Trích từ Dân Chúa

Ý nghĩa lời kêu gọi “hãy tiến ra khơi” của Ðức Giáo Hoàng đối với người Công giáo Việt Nam

Nguyễn Khanh

LNĐ: Ý kiến trong bài này không phải là ý kiến của memaria.org

RFA 25.01.2008 -- Ngày 22 tháng Giêng năm 2002 khi tiếp Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Ðệ Nhị đã kêu gọi các Giám Mục và từng người Việt Nam “hãy tiến ra khơi”. Trong Huấn Thư, Ðức Giáo Hoàng tha thiết nhờ cậy các Giám Mục Việt Nam một điều:

“Khi Anh Em trở lại quê hương trọng qúi của Anh Em, hãy nói cho các Linh Mục, các Tu sĩ Nam nữ, cho những người Giáo Lý Viên, cho tất cả giáo dân và đặc biệt cho những người trẻ rằng, tôi đang cầu nguyện cho họ và đang cổ võ họ hãy cam đảm thắng vượt những trở ngại. Hãy lấy gương các Thánh và các vị Tử Ðạo đã tiên phong trước họ trên đường đức Tin và máu của những vị ấy đang hiện diện như hạt giống của một đời sống mới cho toàn thể qúy Quê Hương của Anh Em”.

Lời kêu gọi “hãy tiến ra khơi” mà Ðức Gioan Phao Lồ Ðệ Nhị đưa ra cách đây 5 năm bây giờ lại được nhắc lại, trước những biến chuyển đang xảy ra giữa Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền, trước làn sóng cầu nguyện cho công bằng vẫn được cộng đồng giáo dân Công Giáo Việt Nam thực hiện từ Bắc chí Nam, bất chấp lệnh buộc phải giải tán.

Ðó cũng là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi đưa ra để thảo luận với vị khách mời tuần này. Khách mời là ông Trần Phong Vũ, Chủ Biên Tạp Chí Diễn Ðàn Giáo Dân, xuất bản tại bang California, Hoa Kỳ, và là một nhà bình luận tôn giáo có uy tín ở hải ngoại.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và được gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Xin được nhắc là quan điểm của người được phỏng vấn không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ban Việt Ngữ Ðài Á Châu Tự Do.

Những chuyển biến của Giáo Hội Việt Nam

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả, xin cám ơn ông Trần Phong Vũ đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Câu hỏi đầu tiên là 6 năm trước đây, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Ðệ Nhị đã lên tiếng kêu gọi Giáo Hội Việt Nam hãy tiến ra khơi. Liệu chúng ta có thể xem những biến chuyển trong thời gian gần đây là dấu hiệu của một Giáo Hội đang trên đường “tiến ra khơi” chăng?

Ông Trần Phong Vũ: Trước hết cụm từ ra khơi hay là hãy ra khơi được gợi từ Tân Tước, khi Chúa Giêsu sai ông thánh Phê Rô bơi thuyền ra xa bờ biển để thả lưới. Sau đó, trong lúc ông Phê Rô và các Tông Ðồ khác tỏ ý ngạc nhiên, sợ hãi trước một mẻ lưới bắt được quá nhiều cá, thì Chúa Giê Su đã ôn tồn giao cho các ông một sứ mạng trọng đại, đó là đi rao giảng Tin Mừng, đem mọi người về với Thiên Chúa.

Ðấy là ý nghĩa nguyên thủy của từ ra khơi, hay nói như một mệnh lệnh thì được gọi là “hãy ra khơi”. Nhưng cụm từ này cũng có thể hiểu rộng và ứng dụng vào nhiều trường hợp khác nhau, mang ý nghĩa dấn thân để làm sáng niềm tin của người Thiên Chúa Giáo. Ðấy cũng là ý nghĩa mà Ðức Gioan Phao Lô II muốn nhắn gửi các Giám Mục Việt Nam cách đây ít năm, trong dịp các Ngài đi qua Vatican để viếng mộ hai Thánh Tông Ðồ Tiên Khởi là Phê Rô và Phao Lô.

Cho nên tôi có thể nói là lời kêu gọi giáo dân cầu nguyện của Ðức Cha Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, để xin Thiên Chúa lay chuyển trái tim của nhà cầm quyền Cộng Sản để họ trả lại đất đai cho Tòa Khâm Sứ, cũng có thể hiểu là Ngài kêu gọi giáo dân “ra khơi”. Tôi xin trả lời một cách tóm tắt như vậy.

