Trích từ Dân Chúa

Tiếp tục vào vai Nhà nước để nhận định

Thợ Gặt

VietCatholic News (Thứ Ba 22/01/2008 07:46 AM)

Trước hết xin cảm ơn VietCatholic đã đăng bài viết của tôi và nhận được sự chia sẻ đồng cảm của nhiều bạn đọc. Với sự khích lệ đó, tôi xin tiếp tục đưa ra một số nhận định trước tình hình hiện nay.

Có bạn đọc lên tiếng, mong muốn Thủ tướng Chính phủ nên đưa ra quyết định của mình để kết thúc chiến dịch “thắp nến cầu nguyện” hiện nay. Xin thưa, Thủ tướng đã thân chinh bỏ ngày nghỉ chủ nhật 30-12 -2007 để đi khảo sát thực tế và sau đó đã có ý kiến chỉ đạo rồi. (Cũng xin nói thêm rằng, không có cuộc tiếp kiến giữa Thủ tướng và ĐGM Nguyễn Văn Nhơn như tin vỉa hè đã đồn, chỉ có đơn của ĐGM Chủ tịch HĐGMVN xin được sử dụng cơ sở 42 Nhà Chung làm trụ sở của HĐGMVN). Nhưng có phải cứ Thủ tướng có ý kiến là xong không? Ở Việt Nam, hàng ngày Văn phòng Thủ tướng có hàng chục công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đến tỉnh này, Bộ kia yêu cầu giải quyết vụ việc nhưng thử hỏi có mấy vụ được hồi âm?

Kẻ viết bài này đã chứng kiến có người dân đi khiếu nại gần 20 năm xin được chữ ký của nhiều đời Thủ tướng nhưng vẫn không được giải quyết. Trường Đại học Đông Đô, nội bộ mất đoàn kết kéo dài cả chục năm nay và Thủ tướng cũng có cả chục công văn chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo xử lý nhưng đến Tết này vẫn cứ kiện tụng. Ngay một số vụ liên quan đến Công giáo như một vụ ở Khánh Hòa, Thủ tướng có ý rất kiên quyết, buộc địa phương phải xử lý, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nhưng xem ra địa phương họ không sợ nên “nguyễn y vân” (vẫn y nguyên). Vụ cơ sở 2 Đại chủng viện Thánh Giuse tại Xuân Lộc, Thủ tướng cũng quyết từ năm 2000 mà đến 2006 mới thu xếp xong…

Vậy ai có quyền giải quyết vấn đề liên quan đến tôn giáo hiện nay? Một số ĐGM hay hỏi tôi câu đó và sinh thời ĐGM Nguyễn Sơn Lâm cũng hỏi thế. Tôi thưa, về lý thuyết, ở Việt Nam dân là người có quyền cao nhất vì dân là chủ và “Nhà nước là của dân, do dân và vì dân” . Song thực tế, xã hội VN lại tổ chức theo mô hình “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý” với phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Riêng với công tác tôn giáo được coi là “trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị” ( Nghị quyết 25/NQ-TƯ). Bởi vậy các cơ quan đoàn thể, chính quyền, Mặt trận, công an, quân đội, Viện nghiên cứu, Trường đại học từ trung ương xuống địa phương đều có bộ phận chuyên trách về tôn giáo. Đội ngũ này đóng vai trò “tham mưu” cho Đảng, chính quyền. để xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo. Số tham mưu này nhiều “như sao trên trời” nhưng không phải ai cũng biết tham mưu đúng. (Dân gian còn gọi một số là “mưu ít, tham nhiều” ). Ví dụ, một số “mưu sĩ đã đề nghị những giải pháp khôi hài và vi hiến để chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội như mỗi người dân Hà Nội chỉ được mua 1 xe máy, cấm xe ngoại tỉnh vào thành phố, ngày chẵn cho xe biển số chẵn lưu thông và ngày lẻ thì biển số lẻ được đi…

Vì số tham mưu qúa đông mà các vụ liên quan đến tôn giáo luôn được coi là “tế nhị và phức tạp” vì rất dễ bị coi là tả hay hữu khuynh, nhức đầu giải quyết mà chẳng mấy khi được “phong bì” đáp lễ. Cho nên các vụ liên quan đến tôn giáo nhất là công giáo thường bị xử lý rất chậm trễ. Chẳng hạn, trước đây, các Giám mục ở Việt Nam đi họp ở nước ngoài thường chỉ được đồng ý vào ngày cuối của hội nghị. Các Đức Giám Mục nói vui rằng “cho đi cuộn chiếu”. Tôi đã hỏi một số người có trách nhiệm. Họ nói rằng, khi giám mục có đơn xin, Ban tôn giáo Chính phủ phải làm công văn gửi Bộ ngoại giao, Bộ công an, Bộ nội vụ và vài cơ quan chức năng khác nữa. Sau đó mới có công văn về địa phương xin ý kiến của UBND tỉnh nơi giám mục cư trú. Để UBND tỉnh có ý kiến, họ lại phải xin ý kiến hàng chục cơ quan của tỉnh, huyện, phường nữa. Cho nên lâu là đúng.

