Trích từ Dân Chúa

Tòa Khâm Sứ - Khả Năng Nào Sẽ Đến?

JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Chúa Nhật 17/02/2008 13:35)

Một cơ hội mới?

Những cuộc cầu nguyện biểu thị sức mạnh niềm tin của giáo dân Hà Nội tại Tòa Khâm sứ đã gây nên một sự kiện lớn trong đời sống Giáo hội Công giáo Việt Nam cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Đỉnh điểm của những cuộc cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm sứ đã bị chiếm đoạt là những ngày đêm nóng bỏng giữa bạo quyền đe dọa và bản lĩnh, niềm tin của người giáo dân Hà Nội. Sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Công giáo, sự quan tâm toàn cầu về quyền lợi và ý nguyện của giáo dân Việt Nam và truyền thông đã giúp họ chứng tỏ sự can đảm của mình. Sự can đảm của giáo dân Hà Nội, mà người ta tưởng rằng chỉ quen nhẫn nhục chịu đựng, đã làm kinh ngạc những người quan tâm.

Sự can đảm đó đã đẩy Nhà cầm quyền vào tình trạng “đi cũng dở, ở không xong”.

Đến gần những ngày Tết cổ truyền, những động thái mới của cả hai bên đã có tác dụng làm xì hơi quả bóng đã quá căng. Những lời hứa của đại diện Nhà nước là sẽ trả lại khu đất và tài sản Tòa Khâm sứ bằng cách này hay cách khác để còn giữ được thể diện cho nhà cầm quyền. Động thái của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội kêu gọi giáo dân tạm ngưng những cuộc tập trung đông đúc cầu nguyện tại Tòa Khâm sứ đã có tác dụng để những ngày xuân được thanh bình, vui vẻ. Vâng lời Tổng Giám mục, giáo dân đã rút khỏi nơi cầu nguyện, cung nghinh Thánh Giá về.

Những căng thẳng của cả hai bên tạm thời được giải tỏa.

Thực ra, kết quả đạt được chưa phải là to lớn khi cả 2 bên đã phải mất một thời gian dài vất vả. Đơn giản là vì nếu có một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, hoặc một Nhà nước pháp quyền thật sự thì kết quả tương tự đã đạt được từ lâu mà không cần phức tạp.

Việc căng thẳng bắt nguồn từ nhu cầu cấp bách của Giáo hội Công giáo trước những thiếu thốn chật chội về cơ sở vật chất cho mục vụ, trong khi tài sản của mình vẫn bị chiếm đoạt vô cớ để phục vụ những mục đích không chính đáng dù đã nhiều lần có đơn từ “xin lại”.

Nhưng những tiếng kêu đã vấp phải thái độ trịch thượng, ngạo mạn của nhà cầm quyền vốn quen sử dụng mệnh lệnh và vũ khí đối với nguyện vọng và niềm tin của giáo dân và Giáo hội - một tổ chức của những “công dân hạng hai” .

Điều đó đã được thể hiện và thi hành qua một quá trình dài trong lịch sử thống trị mang tên mỹ miều là “phục vụ nhân dân” của Nhà nước Cộng sản - Một Nhà nước tự coi là luôn luôn đúng, không chấp nhận những điều trái ý, không chấp nhận việc không tuân thủ quyền lực của súng đạn.

Đó cũng là thái độ và cách hành xử thường có của một hệ thống tư tưởng vốn coi đời sống tín ngưỡng của người dân như một sự ngáng trở cho việc xây dựng một chủ nghĩa Cộng sản vô thần. Một chủ nghĩa muốn trục xuất Chúa Trời ra khỏi vũ trụ, trục xuất tư hữu ra khỏi xã hội, trục xuất thần thánh ra khỏi đời sống và trục xuất linh hồn ra khỏi con người.

Đó cũng là thói quen hành xử của những “chính quyền sinh ra từ họng súng” theo đúng lý thuyết của Mao Trạch Đông.

Và những cách hành xử đó đã kéo quá dài, gần như đã trở thành một đặc tính khó bỏ.

Vì vậy, việc hòa hoãn, đối thoại đã đạt được mở ra một cơ hội mới cho sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau cho cả hai bên.

Khả năng nào sẽ xảy ra?

