Trích từ Dân Chúa

Xin đừng ngủ quên

An Dân

VietCatholic News (Thứ Tư 23/01/2008 10:27)

Cả tuần nay, Hà Thành rét đậm. Những cơn gió đông thổi mạnh kéo theo những cơn mưa cuối mùa càng làm cho thời tiết thêm giá buốt.

Tôi lững thững đi về Thái Hà, qua khu lều trại nơi những anh chị em tín hữu bất chấp gió mưa, đang ngày đêm bám trụ, để canh giữ đất đai của Giáo hội, chợt thấy ấm lòng.

80123ThaiHa9795.jpg

Mấy tuần nay họ đã ở đây. Họ ở đây để cầu nguyện cho công lý và hoà bình. Họ ở đây để cầu xin cho các vị lãnh đạo quốc gia biết lưu tâm tới nhu cầu tâm linh đang dần bị xã hội quên lãng. Họ ở đây với ước mong rằng khu đất hương hoả mà cha ông họ đã hy sinh đến đổ máu để có được sớm được chính phủ cấp lại cho Giáo hội để dùng vào việc tế lễ phụng thờ.

Đó là những nguyện ước chân thành và chính đáng. Chính nguyện ước ấy đã thôi thúc họ bất chấp gió mưa, sáng trưa và cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Thành. Chính nguyện ước ấy khiến họ kiên trung trong thử thách, vui mừng trong hy vọng, mạnh mẽ trong yêu thương. Chính nguyện ấy khiến họ lên đường với niềm tin chắc rằng sự thật sẽ được tôn trọng.

Nhiều người bảo chúng tôi: “Mong sao chính phủ sớm giải quyết trao lại cho giáo xứ mảnh đất này, để mai đây, con cháu chúng tôi mỗi khi về chốn này, thì đều nhắc nhớ nhau rằng cha ông họ đã đối xứ với nhau một cách nhân hậu.”

Hoá ra, người công giáo Hà Thành suốt một tháng qua, về dưới Thái Hà qua Toà Khâm Sứ, không chỉ vì cánh cổng “được mở” hay bức tường “đừng xây”, nhưng sâu xa hơn chính là “xin cho công lý được thể hiện”, xin cho đất đai của tổ tiên – những mảnh đất đã được “thánh hiến”, được sử dụng đúng mục đích ban đầu mà cha ông tổ tiên đã truyền lại.

Hoá ra, người công giáo Hà Thành, khi cầm trên tay ngọn nến cháy sáng, đang mong ước nhà nước thắp lại nơi cõi lòng họ một niềm tin vào tình người mà lịch sử, cũng như cách hành xử của một số người, đã làm cho niềm tin ấy biến dạng.

80123ThaiHa9792.jpg

Các bà đốt dụng cụ của dân xì ke ma túy đến đây làm ô uế khu vực

Hoá ra, người công giáo Hà Thành, khi dâng lời nguyện ước, thì cũng chỉ là mong cho đất nước được phồn vinh, cho dân tộc thái bình và cho “chữ tình” được nở rộ.

Hoá ra, bấy lâu nay họ đến đó hay ở đó, chẳng phải vì quyền lợi cá nhân họ; cũng chẳng phải vì họ muốn chứng tỏ điều này điều kia. Họ đến đó và ở đó, bất chấp sự khốn khó, không chỉ vì miếng đất đó, nhưng vì muốn cho xã hội dân chủ, văn minh và công bằng hơn. Họ đến đó là để thể hiện một chữ tình: tình Chúa, tình người và tình yêu quê hương đất nước.

Vì thế, nếu có ai nghĩ rằng, họ có ý làm chính trị, thì thật không phải. Nếu có ai nghĩ rằng họ đang cố tình đối đầu với nhà nước, thì cũng chẳng đúng chút nào. Họ không làm chính trị. Những người phụ nữ ấy, tay không tấc sắt, vũ khí duy nhất là lời kinh hoà bình, với tâm niệm: “xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp...”; những người như vậy thì làm gì được ai. Họ ở đó chỉ vì chính nghĩa, chỉ vì lẽ phải. Họ ở đó, bất chấp sương gió, cũng chỉ vì còn đó một chút niềm tin vào lương tâm của con người, tin rằng: nước Nam, một đất nước có bề dầy truyền thống văn hoá, không bao giờ lại thiếu những nhà lãnh đạo thiện chí, yêu chuộng sự thật và lẽ công bình.

Niềm tin và mong ước là vậy!

80123ThaiHa9790.jpg

Tang chứng của dân xì ke ma túy

Mấy ngày nay, giới công giáo thạo tin Hà Thành nhắc nhiều tới những cuộc gặp gỡ không chính thức giữa Đức cha Thái Bình và một số cán bộ an ninh cấp bộ. Nhiều người vui mừng cho đây là “ánh sáng đã le lói cuối đường hầm”. Người khác thì đọc thấy ở biến cố này một thiện chí của cả hai phía. Người hiểu tình hình thì lại thấy rằng chuyện không đơn giản như thế, bởi dù cho ở Việt Nam tiếng nói của ngành an ninh luôn có trọng lượng, nhưng luật pháp Việt Nam thì lại qui định rõ ràng việc giải quyết những vấn đề liên quan tới đất đai thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố. Vì thế, dễ hiểu tại sao, những cuộc gặp này chỉ xoay quanh vấn đề “cầu nguyện”, “mở cổng” hay “xây tường”, đó chỉ là những tiểu tiết, được hiểu là liên quan tới an ninh trật tự, chứ không phải là điều mà người công giáo Hà Thành ngày đêm đang mong chờ.

Cho tới giờ này, chưa hề có cuộc đối thoại nào chính thức nào giữa cơ quan quản lý đất đai là UBND thành phố Hà Nội với Toà Giám mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà. Người duy nhất thuộc cơ quan quản lý Nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội đã tới Toà Giám mục là bà Ngô Thị Thanh Hằng – phó chủ tịch UBND, phụ trách khối Văn – Xã, thì lại không phụ trách đất đai. Do đó, những vấn đề bà nêu ra cũng vẫn chỉ là những vấn đề mà các cán bộ an ninh đề cập tới.

Như vậy, cốt lõi của vấn đề vẫn còn y nguyên. Niềm tin và nguyện ước vẫn chưa được thành sự. Điều người công giáo Hà Thành ngày đêm canh thức mong chờ cho công lý được nhìn nhận, thì vẫn chưa được nhắc tới. Những cuộc gặp vừa qua hoá ra vẫn chỉ là những cuộc gặp bên lề, chưa thể là một tiền đề để đưa tới một giải pháp tận căn.

Cái chính là công lý thì hình như vẫn chỉ là những dự báo xa vời.

Chiều nay, Nha khi tượng cho biết, thời tiết khắc nghiệt còn kéo dài. Đợt rét đậm, rét hại còn lai rai đến tết... Mấy bà lão ngồi trông đất bảo nhau: “Xin đừng ngủ quên”.

An Dân

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/xin-dung-ngu-quen/