Trích từ Dân Chúa

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết?

Gs Hà Thành

LTS: Chúng tôi vừa nhận được bài viết của GS Hà Thành, một người am hiểu về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và nhất là những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo từ khi thành lập cho đến ngày nay. Bài viết của giáo sư với những dẫn chứng cụ thể về hoàn cảnh lịch sử tôn giáo của đất nước. Giáo sư cũng là người có nhiều dịp đã gặp gỡ, nói truyện và tiếp cận với các giám mục, linh mục và giáo dân tại nhiều giáo phận Việt Nam, đồng thời ông cũng có những tài liệu chính xác liên quan tới vấn đề được nêu ra. Bài viết của giáo sư chia làm 3 phần:

  1. Thái độ của giáo hội Công giáo với UBĐK.
  2. Thái độ của Nhà nước với UBDK.
  3. Chân dung của UBDKCG.

Hôm nay chúng tôi xin công hiến qúi độc giả phần 1 của bài viết của Giáo sư Hà Thành như sau:

Gần đây, có nhiều ý kiến nói đến việc nên chấm dứt sự tồn tại của ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam (UBĐK). Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao UBĐK vẫn tồn tại được đến hôm nay? Có phải do hàng giáo phẩm Việt Nam không có thái độ dứt khoát với tổ chức này hay tổ chức này còn được những bàn tay nào phù phép che chở?

I. Thái độ của Giáo hội Công giáo với UBĐK

Ngay từ ngày đầu tiên khi Hội nghị của tổ chức này được họp tại Hà Nội, ngày 11-3-1955, Đức Khâm sứ Dooley đã gửi văn thư số 1024/89 cho các giáo phận ở miền Bắc nói rõ: “Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, tôi có bổn phận cho các Đấng bậc trong Giáo hội hay rằng, những hoạt động này đều ở bên ngoài hệ thống của Giáo hội, không được phép của Đấng bản quyền ‘Các linh mục có trách nhiệm trong các hoạt động ấy ở trong hoàn cảnh không hợp lệ” . Và ít ngày sau khi hội nghị này bế mạc để ra mắt ủy ban liên lạc Công giáo, Đức Hồng y P. Fumasoni Biondi- Tổng trưởng Bộ Truyền giáo lại gửi tiếp văn thư số 1810/55 ngày 7-5-1955 cho các Giám mục ở Việt Nam. Văn thư viết: "Thánh bộ Truyền giáo không thể giấu anh em nỗi lo buồn tận đáy lòng khi nghe tin mấy linh mục nhầm vì lòng ngay hay nhầm vì theo những học thuyết mới và sai lạc. Họ đã họp nhau một cách “vượt quyền các Giám mục” làm thành một hội nghị gọi là hội nghị hòa bình. Như thế họ đã tự đặt mình làm những người cổ động và bảo vệ một phong trào đầy nguy hiểm cho sự hợp nhất của giáo hội ở Đông dương. Thánh bộ nhắc nhở: Vậy nếu thiếu tinh thần kỷ luật, hay thiếu sót trong sự vâng lời các giám mục thì mối dây hợp nhất sẽ giãn ra và đứt” (1).

Trước ngày khai mạc hội nghị của ủy ban liên lạc công giáo, trên tờ báo “Sáng danh Chúa” - một tờ báo cổ vũ cho khuynh hướng của ủy ban có đăng một bức điện văn ủng hộ hội nghị của Giám mục Hoàng Văn Đoàn (Bắc Ninh), nhưng sau khi có văn thư của Đức Khâm sứ Dooley, ngày 10-3-1955, trước cửa Nhà thờ lớn Hà Nội có dán một tờ giấy ghi “Lời thanh minh của Đức GM Hoàng Văn Đoàn” . Nội dung như sau:

“Nhân dịp Hội nghị công giáo toàn quốc, mấy tờ báo thủ đô có đăng mục gọi là ‘Bức điện văn của Đức GM Hoàng Văn Đoàn’ ở tòa GM Bắc Ninh gửi hội nghị kính Chúa, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình trong toàn quốc (từ 8 đến 10-3-1955). Bởi vậy, nhiều người cho là tôi ưng thuận ‘Hội nghị công giáo kính Chúa, yêu tổ quốc, yêu hòa bình’ cho nên tôi xin thanh minh rằng:

1- Tôi tán thành việc đưa lại hòa bình thống nhất cho nước Việt Nam.

