tính đa dạng lành mạnh trong phát biểu nếu nó muốn thực sự công giáo và diễn tả được chiều rộng cũng như chiều sâu của đức tin tông truyền. Thực thế, chính Sách Giáo này đã góp phần cổ vũ cho tính đa dạng ấy trong tình hiệp thông các giáo hội.

Sự kiện nó là dụng cụ hiệp thông không có nghĩa: các lời và các biểu thức nó sử dụng luôn luôn thích hợp đối với những người sống trong một nền văn hóa đặc thù vào thời điểm này của lịch sử thế giới. Nó có thể nói tới những điều mà người dân ở đây chưa sẵn sàng muốn nghe hay không cần nghe vào lúc này, những điều mà người thuộc văn hóa khác, hoàn cảnh khác có thể cần nghe. Điều này không nên làm ta bối rối vì Sách Giáo Lý vốn có mục đích đại diện cho cho truyền thống sống động của đức tin Kitô Giáo; mà truyền thống này cần được sinh động hóa tại mỗi giáo hội địa phương. Chính Tông Hiến Fidei Depositum cũng cho rằng Sách này không thay thế các sách giáo lý địa phương. Nó cũng không thay thế các sách nghi lễ của các giáo hội địa phương. Thực vậy, vì là dụng cụ hiệp thông, nó không thể đứng biệt lập đối với các tài liệu của Công Đồng, các bản văn phụng vụ và giáo luật mới. Nó không ngăn cản các giáo hội địa phương cố gắng hiểu và tích nhập công trình của Vatican II.

Thật ra, theo cha Kelly, muốn cho toàn vẹn tính của đức tin được duy trì, mỗi thế hệ còn phải tiếp nhận như mới các học lý trình bày tại Vatican II cũng như trong Sách Giáo Lý này. Chính vì vậy, người ta còn nới tới diễn trình gọi là tái tiếp nhận (re-receptio) nữa. Không có diễn trình tái tiếp nhận này, các chân lý chứa trong các mệnh đề tín lý, những mệnh đề nhờ đó ta đem đức tin vào thực hành trong các hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống hằng ngày, sẽ trở thành méo mó. Chỉ nhắc lại các công thức cũ là điều không đủ; mà cần phải thông đạt ý nghĩa các ngôn từ của chúng một cách thông minh cho người thuộc thế hệ này.

Linh mục Kelly thuật lại diễn trình tiếp nhận Công Đồng Vatican II trong những năm vừa qua. Thoạt đầu là các bản văn phụng vụ mới, dạy ta phải làm những việc khác với ngày trước. Như thế, bước đầu tiên là thay đổi thói quen, thay đổi thực hành. Thời gian trôi qua, giáo dân bắt đầu hiểu hơn một chút ý nghĩa và tinh thần trong các thay đổi phụng vụ. Và họ cũng nhanh chóng nhận ra rằng trong các hoàn cảnh đặc thù, có những điều thực hiện rất tốt nhưng cũng không thiếu những điều không xuông xẻo. Có những điều thực hành trong giai đoạn đầu nay không còn được thực hành nữa. Và thế là ta tiến quan giai đọan hai trong diễn trình tiếp nhận: một số khía cạnh trong việc canh tân phụng vụ được tiếp nhận, nhiều khía cạnh khác thì không. Đây không hẳn là việc không chấp nhận tín điều, tín lý (ngọai trừ trường hợp Tổng Giám Mục Lefèbre) mà là vấn đề người ta ý thức rõ hơn người ở nơi này, vào thời điểm này không cần một hay nhiều khía cạnh của việc canh tân phụng vụ, hay ít nhất cũng cần có được những lối phát biểu khác về chân lý chứa trong bản văn. Một số khía cạnh khác trong giáo huấn của Công Đồng không được tiếp nhận rất có thể vì chưa được thấu hiểu, nên người ta đành trở về với đường xưa lối cũ. Sau cùng, ta cũng có thể nhận diện một số khía cạnh giáo huấn nay đã bị bỏ quên. Điều này không hẳn là do ác ý, nhưng nên coi nó như một yếu tố nữa của diễn trình tiếp nhận. Nếu được nhắc nhở, rất có thể người ta lại cố gắng áp dụng với nhiều thành quả hơn.

