Trích từ Dân Chúa

Vụ kiện truyền thông: “Con kiến đi kiện củ khoai”

Trà Mi

RFA 18/2/2009 -- Vụ kiện truyền thông trong nước bóp méo sự thật do các giáo dân Thái Hà khởi xướng đang thu hút sự quan tâm từ công luận, nhất là những người ủng hộ lẽ phải.

Người ta đặc biệt chú ý vụ này không chỉ vì đây là vụ kiện hiếm thấy tại Việt Nam, không chỉ để chờ đợi kết cục như thế nào, mà quan trọng là để xem phản ứng của chính quyền ra sao trước đòi hỏi công lý của người dân.

Thủ tục phức tạp quan liêu rườm rà

LSLTLuat.jpg

Giáo dân Thái Thanh Hải và Luật Sư Lê Trần Luật
Nghe | Download

Con đường khiếu kiện của các giáo dân Thái Hà quả thật nhiều gian nan. Đơn thư của họ bị toà án hồi đi hồi lại, các cuộc hẹn với cơ quan hữu trách đáo hạn lại bị dời tới dời lui, gây không ít trở ngại và phiền toái cho người khiếu nại.

Sáng thứ năm tuần trước, ngày 12/2, đơn kiện kênh VTV1 đài truyền hình Việt Nam bị toà án quận Ba Đình trả lại, yêu cầu phải nêu rõ nội dung cần cải chính kèm theo ký nhận của phía bị đơn, y hệt như đề nghị từ toà án quận Hoàn Kiếm đối với đơn kiện báo Hà Nội Mới của các giáo dân. Ngay hôm sau, các giáo dân kéo đến đài truyền hình để hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của toà, nhưng rốt cuộc họ phải quay về tay không vì một lý do quen thuộc: lãnh đạo đi vắng. Đầu tuần này, mọi người trở lại theo như được hẹn.

Bà Ngô Thị Dung, một trong hai người đứng đơn kiện thuật lại:

“Hôm qua tôi và bà Việt lại lên đài truyền hình Việt Nam. Họ chỉ mới bắt đầu nhận đơn thư. Đầu tiên họ cũng vòng vo, đùn dẩy, tức là không nhận đấy, sau mới chịu nhận đơn và ghi cho mình cái biên nhận là đã nhận đơn khiếu kiện của mình, nhưng chưa thấy nói năng gì về ngày giờ hồi âm. Chưa thấy nói năng gì.”

Luật sư Lê Trần Luật, đại diện pháp lý của các giáo dân, tiếp lời:

“Chiếu theo luật thì họ có 10 ngày sau khi ghi biên nhận nhận đơn để đăng cải chính hay không. Không thì mình sẽ khởi kiện.”

Về phía báo Hà Nội Mới, sau khi các giáo dân hoàn tất thủ tục đúng yêu cầu của toà án, tức xác định rõ nội dung đề nghị cải chính và được phía bị đơn ký nhận yêu cầu này, họ cảm thấy nhẹ nhõm vì tưởng rằng trong vòng thời gian luật định, phía bị đơn sẽ có câu trả lời dứt khoát. Đến hẹn họ đến thì được báo là phải chờ lãnh đạo họp với Ban tuyên giáo thành uỷ mới có hướng giải quyết. Những tưởng sau cuộc họp đó thì các giáo dân sẽ được hồi đáp dứt khoát từ giới hữu trách. Thế nhưng thay vì trả lời giải quyết hay không, cuối tuần trước, toà soạn lại yêu cầu luật sư Lê Trần Luật cung cấp số liên lạc trực tiếp của hai đương đơn, với lý do toà báo muốn gặp trao đổi riêng với họ. Đến thứ hai đầu tuần này, chỉ có một trong hai đương đơn là bà Nguyễn Thị Việt nhận được giấy mời từ báo Hà Nội Mới, hẹn gặp lúc 14 giờ ngày thứ năm 19/2. Nội dung cuộc gặp không được thông báo, và người sẽ tiếp xúc cũng không được nêu rõ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Việt cho biết hồi đáp của bà với báo Hà Nội Mới sau khi nhận được thư mời:

“Tôi đã gửi thư cho báo Hà Nội Mới nêu lên 3 yêu cầu. Thứ nhất là tôi muốn biết nội dung cuộc gặp mặt. Thứ hai, tôi muốn bà Ngô Thị Dung, người đồng đứng đơn kiện với tôi, cùng có mặt trong buổi gặp này. Thứ ba, vì hiện nay tôi đã có luật sư riêng, nên để đảm bảo quyền lời cho tôi, tôi muốn Hà Nội Mới phải mời cả luật sư của tôi đến. Để xem họ hồi âm tôi như thế nào thì tôi mới tính.”

