Trích từ Dân Chúa

Theo Dõi Bước Chân Kiên Cường của ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Nguyễn Đức Tuyên

Hôm nay, 13.5.2010, tin thật buồn được báo trước đã tới để thể hiện tấn thảm kịch “Đã Đoạn”; đó là việc Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chấm dựt nhiệm vụ tại Tổng Giáo Phận Hà Nội ở tuổi 58, sau 4 năm làm Giám mục và 7 năm Tổng Giám Mục. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng dấu ấn ngài để lại thật to lớn, gương sáng mục tử uy dũng, và tinh thần đòi Sự thật, Công lý, Hòa bình của ngài đã mở ra một con đường mới cho Giáo hội Công giáo và Dân tộc Việt Nam.

Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt sinh ngày 4.9.1952 tại Lạng Sơn, chịu phép thánh tẩy tại nhà thờ Mỹ Sơn. Nguyên quán của ngài thuộc xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu. Rời Lạng Sơn “khi mới hai tuổi, ngồi trong chiếc thúmg do mẹ gánh đi” theo như lời kể. Nhập Tiểu Chủng viện Thánh Têrêxa thuộc Giáo phận Long Xuyên ngày 21.8.1964 và theo học Đại Chủng viện Thánh Tôma, Giáo phận Long Xuyên. Ngài thụ phong Linh mục ngày 31.5.1991, làm Phó xứ nhà thờ chính tòa Long Xuyên. Ngài theo học tại Institut Catholique de Paris, Pháp từ cuối năm 1993. Về Việt Nam măm 1997 ngài được cử giữ chức Chánh văn phòng tòa Giám mục Long Xuyên cho đến khi được Tòa Thánh Rôma bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn ngày 18.6.1999. Lễ tấn phong Giám mục được cử hành đơn giản tại nhà thờ chính tòa Long Xuyên vào ngày 29.6.1999 với khẩu hiệu “Misereor super turbam” (Mc 8,2), trích Lời Chúa Giêsu: “Ta thương dân này” Lễ nhậm chức đã được tổ chức tại nhà thờ Cửa Nam, thị xã Lạng Sơn ngày 11.7.1999.

Trong bức thư gởi cho bạn bè vào giữa năm 1999, ngài có nói: “Nhìn Lạng Sơn mình nhớ đến Galilée. Galilée cũng là nơi dân cư pha tạp, bị coi là vùng đất dân ngoại. Nhưng Galilé chính là diểm hẹn Đức Giêsu chọn để gặp gỡ các Tông đồ lần cuối cùng. Tại đây trước khi lên trời Người sai các Tông đổ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.” Trong một đoạn khác ngài viết:”Tôi về Lạng Sơn như hành hương về miền quê nghèo. Tôi đi hành hương trong thân phận của người nghèo: không tài sản, không nhân sự. Tôi không có gì để nương tựa, bám víu. Chỉ ra đi với niềm tin cậy phó thác”.

Từ ngày đảm trách Giáo phận Lạng Sơn, ĐGM Ngô Quang Kiệt đã làm mọi việc, từ mở cửa nhà thờ, dậy giáo lý, tập hát đến phụng vụ dành cho giáo dân Lạng Sơn. Ngài đã dành nhiều thì giờ đến giúp các giáo phận tại miền Bắc, đem lại một cái nhìn mới về bộ mặt Giáo hội sau Công Đồng Vaticanô II cho tín hữu miền Bắc sống xa cách với những đổi mới của Giáo hội trên 50 năm qua.

Giáo Phận Lạng Sơn bao gồm hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và một phần Hà Giang, ở miền cực bắc Việt Nam. Lạng Sơn có dân số trên 1,500,000 người, là vùng dân cư phức tạp gồm đủ mọi sắc tộc: người Tầy, người Nùng, người Thái, người Hoa. Người Kinh chỉ có 15% trong khi người công giáo còn ít hơn, chỉ có 0.2%, tức là khoảng 5,000 người qui tụ trong 11 giáo xứ nhưng chỉ còn 9 nhà thờ, và giáo xứ xa nhất cách trụ sở giáo phận trên 300 cây số. Lạng Sơn nghèo nàn, nhiều rừng núi, cây rừng đá sỏi, đất đai khô cằn.

Vào cuối năm 1999, đứng trước hoàn cảnh đáng lưu tâm của Giáo Phận Lạng Sơn, một số anh chị em ở hải ngoại đã thành lập Hội Thân Hữu Lạng Sơn. Vào cuối năm 2000, Hội đã mời ngài sang Hoa Kỹ và mọi tín hữu đã nhiệt tình yểm trợ Giáo phận Lạng Sơn về tinh thần cũng như vật chất. Trong dịp này, tại một buổi gặp gỡ với một nhóm nhỏ giáo dân ở Orange, để trả lời một câu hỏi về sự thách đố của hàng Giám mục Việt Nam trước thời cuộc, ĐGM Ngô Quang Kiệt có nói đại ý: khi đã đảm nhận chức vụ, nếu cần, Giám mục không ngại hy sinh mạng sống mình; một khi đã hết mình vì Chúa thì đâu có còn gì để phải sơ sệt, nhưng mọi hành động cũng như sự hy sinh đó liên hệ đến đông đảo tập thể giáo dân mà mình chịu trách nhiệm chăm sóc, không thể để họ bơ vơ, cô đơn; cho nên, mọi hành vi của Giám mục đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.