Cha Kelly còn nói tới một giai đoạn nữa trong diễn trình tiếp nhận đó là việc suy tư của các nhà thần học về ý nghĩa các bí tích và phụng vụ. Các suy tư này đã dẫn tới việc hiểu biết hơn các lời kêu gọi của Công Đồng, với kết quả là thay đổi được nhiều thực hành và tập quán theo nghĩa hiện thực. Phần lớn những điều trên đây có nghĩa rộng rãi hơn là việc tiếp nhận theo nghĩa giáo luật. Dù Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là một hành vi tiếp nhận theo giáo luật, nhưng các trình bày trên nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh thần học và thiêng liêng của việc tiếp nhận.

Hai nghĩa của tiếp nhận

Linh mục Stephen F. Brett, trong bài “Reception and Catechism” đăng trên The Homiletic & Pastoral Review, số tháng 10 năm 1994, cho hay có người phân biệt ra hai nghĩa của tiếp nhận: nghĩa cổ điển là việc các giáo hội địa phương chấp nhận giáo huấn của Công Đồng và nghĩa hiện đại hơn là nhất trí đại kết, đạt được nhờ cuộc đối thoại giữa các giáo hội. Theo cha, cả hai nghĩa ấy đều được áp dụng trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Cha cho rằng việc soạn thảo công phu cũng như ban hành Sách này cấu thành một cuộc “tiếp nhận” chân chính và không thể thiếu đối với Công Đồng Vatican II. Nó thực sự làm tròn bản sắc huấn quyền của Vatican II, một cách có chất lượng chứ không phải chỉ tượng trưng. Muốn hiểu rõ điều này, ta nên khảo sát và phê phán các quan điểm khác nhau như (a) quan điểm cho Sách này không có liên hệ gì tới Vatican II; (b) quan điểm cho Sách này ít có giá trị; (c) quan điểm cho đây là một tài liệu thiếu sót, cắt quãng đối với Vatican II.

Không ai chối cãi có sự liên hệ nội tại giữa Sách Giáo Lý và Vatican II. Hàng trăm tham chiếu các văn kiện của Vatican đã được trích dẫn. Các trích dẫn nhan nhản này không phải chỉ dùng như những hỗ trợ chứng minh (proof-texts) mà là chính những sợi dọc sợi ngang dệt nên nội dung Sách. Đến nỗi, người ta có thể quả quyết: sẽ không có Sách này nếu trước đó không có Vatican II. Điều này thực ra đã có tiền lệ: Sách Giáo Lý Rôma từng xuất hiện như di sản trực tiếp của Công Đồng Triđentinô. Nó đã tác động mạnh mẽ lên đời sống Giáo Hội thời Phản Cải Cách. Nhưng có người lại dựa vào nghĩa thứ hai của tiếp nhận mà lên án Sách Giáo Lý Rôma. Họ cho rằng Sách này đã làm chậm hay cản trở diễn trình tiếp nhận thực sự khi tiên thiên loại bỏ việc đối thoại chân chính với Luther, Calvin, Zwingli và những nhà cải cách khác.