Luật sư Lê Trần Luật nhận xét rằng hành động của báo Hà Nội Mới không cho phép người đại diện pháp lý của đương đơn tham dự buổi làm việc này là một sự thiếu minh bạch khó hiểu:

“Việc từ chối luật sư là một hành động mờ ám. Nếu một việc minh bạch thì có luật sư càng tốt, vì trên nguyên tắc khi đương đơn đã có luật sư thì trong một cuộc thương lượng làm việc như thế phải có mặt luật sư. Hôm trước tôi đã đến đó một lần, ông Phó tổng biên tập, sau khi kiểm tra giấy tờ luật sư của tôi xong, cũng bảo tôi ra ngoài để ông trao đổi riêng với các đương sự. Rõ ràng cách hành xử của báo Hà Nội chứng tỏ họ báo Hà Nội Mới và chính quyền đang lúng túng. Thật ra, nếu mình đăng tin sai thì cải chính thôi, còn nghĩ rằng mình làm đúng thì cứ trả lời dứt khoát là không cải chính thế thôi. Đằng này họ cứ mời lòng vòng tới lui, rồi từ chối không cho luật sư tham gia, thể hiện họ muốn giải quyết theo hướng khiến cho các đương sự buông vụ này đi.”

Mục đích làm nản lòng hầu bỏ cuộc

Liệu phương thức dằng co này có khiến những người đấu tranh đòi hỏi công lý phải chùn chân mỏi gối, nản lòng bỏ cuộc? Luật sư Luật khẳng định:

“Họ dùng dằng như thế không làm chúng tôi nghĩ lại mà càng khiến cho chúng tôi quýêt tâm làm sáng tỏ vụ việc, chưa kể rằng chúng tôi chắc chắn sẽ kiện tất cả các báo đài còn lại. Tôi tin chắc vụ kiện này mình sẽ thắng 100%. Tất cả diễn biến phiên toà, chúng tôi có ghi âm, có nhiều nhân chứng lẫn hình ảnh nữa.”

Tại Việt Nam, nơi truyền thông chỉ đựoc phép thông tin theo chỉ đạo nhà nước, thì ai cũng hiểu vụ kiện hiếm hoi này chẳng khác gì hành trình của “con kiến đi kiện củ khoai”. Thế nhưng vì sao “con kiến” vẫn cương quyết tự tin theo đuổi đến cùng? Luật sư đại diện cho các giáo dân giải thích:

“Chúng ta muốn truyền thông khách quan, muốn nhà cầm quyền phải đưa tin trung thực, thì chúng ta phải đấu tranh. Khi đấu tranh chúng ta ắt phải gặp khó khăn, nhưng tôi nghĩ khó khăn không phải là những cản trở khiến mình không làm đựơc. Còn tính hiệu quả hay không, tôi cho rằng hiệu quả không nằm ở chỗ họ cải chính hay không, hoặc chúng tôi thắng kiện hay không, mà hiệu quả ở đây chính là sự tác động đối với xã hội. Chúng ta cần phải làm một lần để truyền thông của nhà độc tài biết rằng vấn đề không phải đơn giản như họ nghĩ rằng họ muốn bôi bác ai, xuyên tạc thế nào cũng đựơc. Chúng tôi muốn công luận biết rằng truyền thông phải khách quan chứ không phải là công cụ để nhà cầm quyền có thể cai trị người dân.”

Ngay sau phiên sơ thẩm kết thúc ngày 8/12 vừa qua với các bản án treo dành cho 8 giáo dân, tất cả báo đài trong nước đều loan tin rằng tại toà các giáo dân đã “cúi đầu nhận tội” và “xin khoan hồng” của nhà nước, khiến các đương sự bất bình khởi kiện.

Trà Mi, phóng viên đài RFA

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/vu-kien-truyen-thong-con-kien-di-kien-cu-khoai/