Trích từ Dân Chúa

Trận mưa thử thách hệ thống chính trị

Nam Nguyên

Nghe 11:05 | Download (1.2 Mb)

WASHINGTON 9/11/2008 -- Không thể nào ngờ là cả hệ thống chính trị của nước VN lại bị thử thách ghê gớm như vậy trước một trận mưa lớn kéo dài 72 giờ đồng hồ.

Hơn 20 triệu mét khối nước xối xả đổ xuống thủ đô Hà Nội gây nên cảnh ngập lụt tồi tệ chưa từng có.

81106Hanoi-flood.jpg

Người Hà Nội tìm mọi cách xoay sở trong nước lụt. (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)
Nghe 11:05 | Download (1.2 Mb)

“Ba ngày thật là khủng khiếp, chưa bao giờ, chưa thấy trận mưa nào khủng khiếp như thế, cứ tưởng tượng nó mưa như mưa đá, mái tôn kêu ầm ầm suốt hai ngày giời mưa không ngớt tí nào, thực sự như vậy không hiểu nước đâu ra mà lắm thế.”

Đó là mô tả của một cư dân Hà Nội với Đài Á Châu Tự Do.

Nhiều câu hỏi

Cũng chính trận mưa ba ngày từ 31/10 đến hết 2/11 cùng những gì diễn ra trong tuần lễ đó, đã làm lòng người chao đảo hoài nghi về khả năng lãnh đạo và quản lý của chính quyền.

Một người dân Hà Nội kể lại cho Đài Á Châu Tự Do:

“Thiết kế đường ống thoát nước của Hà Nội quá cổ rồi từ thời Pháp. Mình xây dựng mới mà chưa có gì cải tạo cả, có khi còn bị hẹp hơn so với cái cũ. Ao hồ thì lấp đi nhiều, cho nên cái chuyện này đương nhiên là xảy ra rồi, tức là biết trước rồi nhưng khắc phục thì phải… dài… dài.”

Những bức ảnh được các báo tải lên mạng đã làm độc giả xúc động, thương cảm xen lẫn cả sự bất bình uất ức. Đường phố thành sông, xe ô tô ngập tới kính, người đi bộ nước ngang ngực là chuyện thường.

Những bài báo trên mạng nêu ra những câu hỏi lớn: Chính quyền đã ở đâu làm gì khi nước ngập toàn bộ Hà Nội, sự phản ứng một cách bị động thiếu chuyên nghiệp về công tác cứu hộ phòng chống thiên tai của chính quyền Hà Nội, có thể xem là trách nhiệm về những cái chết thương tâm của 22 nhân mạng là cư dân thủ đô.

Trong đó có cả những cái chết của trẻ em đi trên đường phố bị sa chân xuống cống thoát nước, hoặc người đi làm bị nước cuốn trôi mà sau này mới tìm thấy thi thể.

Các Đại Biểu quốc hội đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội tự nhìn lại mình khi để xảy ra ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề. Chính quyền phải có lời hứa, cam kết giải quyết triệt để những hệ lụy của trận lụt được gọi là đại hồng thủy. Đó là phần dẫn nhập trong một bài tường thuật được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 3/11, ngày thứ tư của trận lụt lịch sử ở Hà Nội.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội được Vietnam Net trích thuật rằng: “Nhân dân thông qua hệ thống bầu cử đã trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra những người lãnh đạo thành phố, thì cũng có quyền đòi hỏi lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc chịu trách nhiệm về toàn bộ những gì diễn ra trong thành phố của mình.”

Trả lời chúng tôi về vấn đề trách nhiệm của chính quyền trong việc ứng phó với vụ ngập lụt gây quá nhiều thiệt hại ở Hà Nội, TS Nguyễn Quang A, Viện Trưởng viện nghiên cứu phát triển một tổ chức tư nhân đã phát biểu:

“Cũng phải nói thực, một trận mưa kéo dài thường mọi năm cả tháng mới mưa được khoảng vài trăm milimét mà đằng này trong ba ngày mà trên 500 mm, thì đúng là một hiện tượng rất là đột xuất. Nhưng mà chính cái đột xuất này thì mới làm bộc lộ ra những thiếu sót ấy.