Trước những sự kiện này, nhiều người, cả Công giáo và không Công giáo đã có suy nghĩ khác nhau. Người cho rằng: Như vậy là đã đạt được ý nguyện của giáo dân và Giáo hội, vì nhà nước đã hứa ở cấp cao, thì phải trả lại bằng một hình thức nào đó, dù muốn hay không, Giáo hội chỉ cần đòi lại được tài sản của mình. Và như vậy, Nhà nước cũng sẽ trả theo đúng lời hứa, vì đây là danh dự của Nhà nước không chỉ riêng với Công giáo mà còn là thể diện với cả thế giới nhìn vào.

Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại: Đó chỉ mới là những điều người Cộng sản nói, xưa nay từ nói đến làm của họ là một khoảng cách khá xa, nhiều khi là hai hướng ngược nhau. Hãy chờ xem những điều mà người Cộng sản sẽ làm?

Trước những suy nghĩ khác nhau nói trên, thử xem những điều gì sẽ xảy ra như một phán đoán lúc trà dư, tửu hậu cho hai khả năng: Trả lại và không trả lại.

Trả lại, Nhà nước sẽ mất và được gì?

Nhà nước sẽ chẳng mất gì, tài sản và đất đai kia vẫn là một bộ phận của đất nước. Những hoạt động trên những tài sản, đất đai đó vẫn phục vụ cho những nhu cầu cấp thiết của giáo dân, Giáo hội và qua đó, sẽ sinh lợi nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần cho người dân trong cuộc sống tâm linh, bình an, hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội, đất nước tốt đẹp hơn.

Điều duy nhất mà Nhà nước này bị mất, là mất đi một biểu tượng về sự tha hóa của đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà bể bơi, sàn nhảy, khu vui chơi giải trí đàng điếm mọc lên khiêu khích và khinh bỉ một nơi tôn nghiêm như Tòa Tổng Giám mục và nơi tu hành. Mất đi một biểu tượng ngược lại của sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Mất đi một vết đen trước cộng đồng và toàn thế giới của Thủ đô Việt Nam ngàn năm văn hiến.

Có chăng, là khi trả lại khu đất này, một vài dự án khu ăn chơi kia bị dẹp bỏ, có nghĩa là những đồng tiền của nhà đầu tư đã chi ra bằng cách này hay cách khác, cửa trước hay cửa sau… khó có khả năng thu hồi. Và nếu có những khuất tất phía sau bị lôi ra ánh sáng, thì Nhà nước mất đi một số cán bộ đảng viên nay vẫn là những “đồng chí cán bộ đảng viên tốt vì chưa bị lộ”.

Nếu những người Cộng sản biết tôn trọng người dân, tôn trọng Giáo hội và trước hết là tôn trọng chính bản thân họ bằng cách thực hiện những lời đã hứa một cách nhanh chóng, thì đó là một cơ hội để Nhà nước chứng minh thiện chí của mình dù đã hơi muộn.

Việc trả lại sẽ có một tác dụng to lớn về mặt củng cố chút niềm tin còn lại của những ai đã từng tin tưởng vào những lời tuyên bố hào sảng về một Nhà nước “Của dân, do dân và vì dân” . Cũng là dịp bàn dân thiên hạ được biết Nhà nước đang có động thái theo một chiều hướng tích cực để đưa đất nước đi lên theo đà tiến bộ thế giới trên con đường hội nhập với thế giới văn minh mà điển hình là Chính phủ Tiệp (Czech) mới đây đã đưa ra một dự luật để trả lại cho Giáo hội Công giáo những tài sản đã bị cướp đoạt trong thời Cộng sản thống trị ở nước này.

Về mặt tinh thần, khi được trả lại, giáo dân Hà Nội có điều kiện cơ sở cho việc phụng vụ, giáo dục đạo đức Ki-tô cho các tín hữu sâu sắc. Đó là cơ sở để tồn tại và phát triển đạo đức xã hội, giảm thiểu những tệ nạn, những thói hư tật xấu trong xã hội mà mấy chục năm nay, dưới sự lãnh đạo “sáng suốt của đảng”, chỉ thấy càng ngày càng phát triển, đạo đức xã hội càng suy đồi.