Hơn nữa, khi giải quyết vấn đề liên quan đến tôn giáo, cán bộ rất sợ trách nhiệm, lỡ ra xảy ra chuyện gì nên cứ chặt chẽ cho chắc. Ví dụ việc cấp phép cho Bản tin Hiệp thông của HĐGMVN với số lượng 100 bản/2 tháng/kỳ và mỗi số không quá 50 trang. Ai cũng biết đây là quyết định kỳ quái làm ảnh hưởng đến chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước và thời buổi tin học ngày nay thì cho 1 bản là có triệu bản copy ngay. Nhưng như vậy mới có “lập trường kiên định” của cơ quan giải quyết. Thật ra, cũng có người “gợi ý” là nếu các Giám mục có “lời đề nghị” thì sẽ được tăng trang, tăng kỳ, tăng lượng phát hành nhưng Hồng y Phạm Đình Tụng và ĐGM Nguyễn Sơn Lâm lúc đó là Chủ tịch và Tổng Thư ký HĐGM đã không chấp nhận “đồng lõa với tiêu cực” .

Tôi cũng nghe một họ giáo ở xứ Cổ Nhuế xin làm nhà thờ đã 3 năm nay mà chưa xong dù Mặt trận, Ban tôn giáo, công an thành phố, quận đồng ý cả nhưng còn thiếu ý kiến của Sở quy hoạch kiến trúc nên UBND thành phố chưa thể ra quyết định. Thật rắc rối, đúng là “một cửa nhưng nhiều khóa” . Vì thế để cho chắc, các đơn kiến nghị của các GM Nguyễn Văn Tân, GM Bùi Văn Đọc, GM Nguyễn Thanh Hoan …dành gần trọn 1 trang để kể tên những nơi nhận.

Do có nhiều cơ quan tham mưu nên cũng khó biết cơ quan nào có tiếng nói có trọng lượng hơn. Thông thường thì ý kiến các cơ quan khối an ninh có thẩm quyền hơn. Ví dụ năm 1982, Nhà nước đã định kết thúc nhiệm vụ cho Ủy ban Liên lạc Công giáo vì quá nhiều tai tiếng. Nhưng khi Đức Hồng Y Sodano gửi thư cho ĐGM Nguyễn Minh Nhật khi đó là Chủ tịch HĐGM, cảnh báo về tổ chức chính trị này, thì có người cho rằng, nếu giải tán là “mắc mưu Vatican”. Vậy là Nhà nước phải cố mà duy trì, mỗi năm chi mất mấy tỷ đồng mà không được ích lợi gì.

Nói như vậy, để bạn đọc thấy rằng, việc giải quyết vụ việc đất đai của giáo hội hiện nay rất phức tạp. Nếu lo sợ vụ việc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, Nhà nước có thể xem xét dứt điểm ngay. Nhưng nếu phát hiện có “âm mưu gì đằng sau” thì sẽ có biện pháp cứng rắn, kiên quyết. Bởi vậy, cũng xin một số tác giả khi phát biểu nên mềm mỏng, đừng quá bức xúc mà ngả sang lĩnh vực chính trị thì càng làm cho vấn đề chỉ thêm căng thẳng mà thôi.

Không phải ngẫu nhiên mà Quận Hoàn Kiếm đóng thêm biển “Nhà văn hóa Quận” ở cửa Tòa Khâm sứ. Đấy cũng là cách giải quyết. Vì những cơ sở tôn giáo đang dùng phục vụ công cộng, Nhà nước chưa xem xét trả lại. Đây cũng là cách ở chủng viện Mỹ Đức (Thái Bình), khi giáo hội ngỏ ý xin lại thì chính quyền mang đến đây mấy đưa trẻ mồ côi hay ở khu đất nhà dòng thánh Giuse Nha Trang, người ta để tên trường học Võ Thị Sáu…

