Trích từ Dân Chúa

Ý niệm tiếp nhận trong hiệp thông (2)

Vũ Văn An

Tiếp nhận nghĩa là gì?

Từ những nhận định trên, câu hỏi đặt ra là: ai là người tiếp nhận để một luật lệ hoàn tất diễn trình thiết lập và có hiệu lực của nó? Hay nói theo Gratian, ai là người “sử dụng”, ai là chủ thể của luật lệ? Trong Giáo Hội, chủ thể này chỉ nhiều nhóm người. Các giám mục thế giới là chủ thể của nhiều luật lệ. Các linh mục của một giáo phận và thành viên các tu hội cũng là chủ thể của luật lệ. Tín hữu một nước hay một giáo phận cũng là người sử dụng. Tất cả những nhân vật ấy đều có khả năng tiếp nhận các qui định theo giáo luật. Để một qui định giáo luật có hiệu lực thật sự, những ai mà vì họ các luật lệ này đã được đưa ra phải nhìn nhận nó và tuân hành nó. Theo một nghĩa hết sức chân thực, luật lệ được xác nhận nhờ việc thực hành của người sử dụng, như Gratian từng viết. Nó chỉ thực sự có tính bắt buộc khi người sử dụng dành cho nó sự chấp nhận.

Luật lệ được ban hành hợp lệ khi nó được công bố bởi một người hay một nhóm có thẩm quyền lập pháp hợp lệ. Nhưng nó chưa phải là thành phần trong đời sống của cộng đồng sử dụng. Nó mới chỉ phôi thai (incipient). Con tầu đã hạ thủy nhưng liệu nó có ra khơi được hay không? Diễn trình làm luật vẫn chưa hoàn tất. Luật lệ cần được thể hiện trọn vẹn, chưa trói buộc hoàn toàn.

Tiếp nhận liên quan tới chính hiện hữu của luật giáo hội. Một số tác giả, như Matthaeus Romanus, cho rằng 3 yếu tố đều cần thiết như nhau để tạo ra luật là: thẩm quyền hợp lệ, việc công bố thích đáng, và việc người sử dụng chấp nhận. Đây là phát biểu mạnh mẽ nhất về học lý. Nhưng chỉ cần nói như Nicholas thành Cusa rằng: không có sự tiếp nhận, luật lệ chưa được thiết lập trọn vẹn, chưa hiện hữu trọn vẹn. Nó chỉ hành động và bó buộc đối với cộng đồng sau khi đã được tiếp nhận, nghĩa là sau khi cộng đồng xác nhận nó bằng chính hành động của mình.

Một cách mô tả diễn trình thiết lập luật lệ là: nó được dẫn khởi khi được một thẩm quyền hợp lệ công bố, nhưng có hiệu lực đầy đủ, có tính bắt buộc trọn vẹn khi được các chủ thể tiếp nhận. Như thế, nó có hai bình diện hiện hữu. Giống một thảo chương vi tính, nó được thiết kế và tung ra thị trường, nhưng nó chỉ thực sự hữu hiệu khi “nhóm người sử dụng” (user group) thực sự sử dụng nó.

Tiếp nhận là vấn đề sinh lực, sức sống. Một luật lệ mới ban hành rất có thể hoàn toàn hợp lệ, nhưng nó chưa có sức lực hay chưa có ảnh hưởng tích cực trong đời sống của cộng đồng. Nó vẫn chưa gây hiệu quả thực sự nào trên tác phong của người ta. Tiếp nhận hàm nghĩa nhiều điều hơn là việc thích ứng trên thực tế một luật lệ về phía cộng đồng vì nó còn có những hệ luận pháp lý. Sức mạnh hay hiệu lực thực sự của luật chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc nó được tiếp nhận hay không được tiếp nhận. Nó có tính bắt buộc hay không tùy thuộc việc nó được tiếp nhận hay không. Nó chỉ có tính cưỡng bức (enforceable) sau khi được tiếp nhận. Thánh Tôma Aquinô có một định nghĩa cổ điển về luật lệ: đó là “việc sắp xếp của lý trí cho ích chung được người có nhiệm vụ chăm sóc cộng đồng công bố”. Trong định nghĩa ấy, ta thấy có sự tiếp nhận, vì trọn cộng đồng phải qui hướng sự việc cho ích chung hay một ai đó nhân danh cộng đồng để làm việc đó. Nói cách khác, người sử dụng luật là người có liên quan với những ai “chăm sóc cộng đồng”. Việc điều hướng đời sống Giáo Hội không bao giờ hoàn toàn nằm bên ngoài cộng đồng ấy. Như thế, cộng đồng có phần chia sẻ trong việc chăm sóc mình, trong định hướng của mình hướng tới ích chung. Một cách thế để chia sẻ như thế chính là tiếp nhận hay không luật lệ đã ban hành để mình sử dụng.