Phương thức tiếp nhận hiểu như thế đã quá chú ý tới cuộc tranh luận hệ phái hơn là việc trình bày giáo huấn tông truyền bên trong hiệp thông Công Giáo. Nó đã không định vị tâm điểm giáo huấn huấn quyền vào mạng lưới giáo hoàng và công đồng nhưng mơ mộng đi tìm một “đồng thuận” giả tưởng phát sinh từ việc pha trộn các quan điểm trái ngược. Thật vậy, đồng thuận như thế đã thay thế cho hiệp thông. Khi cho rằng chân lý phát sinh từ cuộc va chạm các quan điểm trái ngược thay vì phát sinh từ việc khai triển thần học có tính hữu cơ nhằm phục vụ đức tin, một giáo hội học như thế mắc nợ Hegel nhiều hơn Chúa Thánh Thần. Đúng là việc đối thoại với các quan điểm khác từ lâu vốn là cái nòi sáng chói trong lịch sử thần học, mà một phần rất lớn đều là những phản ứng đa dạng của giáo phụ đối với các trào lưu văn hóa đương thời. Nhưng cần nhớ rằng chính công đồng chung tự nó cũng đã là một đối thoại mạnh mẽ với thật nhiều quan điểm rồi. Công Đồng Triđentinô không phải chỉ là một “phản ứng” chống lại Luther nhưng là một cố gắng tìm ra các ngôn từ, phương pháp và phương thức mục vụ có thể chứng thực cho cái hiểu của mình về gia tài Công Giáo, trong đó, dĩ nhiên có truyền thống tông đồ. Không cho phép một công đồng thực thi và áp dụng thành quả phát sinh từ các suy nghĩ rộng dài và các bàn luận đầy tinh thần của nó rõ ràng là sát tế toàn vẹn tính lịch sử của công đồng trên bàn thờ ý thức hệ. Đại kết chân chính sẽ chỉ được phục vụ tốt nhất khi để cho mỗi truyền thống tự trình bày cái hiểu về chính mình của họ. Sách Giáo Lý Rôma quả là hệ luận mục vụ tất yếu của Công Đồng Triđentinô, và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cũng thế, nó là hệ luận mục vụ tất yếu của Vatican II.

Điều trên không có nghĩa phải coi công trình của một Công Đồng như một khối đá duy nhất (monilithic); trình thuật có tính lịch sử của Hubert Jedin về Công Đồng Triđentinô và nhiều trình thuật cùng thời cho thấy rộng dài sự hiện diện của một tính đa nguyên lành mạnh gồm nhiều cái nhìn, phương thức tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, các văn kiện của Công Đồng phát sinh từ các cuộc tranh luận tại đó không nói lên một đồng thuận nhân bản hay một thoả hiệp chính trị, mà là một tổng hợp thần học, một hồng ân thực sự của Chúa Thánh Thần, soi sáng và hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Ta thấy trong đó, một Paradosis (một thông truyền, một chuyển giao) thực sự của Đấng An Ủi, một triển khai các đền đài của thánh truyền nhằm bối cảnh hóa các vấn nạn của một thời đại đặc thù.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo không hề minh nhiên hay mặc nhiên bác bỏ một giáo huấn nào của Vatican II. Nó sử dụng bản văn của Vatican không phải chỉ như những trích dẫn hỗ trợ mà để tạo nên thịt xương cho nội dung của mình: một giáo hội học hiệp thông, một cảm thức canh tân về bí tích, một thần học luân lý nhấn mạnh tới nhân đức và mối phúc, một khảo sát cầu nguyện đầy tính công khai, huyền nhiệm và hết sức bản vị.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ, Cha Bret trình bày hai thái độ tiêu cực đối với Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo ngay sau khi nó được ban hành. Thái độ đầu tiên là ngoan ngoãn dửng dưng, một thái độ được ngài gọi là đáp ứng duy tối thiểu (minimalist response). Thái độ này hy vọng rằng việc không tiếp nhận, việc dửng dưng có tính mục vụ hay không tuân theo sẽ vô hiệu hóa giáo huấn. Theo Cha Bret, thực ra không hẳn thế, vì đây chỉ là vấn đề khuôn khổ thời gian (time frame) của tiếp nhận mà thôi. Kinh Tin Kính Nixêa cần tới hơn 60 năm mới được Giáo Hội hoàn vũ “tiếp nhận”. Hơn nửa thế kỷ của không biết bao “thượng hội đồng, vạ tuyệt thông, lưu đày, và cả can thiệp lẫn bạo hành của đế quốc nữa”, theo lời Cha Congar, đã đánh dấu việc thoạt đầu “không được tiếp nhận” của Nixêa. Đàng khác, Cha Congar cũng thận trọng cho hay: mức độ tiếp nhận theo sau một công đồng không tạo nên tính chính đáng cho giáo huấn của công đồng ấy. Ngài cho hay, trong khía cạnh này, tiếp nhận chỉ là việc kéo dài diễn trình của công đồng, nó có liên hệ mật thiết với cùng một “tính công đồng” hết sức chủ yếu của Giáo Hội… Không phải việc tiếp nhận tạo nên tính chính đáng cho một quyết định của công đồng hay một sắc lệnh chân chính. Các quyết định và sắc lệnh này nhận được tính chính đáng và giá trị bắt buộc của chúng từ các thẩm quyền nâng đỡ chúng.

