Trích từ Dân Chúa

Toàn văn bài giảng của Cha Nguyễn Thể Hiện- Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà

Ngọc Loan

Thái Hà:

Bài trích Phúc Âm theo thánh Matthêu

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chủ nhà kia. .....

Hay vì thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen tức?” thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”. Đó là Lời Chúa.

Kính thưa Cộng Đoàn phục vụ, có lẽ thời khắc này là một trong những thời khắc đặc biệt trong lịch sử của Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta. Và vì vậy cũng là một trong những thời khắc lịch sử đặc biệt của đời sống đức tin, của đời sống cộng đồng của tất cả chúng ta. Và hơn lúc nào hết đây là lúc chúng ta cần phải được lặng thinh trong Chúa và chiêm niệm quyền năng của chính Thiên Chúa chúng ta.

Trong Bài Đọc thứ nhất hôm nay trích trong sách Ngôn Sứ Isaia, chương 55 câu 6 đến câu 9, ngôn sứ Isasia chương 55 là của ngôn sứ Isaia đệ nhị. Isaia đệ nhị là một ngôn sứ vô danh, mà phần sách của ông được gắn vào phần sách của ngôn sứ vĩ đại tên là Isaia.Người ta chẳng biết ông Isaia đệ nhị tên riêng là gì cho nên người ta gọi là Isaia đệ nhị. Isaia đệ nhị là một ngôn sứ lưu đầy cùng với dân tộc mình ỏ Babylon, là một ngôn sứ cùng với dân tộc mình cảm nghiệm tình trạng bi đát của dân tộc mình trong chốn lưu đầy. Người Do Thái sau những huy hoàng của lịch sử thương mại, kinh tế chính trị và tôn giáo nữa. Và cả trong những thành công hay thất bại lớn lao trong lịch sử, thì dân tộc Do Thái lúc bấy giờ đã rơi vào một tình trạng hết sức bi đát. Đất nước của họ bị người Babylon thôn tính, đền thờ bị phá tan hoang. Những của Thánh trong đền thờ bị đưa về Babylon, người ta dùng cả những chén thánh trong đền thờ để mà nhậu mà xỉn với nhau trong đền Vua Babylon. Dân Do Thái mất tất cả từ vua cho đến dân đã dắt díu nhau làm một đoàn người bị đi lưu đầy, làm tôi mọi ở Babylon. Trong cái hoàn cảnh khó khăn ấy, trong cái hoàn cảnh tưởng là mất tất cả ấy, trong cái hoàn cảnh tưởng là không còn gì về phương diện tôn giáo, cả về phương diện chính trị và xã hội. Trong cái hoàn cảnh bị lưu đầy như vậy, ngôn sứ Isaia đệ nhị xuất hiện giữa đám dân lưu đầy, và ông nói cho dân Chúa biết chương trình của Thiên Chúa, nhìn bề mặt bên ngoài của lịch sử,. Dân Do Thái bấy giờ mất tất cả, kinh nghiệm bị sự lột bỏ tất cả, kinh nghiệm bị sự thất bại hoàn toàn. Đó không chỉ là kinh nghiệm của người Do Thái xưa, đó là kinh nghiệm của tất cả những con người, những cộng đồng thờ phượng Thiên Chúa cả sau này nữa. Đó cũng là kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu. Thành ra chính kinh nghiệm của những người Do Thái bi lưu đầy khi Isaia đệ nhị đã cùng đi với họ. Kinh nghiệm đó nó trở thành như là hình mẫu của kinh nghiệm của tất cả những con người đặt niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng mà thấy bề ngoài là mất tất cả.

Chính Chúa Giêsu Kitô trên thập tự đã là Đấng đã kinh nghiệm thế nào xem như bị Thiên Chúa, thế nào là bị thất bại hoàn toàn, thế nào là bị lột bỏ hoàn toàn. Và lịch sử của Giáo Hội từ xưa đến nay cũng vẫn vậy, lắm khi Giáo Hội thật là vinh quanh, nhưng thường khi là một giáo hội bị bách hại, một Giáo Hội ở vào thế yếu, một Giáo Hội bị lột bỏ tất cả. Ngay hiện nay cũng vậy trên nhiều nơi trên thế giới, trong đó có toàn Tổng Giáo Phận tại Hà Nội này.

