Trích từ Dân Chúa

Thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam?

FX Trần Kim Ngọc, OP

Dẫn nhập

“Không có lửa làm sao có khói”, công việc truyền giáo sẽ không bao giờ tốt được nếu không có lửa truyền giáo. Văn kiện “Đối thoại và rao truyền” của Hội đồng Toà thánh về Liên lạc với các tôn giáo có nêu lên những khó khăn, có những khó khăn xuất phát từ trong chính Giáo Hội nhưng cũng có những khó khăn đến từ phía bên ngoài; ở đây bài viết chỉ nêu lên những khó khăn tạo nên sự thiếu lửa trong công cuộc truyền giáo theo tình hình tại Việt Nam; và người viết tự hỏi có phải những khó khăn đó tạo nên tình trạng thiếu lửa trong việc truyền giáo qua những khía cạnh được nêu lên dưới đây hay không.

1. Thiếu nhân lực truyền giáo

Trong những thập niên gần đây, con số người đi tu tại Việt Nam không có dấu hiệu sút giảm mà tăng lên thì có. Các dòng tu ở nước ngoài đến Việt Nam tuyển ơn gọi cũng nhiều, có nhiều dòng tu cũng như tu hội được thành lập, có nhiều tỉnh dòng được khai sinh, nhiều đại chủng viện được tái hoạt động, nhiều giáo xứ được hình thành, một vài địa phận ra đời. Đội ngũ giáo lý viên không ngừng gia tăng. Các hội dòng chuyên về truyền giáo cũng nhiều. Các hiệp hội giáo dân hay nhóm công giáo tiến hành ngày càng sinh hoạt sầm uất hơn. Nhân lực làm việc mục vụ ngày càng tăng lên, có thể nói nhân sự làm việc cho lãnh vực này là không thiếu, nhưng lại thiếu người đi truyền giáo, nhân sự truyền giáo hầu như không có! Các tổ chức hay các đơn vị đều lấy mục tiêu truyền giáo làm mục tiêu chính nhưng lại không chuyên tí nào: Cơ quan này, tổ chức kia; hội đoàn này, dòng tu nọ; địa phận này, giáo xứ kia; tất cả đều lấy việc truyền giáo làm mục tiêu chính; nhưng lại chẳng có một tổ chức nào chuyên về việc truyền giáo.

2. Thiếu đào tạo

Thử thực hiện một cuộc phỏng vấn bỏ túi xung quanh các xứ đạo lớn và có sinh hoạt sầm uất để xem người ta nói như thế nào về ơn gọi truyền giáo và tinh thần truyền giáo; thử lướt qua các nhà thờ để xem các áp phích kêu gọi truyền giáo; thử đọc lại các thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để xem có đề cập đến việc truyền giáo không. Có thể nói là nhiều chỗ nói về truyền giáo, và Giáo Hội tại Việt Nam cách đây mấy năm đã lấy một năm làm năm thánh truyền giáo; năm nay Giáo Hội lại mừng năm thánh đặc biệt để gây ý thức hơn nữa nơi các thành phần Dân Chúa về công cuộc loan báo Tin Mừng cho đồng bào. Ai ai cũng ý thức về trách nhiệm, sứ vụ truyền giáo; và rất nhiều người tha thiết với công cuộc truyền giáo, nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu, phải làm gì và phải làm như thế nào; do đó chẳng có ai dám ra đi truyền giáo. Sợ đi truyền giáo đó là tình trạng chung của các tín hữu giáo dân. Chúng tôi tiếp xúc nhiều người tín hữu giáo dân, có người tham gia vào nhiều công việc của giáo xứ, sinh hoạt trong nhiều hội đoàn. Có thể nói họ rất gương mẫu và nhiệt tình trong mọi công việc của giáo xứ, nhưng khi đề cập đến việc truyền giáo hay mời gọi đi truyền giáo thì họ trả lời là bận nhiều việc, và không biết phải truyền giáo như thế nào. Việc dạy giáo lý như thế nào đến nỗi khiến người giáo dân rất sợ ra đi truyền giáo?! Đó là một lỗ hổng lớn trong việc dạy giáo lý phổ thông cho học sinh. Tại sao lại có lỗ hổng lớn như vậy? Trách nhiệm đào tạo thuộc về ai? Hẳn là mỗi người có thể tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy, và mỗi người đều có một phần trách nhiệm trong lỗ hổng ấy!