Ngày 15.4.2003, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Ngô Quang Kiệt, làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội và ngày 19.1.2005 trở thành Tổng Giám Mục.

Tổng Giáo phận Hà Nội rộng 7,000 cây số vuông, theo thống kê năm 2000, dân số là 6,000,000 người trong đó có khoảng trên 300,000 tín hữu công giáo, được chia ra 135 giáo xứ, cách xa nhau từ 5 đến 20 cây số, không có đường giao thông thuận tiện. Trong toàn Giáo phận vào năm 2000 chỉ có khoảng 50 linh mục, 5 nam tu sĩ, 247 nữ tu, 36 chủng sinh, 50 dự bị chủng sinh và 1,568 giáo lý viên.

Trong 7 năm lãnh đạo TGP Hà Nội. ĐTGM Ngô Quang Kiệt, thừa hưởng gương can đảm và sáng suốt của ĐHY Phạm Đình Tụng và ĐC Lê Đắc Trọng, cùng với ĐC Chu Văn Minh, đã hướng dẫn cộng đồng dân Chúa Hà Nội tăng cường sự hiệp nhất, cải tổ sâu rộng Đại Chủng Viện, đặt ra chương trình huấn luyện đại chủng sinh theo chiều hướng mới, lưu tâm đến người nghèo khó, -điển hình là trận lụt cuối tháng 10 năm 2008-, mở rộng tương giao dân sự, và đặt ra mối tương quan bình đẳng và đúng đắn đối với thế quyền. Dĩ nhiên, ngài phải trả giá.

Vụ hàng ngàn giáo dân Hà Nội cầu nguyện trên khu đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội để đòi đất, thực ra là đòi công lý, xảy ra vào ngày 18.12.2007 với những thời gian hào hùng, quyết liệt, hồi hộp, lo âu và cao điểm là lúc 5 giờ chiều ngày 27.1.2008.

Về phía giáo dân, kể cả vụ đòi đất Thái Hà và Hà Đông, xem ra họ không nao núng trước những đe dọa có thể đưa đến tù đầy.

Điểm đặc biệt trong giai đọan này là sự hỗ trợ công khai của các Đức Giám mục Kontum, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh. Cộng Đồng CGVN ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ và Úc Châu đã hiệp thông bằng những buổi thắp nến cầu nguyện. Tiếp theo là một số lượng thỉnh nguyện thư cũng như những vận động trực tiếp của nhiều nhóm ở các nước trên thế giới tới các cấp chính quyền yêu cầu hỗ trợ Giáo hội Việt Nam.

Đồng thời là sự quan tâm lên tiếng của hàng lọat cơ quan truyền thông quốc tế, AP, AFP, Asia News, EDA, UCAN, BBC, VOA, RFI, RFA, Radio Vatican, Veritas, VietCatholic, Zenit… trong đó có Washington Post, kế đến là phản ứng của đông đảo người Việt hải ngọai.

Vào ngày 20.9.2008, trong cuộc họp với UBND Hà Nội, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã phát biểu nhiều điều quan trọng, đại để như: …” Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ "xin cho".

… “Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại.”

… “Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc.”

… “tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”

Sau tám tháng tranh đấu, TP Hà Nội hôm 19.9.2008 đã bất chấp mọi nguyện vọng chính đáng, cho xây dựng cấp tốc công viên cây xanh trong khuôn viên Tòa Khâm sứ cũ ở 42 Nhà Chung trong khoảng một tuần. Trong một động thái nhanh lẹ tương tự, chính quyền quận Đống Đa cũng biến khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng thành công viên cây xanh.Tiếp theo là những kịch bản tòa án, chiến dịch bôi nhọ, vận động ngoại giao và nỗ lực đẩy Đức TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi địa bàn Hà Nội mà ai cũng biết. Đồng thời là những biến cố Tam Tòa, Loan Lý, Thánh Giá Đồng Chiêm …. sảy ra.

