Trích từ Dân Chúa

Việt Nam đặt “vấn đề blog” với Google, Yahoo!?

Thiện Giao

WASHINGTON 3/12/2008 -- Việt Nam liên tiếp ban hành nghị định và quy định nhằm quản lý Internet và blog cá nhân. Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 12 này, một văn bản khác dưới dạng thông tư sẽ ra đời để quản lý riêng loại hình blog.

Tại sao blog “nhật ký cá nhân” lại được quan tâm đến như vậy?

Hanoi-internet.jpg

Lúng túng trong việc giám sát thông tin trên thế giới áo, Việt Nam muốn nhờ tới Goolge và Yahoo! giúp theo dõi các hoạt động của giới bloggers. (AFP Photo)
Nghe | Download

Lúng túng trong thế giới ảo

Những thông tin gần đây nhất cho thấy Việt Nam thật sự muốn kiểm soát hình thức thông tin trên blog, nhưng chưa biết sẽ kiểm soát ra sao, và áp dụng biện pháp chế tài như thế nào.

Hội Thảo “Xây Dựng Thông Tư Về Hoạt Động Cung Cấp Thông Tin Trên Blog” ngày 27 tháng 11 vừa qua ngụ ý sẽ có một thông tư riêng, qui định các hoạt động liên quan đến blog.

Vấn đề đặt ra, để hạn chế blog, giới hữu trách quan niệm blog là gì, ảnh hưởng của blog ra sao, kiểm soát blog như thế nào, và đâu là biện pháp chế tài khả dĩ?

Rõ ràng, những yếu tố rất thực, hiển hiện trên một thế giới rất ảo, đã và đang tạo ra những lúng túng từ giới hữu trách.

Việt Nam Net số ra ngày 28 tháng 11 trích lời ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, về quan điểm đối với blog. Ông Doãn nói, rằng “blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ [Việt Nam] khó xác định.”

Trong khi đó, ông Giám Đốc Sở Thông Tin – Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh thì nói “đã có Luật” nên ông nghĩ không cần có thêm thông tư, và rằng “thông tin trên blog mang tính ảo rất cao… quản lý blog qua một thông tư là khó khả thi.”

Ông thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông thì có vẻ bám sát vào định nghĩa “nhật ký cá nhân.” Và nếu đã là “nhật ký cá nhân,” ông nói tiếp, “thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là cho người thân đọc.”

Trước đây, ông Thứ Trưởng cũng đã từng nói, rằng blog có nội dung chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội thì “không thể gọi là blog.” Nói cách khác, các trang thông tin với nội dung không phải là thông tin cá nhân thuần tuý phải được xem là “trang tin điện tử,” “bản tin” hoặc “báo điện tử.”

Cách diễn giải như thế không nhận được sự đồng tình của một blogger khá nổi tiếng, là bà Tạ Phong Tần. Blogger này từng khẳng định, rằng “nói như vậy là sai.”

“Nói như thế là sai! Blog là do một người viết, và những điều người ấy viết có thể là cảm xúc cá nhân, những điều tai nghe mắt thấy, hoặc bình luận về các vấn đề xã hội. Đó không phải là bản tin. Mặc dầu một blog có thể đề cập đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhưng không thể gọi là bản tin, đó chỉ là cách suy nghĩ, nhìn nhận của duy nhất một cá nhân.”

Tìm cách kiểm soát

Có vẻ điều mà giới hữu trách quan tâm là hạn chế tính phát tán thông tin của loại hình này.

Tại Hội Thảo Xây Dựng Thông Tư quản lý blog, thứ trưởng Doãn nói thông tư quản lý blog cần được ban hành sớm, để “giải quyết vấn đề tư tưởng, xã hội.”

Giới hữu trách, vào đầu tháng 10, từng nhận định rằng thông tin điện tử là lĩnh vực “mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.” Nhận định của một nhà báo Việt Nam phần nào giải thích thông tin điện tử mới mẻ ra sao và nhạy cảm như thế nào.

“Sự xuất hiện của Internet góp phần vô hiệu hoá nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền Việt Nam. Những thông tin, suy nghĩ xưa nay được xem là “cấm kỵ” “nhạy cảm” thì càng ngày càng được chia sẻ trên Internet.”

Hồi đầu tháng 10, Việt Nam chính thức cho ra đời “Cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình và Thông Tin Điện Tử,” đặt dưới quyền quản lý của Bộ Thông Tin – Truyền Thông và có chức năng xây dựng qui định quản lý thông tin trên Internet, trong đó có “quy định về quản lý blog cá nhân.”

Trước đó, vào cuối tháng Tám, Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Nghị Định liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam. Nghị định này liệt kê một số hành vi bị cấm khi sử dụng Internet, trong đó có hành vi “chống lại nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Những tháng cuối năm 2007, phong trào thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung Quốc trong vụ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một phần được khởi xướng và loan truyền trên Internet.

Thời điểm ấy, một blogger nổi tiếng với bút danh Điếu Cày, hiện đang ở bị cầm tù tại Việt Nam, đã nhận định “blog là một sự tự do thông tin.”

“Gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2007, người dân ngày càng nhận biết blog là nguồn thông tin rất quý, là công cụ phát biểu ý kiến rất tốt. Blog là nơi mọi người có thể tham gia mà không bị sự cản trở của nhà nước. Blog là một sự tự do thông tin, tự do báo chí tốt tại Việt Nam hiện nay.”

Câu hỏi được đặt ra, là Thông Tư mà chính quyền dự định ban hành sẽ áp dụng biện pháp chế tài ra sao? Ông Thứ Trưởng nói, thông tư sẽ hướng dẫn những gì được hoạt động, những gì nên tránh, không phải quản lý hành chánh như các lãnh vực khác.

Một nhà báo nhận định: “Thông tư như vậy là thông tư ‘ảo,’ vì chẳng có gì ‘thực’ cả.”

Nhưng có một điều rất thực, theo báo chí trong nước, là “sắp tới Bộ Thông Tin – Truyền Thông sẽ đặt vấn đề với Google và Yahoo!, đề xuất họ hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm phối hợp với Nhà Nước để tạo môi trường hoạt động tốt nhất cho các blogger.”

Thiện Giao, phóng viên RFA

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/viet-nam-dat-van-de-blog-voi-google-yahoo/