3. Thiếu tổ chức

Cứ đến các giáo xứ từ trong nam ra ngoài bắc, chúng ta sẽ thấy nếp sống đạo ở đâu cũng rất rầm rộ với các cuộc rước linh đình, lễ lạc hoành tráng. Các giáo xứ có nhiều hội đoàn sinh hoạt đều đặn, có người tham gia hết hội này đến hội kia, đi họp đi hành liên miên. Trong các thánh lễ và trong các buổi chầu, lời nguyện mời gọi ra khơi vẫn thường vang lên. Nếp sống đạo sinh hoạt đang chiếm ưu thế trong các giáo xứ. Nếp sống đạo hình thức hay nặng về sĩ diện đang đè nặng trên tâm thức của người giáo dân. Trong các dịp lễ lớn, cụ thể là lễ Chúa Giáng Sinh, các xóm đạo đua nhau làm hang đá, đèn ngôi sao; các xóm đua nhau xem xóm nào, nhà nào hoành tráng hơn...! Hội đoàn này tổ chức lễ làm sao phải to hơn hội đoàn kia! Phải chăng đó là “căn bệnh trầm kha” trong nếp sống đạo tại Việt Nam? Và cái nếp sống đạo đó có liên quan đến “tính đoàn lũ”, nghĩa là người ta đi lễ thì mình cũng đi lễ, người ta làm cái này thì mình cũng làm theo mà không biết là mình làm vì cái gì?

Cũng như các công việc khác, truyền giáo sẽ không đi tới đâu, nếu không có tổ chức, hoặc là mạnh ai nấy làm! Khi hỏi những người giáo dân nhiệt tình trong việc truyền giáo, thì họ cũng không được hướng dẫn hay trợ giúp từ các cấp có thẩm quyền, thậm chí là họ không được tin tưởng để được giao cho sứ mạng truyền giáo. Nhiều người đang tự phát làm cái công việc cao quý và phức tạp này. Nhưng như đã biết, việc gì mà tự phát thì sẽ không có độ bền, cũng chẳng đi tới đâu rồi lạc gây xáo trộn dẫn đến việc chia rẽ thành phái này phe kia. Không có tổ chức thì việc làm sao chạy được! Vấn đề là ai tổ chức đây? Và tổ chức như thế nào?

4. Thiếu mục tiêu

Nhiều giáo xứ phát động ra quân truyền giáo rất bài bản, rồi huy động nhà nhà và người người ra đi truyền giáo, thấy người ta ra quân truyền giáo cứ như là mở hội đua tài: làm hết việc này qua việc khác, không việc gì mà không làm. Nhưng thử hỏi ai cũng đi truyền giáo thì truyền giáo cho ai!? Ai cũng là thầy dạy thì hỏi đâu ra học trò!? Ai cũng là linh mục lấy ai làm giáo dân!? Cỡi ngựa xem hoa, làm qua loa đại khái đang là tình trạng phổ biến tại các giáo xứ và trong các tổ chức khác. Giáo Hội mở năm thánh truyền giáo, lễ ra quân rất là hoành tráng, nhưng xong rồi thì đâu vào đấy, tướng chẳng thấy mà quân cũng chẳng còn! Làm bất cứ việc gì cũng cần phải có mục đích và phải có kế hoạch. Phải chăng việc truyền giáo đang thiếu một chiến lược, định hướng và mục tiêu cụ thể?

5. Thiếu cộng tác

Các thành phần trong gia đình Giáo Hội tại Việt Nam rất phong phú: 26 địa phận, nhiều dòng tu nam nữ, nhiều hiệp hội công giáo tiến hành, nhiều hội đoàn... Nhưng trong vấn đề truyền giáo thì lại thiếu sự phối hợp. Không ai, không tổ chức nào có thể ôm nổi sứ mệnh lớn lao này được đâu! Đức Giêsu đã dạy các môn đệ là “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Làm sao mà truyền giáo được khi mạnh ai nấy làm, yếu ai nấy chết, chia năm sẻ bảy, theo bè chia phái!? Để có sự cộng tác thì điều đầu tiên là phải có tình yêu thương với nhau, chỉ cần có lòng yêu thương nhau thì đã là truyền giáo rồi, là một cách truyền giáo hiệu quả nhất! Theo tinh thần của Giáo Hội, tông đồ truyền giáo cần có sự cộng tác của nhiều người trong Giáo Hội thì việc chung của Giáo Hội mới tiến triển được, thế nhưng công việc này tiến triển tới đâu? Chúng ta có thúc đẩy việc này hay là đưa tay cản lối? Và tổ chức nào hay ai có thẩm quyền để phối hợp những khác biệt hợp nhất trong một sứ vụ chung đây?

6. Thừa mà lại thiếu

Họ họ, xứ xứ... lo xây cất nhà thờ nhà thánh. Không biết bao nhiêu tiền của tập trung vào các công trình xây cất! Liệu có thừa giấy vẽ voi khi một giáo xứ ở vùng quê nghèo có khoảng 1000 giáo dân mà lại xây dựng một ngôi thánh đường ngốn hết 4-6 tỉ...? Thử hỏi giáo xứ ấy dành tiền cho việc truyền giáo được bao nhiêu?