Tôi không muốn nhắc lại “trang sử mang nhiều kịch tính” từ ngày đầu tháng 3, 2010 đến nay mà dường như ai cũng biết, nói ra thêm đau lòng. Tôi chia sẻ những phẫn nộ, lo âu, thất vọng, và những lời cay đắng đã trải ra trên nhiều trang giấy, mà lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam: chúng con không biết ăn nói, cứ phải nói dù không biết nói, ký thỉnh nguyện thư là chống Giáo hội?, xin dừng tay lại, đường thánh giá và đường ngoại giao, niềm tin bị đánh cắp, sự kiện thông tin và những góc nhìn, lên tiếng hay không lên tiếng, tại sao mục tử im lặng, trái chiều và lạc lõng, một con dê tế thần, nhà thờ hãy cảnh giác, Vatican bắt tay Hà Nội, hy sinh người công chính, em con ở đâu, đã đoạn, vũ ngọc nhạ, tam ca áo tím v.v..Trả lời đài RFI, ngày 10.5.2010, bà Nguyễn Thanh Mai, giáo dân Hà nội, phát biểu nhiều điều về sự kiện liên quan tới ngày 7.5.2010, trong đó có câu: {” Ở điềm này, các giáo dân đi lễ, trên đầu đều có biểu ngữ là “Yêu Mến Đức Tổng”, “Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt - Chúng Con Yêu Mến Ngài”. Có biểu ngữ ghi: “Chúng Con Đồng Hành Cùng Với Ngài”. Cũng có biểu ngữ viết: “Chúng con xin Đức Tổng Ở Lại”. Rất nhiều.} Còn ông Nguyễn Thanh Phong, giáo dân Nam Định, nói:” "Cái việc mà Đức Tổng lên tiếng là cái việc rất cần thiết. Chúng tôi vẫn cứ đùa với nhau, chúng tôi nói là giáo hội chúng ta là cái giáo hội đã bị câm lặng quá lâu. Đến bây giờ, với Ơn Chúa và Đức Tổng, như bên ngoài, giới trí thức gọi Ngài là người hùng. Họ còn cho đấy là vị anh hùng chân chính chứ không phải như “anh hùng rơm, anh hùng rác” như "người ta" phong”….” Ví dụ như qua cái vụ lời phát biểu của Đức Tổng họ cắt xén đi, bây giờ là toàn dân, không phải chỉ những người Công Giáo, mà toàn dân bây giờ họ biết rõ và họ không tin cái hệ thống truyền thông của Việt Nam nữa”.

Trong biến cố vừa kể trên, xin ghi nhận một vài cảm nhận rất ngắn gọn:

1. ĐTGM Ngô Quang Kiệt đã làm trọn nhiệm vụ của mình. Ngài là người đã đốt lên ngọn đuốc Sự thật, Công lý và Hòa bình, lòng tự tin, can đảm trong khối quần chúng đã bị chết khô trong 50 năm qua tại miền đất văn vật Hà thành. Niềm hứng khởi và sự đòi hỏi tự do, dân chủ, từ đó, xuất hiện tràn lan trên hàng ngàn các bloggers.

2. Vàng cần thử lửa. Hai năm rưỡi biến cố sẩy ra trong Giáo hội Việt Nam, soi rõ diện mạo đích thực từng vị lãnh đạo, từ cử chỉ, thái độ và nhất là ngôn từ, lý luận của từng vị và từng cơ quan.

3. Tất cả, đã có 3 Thỉnh nguyện thư gửi Tòa Thánh xin lưu giữ ĐTGM Kiệt. Kết qủa, tôi đọc được trên DCV Online ngày 13.5.2010 một câu của một tín hữu:” Tìm đâu thấy một mục tử khi chiên bị áp bức, đã lên tiếng; khi chiên bị đánh đập đã an ủi, khi chiên bị bắt bớ đã thăm viếng; khi chiên bị tù đầy đã sẵn sàng đi tù thay; khi chiên bị sói dữ tìm cách ăn thịt, ngài đã bảo vệ; khi chiên bị hoạn nạn đã tìm đến giúp đỡ và chia sẻ.”

4. Lòng cam đảm và sự đóng góp của tín hữu Bắc Hà, nhất là những phát biểu, trả lời các cơ quan thông tấn quốc tế, chứng tỏ ở nơi anh chị em, một nhận thức cao độ về mối tương quan với Thiên Chúa, với Giáo hội, và về chủ chăn. Anh chị em đã “đi hia bẩy dặm” trên hành trình đức tin. Xin có lời kính phục sâu xa. Riêng Dòng Chúa Cứu Thế, quí vị xứng đáng là hậu duệ của những cây đại thụ Trần Hữu Thanh, Vũ Ngọc Bích và qúi vị có một “hậu phương” trên toàn thế giới.

5. Dù sông có cạn, núi có mòn, người Kitô hữu Việt Nam luôn tín thác vào Đức Kitô, cậy trông vào Đức Mẹ Lavang, gắn bó với Giáo hội, hiệp thông sống chết với nhau để bảo vệ Giáo Hội Việt Nam trong cơn thử thách. Hãy thức tỉnh và cân nhắc trước những “thông tin”, hãy đề phòng “tiên tri giả”, hãy dùng lương tâm sáng suốt để phán đóan sự việc và nhân sự trong thời đại đảo điên này. Sau hết là dùng lời cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa và với anh chị em trong cơn bách hại này. Ai làm sai, sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa.

Nguyễn Đức Tuyên

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/theo-doi-buoc-chan-kien-cuong-cua-dtgm-ngo-quang-kiet/