Vậy trong cái hoàn cảnh bị lưu đầy như thế của dân Do Thái, ngôn sứ Isaia suy niệm về bản chất của lịch sử, suy niệm về uy quyền của Thiên Chúa trong lịch sử. Lịch sử xem ra bị chi phối bởi những quyền bính kinh tế, chính trị. Lịch sử xem ra được điều hành bởi qui luật kẻ mạnh được kẻ yếu thua. Lịch sử xem ra được chi phối bởi qui luật những kẻ có tiền, kẻ có quyền thì chà đạp lên con người yếu đuối, con người không có khả năng tự vệ, những con người nghèo khổ. Và cái lịch sử như thế, cái bề ngoài như thế xem ra vẫn còn tiếp diễn cho đến hiện nay, và sẽ còn tiếp diễn lâu lắm trên thế giới này. Lịch sử bề ngoài là như vậy, nhưng sâu xa ở bên dưới, ngôn sứ Isaia nhận ra một điều khác rằng là chân lý mà ngôn sứ Isaia muốn nói với chúng ta trong đọan văn mà chúng ta đọc hôm nay. Thứ nhất là ở sâu bên dưới cái lịch sử mà ta thấy có vẻ như là lịch sử của những kẻ mạnh, ở sâu bên dưới cái lich sử mà ta xem thấy như là lịch sử của những kẻ có quyền, là quyền bính của chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Đấng điều phối lịch sử này, Thiên Chúa mới là Đấng có thể vẽ đường cong hay là những đường ziczac. Chính Thiên Chúa mới nắm vận mệnh của lịch sử trong tay, mà nếu Thiên Chúa có kiên nhẫn trước tình trạng kẻ mạnh thắng, trước tình trạnh kẻ mạnh có thể chà đạp người yếu, ấy là lòng nhân lành của Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi con người với tất cả sự tự do của mình quay trở về với Thiên Chúa. Vậy trong cái hoàn cảnh như thế, ngôn sứ Isaia công bố: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối củaq Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy”. Vậy người tin vào Đức Chúa, người tin vào Thiên Chúa là người được mời gọi rằng qua cái bề ngoài của lịch sử thì chính Thiên Chúa mới là Đấng cầm nắm vận mệnh trong tay. Vượt qua cái bề ngoài của những bất công, ta biết chính Thiên Chúa mới là Đấng thiết lập công lý và hòa bình cho chúng ta. Vì vậy những người tin vào Thiên Chúa cũng giống như như những người Do Thái xưa được mời gọi sống niềm tin vào một vị Thiên Chúa ẩn mình, một vị Thiên Chúa xem ra có vẻ như đang bất lực trước sự dữ, nhưng kỳ thực là vị Thiên Chúa đang dùng chính sự dữ của con người, đến cả tội lồi của con người để cứu con người. Một vị Thiên Chúa có khả năng mạnh mẽ đến nỗi con người có thể kiên nhẫn trước những cảnh khốn khổ của dân Người, chỉ để cứu dân Người và chỉ để tỏ bày quyền uy của Người.