2- Song tôi không có quyền ưng thuận” Hội nghị công giáo kính Chúa, yêu tổ quốc, yêu hòa bình toàn quốc” vì quá quyền hạn, tôi chỉ là GM trong một địa phận. Vậy hội nghị này không hợp thức. Tôi xin kết luận:

Máu đào thắm nhuộm giang san
Tin trung một dạ sắt son chẳng sờn
Hồn tôi dâng tiến Chúa Trời
Xác tôi, tôi hiến quê tôi đời này”.

Tờ truyền đơn này có lẽ phản ánh đúng thái độ của vị Giám mục trẻ trung của giáo phận Bắc Ninh đối với Hội nghị trên.

Suốt 28 năm tồn tại, Ủy ban liên lạc đã để lại quá nhiều tai tiếng mà chính các vị ở trong ủy ban cũng không muốn nhắc đến cái tên của nó. Và chắc chắn các chủ chăn trong giáo hội không thể nào ủng hộ tổ chức này. Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng công khai dám tuyên bố như linh mục Phạm Hân Quynh (Hải Phòng) vào năm 1960 rằng: “Tôi còn sống ngày nào, tôi còn chống cái ủy ban ‘xuyên tạc công giáo’ này”. Cũng vì lời tuyên bố đầy quả cảm trên mà linh mục Quynh đã phải 30 năm cải tạo (2).

Về phía Tòa thánh, kinh nghiệm của nhiều nước xã hội chủ nghĩa khi đó như Trung Quốc, Ba Lan đã cho thấy rõ thực chất những tổ chức như Ủy ban liên lạc công giáo ở Việt Nam. Bởi vậy, ngày 18-4-1982, tờ L’Observater Romano- cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa thánh có đăng một bài bình luận nói rõ về các tổ chức này: “Các hội đoàn này trong thực tế cũng gây ra hoặc khoét sâu chia rẽ trong cơ thể sống của giáo hội. Họ muốn chống các giám mục và rõ ràng giản đơn là họ muốn xen vào tất cả các hoạt động của giáo hội. Họ rao giảng thư hòa bình không phải nền hòa bình của Phúc âm. Thường chỉ các hội đoàn này mới có quyền làm báo “công giáo” và kiểm duyệt báo. Người ta thấy những tờ báo của các hội đoàn này không đăng hoặc kiểm duyệt bài viết của các giám mục, các văn kiện của Giáo hoàng và những tin tức sinh hoạt của giáo hội hoàn vũ. Các hội đoàn này muốn thay giáo hội và được tham khảo ý kiến, được đối xử như là đại diện của giáo hội. Những người cầm đầu hội đoàn này muốn tạo ra một hình ảnh không đúng về giáo hội nhất là đối với nước ngoài” .

Bài báo này được đính kèm theo văn thư ngày 20-5-1992 của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Sodano gửi Đức cha Nguyễn Minh Nhật- Chủ tịch HĐGMVN lúc đó để nhắc nhở: “Một tổ chức vừa có tính chất công dân, vừa có tính chất chính trị có nguy cơ gây lẫn lộn giữa giáo hội và tổ chức chính trị” . Văn thư nhắc nhở các giám mục phải cảnh giác với tổ chức của UBĐK, không để các linh mục tham gia theo đúng tuyên bố của Thánh bộ linh mục ngày 8-3-1982 “Về một số hội đoàn và phong trào mà linh mục không được phép tham gia”

Chúng tôi được biết, trong lễ tấn phong giám mục Cao Đình Thuyên ở Vinh ngày 19-11-1992, Đức cha Nhật đã trao đổi với các giám mục tham dự và đề nghị các giám mục phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức UBĐKCG trong giáo phận mình. Các giám mục phải báo cáo về Tòa thánh danh sách nhưng linh mục tham gia ủy ban, sự hiệp thông cũng như bổn phận mục tử của họ có chu toàn. Vì vậy, hầu hết các giáo phận nhất là phía Bắc, các Giám mục đều cấm linh mục tham gia UBĐKCG.

Đức cha Bùi Chu Tạo (Phát Diệm) tuyên bố, các linh mục chỉ được tham gia hội Chữ Thập Đỏ và Mặt trận Tổ quốc.

Đức cha Vũ Duy Nhất (Bùi Chu) đã có lần gọi linh mục Nguyễn Đức Hiệp (đại biểu Quốc hội và Chủ tịch ủy ban Nam Định) về Tòa Giám mục để đọc gương của linh mục Jean-Bertrand Aristide làm Tổng thống của Haiti và viết kiểm điểm.

