Trích từ Dân Chúa

Sự thật về đất đai Tòa Khâm Sứ, Nhà thờ lớn Hà Nội và Chùa Báo Thiên

+GM FX Nguyễn Văn Sang

Tôi không là nhà sử học, lẫn địa dư học, song tôi có bộ óc hoài niệm và suy nghĩ. Tôi đã vâng lời Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Giuse Ngô Quang Kiệt, đã viết một số bài liên quan tới khu đất 40 Phố Nhà Chung (tôi không dùng số 42, vì số đó là con số chính quyền quận Hoàn Kiếm đặt, nhằm hợp thức hóa việc chiếm đoạt khu đất 40 của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội từ năm 1876 - năm xây dựng Tòa Giám Mục - xem bài của Lê Thiện,  19/2/2008). Bài đó là Bài hồi ức về đất Tòa Khâm Sứ cũ….

Trong bài đó, tôi nêu rõ các lý do pháp lý, tình cảm, hoài niệm tập quán lẫn lời chứng của các tiền nhân để xác định chủ quyền sở hữu của Tòa Tổng Giám Mục trên mảnh đất 40 (gồm cả 42) Phố Nhà Chung mà còn có thể các khu đất khác chung quanh. Sau này Tòa Tổng Giám Mục cũng công bố trên VietCatholic bản đồ rõ rệt của đất mượn Nhà Chung Hà Nội, đúng như tôi đã trình bày trong bài Hồi ức; trong đó tôi cũng đã động tới Ngôi Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, được xây dựng trên nền tháp Báo Thiên theo thông tin của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (sau này tôi hồ nghi nhà văn này đã lấy nguồn tin đó trong tài liệu của cha thừa sai Pháp như ông Lê Thiện đã viết bài nói trên).

Hiện nay, việc tranh luận về đất đai nhà Chúa hay nhà Chùa (đầu đề của Lm. Thiện Cẩm) đang đi vào chỗ gay cấn. Tôi xin phát biểu vài tư tưởng nhỏ mọn sau:

Về mặt lịch sử, bên Phật giáo đòi lại các khu đất đó đã có bài lý luận rất giá trị và xúc động của nhà “vô thần” Lê Hữu Tuân đăng trên VietCatholic và một số bài khác. Tuy ngay trong các bài tôi viết cũng đã khẳng định lý luận đòi lại các khu đất, thì phải đào bới toàn thể thủ đô Hà Nội phá đi chỉ còn là đống gạch vụn.

Song tôi xin đặt vấn đề thực tế hơn: Chùa và rõ hơn Tháp Báo Thiên gồm khu đất nào? Rộng bao nhiêu? Dài bao nhiêu? (Vài tài liệu chỉ nói tới chiều cao 30 tầng).

May mắn tôi được đọc bài của nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho biết chi tiết gồm cả một bản đồ theo bản vẽ từ đời Hoàng Đức 1490. Năm 1056, đời Lý Thánh Tông cho xây chùa trên bờ hồ Lục Thủy (Hồ Hoàn Kiếm) phía đông Thăng Long lại. Năm 1075 xây Tháp tại chùa quen gọi Tháp Báo Thiên và sắp xếp các phường phố của thành Thăng Long, cũng gọi phường ở khu vực này là phường Báo Thiên.

Vậy theo bản đồ 1490 Tháp Báo Thiên bên cạnh hồ Lục Thủy, có người nói ở chỗ nhà Bưu điện hiện nay, có người nói ở Nhà Báo Nhân dân bây giờ. Việc này có vẻ phù hợp với lời Đức Hồng Y Giuse Trịnh Như Khuê nói với tôi: “Xem đầu óc của Đức Cha Phước sâu sắc lớn lao dường nào. Nhà thờ Thánh Giuse bây giờ ngài chỉ xây để dùng làm Nhà Nguyện cho trường Lý đoán (Đại Chủng Viện) Hà Nội, còn nhà thờ Chính Tòa sẽ được xây dựng bên bờ Hòan Kiếm (bên này, hoặc bên kia hồ???)”. Ông Nguyễn Đình Tư cho biết rõ hơn:

“Thiết nghĩ… chính quyền Hà Nội nên cho phục chế ngôi tháp Báo Thiên đã bị quân Minh phá hủy (chứ không phải thừa sai Công giáo v.v…) trong khuôn viên khu đền thờ Vua Lê” (hiện nay bên cạnh hồ Hoàn Kiếm và một nhà Ngân hàng).