Các chỉ dẫn trong Bộ Giáo Luật

Điều 7 Bộ Giáo Luật nói rằng luật được thiết lập khi được ban hành. Bộ Giáo Luật cũng dùng động từ La Tinh instituo như Gratian. Động từ này hơi khác động từ constituo. Instituo mang nghĩa thành lập, khởi đầu. Constituo mang nghĩa làm cho đứng vững, kiên định. Như thế, luật khởi sự với việc ban hành, công bố nhưng chưa đứng vững, kiên định cho tới khi được tiếp nhận.

Bộ Giáo Luật mới cũng minh nhiên nhắc tới việc tiếp nhận luật của cộng đồng. Khi trình bày các điều kiện để một phong tục có sức mạnh của luật, điều 25 nói rằng cộng đồng tạo ra một phong tục phải là một “cộng đồng có khả năng tiếp nhận luật”. Tất nhiên, một cộng đồng có khả năng tiếp nhận luật, thì cũng có khả năng không tiếp nhận luật. Theo cha Coriden, bộ Giáo Luật mới cởi mở đối với khả thể của một học lý về tiếp nhận. Việc không tiếp nhận luật của một cộng đồng cũng có hiệu quả pháp lý y như việc thực hành nó. Cha Coriden ví một luật mới được công bố nhưng chưa được tiếp nhận như một cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp. Giáo luật các điều 1055-1060, 1141 và 1142 định rằng một cuộc hôn nhân thành hiệu, kể cả theo nghĩa bí tích, cũng có thể được giải tiêu nếu chưa được hoàn hợp bằng tác động vợ chồng. Sự ưng thuận tạo nên hôn nhân, nhưng sự phối hợp này không được coi là trọn vẹn cho tới khi được hoàn hợp về thể xác. Cũng thế, hành vi luật pháp bắt đầu là một luật, nhưng chỉ được kể là được thiết lập khi đem ra thực hành.

Điều gì không phải là tiếp nhận

Thật ra, cách trình bày và nhiều quan điểm của Cha Coriden trên đây xem ra có phần cường điệu, dễ đưa tới hiểu lầm. Quan điểm của Cha Bret, như trình bày ở phần giáo lý, được coi là quân bình và chính xác hơn. Đã đành tiếp nhận là một phần trong diễn trình tạo luật. Cũng như hôn nhân, diễn trình này chỉ hoàn toàn khi được cộng đoàn tiếp nhận và đem ra thi hành. Nhưng ngay trong hôn nhân, việc chưa hoàn hợp về thể xác không đương nhiên đánh đổ tính thành hiệu (validity) của hôn nhân. Muốn đánh đổ nó, phải có một hành vi tích cực của giáo hoàng. Do đó, việc không tiếp nhận luật của cộng đồng không hẳn có hiệu lực pháp lý y như việc cộng đồng tiếp nhận nó. Tưởng nên phân biệt hai từ ngữ quan trọng ở đây: một là thành hiệu hay thành sự (validity) hai là hữu hiệu hay có hiệu quả (effectiveness). Cha Coriden dùng hai từ ngữ này một cách không phân biệt, xem ra hơi tùy tiện. Ở đây, dựa vào bản chất bí tích, người ta có thể có ý niệm rõ hơn một chút: bí tích thành hiệu khi được thừa tác viên có thẩm quyền cử hành, bất kể thừa tác viên này xấu hay tốt, một nguyên tắc thường được gọi là ex opere operato (do việc làm được thực hiện). Nhưng muốn có hiệu quả thì người nhận bí tích phải có ý hướng tốt. Không có sự tiếp nhận của người có ý hướng tốt, thì diễn trình bí tích chưa hoàn hảo. Nhưng người tiếp nhận không có ý hướng tốt, nghĩa là không muốn tiếp nhận, vẫn không đánh đổ được tính thành sự của bí tích. Thiển nghĩ luật thành hiệu (có hiệu lực pháp lý) khi được thẩm quyền hợp pháp công bố. Luật đem lại hiệu quả khi được cộng đồng tiếp nhận đem ra thực hành. Không có sự tiếp nhận này, luật không vô hiệu lực (invalid) nhưng vô hiệu quả (ineffective).

