Trích từ Dân Chúa

Tòa Khâm Sứ... Những địa danh mới của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam

JB Nhật Anh

Chiều nay tôi có mặt ở Toà Khâm sứ để tham gia buổi cầu nguyện cùng với một số giáo dân trước tượng Đức Mẹ ở cổng Toà TGM. Phía bên kia hàng rào sắt và dây thép gai vẫn có sự canh chừng của đội ngũ cảnh sát cơ động và bên trong sân trước Toà Khâm sứ, công trường vẫn đang được triển khai hối hả. Số lượng cảnh sát mặc sắc phục ngồi trong đó, nói cười hỷ hả, có đồng chí trong khi làm nhiệm vụ vẫn tranh thủ hút thuốc và thỉnh thoảng lại đưa mắt sang phía giáo dân đang âm thầm cầu nguyện và hát thánh ca phía bên kia hàng rào. Một công viên cây xanh đã được hình thành với cột điện, đá lát, cỏ và hoa thật không giống những vườn hoa toàn giả cứng queo dựng lên ở một số ngã tư, hay khu vực công cộng trước tượng Lênin, đường Hoàng Diệu, ngã tư Kim Mã…trang hoàng cho thành phố mỗi dịp có ngày kỷ niệm gì đó. Tôi nhìn vào phía trong dưới tán cây đa, tượng Đức Mẹ Sầu Bi vẫn toạ lạc ở nơi đúng nơi mọi người đã dựng cuối năm ngoái. Mẹ vẫn âm thầm nhìn về phía con cái mẹ đang cầu nguyện liên lỉ trong tiếng gào thét của máy móc và khói bụi từ khu nhà phía sau đang bị phá gần hết. Tôi nhìn thấy người ta đang lăn sơn mới cho Toà Khâm sứ. Tôi thấy yên tâm hơn khi thấy Mẹ vẫn còn ở đó bên Toà Khâm sứ như đang bảo vệ cho khu đất linh thiêng này. Dù khu vực này sẽ trở thành vườn hoà trong nay mai, thì tượng của Mẹ dưới cây Đa cổ thụ và Toà Khâm sứ sẽ mãi là chứng tích hùng hồn trong những thăng trầm của lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tôi cũng xác quyết rằng cũng giống như Toà Khâm sứ, Linh địa Đức Bà ở Thái Hà sẽ luôn và mãi là nơi linh thiêng của Đức Mẹ bởi vì nơi đó là đất Thánh và đã chứng kiến niềm tin kiên vững, lòng can đảm, sự nhẫn nhục và tình hiệp thông sâu sắc của giáo hội mà không một thế lực trần gian nào có thể chia cắt và huỷ diệt được.


Phải chăng những gì vừa diễn ra cũng nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Có giáo dân đã nói rất đúng rằng nhờ có những sự kiện này mà cả thế giới biết tới Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội và bộ mặt giả hiệu của chính quyền cs Việt Nam bị lộ tẩy. Giờ đây nhiều người sẽ biết tới những địa danh nổi tiếng mới của Hà Nội bên cạnh Hồ Gươm và Tháp Rùa là vườn hoa của TKS và công viên của Dòng Chúa Cứu Thế. Những địa điểm này cùng với những hình ảnh về những buổi cầu nguyện sẽ được lưu giữ và ghi thêm vào những trang sử của giáo hội công giáo Việt Nam như một minh chứng về sự lớn mạnh của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến của các tín hữu Việt Nam trong những năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ 3. Rồi đây khi tới thăm những nơi này, nhiều người sẽ được nghe kể về những chuyện “thật như bịa” về sự giả trá, gian manh, hèn hạ của chính quyền cs thực hiện đối với giáo dân ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến trong thời gian chuẩn bị kỷ niệm Ngàn năm Thăng long. Họ cũng được nghe về những con người phó thác vào Chúa để đi tìm sự thật và công lý tại đất nước Việt Nam đầy rẫy bất công này. Hình ảnh man rợ của chiến tranh với dây thép gai, mũ sắt, dùi cui, chó nghiệp vụ sẽ còn ám ảnh những người giáo dân rất lâu sau này. Còn ánh nến lung linh của những đêm cầu nguyện bên Mẹ sẽ là những hình ảnh đẹp theo họ mãi mãi như niềm tin vào Thiên Chúa của họ.

Sự hiện diện vô cùng đông đảo của các tín hữu Chúa tại Thái Hà và Toà Khâm sứ trong những ngày sóng gió này là tiếng nói đanh thép đối với bạo quyền cs và cũng là cách biểu hiện sống động nhất lòng yêu mến Chúa và sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Trong những ngày tới, chính quyền có thể còn dùng những biện pháp khủng bố tinh thần khốc liệt hơn, đê tiện hơn hòng đè bẹp ý chí và tình hiệp thông của cộng đồng dân Chúa, nhưng đó lại chính là cơ hội tốt cho Giáo hội tôi luyện và vững mạnh hơn trước mọi thử thách gian truân.

Trong khi nhà nước sử dụng phương tiện thông tin một chiều, bóp méo sự thật, vu khống giáo sỹ và giáo dân, con đề xuất các giáo xứ và họ đạo nên có một bảng thông tin (giống như cách Thái Hà và Nhà thờ lớn, nhà thờ Hàm Long và một số nhà thờ khác đang làm), ở đó cập nhật tình hình giáo xứ, giáo phận và giáo hội công giáo Việt Nam để cộng đồng dân Chúa cùng biết thông tin và hiệp thông với nhau tránh tình trạng tiếp nhận thông tin sai lạc hoặc bị rơi vào bẫy của truyền thông nhà nước.

Cầu xin Thiên Chúa và nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho Giáo hội chúng con hiệp nhất và can đảm trước mọi thử thách của thế gian. Như lời Đức Cha giáo phận Vinh đã nói trong lần tới thăm Linh Địa Đức Bà “Việc của Thái hà cũng là việc của Vinh, của Thanh Hoá”, xin Chúa cho các vị Chủ chăn ở tất cả các giáo phận trên đất nước Việt Nam cùng với mọi thành phần dân Chúa biết hiệp thông và liên kết với nhau để chia vui sẻ buồn trong tình huynh đệ và hiệp nhất trong Chúa Kitô.

23 tháng 9 năm 2008
JB Nhật Anh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/toa-kham-su-nhung-dia-danh-moi-cua-lich-su-giao-hoi-cong-giao-viet-nam/