Cha Congar cũng sử dụng khả năng bác học của mình để bác bỏ chủ trương của một số người cho rằng việc chống đối hay bất đồng có tính mục vụ đối với giáo huấn của huấn quyền đủ để cấu thành một bất tiếp nhận và do đó triệt tiêu giá trị của giáo huấn. Đây cũng là quan điểm của những người bất đồng với Thông Điệp Sự Sống Con Người. Những người bất đồng này quên mất thực tại tri thức luận sau đây: tác phong tội lỗi, thay vì vô hiệu hóa các qui phạm luân lý, chính là lý do khiến phải có các qui phạm luân lý ấy. Sự lấn lướt của tội ác bạo hành không vô hiệu hóa các qui phạm luân lý nhằm chống lại tội ác bạo hành ấy.

Thái độ thứ hai phê phán Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo không chú trọng tới các dị biệt văn hóa giữa kinh nghiệm Hoa Kỳ và giáo huấn Rôma. Thực ra, đây chỉ là cái cớ, dựa vào việc hội nhập văn hóa, để bất đồng về tín lý. Theo Cha Bret, về phương diện này, ta thấy (1) văn hóa không có giá trị tuyệt đối như con đường rõ rệt nhất đưa ta tới việc sống Tin Mừng; (2) ngay các triết gia thế tục cũng càng ngày càng phê phán việc phân mảnh, việc đánh mất viễn tượng không nhìn thấy ích chung, việc phân hóa có tính bộ lạc (tribal balkanization) và chủ nghĩa tự yêu mình thái quá đầy tính tiêu thụ trong khung cảnh văn hóa Hoa Kỳ; (3) các nét tích cực trong nền văn hóa Hoa Kỳ, như việc triển nở dân chủ chẳng hạn, không bác bỏ hay hạn chế sứ mệnh do Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội là rao truyền Tin Mừng và các chân lý của giáo huấn Phúc Âm. Tin Mừng ấy thực sự chỉ nắm được một cách tốt nhất khi những “lưỡi dao cạo” bén nhậy của nó được trình bày minh nhiên như là phản lại nền văn hóa đương thịnh. Phản ứng dữ dội nơi một số người chống lại Sách Giáo Lý cho thấy rõ Sách này không chịu để Tin Mừng hay Thánh Truyền bị “thuần hóa”.

II. Học lý giáo luật về tiếp nhận

Linh mục James A. Coriden là đồng chủ biên cuốn bình luận của Hội Giáo Luật Hoa Kỳ về Bộ Giáo Luật năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo. Trong một bài soạn cho Hội Quyền Lợi Người Công Giáo Trong Giáo Hội (ARCC), ngài cho rằng để một luật lệ hay một qui định nào đó trở thành nguyên tắc hướng dẫn cộng đoàn tín hữu, luật lệ hay qui định đó phải được cộng đồng ấy tiếp nhận.

Theo Cha Coriden, học lý đó đã có từ rất lâu. Ít nhất cũng từ thời John Gratian, thế kỷ 12. Nhưng chính Gratian cho rằng mình đặt căn bản học lý của mình trên các trước tác của Isidore thành Seville (thế kỷ thứ 7) và của Thánh Augustinô thành Hippo (thế kỷ thứ 5). Tuy nhiên, nó được đào sâu trong những năm giữa thế kỷ 20, trong đó, như đã thấy, có Cha Yves Congar.