Ta hãy đọc tiếp xem cha Coriden nói gì về những điều không phải là tiếp nhận. Theo cha, đây không phải là vấn đề hủy bỏ (aborogation) luật lệ bằng một luật lệ trái ngược. Điều ấy áp dụng vào trường hợp một luật lệ đã được thiết lập trọn vẹn rồi nhưng sau đó lâm vào tình trạng không ai tuân giữ nữa (desuetude). Còn tiếp nhận áp dụng vào trường hợp luật được công bố nhưng chưa được đem ra thi hành, chưa được ai tuân theo.

Không tiếp nhận cũng không đồng nghĩa với sự nổi loạn, bất tuân phục đối với thẩm quyền chính đáng. Tiếp nhận và không tiếp nhận là việc thể hiện nhân đức, chứ không thể hiện tội ác. Tiếp nhận kêu gọi ta phải có nhân đức epikeia, biết nhậy cảm áp dụng luật phổ quát vào các hoàn cảnh đặc thù, đòi ta phải có nhân đức khôn ngoan, biết lựa chọn các phương tiện thích hợp để đạt mục đích. Tiếp nhận đòi ta phải có sự trưởng thành Kitô Giáo, và suy tư trong cầu nguyện.

Cha Coriden cũng nhấn mạnh rằng: sự khác nhau giữa việc khôn ngoan không tiếp nhận và việc đơn thuần bất vâng phục rất dễ nhìn ra hay dễ biện phân như kiểu nói của Đức Cha Nguyễn Chí Linh gần đây. Tiếp nhận không phải là nô phục (subversive) thẩm quyền hợp lệ. Đúng hơn, nó hỗ trợ và thăng tiến thẩm quyền ấy. Các luật lệ đã được công bố thường là được nhìn nhận và tuân theo. Việc nhìn nhận và tuân theo ấy hiển nhiên củng cố cả luật lệ lẫn thẩm quyền ban hành chúng. Chỉ thỉnh thoảng lắm, luật mới không được tiếp nhận, chỉ vì chúng không thích hợp cho cộng đồng. Các chủ thể tin và có Chúa Thánh Thần đều biện phân được luật lệ nào không đạt được mục tiêu đề ra hay không phục vụ ích chung. Thẩm quyền nên chú trọng tới việc không tạo ra các phản ứng tiêu cực hơn nữa đối với các luật lệ thiếu khôn ngoan, vì liều mình sẽ tha hóa cộng đồng. Sau cùng, tiếp nhận không phải là một biểu dương đối với quyền tối thượng hợp lòng dân hay một thứ trình diễn cho nền dân chủ mị dân. Nó là sự tham dự hợp pháp của dân vào việc cai trị chính họ. Họ tích cực hợp tác với các thẩm quyền tạo luật cho cộng đồng của họ. Họ đơn thuần chỉ thể hiện, một cách có trách nhiệm, vai trò chính đáng của họ trong chức năng quản trị Giáo Hội.