Nguyễn Khanh: Nhưng thưa với ông, không phải chỉ kêu gọi, mà phải làm sao đạt được kết quả, làm sao có được thành công mới là điều quan trọng. Nếu muốn “tiến ra khơi” và thành công, Giáo Hội Việt Nam cần có những yếu tố nào?

Ông Trần Phong Vũ: Dĩ nhiên, vẫn có một số yếu tố để thắng lướt được sự yếu đuối của con người, nhưng theo tôi, tự thân vấn đề cầu nguyện và tín thác nơi Thiên Chúa đã là nền tảng cho mọi chuyện rồi. Nếu cần phải thêm đó là sự kiên trì để vượt thắng được mọi yếu đuối của con người, như tôi đã nói, là phải can đảm để khước từ mọi cám dỗ của tiền tài, danh vọng, quyền lực thế gian.

Vì như ông đã biết, đằng sau và bên trong sự việc lúc này hẳn có những sự đi đêm, những mưu toan, sự mua chuộc, đây đó về phía nhà nước. Ðối tượng thì tôi không nói đến đám đông quần chúng, vì quần chúng vốn là những người khâm phục các đấng bề trên, vì thế mỗi lời kêu gọi thì có thể nói là họ hưởng ứng rất là mạnh. Nhưng tôi muốn nói đến giới lãnh đạo trong Giáo Hội.

Ðiều này khiến tôi gợi nhớ đến sự can thiệp hồi gần đây của Ðức Cha Nguyễn Văn Sang, thuộc địa phận Thái Bình, một việc làm mà tôi thấy là không cần thiết, một việc làm có thể gây nên nhiều ngộ nhận. Vì qua những lời trao đổi của Ngài với nhà cầm quyền Cộng Sản chung quanh vụ đòi đất này, tôi thấy nó ẩn tàng một điều gì đó rất là khó hiểu, nếu không muốn nói là mở đường cho nhà nước để có thể giải quyết theo một cung cách nào đó có lợi cho họ.

Thành ra vấn đề ở đây, theo tôi nghĩ, là cần phải có sự kiên trì, và không cần có một hành động chống đối cụ thể bằng bạo lực, nhưng tôi vẫn nghĩ phải duy trì được sự cầu nguyện, một hình thái mà tôi nghĩ là tuyệt hảo để có thể đấu tranh trong lúc này. Ðó là cầu nguyện.

Phản ứng của Chính quyền Việt Nam

Nguyễn Khanh: Nghe ông nói, chúng tôi có cảm tưởng rằng ông còn bi quan, ông chưa được lạc quan lắm, dù phía nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa ra những lời tuyên bố, ít nhiều, được một số người coi là họ muốn giải quyết chuyện đang xảy ra. Thưa ông, có phải như vậy không?

Ông Trần Phong Vũ: Tôi thì tôi nghĩ rằng đối với nhà nước Cộng Sản, trong mọi hoàn cảnh họ đều không muốn những chuyện gì có thể gây rối, có thể tạo rắc rối cho họ đối với thế giới bên ngoài lúc này, khi mà họ đã bắt đầu phải chấp nhận trò chơi dân chủ.

Thành ra trước sự kiện ở Hà Nội, Hà Ðông, Thái Hà rồi bây giờ lan truyền cả vào trong Sài Gòn, nhưng cuộc vận động cầu nguyện đông đảo, có lúc lên cả năm, bảy ngàn người như vậy đó, thì họ không bao giờ muốn xảy ra.

Từ đấy, chúng ta hiểu rằng họ muốn dứt điểm, nhưng họ dứt điểm như thế nào lại là vấn đề khác, tùy thuộc vào thái độ, cung cách của giới hữu quyền trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lúc này, cũng như phản ứng có thể xảy ra bởi các tôn giáo khác nữa. Ðó là suy nghĩ riêng của tôi.

Nguyễn Khanh: Ông vừa nhắc đến phong trào kêu gọi cầu nguyện cho công bằng hiện đang được phát động khá rầm rộ trong nước. Ông nghĩ gì về phong trào này?

Ông Trần Phong Vũ: Tôi nghĩ đây là phương thức tuyệt hảo, để đẩy nhà cầm quyền đến chỗ họ phải nhượng bộ. Bởi vì trước những cuộc vận động có tính bạo động, họ sẽ có cớ để đàn áp, kể cả những cuộc vận động có thể nói là không có gì đe dọa cụ thể, nhưng họ vẫn có thể đàn áp mạnh mẽ như là những cuộc chống đối âm thầm hay công khai của những người dân oan kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng hoặc kéo về Sài Gòn hồi gần đây, hay là những cuộc biểu tình của sinh viên, phải nói là rất tế nhị nhưng mà họ vẫn đàn áp.