Luật đạo khác với luật đời

Lý thuyết hay học lý tiếp nhận có nhiều hình thức. Hình thức có tính triết học cho rằng việc người ta tiếp nhận luật lệ là một phần yếu tính của diễn trình tạo luật. Một hình thức khác cho rằng tiếp nhận đơn thuần chỉ là cách thừa nhận rằng có một số luật lệ không được soạn thảo tốt và thực sự không có hiệu lực. Chính vì những quan điểm dị biệt ấy, ta cần đưa ra một cái nhìn rõ rệt và gắn bó về học lý tiếp nhận theo giáo luật. Tuy nhiên việc đầu tiên cần nhấn mạnh là giáo luật chỉ là luật theo nghĩa so sánh (by analogy). Nó khác với luật đời hơn là giống luật đời. Lý do hiển nhiên là vì Giáo Hội là một cộng đồng khác xa với một nhà nước. Giáo Hội khác xa nhà nước về nguồn gốc, mục tiêu, lịch sử, bản sắc, năng động tính nội tại và số phận cùng đích. Trong Giáo Hội, luật lệ có một mục tiêu khác: đã đành là chúng được dùng để duy trì trật tự và bảo vệ quyền lợi bản thân, nhưng mục tiêu tối hậu của nó là ích lợi thiêng liêng, là tình yêu hỗ tương giữa các chi thể, là sự cứu rỗi đời đời của họ. Nguồn gốc thẩm quyền trong Giáo Hội là uy quyền của Chúa Phục Sinh và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; những nguồn gốc này chỉ được nhìn nhận bởi người có đức tin mà thôi. Khoa giáo luật vì thế là một khoa thần học, không phải là một khoa pháp chế (juridical). Các nguyên lý của nó rút từ mạc khải thánh và truyền thống Giáo Hội. Các nhà giáo luật học là các thừa tác viên trong Gaío Hội, không phải các luật sư. Giáo Hội là một hiệp hội tự ý, tự nguyện. Không ai bị cưỡng bức trở thành hội viên. Nó là một cộng đồng tạo thành bởi cam kết tự do. Đó chính là bối cảnh cho các luật lệ của Giáo Hội. Luật lệ trong Giáo Hội, vì thế, có một thực tại và một tính hữu hiệu khác hẳn. Chúng là những hướng dẫn hơn là các đạo luật. Các hành vi chống lại các qui định giáo luật rất thường khi vẫn hoàn thành được các mục tiêu tôn giáo căn bản của nó.

Các qui định của giáo luật có cả yếu tố nội tại lẫn ngoại tại. Việc tiếp nhận bàn đến đặc tính nội tại của nội dung luật và việc các chủ thể chấp nhận chúng. Yếu tố ngoại tại tức thẩm quyền chính thức tạo ra các luật ấy cũng như các điều kiện kỹ thuật để công bố chúng, không được bàn tới ở đây.

Một điểm nữa cần ghi nhận: Thần Trí Thiên Chúa luôn hiện diện và hành động trong cộng đồng niềm tin và trong mỗi chi thể của cộng đồng này. Sự hướng dẫn của Thiên Chúa là dành cho mọi người, chứ không phải chỉ dành cho một số nhà lãnh đạo. Mọi người đã được rửa tội đều phải trở thành các tham dự viên tích cực trong Giáo Hội và cùng chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội. Ai cũng có điều phải nói về đức tin và kỷ luật của Giáo Hội.

