Trích từ Dân Chúa

Thử trả lời câu hỏi: 'Tại sao mục tử im lặng?'

Gioan Lê Quang Vinh

Khi giáo dân bị đánh đập, bị phân tán, nhiều mục tử im lặng. Khi một vị linh mục vì công lý mà bị kết án oan ức, nhiều mục tử khác im lặng. Khi một vị Tổng Giám Mục anh dũng và nhân hậu đứng bên cạnh dân Chúa và bị sỉ nhục, bị lên án, nhiều mục tử vẫn giữ im lặng. Và đỉnh cao nhất của sự im lặng ấy là khi Thánh Giá Chúa bị đập vỡ tan tành, nhiều vị mục tử cũng không nói gì. Không những im lặng, có ông còn viết đại khái lên tiếng cũng như không!

Giáo dân sững sờ. Các mục tử chân chính cũng sững sờ. Lý do sâu xa nhất làm người ta kinh hãi trước sự im lặng nặng nề của nhiều mục tử, ấy là sự im lặng đi ngược lại với giáo huấn của Đức Giêsu và ngược lại với chính bản tính của Ngôi Lời nhập thể.

Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kytô, chia sẻ sứ vụ ngôn sứ của Người, do đó Giáo Hội phải lên tiếng trước bất công, cho dù là bất công nhỏ nhặt nhất (mà thật ra đã là bất công thì luôn nghiệm trọng vì tự bản chất nó chống lại Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối công chính). Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican viết: “Suốt dòng lịch sử Giáo Hội và đặc biệt trong mấy thế kỷ gần đây, Giáo Hội – theo lời Đức Lêô XIII – đã không ngừng nói lên tiếng nói của mình về những câu hỏi liên quan đến cuộc sống trong xã hội” (Lời giới thiệu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo).

Và Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nhấn mạnh: “Giáo Hội nhớ lời thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê của mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” (số 2)

Trong sứ vụ lên tiếng ấy, “Học thuyết xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém.” (số 81)

Như vậy, nếu là mục tử của Hội Thánh Công Giáo Rôma, thì không được quyền từ chối lên tiếng và cũng không cần đặt vấn đề lên tiếng hay không. Nếu không tin vào Học Thuyết Xã Hội, người ta có quyền mở sách Tin Mừng, và chắc chắn họ sẽ gặp lời Đức Kytô:“Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”(Lc.19,40)

Bọn cường quyền và giả hình trong xã hội Do thái không muốn nghe lời ca tụng Đức Giêsu và họ xin Người bảo các môn đệ im tiếng, và Người trả lời như thế, để nhắc cho dân Người, nhất là các mục tử về sứ vụ làm chứng bằng lời, chứ không chỉ bằng đời sống. Và lời làm chứng còn phải là lời chứng cho công lý, sự thật, chứ không chỉ là lời giảng chung chung.

Thế nhưng, nỗi ưu tư và lo buồn đang bao trùm nhiều triệu người Công giáo Việt nam, cũng như phản ứng mạnh mẽ trước các sự kiện đau lòng đang lan ra nhanh chóng. Một trong những lý do là dân Chúa ngạc nhiên không hiểu sao nhiều vị mục tử vẫn giữ im lặng, sự im lặng làm nhiều giáo dân cảm thấy hoang mang, ngờ vực và thậm chí có người muốn bỏ đạo.

Các mục tử sẽ trách móc: Có gì đâu mà hoang mang? Có gì đâu mà phải bỏ đạo? Lòng đạo thế là không trưởng thành! Nhưng người con trưởng thành sao nổi khi bố mẹ thấy cướp vào nhà bắt con, cướp của mà bố mẹ thản nhiên mời cướp uống rượu!

Thế thì vấn đề đặt ra là tại sao mục tử im lặng? Các ngài là những người có học, được đào tạo kỹ nhiều năm ở trong nhà Chúa, luôn đọc kinh cầu nguyện, mỗi ngày nguyện ngắm để Lời Chúa ngấm vào mình. Và còn rao giảng Tin Mừng hàng ngày nữa. Vậy tại sao nhiều mục tử không làm theo lệnh Chúa truyền?

Câu trả lời đầu tiên là có lẽ các ngài quá đạo đức (?!). Vì quá đạo đức, các ngài không muốn có xung đột xã hội. Vì quá đạo đức, các ngài sợ kẻ xấu bị tổn thương. Cũng vì quá đạo đức, các ngài muốn được yên ổn trong giáo phận hay giáo xứ mình, để mình có thể làm việc mục vụ mà không gặp khó khăn gì. Và cũng vì lòng đạo quá sâu xa, các ngài nghĩ ai cũng tốt lành như mình. Do đó các ngài tin rằng dù họ giết dân, đánh dân đổ máu ra, họ vẫn là người yêu công lý hoà bình.

Lý do thứ hai có lẽ vì các mục tử đã có kinh nghiệm nào đó với những người làm hại Hội Thánh. Kinh nghiệm gì và kinh nghiệm ấy ảnh hưởng đến các ngài thế nào thì thật khó nói vì đó là những tương quan hết sức cá nhân và tế nhị. Và kinh nghiệm ấy bảo các ngài cứ im lặng để mọi chuyện trôi chảy, phải có nước chảy thì thuyền mới trôi!

Lý do thứ ba là điều mà dân Chúa nghi ngờ, và người viết cầu mong điều này không bao giờ là sự thật. Đó là danh lợi, đó là sự dụ dỗ ngọt ngào và sự yên ấm cho riêng mình. Dĩ nhiên các ngài là những con người, và nếu các ngài có lỡ sa ngã thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng các ngài còn là mục tử nữa kia mà.

Nhưng cũng còn một lý do nữa, khá ngược đời. Ấy là một số mục tử cho rằng “chuyện ấy đâu phải là chuyện tôn giáo”. Câu biện hộ này có hai cái chưa đúng. Phải hiểu rằng mục tử công minh phải chống lại bất công, đừng nghĩ rằng “người ta cướp của hàng xóm chứ có cướp của con cái tôi đâu?”. Thứ hai, hễ người ta xâm phạm đến giáo xứ, đến giáo dân… là chuyện tôn giáo, chứ chẳng lẽ phải động đến mục tử mới là xâm phạm đến tôn giáo? Lý do này thường dễ bị phản ứng nhất.

Những phân tích ấy có lẽ còn thiếu sót. Nhưng là người tín hữu, ai cũng mong cho các mục tử sống đúng Tin Mừng mà các ngài đã đọc, đã tin và đã rao giảng. Dân Chúa cần vâng lời các mục tử, nhưng lời mà dân Chúa vâng phải là Lời của Chúa, chứ không thể là lời của một thế lực nào nhờ mục tử nói thay.

Và hy vọng một ngày nào đó, một vị mục tử chân chính sẽ lớn tiếng giữa ngàn dân: “Chúng tôi lên tiếng để nói lời công lý”. Khi đó các ngài sẽ được dân Chúa kính yêu vâng phục, mà gương Đức Tổng Philipphê và Đức Tổng Giuse còn rõ rệt. Khi các ngài đứng hay ngồi hay ở vị thế khác bên quyền lực, các ngài sẽ phải đứng, ngồi… cô đơn. Và chắc chắn các thứ quyền lực chẳng bao giờ yêu các ngài thật sự.

Gioan Lê Quang Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/thu-tra-loi-cau-hoi-tai-sao-muc-tu-im-lang/