Thành phố Hà Nội đã có công văn 273 ngày 11-1-2008 do bà Phó chủ tịch ký và bị chỉ trích khá nhiều. Khổ thân bà vì bà đâu có soạn. Lại do mấy ông “tham mưu” mà trong số này VietCatholic đã nêu đích danh và trong lần gặp lãnh đạo thành phố, TGM Ngô Quang Kiệt cũng nói thẳng, nếu quý vị còn theo ý kiến của ông này, thành phố còn phải xin lỗi giáo hội nhiều lần chứ không phải 2 lần (vụ ngăn cản truyền chức 3 linh mục dòng Chúa Cứu Thế và đặt viên đá khởi công cơ sở chủng viện Cổ Nhuế). Tiếc rằng lời cảnh báo này không được quan tâm nên sự số như công văn 273 là tất yếu.

Sau công văn 273, thành phố có công văn bổ sung yêu cầu Quận Hoàn Kiếm, Công ty may Chiến thắng giữ nguyên hiện trạng và không được tiến hành bất cứ xây dựng nào đồng thời cũng yêu cầu phía giáo hội làm như vậy. Có nghĩa là giáo hội phải mang tượng ảnh đi và không được tổ chức cầu nguyện tại những nơi này nữa. Đây đựơc coi là điều kiện tiên quyết để thành phố đề nghị Thủ tướng giải quyết. Tôi cũng biết rằng, chiều hôm nay 22-1-2008, thành phố cũng vào chúc mừng Đức hồng y Phạm Đình Tụng với mong muốn không tổ chức cầu nguyện vào ngày 25-1 tới (xem bài tường thuật Phái đoàn chính phủ thăm Tòa Tổng Giám Mục hôm nay) .

Đồng thời mấy ngày nay, ĐGM Thái Bình cũng lặn lội, bôn ba qua lại hai bên mong tìm ra giải pháp dung hòa. Thật ra, ĐGM Thái Bình không muốn đóng vai trò trung gian, dù TGM Hà Nội có nhờ và nhiều quan chức bên chính quyền cũng muốn thế. Bởi Ngài cũng bị nhiều áp lực. Dù là người có nhiều công lao với giáo hội (xem bài giảng của TGM Hà Nội ngày 22-4-2006 và thư Đức Hồng y Sepe ngày 6-4-2006) và là địa phương duy nhất ở Việt Nam có nhiều giáo dân mà không có tổ chức ủy ban đoàn kết công giáo VN nhưng vẫn bị một số người ở hải ngoại chụp cho mũ “Giám mục đỏ” .

Còn về phía chính quyền, ngài cũng bị đối xử nhiều vụ “đau điếng người” như vụ xin mở bệnh viện từ thiện ở Thái Bình năm 1994 hay vụ mời đoàn bác sĩ ở Hoa Kỳ đến khám bệnh từ thiện cho người nghèo cuối năm 2007… Khi tiếp xúc với nhiều quan chức cấp cao ở Trung ương, ĐGM Thái Bình đều nhận được thông điệp ”sợ địa phương nó không nghe” . Đây là một thực tế, vì ở Việt Nam chưa bao giờ Thủ tướng cách chức được Chủ tịch UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh là do HĐND tỉnh bầu ra và do Ban Bí thư Trung ương trực tiếp quản lý.

Cho nên, công văn 273 dù có bị phê phán đủ điều, nó cũng nhằm nói với Đức TGM Ngô Quang Kiệt rằng, “đừng có qua mặt thành phố”. Mặc dù họ cũng biết mối quan hệ cuả TGM Ngô Quang Kiệt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua ĐGM Bùi Tuần.

Những điều kiện thành phố đưa ra, đôi khi chỉ là điều kiện để chứng tỏ quyền uy chứ chẳng có ý nghĩa gì trên thực tế. Ví dụ, như trước đây, khi giải quyết vấn đề linh mục “chui”, Nhà nước buộc số linh mục này phải qua một lớp bổ túc ngắn hạn mới được công nhận và đã có 3 lớp như vậy mở ra ở Hà Nội, Nha Trang và Bùi Chu. Có lẽ việc học hành đó chẳng được bao nhiêu, và cũng chẳng phải là vì học xong lớp đó những học viên này mới thành linh mục nhưng xem ra Nhà nước còn giữ được thể diện. Thế thôi.

Các nguồn tin hành lang cho chúng tôi biết rằng, nhất định khu Tòa khâm sứ sẽ được giao cho HĐGMVN sử dụng nhưng nó sẽ còn trải qua một thời gian để thể hiện quyền uy nữa.

Thợ Gặt

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/tiep-tuc-vao-vai-nha-nuoc-de-nhan-dinh/