Học lý giáo luật về tiếp nhận

Như trên đã nói, học lý này xuất hiện với Gratian trong tác phẩm Decretum (khoảng năm 1140), mà ông nói là dựa vào Isidore thành Seville và Augustinô thành Hippo. Ông viết: “Luật được thiết lập khi chúng được công bố và được xác nhận khi chúng được chấp nhận bởi việc thực hành của những người dùng nó. Giống như việc làm ngược lại (luật) nơi người sử dụng đã vô hiệu hóa một số luật lệ như thế nào, thì việc làm phù hợp (luật) của người sử dụng cũng đã xác nhận luật lệ như thế”

Ông nêu thí dụ: Đức Giáo Hoàng ra luật truyền hàng giáo sĩ phải ăn chay và kiêng thịt trong Mùa Chay. Nhưng nếu luật ấy không bao giờ được chấp nhận bằng thực hành của người sử dụng, thì không thể kết án các giáo sĩ khác là phạm luật vì đã không vâng theo luật ấy. Ngữ cảnh cho nhận định của Gratian chính là lời của Isidore, trong mô tả thời danh của ông về các đặc tính thiết yếu của luật: “Một luật lệ sẽ hợp luân, công chính, khả thi khi phù hợp với tự nhiên, phù hợp với phong tục quê hương, thích hợp với nơi chốn và thời gian, cần thiết, hữu ích, rõ ràng đến không dấu diếm điều gì bất xứng hợp, không nhằm lợi ích riêng, nhưng được quan niệm vì lợi ích chung của công dân”.

Gratian suy tư về các đặc điểm nội tại của luật chứ không phải các đặc điểm ngoại tại của nó, nghĩa là, ông bàn tới nội dung bản chất của luật hơn là thẩm quyền chính thức của người làm luật và phương thức công bố nó. Sau đó, ông trích dẫn Thánh Augustinô để cho thấy luật lệ tùy thuộc sự phê phán khi mới được công bố, nhưng sau khi đã yên vị, thì phẩm bình phải là phẩm bình phù hợp với nó.

John Gratian, vốn được xưng tụng là người sáng lập ra khoa giáo luật, đã quan niệm việc làm luật như một diễn trình hai bước. Bước đầu tiên, luật được soạn thảo và công bố bởi một thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội, như giáo hoàng, giám mục… Sau đó, những người được dành cho luật lệ này (người sử dụng) chấp thuận việc thực hành nó. Nói cách khác, chính cộng đồng mà luật được làm cho sẽ phê phán về đặc tính nội tại của luật và sau đó làm cho luật có hiệu quả bắt buộc. Không có sự sử dụng theo nghĩa xác nhận của cộng đồng, luật vẫn chỉ là phôi thai và sau cùng rất có thể bị coi là vô hiệu (abrogated).

Gratian theo lối suy nghĩ cũ, rất phổ thông nơi các giáo phụ, coi luật như qui phạm cho tác phong hơn là mệnh lệnh của nhà lập pháp tối cao. Lối suy nghĩ ấy cũng phán đoán tính thành sự của luật theo nội dung khách quan của nó, tức sự phù hợp của nó với mạc khải Thiên Chúa và truyền thống Giáo Hội.

Nhiều nhà giáo luật học sau Gratian cũng đưa ra một hình thức học lý nào đó về tiếp nhận. Một số làm thế bằng cách chú giải bản văn của Gratian, nhiều người khác cố gắng giải quyết các mâu thuẫn của luật. Các tác giả này thuộc nhiều trường phái khác nhau và trước tác trong nhiều cuộc tranh chấp khác nhau. Một số theo khuynh hướng duy công đồng (conciliarists), duy giám mục đoàn (galician), duy nhà nước (febronian). Một số theo khuynh hướng Jansenist, quân chủ hay giáo hoàng tuyệt đối. Họ đều là những học giả, giáo sư đại học, giám mục và cả hồng y danh tiếng nữa. Quan điểm của họ vì thế không thể bị bỏ qua như chỉ là những lời tranh luận. Các phát biểu của họ dựa trên lý lẽ và đầy chất suy tư. Tất cả đều coi việc tiếp nhận là tiêu chuẩn quan trọng làm cho luật lệ thành hiệu lực (valid). Ngay các nhà duy pháp lệnh (decretist), dù khai triển ý niệm phẩm trật về nguồn gốc của luật (các phúc âm, các tông đồ, bốn công đồng chính, các công đồng khác, các sắc lệnh và các thư có giá trị như sắc lệnh, các giáo phụ Ambrose, Augustine, Jerome…) để giải quyết các dị biệt giữa chúng với nhau, nhưng vẫn chủ trương rằng bất kể nguồn gốc của công bố, tiêu chuẩn quyết định sau cùng để xác định ra tính thành hiệu của nó chính là nội dung cốt lõi của nó (phù hợp với chân lý Thiên Chúa) và việc Giáo Hội tiếp nhận nó.