Nhưng với một khối giáo dân lên đến năm, bảy ngàn người chỉ cầu nguyện, không có một hành vi, không có lời nói nào có vẻ khích động cả, thì phải nói là rất khó cho họ để họ có thể đàn áp. Cho nên trong chuyện này, tôi nghĩ rằng họ rất muốn giải quyết, nhưng không phải dễ gì mà giải quyết, nếu trong trường hợp này tất cả các đấng bậc của Giáo Hội Công Giáo, những người có trách nhiệm đều giữ một lập trường chuyên nhất, dứt khoát giữ nguyên tắc cứ cầu nguyện trong ôn hòa thì tình hình sẽ đổi khác, và chiều hướng giải quyết của nhà cầm quyền Cộng Sản cũng phải đổi khác.

Nguyễn Khanh: Thưa ông có thể là không đàn áp, nhưng vẫn có nhiều người lo âu, kể cả những người đang ở trong nước mà chúng tôi có dịp nói chuyện, bảo rằng nhà cầm quyền một mặt muốn giải quyết vấn đề, mặt khác họ vẫn ù lì. Như vậy theo ông, câu chuyện rồi sẽ ngã ngũ như thế nào?

Ông Trần Phong Vũ: Tôi thấy vấn đề ngã ngũ như thế nào, chìa khóa nằm ở trong tay các đấng bậc đang có trách nhiệm với những cuộc cầu nguyện bây giờ. Nếu mà ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, hay nói rộng ra là tất cả giáo dân, các nhà lãnh đạo Công Giáo ở 25 Giáo Phận, cứ dựa theo lời kêu gọi Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đưa ra hôm 15 tháng 12, kêu gọi mọi người cầu nguyện để xin Thiên Chúa lay chuyển trái tim chai đá của những người cầm quyền Cộng Sản để họ trả lại đất đai cho mình, thì tôi tin rằng nếu mọi ngiời cùng đồng thanh làm như vậy, chắc chắn nhà nước sẽ phải nhượng bộ.

Và khi họ đã nhượng bộ, thì tôi nghĩ giống như con bài domino, sẽ lần lượt xảy ra những cuộc cầu nguyện khác nữa của Giáo Hội, và tôi tin rằng sẽ dẫn đến một cuộc biến động rất lớn, có thể làm thay đổi cục diện Việt Nam. Ðó là cái nhìn rất lạc quan, nhưng lạc quan trên chừng mực vì cần phải có những điều kiện bên cạnh.

Những điều kiện bên cạnh, trước hết, tôi nghĩ rằng những người khởi xướng việc kêu gọi giáo dân cầu nguyện phải đứng trên một lập trường vững chắc, không thể bị mua chuộc, không thể vì những đòn hù dọa mà nản lòng. Ðòng thời cũng phải đề phòng những phần tử có thể len lỏi vào dưới hình thức này hay hình thức khác, để đóng vai trò con thoi, làm nản lòng đưa ra những mồi nhử, và gi ữa chừng, có thể đưa ra lời kêu gọi giáo dân ngừng câu nguyện.

Tôi quan niệm rằng cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Kêu gọi họ cầu nguyện là điều thích hợp với đạo giáo, với tín điều của Giáo Hội, với những gì người Công Giáo tin rằng có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời của họ, làm thay đổi mọi sự chung quanh họ, giúp cho họ gần với Thiên Chúa, để Thiên Chúa giúp giải quyết những vấn đề ngoài tầm tay với của họ. Trong trường hợp đó, người Công Giáo không khước từ, những giáo dân nói chung không khước từ. Vấn đề là người lãnh đạo có còn tiếp tục kêu gọi giáo dân cầu nguyện hay không.

Tôi cứ hình dung ra cảnh tượng tất cả các giáo phận, một số lớn các giáo xứ có năm, bảy ngàn người họp nhau hàng tuần hay hàng ngày như vậy để cầu nguyện, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi trả lời câu hỏi đó thì chúng ta sẽ thấy được những điều mà tôi lac quan như vừa trình bày.

Nguyễn Khanh: Cám ơn ông Trần Phong Vũ cho buổi nói chuyện hôm nay.

Nguyễn Khanh
phóng viên đài RFA

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/y-nghia-loi-keu-goi-hay-tien-ra-khoi-cua-uc-giao-hoang-doi-voi-nguoi-cong-giao-viet-nam/