Tôi nghĩ chính quyền thành phố, cái này nó cũng đã kéo dài cả nhiều chục năm nay rồi chứ không phải là chính quyền mới đây. Nói chung là các chính quyền thành phố kế tiếp nhau họ chưa quan tâm một cách đầy đủ về khiá cạnh này.”

Trách móc và Xin lỗi

Trong những ngày ngập lụt ở thủ đô, Vietnam Net và VNExpress là hai tờ báo mạng có nhiều thông tin và hình ảnh để phục vụ người đọc. Nhưng cũng chính trên Vietnam Net, những phát biểu của ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính Trị bí thư thành ủy Hà Nội đã gây ra sự bất bình lớn trong công luận.

Trong khi người dân đang khốn khổ vì thành phố bị ngập lụt vào tới tận nhà nhưng ông Phạm Quang Nghị đã trả lời báo chí rằng, thiên tai thì không tính trước được, chỉ dự phòng với tần suất trung bình thôi, còn với đỉnh lũ cao thế này thì không dự phòng trước được.

Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh rằng, kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở, ông nhận thấy là nhân dân bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà Nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.

Trong bài, ông bí thư thành ủy Hà Nội cũng chống chế thiếu thuyết phục, trước câu hỏi về sự phản ứng chậm chạp của ban lãnh đạo thành phố, dẫn tới những cái chết thương tâm xảy ra, như trường hợp em bé chết trên đường đi tới trường.

Ba ngày sau khi trả lời phỏng vấn trên Vietnam Net, ngày 5/11 cũng trên báo điện tử này nhà báo một lần nữa có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Nghị bí thư thành ủy Hà Nội, tạo cơ hội cho ông nói lời xin lỗi vì những phát biểu mà theo ông đã gây nên sự bức xúc và phê phán trong công luận.

Điểm kỳ lạ là chính nhà báo cũng phải lên tiếng xin lỗi nhận thiếu sót vì đã nhanh chóng đưa lên mạng bài phỏng vấn làm dư luận bất bình. Thật là trớ trêu thay vì tự hào đã thông tin nhanh và trung thực, Vietnam Net đã phải nhận thiếu sót.

Có lẽ là sự thiếu sót đã đưa tin quá trung thực nhưng làm cho ông Phạm Quang Nghị bị dư luận phê bình, trong khi ngoài tư cách bí thư thành ủy Hà Nội, ông còn là một trong 14 ủy viên Bộ chính trị cơ quan quyền lực cao nhất trên thực tế của chế độ VN.

Bao giờ hết ngập

Ngày 2/11 ngày thứ ba của trận lụt ở Hà Nội, Thanh Niên Online có bài viết mang tựa “Hôm nay đã hết ngập chưa?” có thể xem đây là một bài phiếm luận khá mỉa mai, đối với vấn đề qui hoạch và phát triển TP Hà Nội.

Tờ báo mô tả, Khu vực quanh Big C qua Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ngập tủm trong nước, ô tô trôi lềnh bềnh, hàng trăm người đứng chịu trận trong lúc mưa như trút nước.

Nơi xảy ra quang cảnh bi hài là khu vực tọa lạc một biểu tượng kiến trúc nhà nước được giải thưởng, trong một quần thể xây dựng mới được qui hoạch để có dáng vóc hiện đại tương xứng với một thủ đô loại lớn trên thế giới.

Đau xót hơn là câu chuyện về một bác sĩ trẻ chết trôi vì “nước lũ” trên đường tới cơ quan đóng tại khu đô thị mới Mỹ Đình.

Thanh Niên Online nhấn mạnh, điều tương phản mà nhiều người phát hiện ra là chính những khu phố cũ, phố cổ được xây dựng từ thời Pháp dành cho một số dân cư trú ít hơn rất nhiều so với hiện nay vẫn chứng tỏ được khả năng thoát nước nhanh chóng hơn cả trong những ngày qua.