Mặt khác, giữa nhà nước và Giáo hội sẽ mở ra một trang mới về quan hệ đối thoại sòng phẳng, chân thành tôn trọng lẫn nhau. Điều đó giúp Nhà nước hiểu hơn những nguyện vọng, những bức xúc cũng như những đóng góp tích cực của một bộ phận không nhỏ nhân dân - một phần của đất nước của dân tộc mà dù muốn, cũng không thể xóa bỏ. Cũng qua đó, Nhà nước không còn phải nghi ngại, không cần phải chi hằng hà sa số tiền của, phương tiện và nhân lực cho những lực lượng theo dõi, trấn áp và ngăn chặn Giáo hội trong những hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật.

Điều đó cũng giúp cho Giáo hội, giáo dân có thể có lòng tin vào một Nhà nước Pháp quyền – mà lòng tin là điều cơ bản cần thiết cho việc thiết lập sự chân thành của bất cứ mối quan hệ nào.

Nhưng nếu không trả lại?

Nếu bằng bất cứ cách nào bước qua những lời hứa đã được trịnh trọng nói ra, có nghĩa là Nhà nước đã đặt cược nốt chút lòng tin hiếm hoi còn lại trong nhân dân. Và khi đó câu nói “Hãy xem việc Cộng sản làm” sẽ có dịp chứng minh.

Thời đại xã hội thông tin, một hành động, một câu nói, một cái nháy mắt nhiều khi đã làm rung chuyển cả thế giới, thì những lời hứa kia làm sao có thể chỉ là những chuyện tào lao.

Vì vậy, không chỉ giáo dân thuộc Giáo phận Hà Nội, mà cả Giáo hội Công giáo Việt Nam, không chỉ là nhân dân trong đất nước này, mà cả thế giới đang chờ xem cách ứng xử của Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ đất đai Tòa Khâm sứ.

Những ngọn nến chứng tỏ lòng trung kiên của giáo dân Hà Nội trong những ngày mùa đông rét mướt vừa qua không kể đêm ngày, những dòng người đông đúc đổ về Tòa Khâm sứ khi mà súng đạn đã sẵn sàng đe dọa trút xuống đầu đã nói lên mục đích và quyết tâm của họ.

Vì vậy, nếu không trả lại, Nhà nước sẽ phải mất công sức, thời gian, tiền bạc và lực lượng cho những cuộc cầu nguyện tiếp theo, mà chắc chắn sẽ không chỉ ở mức độ như đã thấy. Những ngọn nến đã đốt lên kia, sẽ có cơ hội bùng cháy dữ dội hơn với cả lòng uất hận.

Và chắc chắn một điều, dù có đến hàng ngàn rào sắt, hàng vạn ổ khóa mà không được trả lại, thì khu đất và tài sản đó cũng không thể hợp pháp đưa vào sử dụng cho bất cứ mục đích sinh lợi nào cho bất cứ ai mà được yên ổn.

Việc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội kêu gọi giáo dân tạm ngưng những cuộc cầu nguyện trong đất Tòa Khâm sứ, cung nghinh Thánh giá về, đã là những cách đi bước trước trong quá trình hòa giải, bày tỏ thiện chí của mình đúng với tính chất của một Giáo hội “đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp” .

Nhưng đừng ai nghĩ rằng, có thể lợi dụng điều đó được mãi để đổi trắng thay đen. Qua hơn 60 năm sống dưới chế độ Cộng sản, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã không còn ngây thơ, ngờ nghệch.

Trái lại, một lần nữa Giáo hội đã đặt lá cờ hòa bình vào bàn tay Nhà nước. Việc có phất lá cờ đó lên hay không, là hoàn toàn phụ thuộc vào chính Nhà nước Việt Nam. Nhân dân trong nước và cả thế giới chỉ đánh giá những hành động thiết thực mà thôi.

Đó cũng là một bài toán khó cho những người cầm quyền vốn quen cầm súng đạn, nhưng là một cành ô liu cho những kẻ mong muốn hòa bình.

Giáo hội Công giáo Việt Nam khắp nơi và Giáo hội Hoàn vũ luôn quan tâm và cầu nguyện cho ngọn cờ hòa bình luôn được nêu cao. Tất cả đang chăm chú theo dõi và bền bỉ mong chờ điều đó, mà sự chờ đợi đã quá lâu.

Cầu xin Thiên Chúa của Tình yêu và Công lý sẽ hướng dẫn những người hữu trách để mang lại niềm tin yêu và Công lý trên đất nước này.

Hà Nội, Ngày 17 tháng 2 năm 2008.

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/toa-kham-su-kha-nang-nao-se-den/