Như vậy, có thể đoán được rằng: khu Chùa và Tháp Báo Thiên cũ là ở phía bên này hồ Hoàn Kiếm, trong khu đất Tam giác, nơi có Hội Trí Đức cũ, và đầu kia là cơ sở của Báo Nhân Dân đứng trên mảnh đất nhà binh Pháp cũ.

Lại nữa, xem trên bản đồ thời Hồng Đức 1406, Chùa và Tháp Báo Thiên ở cạnh hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm) mà Nhà Thờ Lớn ngày nay ở bên kia huyện Thọ Xương (ngõ Huyện ngày nay) cách xa nhau từ 1 đến 2 cây số. Không chắc mảnh đất được dùng để xây Nhà Thờ Lớn có ở trong khu vực tháp Báo Thiên không? Theo ông Nguyễn Đình Tư viết: “Tháp được xây trên gò đất cao… nền tháp xây đá và gạch…” Chúng ta thử tưởng tượng tháp trên gò đất đó, nền bằng đá, mà chân nó rộng, dài 2km, thì tháp đó vĩ đại thế nào, trong thời kỳ nước ta vào năm 1054 có đủ kỷ thuật để xây dựng chăng, mặc dù theo sử tháp đó cao tới 30 tầng!!!

Chỉ có Nhà Nguyện của trường Lý đoán được xây trên khu đất “hồ nghi” của tháp Báo Thiên, còn Nhà Thờ Lớn theo ý định của Đức Cha Phước sẽ xây bên hồ Lục Thủy, nơi đất ngày nay báo Nhân Dân đặt trụ sở, mà có thể là nơi có Tháp Báo Thiên thực sự thì đã không diễn ra.

Vậy nên có bài viết đầy khôi hài trong báo điện tử VietCatholic rằng: “Đáng lẽ phải thắp nến và cầu nguyện trước Bưu Điện thành phố hay trước Báo Nhân Dân!!”.

Còn đất Tòa Khâm Sứ cũ và đất cả Tòa Tổng Giám Mục Hà nội có phải là đất Chùa và Tháp Báo Thiên không, thì xem bản đồ Hồng Đức 1406 càng xa địa điểm giả định của Tháp Báo Thiên bên hồ Hoàn Kiếm như trên đã nói. Bài báo do ông Lê Thiện viết trích dịch sự kiện của Hội Thừa Sai Paris đã viết: “Đức Cha Phước muốn chọn các thửa đất giữa Tràng Thi ở phía Nam và chùa Báo Thiên ở phía Bắc…” Thế thì đất Khâm Sứ cũ nằm trong đất Tòa Tổng Giám Mục, đâu có nằm trên khu đất của chùa Báo Thiên (Tháp Báo Thiên), mà là đất giữa Tràng Thi và chùa Báo Thiên cũ, rõ ràng không phải là đối tượng cho một số phật tử đòi phải trả lại (!!!)

Đằng khác, bài viết mới đây của linh mục Hồng Kim Linh (22/2/2008) đã trình bày cặn kẽ ảnh hưởng của đạo Phật trong cách điều khiển đất nước của các vua quan đời Lý lúc đó, đã đem lại rất nhiều tệ nạn, làm suy nhược đất nước. Điều này rất phù hợp với nội dung của cuốn tiểu thuyết Hồ Quí Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Có thể nói, đất đai chùa chiền chiếm phần lớn đất của quốc gia. Dân thì “trốn việc quan đi ở chùa” làm thành phần sư sãi đông gấp bội… ruộng vườn bị bỏ hoang, nên có câu ca dao phản ứng với câu cổ truyền: “Nhất sĩ nhì nông, tam công tứ thương, thành ra “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”.

Trong hòan cảnh đó, chùa chiền mọc lên như nấm, trong đó có chùa Báo Thiên, Tháp Báo Thiên. Sang đến đời Trần và các đời sau, đạo Phật bị mất ảnh hưởng nơi các triều đại kế tiếp, chùa chiền vắng bóng các sư coi sóc, để hoang phí dột nát, kể cả chùa Báo Thiên, lẫn Tháp bị Quân Minh năm 1426 phá sập, triều Lê cho đắp mú đất phủ lên nền cũ. Cuối thế kỷ XVIII, nơi sân chùa thì họp chợ, núi (gò) dùng làm nơi xử chém những tội nhân bị kết án tử hình. Vậy thì còn đâu là Chùa, là Tháp để cho các Thừa Sai hoặc những người Công giáo năm 1883 đập phá, rỡ bỏ nơi cơ sở văn hóa như một số người đã phát biểu.