Các trường hợp điển hình

Ít nhất, cha Coriden cũng làm ta an tâm đối với quan điểm thực sự của ngài về tiếp nhận. Dù sao theo cha, học lý giáo luật về tiếp nhận được đặt căn bản vững chắc trên nhiều xác tín nền tảng về thần học và mục vụ. Xin đơn cử một số xác tín đó như sau:

1. Giữa các chi thể Giáo Hội, vốn có một sự bình đẳng thực sự. Mọi người đều có quyền lợi và bổn phận trong tư cách chi thể. Mọi người đều tích cực trong việc xây đắp Nhiệm Thể Chúa Kitô, và để đạt mục tiêu ấy, họ có bổn phận trợ giúp các mục tử của mình theo tinh thần hợp tác.

2. Trong Giáo Hội, cần diễn ra một cuộc đối thoại tích cực. Người giáo dân cần bày tỏ với các mục tử của họ một cách tự do các nhu cầu, ước muốn và ý kiến của mình. Họ cũng phải đưa ra các sáng kiến riêng. Được sự hỗ trợ ý kiến và kinh nghiệm của người giáo dân, các mục tử cần đưa ra các quyết định tốt hơn về các vấn đề thiêng liêng và trần thế.

3. Các giáo hội đặc thù đều là các giáo hội chân chính. Giáo Hội phổ quát được xây dựng từ các giáo hội ấy. Các giáo hội được nối kết với nhau bằng sợi dây hiệp thông duy nhất, và các nhà lãnh đạo các giáo hội này được liên kết với nhau bằng tình hiệp đoàn chân thực. Vị giám mục giáo phận là mục tử và là thừa tác viên cai quản của giáo hội địa phương vốn được ủy thác cho ngài.

4. Các thích nghi thích đáng phải được thực hiện trong sinh hoạt và thờ phượng của Giáo Hội theo truyền thống các dân tộc. Hội nhập văn hóa là phần chủ yếu của việc phúc âm hóa. Cần phải thay thế tính độc dạng cứng cỏi bằng việc thích nghi hợp pháp bất cứ khi nào có thể.

5. Trong Giáo Hội, phải luôn coi thẩm quyền như việc phục vụ, chứ không thống trị. “Giữa chúng con… ngưòi lãnh đạo phải như đầy tớ… Thầy ở giữa chúng con như người phục vụ” (Lc. 22:26-27; Mt. 20:25-28; Mc. 10:42-45; Ga. 13:3-16).

Tất cả các chủ đề thần học quen thuộc nói trên, kết nối với nhau, đã hỗ trợ mạnh mẽ cho việc đóng góp tích cực của dân vào diễn trình tạo luật trong Giáo Hội. Tiếp nhận chính là một hình thức của việc tham dự có trách nhiệm này.

Qua nhiều thế kỷ, các giáo luật gia đã áp dụng nguyên tắc tiếp nhận vào nhiều lãnh vực trong kỷ luật Giáo Hội. Một số trường hợp điển hình sau đây cho thấy cả hiệu quả thực hành của học lý lẫn các vấn đề đã được đề cập.

Nguyên tắc được Gratian đưa ra là để nhận định về các qui định của hai Đức Giáo Hoàng Telephorus và Gregory về việc ăn chay và kiêng thịt của hàng giáo sĩ vào một số thời điểm trong năm phụng vụ. Gratian cho rằng các qui định này không được việc thực hành chung chấp nhận, nên những ai không giữ chay và kiêng thịt không bị kết án là vi phạm.

Goffredo da Trani, Đức GH Innocent IV (một giáo luật gia nổi tiếng trước khi làm GH) và Đức HY Hostiensis đều áp dụng học lý tiếp nhận vào điều luật của Công Đồng Latran lần thứ 3 (1179) truyền cho các bên lâm chiến phải hưu chiến trong một số ngày và mùa trong năm Giáo Hội. Các vị giám mục được lệnh phải phạt vạ tuyệt thông những ai vi phạm. Nhưng dường như lệnh ngưng bắn này không được tuân hành mấy, và các vị giám mục không cố gắng chấp pháp nó. Các nhà giáo luật học này cho rằng không nên trừng phạt các vị giám mục này vì sắc lệnh trên chưa được người sử dụng chấp nhận thi hành.