Đức tin không nằm ở chỗ là ta thấy, mà đức tin nằm ở chỗ ta tin điều ta không thấy bằng mắt thường. Mà kinh nghiệm lịch sử chứng minh cho chân lý đức tin. Giáo hội khởi thủy là nhóm những người bần hàn, nghèo khổ và thất học. Giáo hội khởi thủy là những con người sống chui sống nhủi. Nếu anh chị em đã có dịp đến Roma, đi vào những vùng bây giờ gọi là Catacomb mà đi xuống, chúng tôi cũng đã đi thăm địa đạo Củ Chi mà so với Catacomb tại Roma thì đó chỉ là trò con nít. Tại Catacomb chúng ta phải đi mấy chục mét sâu dưới đất, ở đấy chúng ta vẫn gặp những nhà nguyện, ở đấy chúng ta sẽ gặp nơi chốn ngày xưa các Đức Giáo Hoàng phải ẩn thân. Catacomb vốn là một khu nghĩa địa của người Roma xưa. Những người Kitô hữu đầu tiên xưa bị bách hại đến độ phải chui xuống ở dưới đất, sống như một lũ chuột ở dưới đất vậy., Sống ở mấy chục mét ở dưới mặt đất, một nhóm người như thế tưởng là sẽ không thể nào đứng vững nồi trước cường quyền của đế quốc Roma, nhưng nhóm người ấy đã trở thành nhân tố quan trọng nhất, đỡ lấy cái lịch sử của cả nhân loại này, văn minh của nhân loại cho đến bây giờ. Phần lớn mà phần rất quan trọng, cách riêng là văn minh Tây Phương được đặt nền trên những giá trị Kitô Giáo, bắt đầu bởi những con người sống lũ chuột ở dưới mấy tầng hầm ở Catacomb kia thưa quý anh chị em!

Đấy là một bằng chứng của lịch sử cho thấy Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng, bằng những đường cong, có khi cong queo chẳng có đường có lối gì. Đường lối của Thiên Chúa cao cả và cao vời hơn đường lối của con người, đường lối của chúng ta rất nhiều. Đó là điều thứ nhất ngôn sứ Isaia đệ nhị trong cảnh lưu đầy muốn nói với chúng ta.

Điều thứ 2, ngôn sứ Isaia đệ nhị nói với chúng ta đó là “ Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có, mà trở về với Đức Chúa, và người sẽ xót thương, vễ với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ”.

Hỡi những kẻ gian ác trong đó có cả chúng ta nữa, hỡi những kẻ bất lương trong đó có cả chúng ta nữa. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta được mời gọi hãy quay trở về với Thiên Chúa, hãy tận dụng thời gian mà Thiên Chúa kiên nhẫn trước sự gian ác của con người. Bởi vì sự kiên nhẫn ấy có mục đích bày tỏ lòng xót thương, bày tỏ ơn cứu độ. Sẽ đến một ngày sự kiên nhẫn đó chấm dứt, sẽ đến một ngày mà những kẻ mạnh mẽ nhất trên thế gian này phải đi vào cõi chết. Cái ngày ấy, cái giờ ấy ta không thể quay đầu trở lại được nữa. Cái giờ ấy sẽ là cái giờ mà ta không còn gặp được một vị Thiên Chúa nhân lành nữa mà sẽ gặp một vị Thiên Chúa công thẳng.

Vậy nếu còn thời gian ở thế gian này, là còn thời gian mà chúng ta để quay đầu trở lại. Vậy tất cả những ai là những kẻ bất lương, những ai là những kẻ gian ác, mà tất cả chúng ta cách này hay cách khác, ở mức độ này mức độ khác, vẫn là những người chưa hòan toàn lương thiện, vẫn được mời gọi quay trở về với Thiên Chúa. Để nói như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Để chính Đức Kitô chính là sự sống của chúng ta, chính Đức Kitô sẽ là sức mạnh của chúng ta, kính thưa anh chị em.

