Trích từ Dân Chúa

Xuân về với đất nước và Giáo hội Việt Nam

JB Nguyễn Hữu Vinh

Một năm mới lại đến, đất trời lại chuyển động như quy luật vốn có của Tạo hóa đã sinh ra, một Mùa xuân đầy Hồng ân, Thánh đức lại đến với Giáo hội khi Máu đức Kitô đã lại đổ xuống trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.

Mùa xuân mới của đất trời lại về trên đất nước Việt Nam. Vẫn có nét chung trong không khí đón chào xuân mới với hoa tươi, lộc biếc... nhưng với Giáo hội Công giáo Việt Nam mùa xuân vẫn đượm nhiều nét ưu tư trong lòng mọi tín hữu.

Những biến động của cuộc sống ngày càng khó khăn do giá cả “tích cực” leo thang không có điểm hẹn dừng, trong khi thu nhập và đồng lương không có khả năng được tăng tương ứng. Nỗi lo cơm, áo, gạo tiền đè nặng từng cá nhân trong xã hội.

Mặt khác, không chỉ cuộc sống những người dân nghèo bấp bênh vì vật chất cơm gạo hằng ngày, mà cả xã hội được mệnh danh là “ổn định, hòa bình” cũng nơm nớp những nỗi lo thường trực về an toàn, môi sinh và bệnh tật. Tai nạn giao thông không những không có dấu hiệu giảm xuống, mỗi năm cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn con người Việt Nam. Môi trường ngày càng bị phá hoại nghiêm trọng, thiên tai giáng họa xuống đầu bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, một xã hội tiêu thụ hàng Tàu giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại để lại hậu quả khôn lường.

Mặt tinh thần, xã hội xuống cấp đạo đức nhanh chóng, những hiện tượng ngày xưa là hi hữu, là hiếm có nay càng xuất hiện nhiều hơn và trở nên bình thường: sự hỗn láo của con cái đối với bố mẹ, ông bà, của học sinh với thầy cô giáo, thầy giáo giở trò đồi bại với học sinh, cán bộ có chức có quyền thừa tiền ăn chơi trác táng... đã dần dần trở nên bình thường, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, như một trào lưu, một chiếc xe xuống dốc không phanh.

Tất cả những điều đó, tạo nên cho xã hội một cuộc sống khá ngột ngạt và bấp bênh.

Đó là những nét chung của xã hội Việt Nam trong những ngày này.

Riêng với Giáo hội Công giáo VN những ngày qua, cũng đang có bao điều buộc người giáo dân phải ưu tư và suy nghĩ.

- Đời sống đạo đức xã hội xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống luân lý, giáo lý trong giáo hội. Tuổi trẻ ngày càng sa đà, thực dụng theo trào lưu xã hội là một thách đố đối với đời sống đức tin mỗi giáo hữu và là nỗi lo lắng thường trực trong tâm hồn mọi người, từ bố mẹ, ông bà đến mỗi đấng bậc. Sự ích kỷ của con người ngày càng lớn, do vậy tình yêu thương, căn tính của Kitô giáo ngày càng khó khăn truyền tải cho mọi người.

- Bạo lực ngày càng được sử dụng để giải quyết những mâu thuẫn trong lòng xã hội, tạo nên một xã hội bất ổn, qua đó con người thiếu đi sự vị tha, tình yêu thương đồng loại, đồng bào.

- Những mâu thuẫn giữa những người theo Kitô giáo với chính quyền cộng sản đang nắm quyền cai trị đất nước ngày càng bộc lộ bởi hai bảnchất trái ngược: bạo lực, dối trá không thể song hành với yêu thương tha thứ và sự thật công lý. Rất nhiều tài sản của Giáo hội bị chiếm đoạt bao năm qua không được trả lại tạo bức xúc lớn khi Giáo hội càng ngày càng khó khăn cho vấn đề mục vụ với số lượng giáo dân tăng lên theo con số cơ học. Những tài sản này, ngày càng trở nên có giá trị khi đất đai tăng chóng mặt vì giá cả thị trường, cũng do vậy mà nguy cơ chia chác, bán đổi được thực hiện, thách thức các tín hữu Kito đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã là buông xuôi hay đấu tranh để đòi lại những tài sản đó.

- Sự xúc phạm đối với người công giáo không chỉ qua những tài sản ngang nhiên bị chiếm, bị cướp trái với pháp luật của nhà cầm quyền đặt ra, mà trắng trợn hơn là việc sử dụng bạo lực với những giáo dân hiền lành tay không, đòi hỏi quyền được thi hành đúng luật pháp ngày càng gia tăng, không chỉ với giáo dân, mà cả với giáo sỹ, linh mục...