Thanh Niên Online thêm rằng, dù chưa nói lên toàn bộ mức độ nghiêm trọng của sự kiện được người Hà Nội quan tâm nhất trong vòng 72 giờ qua tính đến đêm 2/11, vài dẫn chứng thực tế vừa nói cũng nên khiến các nhà quản lý đô thị có tự trọng phải đặt câu hỏi cho mình: Những năm qua họ đã làm gì để thành phố này thành một nơi đáng sống hơn? Hàng nghìn tỷ đồng đổ ra những năm qua, cả tiền thuế của dân, cả tiền đi vay nước ngoài, lẽ nào để đổi lấy một kết cấu hạ tầng như vậy?

Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc ngập lụt có thể là tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, TS Nguyễn Quang A một nhà nghiên cứu các chính sách phát triển nhận định:

Có thể kế hoạch không được tốt không được phù hợp.Thí dụ, phát triển đô thị lẽ tự nhiên là khu nào trũng thì nước phải để chạy theo chỗ trũng, thì mình lại đi lấp chỗ trũng xây thêm nhà. Rồi xây thêm đường xá, thêm nhà, tức là ngăn cách dòng chảy tự nhiên của nước.

Chuyện này không chỉ ở Hà Nội mà TP.HCM cũng như vậy, nó dốc từ bắc xuống nam, từ tây sang đông chẳng hạn, trong khi mình lại xây dựng nhiều đô thị ở khu vực phiá nam chẳng hạn. Nó tạo thành một cái đê nhân tạo ngăn dòng chảy thì sẽ rất là nguy hiểm. Lẽ ra phải cho nó chảy dọc theo hướng, con đường lẽ ra hướng bắc nam thì mình lại đi làm theo hướng đông tây để chặn lại.

Tôi nghĩ những vấn đề có tầm lớn thì phải xem xét lại một cách rất căn bản, vì chuyện đó nó sẽ có ảnh hưởng năm bảy chục, một trăm năm đối với con cháu.”

Trong bài phiếm “Hôm nay đã hết ngập chưa?”, ngoài vấn đề qui hoạch phát triển đô thị mà Thanh Niên Online phê bình chua chát; Tờ báo còn mô tả cảnh sự nhếch nhác của Hà Nội lụt gọi là kiểu thế giới thứ ba phiên bản Phi châu.

Tờ báo nhận xét rằng, trong những lúc nguy cấp cấp nhất, đã không thấy lực lượng phản ứng nhanh ở chỗ đang cần tới họ, không thấy cảnh sát giao thông tăng cường tại những giao lộ kẹt cứng dòng xe cộ, không thấy nhân viên công lực và tình nguyện viên dùng phương tiện phù hợp đưa người dân ra khỏi những ốc đảo bị nước cô lập hay bến xe, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, khu dân cư ngập sâu, và tại sao không cung cấp nước uống, thức ăn nhanh cho những người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ có nhu cầu đang bị kẹt.

Sau những ngày ngập lụt, nước đã rút dần ở nhiều nơi, dù nhiều khu vẫn còn phải lội nước, không điện không nước sạch. Nhu cầu cấp bách là vấn đề cung cấp thực phẩm và tổng vệ sinh trước nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như dịch tả, thương hàn, đau mắt.

Tuy vậy, theo các thông tin trên mạng thì điều mà chính quyền Hà Nội và ngay các vị lãnh đạo Nhà Nước đang lo ngại là khả năng vỡ đê, khi ấy nếu có cứu được một phần Hà Nội thì lại phải hy sinh các tỉnh các khu vực lân cận.

Cho đến ngày 6/11, khoảng 10 ngàn hộ dân Hà Nội trong đó có 97 hộ nội thành đã được sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm. Đây là dân cư thuộc quận Hoàng Mai, huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Thanh Oai.

Vn Express cho biết, chiều 6/11 quân đội đã vào cuộc với 1.000 binh sĩ triển khai ở 10 huyện trọng điểm để bảo vệ đê và tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo Hà Nội cũng đã lên phương án di dân trong tình huống xấu nhất, nếu có mưa lớn làm vỡ đê.

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/tran-mua-thu-thach-he-thong-chinh-tri/