Và đấy là một vài điều mà Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta. Đọc Lời Chúa, những tư tưởng của Lời Chúa áp dụng trong hoàn cảnh cụ thế đối với chúng ta như thế nào, thưa anh chị em? Sách xưa bảo, Đức Khổng Phu Tử bảơ”Thiên dụng nhân, chi tương ái tương lợi, nhi bất dụng nhân chi tương ố tương phản giã”. Nghĩa là ông trời muốn con người ta tương ái tương lợi tức là yêu thương lẫn nhau làm lợi cho nhau, chi bất dụng tức là ông trời không muốn, nhân chi tương ố tức là người ta làm hại nhau. Trời muốn cho người ta yêu nhau làm lợi cho nhau, chứ không muốn cho người ta ghét nhau và làm hại nhau, ngay cả những con người không có lòng tin vào Kitô Giáo như Đức Khổng Phu Tử, vì bấy giờ Kitô Giáo vẫn chưa xuất hiện để truyền Trung Quốc. Thì với cái lương tri bình thường của con người, với cái tâm thành đi tìm sự thiện, Đức Khổng Phu Tử đã có thể nhận ra ý của trời, cuộc đời của người ta là gì, và muốn người ta làm lợi cho nhau chứ không muốn người ta ghét nhau và làm hại nhau. Ngay cả những con người không có lòng tin Kitô Giáo cũng biết rằng sự gian dối không thể làm căn bản để xây dựng xã hội, xây dựng lịch sử. Ai trong chúng ta cũng vậy thôi, mình có thể là người nói dối, nói dối nhiều lần, nhưng mình mà phát hiện ra người nào nói dối mình thì mình chịu không nổi. Cái lương tâm của một con người bình thường, cái lương tri của một con người bình thường chứ chưa có những con người tin vào Chúa Giêsu Kitô dậy cho chúng ta biết rằng sự gian dối không thể xây dựng xã hội, xây dựng đời sống cá nhân, cũng như đời sống cộng đồng, đời sống gia đình.

Vậy nếu như xã hội chúng ta vẫn còn được xây dựng trên cơ sở của một sự gian dối, thì lúc bấy giờ xã hội chúng ta trong thực tế đã đi vào trong bế tắc và sẽ bị sụp đổ vì chính những sự gian dối đó. Nếu gia đình của chúng ta không phải xây dựng trên sự thật mà là trên sự gian dối, thì gia đình của chúng ta sẽ suy sụp. Nếu đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta, không được xây dựng trên sự thật mà xây dựng trên sự gian dối thì lúc bấy giờ chúng ta cũng sẽ bị suy sụp trong đời sống cá nhân, đó là quy luật mà sự thật thì đôi khi hết sức đơn giản.

Tôi lấy thí dụ một sự kiện đang xảy ra đối với chúng ta, sự thật là Tòa Giám Mục vẫn còn giữ đầy đủ giấy tờ sở hữu cái thưở đất của số 42 Phố Nhà Chung. Sự thật là ngày xưa Tòa Giám Mục Hà Nội đã cho Đức Khâm Sứ của Tòa Thánh, khi Đức Khâm Sứ đến làm việc tại Hà Nội mượn cái thưở đất ấy để làm văn phòng và sự thật là trước khi Đức Khâm Sứ rời Việt Nam, người đã trả lại cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội mảnh đất ấy. Sự thật là cho đến bây giờ mảnh đất ấy vẫn là mảnh đất thuộc quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám Mục và cũng một sự thật khác là cho đến bây giờ từ nhiều năm nay Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội không được xử dụng cái mảnh đất vốn là của mình và đang là của mình. Sự thật là ngày hôm qua, ngay từ 4 giờ sáng đã chặn 2 đầu của Phố Nhà Chung, với lực lượng cảnh sát cơ động, với xe ủi, với cả chó nghiệp vụ nữa, người ta canh giữ để vội vã làm ở đấy một vườn hoa để nói làm vườn hoa đó là chính nghĩa. Sự thật là người ta đã phải vội vã và góp phần lén lút để làm điều đó, đó là sự thật thưa anh chị em.

Sự thật là Đức Tổng Giám Mục đã lên tiếng, để khiếu nại để phản đối cái hành vi ấy đó là sự thật thưa anh chị em.Và chúng ta được mời gọi tôn trọng cái sự thật đó, tôn trọng cái sự thật rằng chính Tòa Giám Mục chứ không phải ai khác, đang làm chủ sở hữu đích thật của mảnh đất ấy.