- Đặc biệt, việc phạm Thánh với Thánh giá, biểu tượng linh thánh của người tín hữu Kitô như đẩy thêm một bước sự ngang nhiên nhục mạ những Kitô hữu không chỉ ở Giáo hội Việt Nam. Làn sóng phản đối rộng khắp, lan tỏa toàn cầu.

Chính những lúc khó khăn đó, người ta mới thấy tinh thần anh dũng, quật cường của giáo dân Việt Nam bảo vệ đức tin của mình bằng chính máu và mạng sống.

Nhưng cũng qua đó, phải nhìn thẳng vào một số vấn đề của Giáo hội đang được bộc lộ qua những vụ việc trên.

Đó là sự chưa có một tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát và sự hiệp thông đầy đủ từ hàng ngũ các Giám mục và Hội Đồng GMVN qua các sự kiện trên. Nhiều khi lại có những tránh né, lảng tránh và thỏa hiệp với cái ác, với sự dữ. Đó cũng là một thực tế lâu nay, chỉ có điều đến một điều kiện thử thách nhất định thì mới chứng minh được vàng, thau, thật, giả. Không ai không cảm thấy chạnh lòng những khi sự thật được bộc lộ không như ý nguyện của lòng tin mỗi giáo dân.

Đó chính là một nỗi buồn và là điều day dứt của nhiều tín hữu, điều này cũng như cơn gió lạnh cuối đông làm rùng mình một số người yếu sức. Nhưng đó cũng chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ từ trong từng cá nhân, từng giáo hữu một phản ứng thích hợp trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt để niềm tin vào Thiên Chúa trường tồn.

Qua đó cũng nói lên sức mạnh vô song của tình hiệp nhất đang được kêu gọi đi tới như Năm Thánh 2010 đã chỉ rõ. Đạt đến điều đó, Giáo hội sẽ trở mình, rũ bỏ tất cả những tai ách, những vướng mắc để đi lên như một chàng dũng sĩ mất đi chiếc nỏ thần quý giá nay tìm lại được.

Giáo hội đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt, điều đó chắc chắn sẽ đưa giáo hội đi lên như quy luật xưa nay vẫn có.

Một mùa đông lạnh lẽo qua đi, mùa xuân ấm áp sẽ trở về, như quy luật của tự nhiên, của tạo hóa.

Một Thái Hà bị trấn áp, chiếm đoạt và cướp bóc, đã nẩy sinh hàng loạt chứng nhân anh dũng của Đức Tin

Một Khâm sứ bị chiếm cướp, sẽ sinh sôi những ngôi tòa vững bền trong lòng mọi tín hữu khi đi qua nơi đây một thái độ và tư duy về Công lý, Sự thật.

Một Tam Tòa bị đánh đập, bị phá phách cướp bóc, sẽ nẩy sinh một Tam Tòa hùng dũng và mạnh mẽ, kiên cường.

Một Loan Lý bị cướp chiếm, sẽ nảy sinh những Loan Lý dũng mãnh và đoàn kết nơi miền đất đã im lặng để tồn tại xưa nay.

Thánh giá bị triệt hạ, sẽ là điều kiện để muôn vàn Thánh giá sinh sôi trong lòng tín hữu Việt Nam. Những ngọn nến rực lửa yêu mến, hiệp thông trong giáo hội khắp đất nước, vươn rộng khắp năm châu là những Thánh giá được phục sinh.

Nơi Đồng Chiêm quanh năm ngập lụt và đói nghèo, đã có một vụ mùa bội thu ơn hi sinh và lòng quả cảm của những giáo dân quê mùa, chất phác và khách hành hương chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh giá.

Một năm mới lại đến, đất trời lại chuyển động như quy luật vốn có của Tạo hóa đã sinh ra, một Mùa xuân đầy Hồng ân, Thánh đức lại đến với Giáo hội khi Máu đức Kitô đã lại đổ xuống trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này.

Xin cầu nguyện cho sự Hiệp nhất, thông công trong giáo hội Việt Nam, để giáo hội luôn phát triển, trường tồn. Đó cũng là lời nguyện cần thiết đầu năm.

Cầu mong mùa xuân của đất trời mở đầu cho một mùa xuân của đất nước và của Giáo hội trên con đường sám hối, canh tân.

Hà Nội, Ngày đầu xuân Canh Dần

JB Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/xuan-ve-voi-dat-nuoc-va-giao-hoi-viet-nam/