Đức cha Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh) chắc cũng không ưa gì tổ chức này nên khi Ngài qua đời, ông Chủ tịch ủy ban Bắc Ninh Nguyễn Văn Hảo đã nói trong hội nghị của UBĐKCG tại Hà Nội ngày 2-1-2007 rằng: Cái chết của giám mục Tuyến đã chấm dứt đau khổ cho ủy ban chúng tôi” .

Đức cha Nguyễn Văn Sang (Thái Bình) thì nói thẳng với những người đến vận động cho lập ủy ban ở Thái Bình: ”Xin cho biết Thái Bình không có UBĐKCG thì thua kém những nơi có ủy ban điểm gì. Nếu UBĐK thực sự có ích lợi, tôi sẽ cử những linh mục giỏi tham gia”.

Đức cha Trọng (Hà Nội) đã trả lời ông Chủ tịch UBĐK Hà Nội xin vào gặp về việc mở hội nghị của ủy ban: ”Nếu ông đến với tư cách giáo dân, tôi xin tiếp ông cả buổi. Nhưng với tư cách ủy ban thì xin miễn vì tôi không có thời gian” .

Một linh mục ở Bùi Chu đến gặp cha Quế ở xứ Hàm Long mượn áo lễ, cha đưa áo mới ra nhưng hỏi lại: ”Cha ra Hà Nội làm gì? Linh mục ở Bùi Chu trả lời: ”đi họp UBĐKCG”. Lập tức cha Quế đổi cho cái áo rách và nói, họp UBĐKG thì mặc áo này hợp hơn.

Nhiều hồi ký của các Giám mục, linh mục gần đây đều có thái độ phê phán tổ chức này. Ví dụ cuốn “Những câu chuyện về một thời” của Đức cha Lê Đắc Trọng, hay cuốn “Câu chuyện về những cây đại thụ” của linh mục Trần Hữu Thanh, Vũ Ngọc Bích (dòng Chúa cứu thế)…

Có những Giám mục có phát biểu có vẻ ủng hộ ủy ban như Đức TGM Nguyễn Văn Bình, nhưng tôi cho rằng, có thể Ngài muốn lợi dụng hoàn cảnh để truyền giáo giống như việc Ngài đã lập ra Ban kinh tế mới ở tòa Tòa Giám mục. Nghe rất “cách mạng” nhưng đấy là một cách đưa linh mục đi đến các vùng đất mới và duy trì đời sống đức tin cho giáo dân ở đây. Ngài cho một số linh mục tham gia vì tin tưởng “họ không bán đứng Ngài” . Nhưng về sau, khi trả lời báo Sài Gòn giải phóng ngày29-4-1995, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã đề nghị các linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi UBĐK vì “nòng cốt phải là giáo dân. Các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ cần thiết” .

Còn ở phía Bắc hầu như không có linh mục nào tham gia ủy ban. Có chăng là những linh mục già yếu, bệnh tật như cha Nguyễn Chu Trình (Phát Diệm), cha Đinh Trí Thức (Thanh Hóa). Có cha cũng “lẩm cẩm” nữa. Ví dụ, một cha ở Hưng Hóa cứ đinh ninh tham gia để được bổ nhiệm là Giám mục. Khi đã có giám mục rồi, lại tin sẽ được là giám mục phó vì công an nói thế! Dĩ nhiên, có cả một số cha buộc phải tham gia vì “scandal” mà không biết vô tình hay hữu ý, Nhà nước đã nắm được chứng cớ. Nay nhiều vị đã mất, nên xin miễn nêu danh tính ở đây.

Đại hội I của UBĐK năm 1983 là đại hội duy nhất có sự hiện diện của 2 giám mục. Các đại hội II, III chỉ có thư “cảm ơn” của các Giám mục khi được mời tham dự. Đại hội IV, không có thư của Giám mục nào. Tôi có may mắn được một nhà nghiên cứu cho xem những thư của các Giám mục về Ủy ban và phát hiện ra nhiều điều thú vị. Ví dụ thư của Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên) viết cho linh mục Võ Thành Trinh: “Tôi có nhận được thơ cha hỏi ý kiến các Đức cha về đường lối của UBĐKCGVN. Tôi thiết tưởng đây là Ủy ban của Mặt trận, nên phải theo đường lối của Mặt rận đề ra. Các Đức cha không nên pha mình vào. Còn như các giáo dân làm việc trong đó thì cứ theo tinh thần công giáo của mình mà hành động thôi”.