Cũng vậy sự thật là có một ngày nọ theo lời Đức Tổng Giám Mục mới kể, và trên đài cũng như trên internet đã tường thuật, một ngày nọ họ đã mời tất cả kể cả giám mục Nguyễn Văn Căn, sau này là Đức Hồng Y Nguyễn Văn Căn cho đến nhân viên rốt hết trong Tòa Giám Mục đi họp. Và sau một buổi họp về đến nhà thì người ta xây bức tường ngăn giữa Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ bây giờ đấy. Đã được xây lên sự thật là như vậy.

Sự thật là mảnh đất của chúng ta đây, cha già Vũ Ngọc Bích chẳng bao giờ ký giấy bàn giao. Sự thật là cha già Vũ Ngọc Bích ở cái tòa nhà bây giờ là bệnh viện Đống Đa cho đến năm 1973. Sự thật là mãi đến thập niên 90, người ta xây một căn nhà bé bé chống mấy cây cột và cha già Bích chống gậy cóc cóc ra cản và người ta đã không xây được. Nếu xưa Cha già Bích đã ký giấy bàn giao, thì người ta chỉ cần nói một câu: “Cụ à, cụ đã ký giấy rồi mà”. Thì một con người tốt lành có lương tri như cha già Bích sẽ chống gậy đi về thôi. Sự thật là ngài chẳng bao giờ ký cho nên ngài có thể làm. Như vậy, sự thật là cha già Bích đã không hề hiến gì, sự thật là Nhà Dòng Chúa Cứu Thế vẫn là chủ và là sở hữu toàn bộ khu đất này. Thế mà sự thật ấy chúng ta miệt mài đi tìm vẫn không đạt được, sự thật ấy vẫn không được tôn trọng.

Chúng ta cần phải xây dựng đời sống cộng đồng, đời sống gia đình, đời sống cá nhân, trên nền tảng của sự thật và đó mới là con đường hợp với ý của Thiên Chúạ Có điều là để xây dựng đời sống chúng ta trên sự thật ấy, chúng ta đôi khi phải chiến đấu với những sự gian dối vốn đầy dẫy trên thế gian. Thưa anh chị em, trong khi đi chiến đấu với sự gian dối đó, thì đâu là con đường của chúng ta. Tôi không muốn nói đến luân lý Kitô Giáo, tôi chỉ muốn nói đến ngay con đường của Đức Khổng Phu Tử: “Thiên dụng nhân chi tương ái tương lợi”, trời muốn người ta thương nhau và làm lợi cho nhau, “nhi bất dụng nhân, chi tương ố tương phản giã” người ta ghét nhau và làm hại nhau. 60,000 mét vuông đất của Dòng Chúa Cứu Thế và do giáo xứ Thái Hà này đã được xử dụng rất nhiều vào những công việc, bệnh viện Đống Đa còn đây, kho bạc còn kia, ủy ban nhân dân phường còn kia, trụ sở Hội Chữ Thập Đỏ còn kia, và còn biết bao nhiêu cơ sở khác còn đây. 60,000 mét vuông ấy chúng tôi đâu có xin hết.

Có một người kia có 6 hecta đất, ngày nọ người anh em đến trồng đất xây nhà xây cửa trên ấy mấy chục năm, khi người chủ sở hữu về già bèn xin lại một lẻo đất nho nhỏ và bảo “anh để cho tôi một lẻo đất ấy, tôi xây cái từ đường thờ bố tôi”. Cái người đã dùng mảnh đất mấy chục năm ấy bèn sừng cổ lên nói với ông chủ sở hữu đích thật rằng: “này anh đừng có đi ăn cắp nhớ, đất này là đất của tôi”. Anh chị em thất có hợp đạo lý không? Chắc là không.