Các nhà giáo luật học đôi khi tranh luận về thẩm quyền tương đối của nguồn gốc luật lệ. Thí dụ, liệu lời của các giáo phụ có giá trị hơn sắc lệnh của một công đồng địa phương chăng? Một trong các tranh luận đó tập chú vào các trở ngại hôn phối. Một kẻ hiếp dâm sau đó có được kết hôn hợp pháp với nạn nhân của mình hay không? Quan điểm của Thánh Giêrôm, một quan điểm cho rằng cuộc hôn nhân như thế hợp pháp (licit), đã được chấp nhận, hơn là phán quyết của công đồng Aachen. Theo Alanus, “vì được Giáo Hội chuẩn nhận”. Huguccio thì cho rằng vì nó dựa vào “tập quán tổng quát của Giáo Hội”.

Một sắc chỉ giáo hoàng tựa là “In Coena Domini” có một bảng liệt kê các biện pháp mà chỉ đức giáo hoàng mới giải (absolve) được. Nó được ban hành lần đầu vào thế kỷ 14, rồi sau đó, với nhiều bổ túc, đã được tái công bố mỗi Thứ Năm Tuần Thánh cho tới khi bị Đức GH Piô IX rút lại. Nhiều tác giả cho rằng nó không có hiệu lực tại Pháp và Đức vì nó chưa bao giờ được hai nước đó tiếp nhận.

Juan de Torquemada nhắc tới việc các Giáo Hội Đông Phương không tiếp nhận luật liên quan tới việc độc thân của giáo sĩ: “một qui định của giáo hoàng có thể không khả hữu… về phía các chủ thể, khi ngài muốn thiết lập điều gì đó không phù hợp với thực hành và phong tục của các chủ thể… trong số ấy ta có trường hợp các qui định về độc thân không được các giám mục thuộc Giáo Hội Đông Phương tiếp nhận”.

Vitus Pichler chủ trương rằng luật kiêng ăn pho-mát và trứng không bắt buộc tại Đức, vì nó không bao giờ được tiếp nhận tại đó. Một số tác giả nhất trí rằng một số sắc lệnh về kỷ luật của Công Đồng Triđentinô không bao giờ được tiếp nhận tại một số nơi trên thế giới.

Một số điều khoản của Bộ Giáo Luật năm 1917, thí dụ điều khoản qui định các công đồng giáo tỉnh phải được tổ chức mỗi 20 năm một lần (điều 283) còn công đồng giáo phận ít nhất 10 năm một lần (điều 356) không được nhiều nơi trong Giáo Hội tiếp nhận.

Công đồng giáo phận Rôma năm 1960 đưa ra 755 qui định, nhưng nhiều qui định ấy vẫn chỉ nằm trong sách vở. Một trong các điển hình nổi bật nhất về việc không tiếp nhận qui định của giáo hoàng là tông hiến Veterum Sapientia năm 1962 của Đức Gioan XXIII về việc giảng dạy tiếng La Tinh tại các chủng viện và một số định chế khác. Nó bị phần đông làm ngơ vì bị coi là hoàn toàn thiếu thực tế.

Các điển hình không tiếp nhận các qui định có tính chính thức ấy, dĩ nhiên, khá tương phản với hàng trăm các qui định khác đã được các cộng đồng chủ thể nhìn nhận. Trong vô vàn các trường hợp ấy, luật lệ đã được củng cố, biến thành vững ổn hơn nhờ sự kiện chúng được tiếp nhận.

Học lý tiếp nhận do đó có liên hệ tới yếu tố bản chất của việc tạo luật, song song với các yếu tố chính thức tức thẩm quyền của nhà làm luật và phương tiện công bố luật. Nó đụng tới nội dung luật, tới đặc tính nội tại của nó. Cộng đồng sử dụng luật cần phải phê phán tính thích hợp của nó đối với thời gian và không gian đặc thù, để qui hướng nó về ích chung.