Còn như lấy lý do bên Phật giáo quản lý từ năm 1054 tới 1883, thì ai làm chủ khu đất và ngôi Chùa bị hoang phế từ 1426. Và trước năm 1054, ai quản lý các đất có trước và họ có quyền đòi lại không? Trong lịch sử, các ngôi chùa là do nhà một nhà sư (hoặc một ông vua, chúa, hoặc một người giàu có lập ra và trao cho một nhà sư trù trì), và đó là sở hữu của nhà sư hoặc của người lập ra... (Trích lá thư của Pina năm 1623, có liên quan đến quyền sở hữu của các ngôi chùa: Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco De Pina, tác giả Roland Jacques) Do vậy cũng có thể nói Chùa Báo Thiên là thuộc hoàng gia chứ chưa bao giờ là sở hữu của Giáo Hội Phật Giáo, vì Giáo Hội Phật Giáo với tư cách là Giáo hội pháp nhân mới được thành lập trong thế kỷ XX mà thôi.

Và thường hiện nay, đại đa số nhà nhà chùa vẫn còn là sơ hữu của tư nhân, chứ không phải là sở hữu của Giáo Hội Phật Giáo. Trường hợp một sư trù trì qua đời thì di chúc lại cho đệ tử.

Như trên có nói thời Lý, chùa chiền mọc lên như nấm, thì tất cả những khu đất mảnh vườn chúng ta đang sống trên đó ở thủ đô Hà Nội này, đều xây dựng và sinh sống trên đất chùa cũng nên, mà phải hoàn lại cho Phật giáo chăng – cũng như một số lý luận khôi hài rằng: đất miền Trung phải trả cho dân Chiêm Thành, đất miền Nam phải trả cho Cao Mên!!! Do đó, tôi rất tán thành nhà văn “vô thần” Lê Hữu Tuân, cho rằng phải quan niệm đúng đắn về lịch sử để giải quyết các đất đai còn vướng mắc như vụ đất của Tòa Khâm Sứ cũ. Nhưng tôi cũng không đồng ý với lập luận của linh mục Trương Bá Cần cho rằng: “Đất của Tòa Khâm Sứ cũ là đất vắng chủ, nên nhà nước tạm quản lý”.

Xin thưa tôi đồng ý với linh mục Thiện Cẩm rằng: Không biết luật nào, nghị định nào để linh mục Trương Bá Cần dựa vào đó mà phát ngôn như vậy, đất Tòa Khâm Sứ cũ mà linh mục cứ cố ý gọi là số 42 cho khác đi số 40, (như tôi đã trình bày: số 42 là do Quận Hoàn Kiếm tự đổi từ số 40 mà ra), không bao giờ vắng chủ từ năm 1883 tới giờ này, 12 giờ trưa ngày 23/2/2008, tôi đang viết dòng này! Tòa Tổng Giám Mục có chủ là Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt; trước đó là Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, trước đó nữa là Đức Hồng y Căn v.v…ngược lên 1883… Ngay khi Tòa Giám Mục được tuyên bố là trống tòa thì vẫn có chủ: là Đức Cha Giám quản, không thì Cha Tổng đại diện vv… và cơ quan về pháp lý đất đai của giáo phận.

Tòa Khâm Sứ cũ không có chủ là Đức Khâm Sứ John Dooley, mà ngài chỉ mượn Nhà, Đất của Tòa Giám Mục Hà Nội và khi bị trục xuất, ngài lại trả lại cho Tòa Giám Mục Hà Nội vào năm1959. Còn trước năm 1950, tòa nhà đó, đất đó vẫn có chủ và sau 1959 vẫn có chủ, không một giây phút nào vắng chủ. Vậy nhà nước không có lý do gì để tạm quản lý khu đất đó. Biết rõ như vậy nên sau khi Đức Khâm sứ Dooley rời bỏ (cả cha Thư ký) Hà Nội được ít lâu, (thời Đức Hồng y Căn) chính quyền mới phải mời linh mục Cương, linh mục Mai ra làm việc để các ngài “hiến” khu đất đó cho chính quyền(!!!). Nếu nhà nước đương nhiên quản lý nhà vắng chủ, thì cần gì phải bầy ra vụ “hiến” làm chi cho phí công nhọc sức. Lý luận đó phản lại lập luận nhà vắng chủ của linh mục Trương Bá Cần.