Có một người kia có 6 sào ruộng, người ta đã trồng cấy ở trên đấy 50 năm, bây giờ xin lại một mảnh đất nho nhỏ để mai táng bố mình. Người nọ xài mấy chục năm rồi bây giờ quay lại với đạo lý uống nước nhớ nguồn bảo với người chủ sở hữu đích thật “Thôi hãy nhường lại cho chủ sở hữu một mảnh đất nhỏ để nó chôn bố nó”. Bây giờ anh đã không làm như thế mà đứng lên chửi bới, thì kẻ ấy có phải là kẻ uống nước nhớ nguồn không? Ăn quả nhớ kẻ trồng cây không? hay là kẻ ăn cháo đái bát thưa anh chị em.?

Thôi không nói vấn đề pháp lý, tôi chỉ nói vấn đề đạo lý. Cũng tương tự như vậy đối với khu 42 Phố Nhà Chung, chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh ở đó, chúng ta được mời phải tôn trọng sự thật, tôn trọng đạo lý, tôn trọng công bình. Mà đời sống gia đình cũng vậy thưa anh chị em chứ không phải đời sống xã hội. Những người vợ vất vả ngày đêm, không mong gì hơn là người chồng hãy trân trọng sự vất vả ấy. Những người chồng làm việc vất vả không mong gì hơn là khi về nhà được hưởng một nụ cười tươi của vợ, được thấy vợ con trân trọng đến nỗ lực của mình, có khi là những thành công, có khi là những thất bại nhưng mình đã làm hết mình cho gia đình. Sự thật là mình đã sống hết mình cho vợ con, vợ con chỉ cần nhớ đến điều đó. Đấy là tôn trọng sự thật và gia đình sẽ êm ấm. Những người anh, người em đã giúp nhau khi còn trẻ, khi về già tiếp tục giúp nhau trong tình anh em. Và mỗi người tôn trọng sự thật là mình cần đến người khác. Điều đó sẽ làm cho gia đình chúng ta hòa thuận, v.v.và v.v. Nhưng người con không thể tát vào mặt bố mình hay mẹ mình được, sẽ không thể bất hiếu với bố mình hay mẹ mình được. Nếu chúng ta thừa nhận trên một sự thật rằng, ta có mặt trên đời này là nhờ công ơn của bố mẹ. Thành ra nếu đời sống gia đình, đời sống cá nhân không được xây dựng trên sự thật, trên công lý thì chúng ta sẽ suy sụp.

Vậy thưa anh chị em, hôm nay trong hoàn cảnh đặc thù của Tổng Giáo Phận chúng ta, trong hoàn cảnh của Giáo Xứ Thái Hà chúng ta. Chúng ta được mời gợi đặt đời sống đức tin, đời sống tôn giáo của mình vào trong cái khung cảnh này để suy niệm về đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa đang uốn, đang vẽ những đường thẳng, những đường cong. Ta không biết Người vẽ thế nào, ta chỉ biết chắc một điều là nếu đường lối của Thiên Chúa cao hơn đường lối của con người. Nếu Người là chủ của lịch sử thì chắc chắn Người sẽ thắng. Và vì chúng ta tin là sự thật sẽ thắng, thì chúng ta sẽ cống gắng xây dựng đời sống ca nhân, đời sống gia đình và đời sống xã hội trên sự thiện và sự thật. Cho dù bề ngoài xem ra sự thiệt và sự thật đang yếu thế. Nhưng chính Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ đầu hết sẽ phải xuống hàng chót, và kẻ hàng chót sẽ phải lên hàng đầu. Chính Người sẽ làm cho công cuộc đi tìm sự thật, và tôn trọng sự thật của cá nhân cũng như của cộng đồng chúng ta đạt đến đích.

Xin Đấng Giêsu là Đấng đã đổ máu ra để làm chứng cho sự thật giúp cho chúng ta kiên vững trong cuộc tìm kiếm và sống sự thật trong đời sống cá nhân, trong đời sống gia đình và trong đời sống xã hội. Amen
Ngọc Loan

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/toan-van-bai-giang-cua-cha-nguyen-the-hien-dong-chua-cuu-the-tai-thai-ha/