Các nhà giáo luật học thời Trung Cổ hay dùng thuật ngữ “đồng thanh” (consonant) để mô tả tiêu chuẩn của việc phê phán trên. Cộng đồng tín hữu cần phê phán xem liệu một qui định nào đó, được đưa ra để hướng dẫn họ, có “đồng thanh” với Thánh Kinh không, với truyền thống của họ hay không, với chân lý hay không. Nếu họ thấy nó chân chính và hoà hợp với cuộc sống Kitô Giáo của họ, họ phải tiếp nhận và đem nó vào cuộc sống. Như thế họ xác nhận hay “phê chuẩn” (ratified) qui định đó bằng chính hành động của họ.

Cha Coriden cho rằng học lý tiếp nhận không mấy khá trong lịch sử giáo luật của những năm gần đây. Nó bị thất sủng vì 3 lý do chính. Trong mỗi trường hợp, vấn đề hiện nay đã được hiểu khác hẳn.

1. Việc lên án vào năm 1665 của Tòa Lạc Giáo (Holy Inquisition) đối với hình thức cường điệu của học lý này đã đẩy nó vào bóng tối, khiến nó khó lòng được chấp nhận. Việc lên án ấy ít có ăn có với suy tư giáo luật về việc thiết lập ra luật lệ, mà chỉ liên quan tới sự tranh chấp giữa Tòa Thánh và phe Gallican chính trị. Ngày nay, nhìn vấn đề trong bối cảnh lịch sử hẳn giúp chúng ta điều chỉnh được cái hiểu của chúng ta đối với việc lên án kia và khai quang con đường để ta phục hồi lại học lý.

2. Sự thống trị tư tưởng giáo luật học của phe duy ý chí (voluntarist) đã hung hăng chống lại việc phát triển học lý này. Phe chịu ảnh hưởng nặng nề của Francisco Suarez (1548-1612) này nằng nặc cho rằng chỉ các yếu tố cần thiết cho việc thiết lập ra luật mới là quyền lực của nhà làm luật, đó là ý chí làm luật và hình thức hợp pháp công bố luật. Trong chủ trương này, một chủ trương rất thịnh hành nơi các giáo luật gia trong một thời gian dài, không có vai trò nào dành cho việc chấp nhận của người sử dụng luật. Các nhà duy lý (rationalist), theo chân Thánh Tôma Aquinô, quan niệm luật lệ được sắp xếp hướng về ích chung, như phương tiện đạt mục đích. Cộng đồng đóng một vai trò tích cực trong việc đạt được ích chung của mình. Tiếp nhận vì thế có đất đứng ở đây.

3. Quan điểm thần học cho rằng thẩm quyền Giáo Hội duy nhất nằm nơi người giữ chức vụ, hoàn toàn không liên hệ gì tới cộng đồng Kitô hữu, quan điểm này cũng không thân thiện gì với học lý tiếp nhận. Trước năm 1900, ý kiến cho rằng các phẩm trật thụ phong trực tiếp nhận được thẩm quyền từ trên cao là ý kiến rất phổ quát. Kể từ Công Đồng Vatican II trở đi, xác tín cho rằng các vị giáo phẩm có liên hệ chứ không thống trị cộng đồng tín hữu đang cung cấp cho ta mảnh đất phì nhiêu cho học lý tiếp nhận luật lệ bởi cộng đồng ấy.

Cha Coriden cho rằng: thật ra, việc cộng đồng tiếp nhận các qui định giáo luật vốn là một phần cổ xưa và được tôn trọng trong truyền thống Công Giáo. Người sử dụng quả xác nhận luật lệ bằng việc thực hành của họ như Gratian từng chủ trương. Học lý tiếp nhận vì thế đáng được phục hồi.

(còn tiếp)

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/y-niem-tiep-nhan-trong-hiep-thong-2/