Nhưng tôi không đồng ý với linh mục Thiện Cẩm ở chỗ: đứng về phương diện lịch sử, nếu có đủ bằng chứng về đất Khâm Sứ, Nhà chung Hà Nội, Nhà Thờ Lớn là thuộc chùa Báo Thiên, thì trả lại cho bên Phật giáo. Vấn đề này xin lại viện tới quan niệm lịch sử của tác giả Lê Hữu Tuân. Vả lại, tôi thấy chính linh mục cũng cảm thấy đuối lý nên đã phải vín vào cớ “nên chăng” của chính tôi cũng đã đề ra: “liệu mọi người kể cả chính quyền Hà Nội và chính phủ nữa, có đồng ý biến Nhà thờ Chính Tòa thành nhà Chùa, hoặc phá bỏ đi mà xây nhà Chùa mới hay không? Hỏi như thế tức là trả lời rồi”.

Nói tóm lại, theo thiện ý của tôi, đứng về phương diện nào đi nữa, mảnh đất mang số 42 cũng dứt khoát là thuộc sở hữu của Tòa Giám Mục Hà Nội, vấn đề trả lại là hợp tình hợp lý. Còn những lý do cao cả đem lại sự đoàn kết, an bình cho nhân dân cả hai tôn giáo: Công giáo và Phật giáo, là bạn với nhau trong việc xây dựng đất nước, thì không còn vì một mảnh đất cỏn con, hoặc sỹ diện của một vài cá nhân mà làm mất đi nghĩa lớn của tổ quốc. Tôi rất thích lý luận của nhà văn Lê Hữu Tuân mà muốn xin làm câu kết luận cho vài dòng thô thiển của tôi, và cũng là lời khuyên tốt đẹp trong các vụ tranh chấp đất đai của các tôn giáo và chính quyền:

“Muốn chấm dứt việc người Công giáo cầu nguyện đòi tài sản mà không can dự đến Phật giáo, trước những viễn cảnh tồi tệ giả định, tại sao không xúc tiến giải pháp đơn giản hơn rất nhiều, là có bước đi pháp lý thích hợp và một ít thoả hiệp để giải quyết rốt ráo vấn đề? Nhà nước “mất” về tay các giáo phận một vài toà nhà hay khu đất mà trong quá khứ không lâu đã là của họ, chẳng tốt hơn là mất đi khối đoàn kết dân tộc và sự bình yên trước viễn cảnh xung đột tôn giáo sao? Về phía (những người lấy danh nghĩa) Phật giáo, đã mấy trăm nay mất những chùa chiền nào đó, nay nếu tiếp tục “mất” thì có tăng thêm chút mất mát nào không, thay vì lại “tự nguyện” nhảy vào thế chân Nhà nước trong cuộc tranh chấp này, để mất đi cả căn tính vốn có của đạo Phật? Nếu những tài sản mà phía Công giáo chứng minh được sở hữu có về với họ, thì cũng chỉ là thêm cho một bộ phận con dân nước Việt được có được những cơ sở vật chất mới phục vụ cho đời sống tâm linh, cho việc giáo dục, giải trí, hay làm từ thiện…, không phải là điều Nhà nước ta cũng chủ trương hay sao? Và thêm một bộ phận chúng sanh có được niềm hoan hỉ như thế, nào có khác chăng với tinh thần nhà Phật?” (VietCatholic ngày 22/2/2008 – Lê Hữu Tuân).

Xin cảm tạ mọi người, đã kiên nhẫn đọc những dòng trên và xin tha thứ những gì sai phạm hoặc đụng chạm tới lòng tự ái của quí vị.

Thái Bình ngày 24/02/2008.

+GM F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

+GM FX Nguyễn Văn Sang

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/su-that-ve-dat-dai-toa-kham-su-nha-tho-lon-ha-noi-va-chua-bao-thien/