Còn Đức cha Phạm Văn Lộc (Kontum) viết:

“Cha cầu mong sự đóng góp chỉ đạo”. Tôi không dám chỉ đạo, nhưng tôi có vài khắc khoải muốn bày tỏ cùng cha chủ tịch:

1- Từ năm 1972 ở vùng giải phóng có nhiều nơi, sinh hoạt tôn giáo hầu như bị đình trệ hoàn toàn, vì linh mục không được phép của nhà nước cho đến làm việc. Tệ hại hơn nữa, có nơi như câu biện, giáo phu… đã và đang bị bắt bớ, hành hạ. Nhà thờ, nhà nguyện nhiều nơi không còn nguyên vẹn mà nếu còn thì giáo dân không được sử dụng vào việc tôn giáo, bị trưng thu vào việc khác.

2- Trong phạm vi hoạt động của mình, các linh mục (cả tôi nữa) đã và đang gặp nhiều khó khăn khi thi hành trách vụ mặc dù hoạt động bị thu hẹp lại chỉ còn mấy giáo xứ trong thị xã mà thôi”.

Đức cha Phạm Văn Thiên (Phú Cường) đề nghị:

1- Đổi tên gọi vì hai tiếng “đoàn kết”và “yêu nước”gây nhiều hiểu lầm. Người ta nói công giáo có chia rẽ đâu mà phải đoàn kết? Người ta cũng nói: ai cũng yêu nước chứ riêng gì các nhân sự trong ủy ban.

2- UBĐKCG chưa nói lên được với chính quyền những quyền lợi chính đáng của người công giáo. Ủy ban chưa bênh vực được quyền lợi tinh thần của người công giáo”

Đức cha Bùi Tuần nêu suy nghĩ:

1- Đại hội cuả UBĐKCG sẽ được tổ chức giữa tháng 10 năm 1990. Cũng trong tháng 10 này, tại Roma sẽ họp THĐGM thế giới. Nếu tại Thượng Hội Đồng này vắng mặt các GMVN thì đại hội UBĐKCG với sự tham gia đông đảo của giới linh mục như vậy ở Thủ đô liệu có thể làm gì để liên hệ đạo đời được tốt hơn hay là dịp để ủy ban bị hiểu lầm tai hại.

2- Đại hội ủy ban sẽ được tổ chức tại Hà Nội, giáo phận Hà Nội nay có Đức giám quản, tức Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng do Tòa thánh bổ nhiệm. Nếu sự bổ nhiệm này không được Nhà nước công nhận, thì các linh mục đi dự đại hội sẽ giải quyết vấn đề làm lễ và đi chào đấng bản quyền thế nào cho tốt đời đẹp đạo?

3- Việc đổi mới đã được khởi động khắp nơi từ mấy năm nay thiết tưởng áp dụng triệt để cho ủy ban ĐKCG. Nếu ủy ban xét thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ cho thời điểm đã qua và nay thấy không cần kéo dài thêm, thì nên tự chuyển mình sang hình thức mới, đáp ứng yêu cầu mới của tình hình mới” (3)

Tôi có nghe một nhà báo công giáo kỳ cựu nói còn nhiều ý kiến sắc sảo nữa nhưng không sao tiếp cận được văn bản. Bây giờ, nếu trước đại hội V của ủy ban mà lại có thư thì thế nào cũng có Giám mục trả lời:

- UBĐKCG có nhiệm vụ phản ánh những nguyện vọng tâm tư của người công giáo mà sao vụ Tòa Khâm sứ, vụ nhà thờ Thái Hà, Hà Đông và rất nhiều nơi nữa vừa qua không thấy ủy ban nói một lời. Hay đấy không phải là nguyện vọng, tâm tư của giáo dân?

(Còn nữa)

GS. Hà Thành

Chú thích:

1- Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội, GS Đỗ Quang Hưng chủ biên, Nxb Tôn giáo, H. 2003, tr. 160.

2- Nguyễn Thế Thoại: Công giáo trên quê hương VN, Lưu hành nội bộ năm 2001, tập 2, tr. 417.

3- Kỷ yếu Đại hội lần thứ II UBĐKCGVN năm 1990, Lưu trữ ủy ban ĐKCG.

GS Hà Thành


Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? (1), (2) & (3) Gs Hà Thành

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/uy-ban-doan-ket-cong-giao-bao-gio-den-hoi-ket/