Trích từ Dân Chúa

Sự thật và lòng bao dung

Paulus Nguyễn Đình Khôi

Chưa bao giờ hộp thư của tôi đầy ắp như thời điểm này với hàng trăm thứ câu hỏi khác nhau, đến từ nhiều luồng tư tưởng của các bằng hữu xa gần, chủ yếu họ thao thức về vấn đề Lạm dụng Tính dục trong Giáo Hội." Làm thế nào để góp sức đẩy con thuyền qua vùng bão tố trong khi duy trì đường hướng giải quyết chắc chắn là đáp trả khẩu hiệu Tin Mừng 'Duc in altum – Hãy chèo ra chỗ nước sâu' ?" Liệu cơn lốc này có cuốn trôi ơn gọi tu trì của nhiều người và sẽ ảnh hưởng sâu nặng tới Giáo hội Việt Nam?

Tôi vui mừng vì Đức giáo hoàng Benedict XVI đã sớm công khai những ẩn khuất, lem nhem không đáng có trong Giáo hội bấy lâu nay. Điều đó tái khẳng định lập trường cứu độ mà 1977 năm trước Đức Kitô đã can đảm chấp nhận. “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Mt 26.39)

Việc công khai sự sai phạm trầm trọng của một cá nhân nhằm cảnh tĩnh họ không có nghĩa là bóp nghẹt nhân phẩm của họ, nhưng chính là khai thông cho sự thật trong họ được bùng lên. Qua đó để mở lối thoát hiểm cho những người đang dự định "ném đá" biết thân phận mình mà lặng lẽ rút lui. " Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi... Nghe vậy họ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi." (Ga 8. 7- 8)

Cuộc cách mạng Luân lý do chính Đức Thánh Cha khởi xướng để cho công luận thế giới tự do đàm tiếu, chắc chắn không làm sa sút ơn gọi Tu trì trong giáo hội nhưng báo hiệu một mùa hồng ân ơn gọi đang nở rộ đúng nghĩa, chứ không phải những thứ hoa của ân nghĩa xin cho đến từ cơ chế thế tục. Bởi ơn nghĩa cơ chế chỉ tạo ra những bông hoa giấy sặc sở trổ trên gốc cây giả sần sũi, chai cứng đầy nhựa đen của sự chết. Nó chỉ loè đời chứ không góp phần cân bằng sinh thái tâm linh của nhân loại.

Biết đâu trong một tương lai không xa, những anh em Tu sĩ “được” kết án hôm nay trở lại cứu những anh chị em đang “ném những viên đá đạo đức giả vào những linh hồn thánh thiện”? Điều đó cũng không có gì là lạ, vì lịch sử thăng tiến của Giáo hội luôn vận hành theo chương trình của Chúa Thánh Thần qua việc canh tân ý thức con người trong sự thật, chứ không phát triển theo những chủ trương của lý trí và khoa học thực dụng. Điều đó đã được Đức Kitô khẳng định trong những giờ phút cao điểm nhất của chương trình cứu chuộc: “ Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.....Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến”. (Ga 17. 17 - 19).

Cuộc cách mạng luân lý này khơi dậy một sự thật khác bị che khuất trong Kinh Thánh cựu ước đó là: Việc Bà Su-san-na con gái ông Hen-xi-at cự tuyệt không chịu cho hai vị Thẩm phán xúc phạm, mặt khác bà còn dùng chính luật Chúa để cảnh tĩnh họ (Dn 13). Sự thật ấy không chỉ chứng minh lòng dũng cảm của một người phụ nữ, mà còn nhằm khẳng định sức mạnh tiềm tàng của Luật Chúa trong linh hồn mỗi người. Nếu Luật thế gian và những bức tường thành danh lợi siết chặt, vây kín linh hồn con người như thế nào thì Luật Chúa sẽ giải thoát họ trong sự thật như vậy.

Cuộc cách mạng luân lý mà Rome đang khởi xướng cũng nhằm tái khẳng định lập trường và giáo huấn về vấn đề đời sống độc thân Tu sĩ đó là: " Sự tiết dục trọn vẹn đụng chạm đến những khuynh hướng tâm sâu của bản tính con người, nên những người muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyết định và chỉ được chấp thuận sau một thời gian thử thách thực đầy đủ và đã thấy có sự trưởng thành tâm lý, tình cảm cần thiết 7*. Không những phải căn dặn họ về những nguy hiểm hay xảy đến cho đức khiết tịnh, nhưng còn phải huấn luyện thế nào để họ đón nhận cuộc sống độc thân hiến dâng cho Thiên Chúa đồng thời đem lại lợi ích cho con người toàn diện của họ". (Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II. Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis)

Đây chính là thời điểm Mẹ Giáo hội đang sửa phạt con cái mình và khắc khoải dùng chính thế giá của mình để ươm lên những mầm sống Thanh bần, vâng phục Chúa Cha như Đức Kitô đã làm trên cây Thập giá.

Nếu xưa Đức Kitô đã vắt trái tim mình để lập nên bí tích Thánh Thể như thế nào, thì nay Mẹ Giáo hội tựa như con Bạch Hạc bị thôn tính không gian sinh tồn, nên phải sinh,nuôi con mình trong sa mạc như vậy.

Cho phép tôi được mượn lời của Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết về giáo hội, để khép lại tâm sự trên " Giáo hội có những đứa con có vấn đề: một số đứa hoảng sợ, một số đứa bị gương mù; một số đứa, vì mất tiếp xúc với Thần Khí của Giáo hội, tuyên bố rằng đã đến lúc phải sửa lại toàn bộ và đưa ra, bắt Giáo hội phải thi hành, ‘những kế hoạch riêng, cách mạng và khuynh đảo’! Những lúc như thế, nhiệm vụ mọi người vốn nhận Giáo hội là Mẹ phải biểu dương sự gắn bó không chao đảo và quan tâm sâu sắc, theo lời Thánh Phaolô, ‘phải trở nên mới trong tâm tư và tinh thần’ để có thể nhờ đó mà thực hiện được sứ mệnh của Giáo hội trong sự nhẫn nại vừa khiêm hạ vừa năng động. Bởi vì Giáo hội mang theo mình niềm hy vọng của thế giới". Mặt khác Cha Cha Henri de Lubac cũng khẳng định " Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống"

Vấn đề được đặt ra là không gian trần thế nào để dưỡng sinh những linh hồn bé bỏng vừa được lột xác lề luật ? Lòng bao dung! Chỉ có lòng bao dung mới đúng là không gian sinh tồn của những linh hồn khắc khoải ấy. Về điều này chúng ta có thể đặt niềm tin trọn hảo vào Đức Thánh Cha và các Giám mục thay mặt Chúa là người Cha nhân từ giữa thế gian.

Liệu giá trị cuộc cách mạng đạo đức của Giáo hội Công giáo đang khởi xướng có canh tân được luân lý nhân loại hôm nay hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào lời cầu nguyện và lòng can đảm bước đi trong sự thật của chính con cái trong Giáo hội.

Paulus Nguyễn Đình Khôi

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/su-that-va-long-bao-dung/