Xứ xứ, dòng dòng lo đi làm việc bác ái xã hội. Trong những dịp thiên tai bão lụt, trong những dịp lễ đặc biệt như Chúa Giáng Sinh, đâu đâu cũng thấy người ta quyên góp tiền của, áo quần, gạo bánh... để đi làm từ thiện. Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, nói rằng việc bác ái từ thiện không thể thay thế cho công việc rao giảng Tin Mừng. Rao giảng sứ điệp cứu đổ phải là công việc ưu tiên hàng đâu. Thực tế tại Việt Nam có làm người lại không khi người ta chú tâm vào việc bác ái xã hội mà lơ là việc rao giảng sứ điệp cứu độ? Chúng ta chưa tận dụng hết những khả năng mình có để rao giảng Tin Mừng, chưa tận dụng mọi cơ hội để nói về Đức Kitô. Thánh Phaolô khuyên nhủ đệ tử của mình: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 5,2.5).

Không ai phủ nhận sự cần thiết của công việc bác ái từ thiện. Nhưng cứ làm mà không tính toán, thì vô hình chung những việc làm như thế lại biến những con người đón nhận những của trợ cấp thành những người chỉ biết ăn chực nằm chờ, ngồi chờ sung rụng. Cứ cho người ta cá mà không cho người ta cái cần câu, để tự người ta đi câu cá lấy thì cứ tưởng là ta giúp họ, nhưng thực ra lại đang làm cho họ thêm thê thảm hơn! Nhân lực làm bác ái từ thiện thì nhiều, nhưng làm việc truyền giáo lại không bao nhiêu! Thừa mà lại thiếu!

Sứ mạng đến với muôn dân không chỉ ở việc cho người ta nhiều cơm áo gạo tiền, nhưng trên hết phải mang sứ điệp cứu độ của Đức Kitô đến cho họ. Thánh Phêrô đã làm rõ sứ mạng đó: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6). Trong thông điệp đầu tay, Đức Bênêdictô XVI nhấn mạnh đến ba chiều kích của Giáo Hội: rao giảng Đức Kitô (truyền giáo), cử hành mầu nhiệm Đức Kitô (phụng vụ) và thực thi đức ai (tông đồ bác ái). Hình vào tình hình Giáo Hội tại Việt Nam, có phải ba chiều kích này đang bị đảo ngược ưu tiên? Người viết nêu thắc mắc này, chứ không dám đưa ra câu trả lời!

Đức Kitô phải là ưu tiên hàng đầu trong sứ mạng đến với muôn dân. Nếu việc bác ái xã hội không gắn liền với công cuộc truyền giáo thì chẳng ăn nhằm gì! Người nghèo không bao giờ thiếu trong đời mình (xc. Ga 12,8), nhưng cần tận dụng mọi cơ hội để cho họ chính Đức Kitô (xc. 2 Tm 5,2), Đấng vốn giàu sang đã tự nên nghèo để cho con người được sung túc (xc. 2 Cr 8,9) và sống dồi dào (xc Ga 10,10).

Tạm kết

Đức Bênêdictô XVI trong nhiều lần và nhiều nơi nêu lên tình trạng Giáo Hội đang phải đối diện với trào lưu dửng dưng với tôn giáo. Liệu tình trạng dửng dưng với tôn giáo hay với chân lý tuyệt đối có ảnh hưởng đến tình hình truyền giáo tại Việt Nam hay không? Người viết không dám đưa ra câu trả lời! Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam tiến chậm hay nói cách chua cay hơn là dừng chân tại chỗ là do nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ một nguyên nhân không kém phần quan trọng là việc “thiếu lửa”. Thiết tưởng công việc truyền giáo tại Việt Nam chỉ có thể tiến triển tốt đẹp, và lửa truyền giáo mới có thể cháy lên trên quê hương chúng ta chỉ khi các thành phần của đại gia đình Giáo Hội tại Việt Nam hiệp thông với nhau và cùng nhau thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu Kitô qua lời nhắn nhủ trong sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi cho Cộng Đồng Dân Chúa tại Việt Nam nhân dịp khai mặc Năm Thánh 2010: “Năm Thánh cũng là một thời gian đặc biệt dành cho chúng ta để làm mới lại công việc loan báo Tin Mừng cho anh em đồng bào, và để chúng ta ngày càng trở nên một giáo hội của Hiệp Thông và Sứ Vụ.”

FX Trần Kim Ngọc, OP

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/thieu-lua-truyen-giao-tai-viet-nam/