Từ Gratian tới các giáo luật gia trở về sau, dọc dài gần 10 thế kỷ qua, người ta thấy những điểm sau đây liên quan tới học lý tiếp nhận:

1. Đối với việc thiết lập một luật lệ, tiếp nhận là yếu tố cần thiết hay chủ yếu, cùng với thẩm quyền của nhà làm luật và việc công bố. Nếu luật không được tiếp nhận, nó không thành hiệu.

2. Nhà lập pháp đính kèm một điều kiện mặc nhiên hay ngầm hiểu cho luật, cho thấy nếu luật không được tiếp nhận, thì chúng vô hiệu.

3. Nếu luật không được các chủ thể của nó tiếp nhận, và nhà làm luật biết thế mà không làm gì cả, thì luật ấy bị hủy bỏ (abrogated). Nhà làm luật đã bằng lòng miễn chuẩn một cách mặc nhiên, hay ít nhất cũng để nó bị vi phạm vì lợi ích lớn hơn (epikeia).

4. Khi một luật lệ không được tiếp nhận, thì đó là dấu chỉ nhà làm luật đã hành động một cách phi lý và do đó không bắt buộc phải tuân theo luật lệ ấy.

5. Nếu luật quá nặng nệ và khó tuân giữ, thì đó đích thật là dấu hiệu cho thấy nhà làm luật không muốn buộc cộng đồng chấp nhận nó.

6. Việc không tiếp nhận một luật lệ là dấu chỉ việc bắt đầu một phong tục trái ngược, hay nó làm ngắn khoảng thời gian để một phong tục trái ngược có hiệu lực của luật.

7. Việc các chủ thể của nó tiếp nhận một luật lệ có nghĩa là họ xác nhận luật đó trên thực tế (de facto). Điều ấy đủ đem lại sự bền vững và vĩnh viễn cho nó, và làm nó vững ổn hơn, ít bị hủy bỏ hơn vì không được sử dụng (desuetude).

8. Người vi phạm một luật lệ chưa được tiếp nhận có thể mắc lỗi nhưng không bị trừng phạt. Luật này có thể không được cưỡng đặt (enforced) ở tòa ngoài.

9. Các luật lệ không được tiếp nhận vì chúng bị coi là có hại cho cộng đồng giáo hội, thay vì xây dựng cộng đồng ấy. Một qui luật bị coi là có nguy cơ gây rối cho cộng đồng, thay vì góp phần vào ích chung, trên thực tế không thể được tôn trọng.

10. Việc không tiếp nhận sẽ giảm thiểu sức mạnh trói buộc trên thực tế của một luật lệ. Nó giảm thiểu ảnh hưởng của nó đối với cộng đồng và giảm thiểu sự bó buộc của nó đối với các chi thể.

11. Việc không tiếp nhận một luật lệ biện minh cho sự kháng án lên thẩm quyền cao hơn, và nếu không được trả lời, thì luật lệ này được coi là hủy bỏ.

12. Tiếp nhận và không tiếp nhận áp dụng cả vào những tham khảo trước đó, như khi thẩm quyền lập pháp thử đưa ra một dự luật cho một nhóm tham khảo viên, như một mật hội hay một công đồng, và bị các phản ứng của họ ảnh hưởng.

Như thế đủ thấy, dù ý kiến khác nhau như thế nào, thực tại chung nhất bên dưới các quan điểm ấy vẫn là: trong Giáo Hội, việc tiếp nhận có ảnh hưởng quyết định đối với việc thiết lập và tính hiệu quả của một luật lệ.

(còn tiếp)

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/y-niem-tiep-nhan-trong-hiep-thong/