Trích từ Dân Chúa

Sự Thật Nơi Bằng Chứng

Môn Đệ


Kể từ ngày 28/8/2008, căng thẳng ở Thái Hà bị đẩy lên cao điểm khi chính quyền áp dụng biện pháp mạnh: hình sự hóa vụ việc, bắt giam một số người, đàn áp đoàn người cầu nguyện bằng dùi cui điện và hơi cay. Vụ việc xem chừng còn lâu mới đến hồi kết thúc, nếu đôi bên không khiêm tốn nhìn nhận sự thật.

Sự thật mà tôi muốn nói ở đây dựa trên chính những chứng cứ là các văn bản mà UBND thành phố Hà Nội trưng dẫn và cung cấp. Bấy nhiêu cũng đủ cho người thiện chí truy tìm sự thật thấy được sự thật.

Khi nhìn nhận các văn bản ấy là hợp lý và hợp pháp như UBND thành phố và các cơ quan chức năng thừa nhận, tôi ngộ ra những điểm sau :

1. Ở đây tôi không bàn đến vấn đề tại sao linh mục Bích phải ký 5 giấy trong 5 thời điểm khác nhau? trong hoàn cảnh nào? Nhưng, người có một chút luận lý, logic, đều thừa nhận điều này: nếu trên cùng một mảnh đất (60.000m2) của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà, mà linh mục Bích đã phải ký giấy “bàn giao” tới 4 lần, thì chỉ có văn bản cuối cùng có giá trị, nó mặc nhiên phủ nhận các văn bản trước đó.

Như vậy, trong số 4 văn bản “bàn giao” được ký ngày 24/10/1961, ngày 9/11/1961, ngày 10/11/1961,vàngày 24/11/1961, chỉ có văn bản ký ngày 24/11/1961 là có giá trị.

2. Người ta không khỏi thắc mắc: Tại sao đã ký “văn bản bàn giao” tới 4 lần rồi, mà 2 năm sau, ngày 27/5/1963 linh mục Bích còn phải làm đơn xin giao lại đất cho Nhà Nước quản lý? Rõ ràng, văn bản này lại phủ nhận các văn bản trước đó, và mặc nhiên khẳng định rằng: chưa hề có chuyển quyền sở hữu đất. Hay nói cách khác, 60.000m2 đất ấy vẫn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà (ít là cho đến ngày 27/5/1963).

3. Sự kiện không dừng lại ở đây, UBND thành phố Hà Nội còn cung cấp thêm một văn bản nữa, theo tôi, đó là văn bản vô cùng quan trọng, nó nói lên toàn bộ sự thật. Ấy là bức thư ngắn, linh mục Bích gửi Ban Chủ Nhiệm HTX Dệt Thảm Đống Đa, ký ngày 24/12/1991. Nếu đây là bức thư thật, đáng tin cậy, và thửa đất nói trong bức thư nằm trong diện tích 60.000m2 của Thái Hà, thì cả hai bên: chính quyền thành phố Hà Nội và giáo xứ Thái Hà không phải tốn thời gian, tiền của, giấy mực, công sức để tranh cãi, vì sự thật đã được phơi bày.

Phải thừa nhận với nhau rằng: Nếu văn bản ký ngày 27/5/1963 có giá trị, nghĩa là linh mục Bích đã “bàn giao” toàn bộ diện tích đất 60.000m2(trừ Nhà Thờ) “sang Nhà Nước quản lý” thì ngài chẳng còn quyền gì trên mảnh đất ấy. Việc xây dựng, phân lô, giao cho công ty hay HTX, xí nghiệp quản lý, xử dụng … là do Nhà Nước. Ấy vậy mà, 28 năm sau (27/5/1963 – 24/12/1991), khi mà HTX Dệt Thảm Đống Đa đứng trước bờ vực phá sản, muốn chuyển đổi cho đơn vị khác (Công ty may Chiến Thắng?) phải “xin phép chủ sở hữu” bằng món quà 40.000.000đ. Theo tôi được biết, món quà này nếu có, cũng chỉ là một nghĩa cử của quy luật “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong dịp giáo xứ Thái Hà tu sửa khu vực Nhà xứ, và xây thêm nhà cho khách hành hương. Số tiền này không hề có ý nghĩa mua-bán, sang- nhượng. Đáp lại, linh mục Bích đã đồng ý để một đơn vị khác (Công ty may Chiến Thắng?) đến “mượn” cơ sở này.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy quy luật phủ định xuất hiện, nghĩa là bức thư do linh mục Bích ký ngày 24/12/1991 đã phủ định tất cả giá trị của các văn bản trước đó.

Nói cách khác, cho tới ngày 24/12/1991, thửa đất 60.000m2 vẫn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà, nghĩa là trước đó không hề có việc bàn giao quyền sở hữu cho Nhà Nước.

4. Từ năm 1991 đến nay thế nào? Câu trả lời cũng nằm ngay trong nội dung của bức thư. Đó là “điều kiện” linh mục Bích đưa ra ở 3 dòng cuối cùng:

“Khi đơn vị khác vào ở trên phần đất của Nhà Thờ, phải có trách nhiệm bảo vệ đất của nhà thờ không được phép nhượng bán, hoặc với mọi hình thức có tính chất mua bán.” (trích đúng nguyên văn).

Ở đây, chỉ có một câu văn, nhưng có tới 2 lần linh mục Bích khẳng định thửa đất ấy vẫn là “của Nhà Thờ”, vì vậy dù là đơn vị nào vào ở trên phần đất ấy đều phải tôn trọng chủ sở hữu của nó, có trách nhiệm bảo vệ nó, và đương nhiên cũng không được phép nhượng bán

Như vậy, không chỉ là tới năm 1991, hay tới bây giờ (2008), mà cho tới tận thế, thửa đất 60.000m2 ấy vẫn hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà.

5. Thời gian qua đi chưa lâu, mới chỉ 5 năm (1991 – 1996), “đơn vị vào ở trên phần đất ấy” đã mau chóng quên đi những điều kiện được khẳng định trong bức thư, họ bắt đầu chia lô, sang nhượng, mua bán …Thấy rõ sự vi phạm này, chủ sở hữu của nó đã lên tiếng yêu cầu chính quyền và các cơ quan chức năng can thiệp, nhưng đã 12 năm qua đi mà họ không nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào.

6. Nguy cơ thửa đất bị chiếm đoạt rất lớn, trong khi quyền sở hữu của mình vẫn còn đó, không còn cách nào khác để giữ thửa đất – gia sản tổ tiên để lại, giáo xứ Thái Hà buộc phải tổ chức cầu nguyện trên chính thửa đất ấy, mong sao công lý, sự thật, công bằng được thực hiện. Đó là việc làm tất yếu, trách họ làm sao được.

Bằng chứng đã phơi bày sự thật, không còn gì để tranh cãi, nếu có, chỉ là cãi cùn, cãi chày, cãi cối.

Vấn đề bây giờ là hai bên hãy khiêm tốn trở về xuất phát điểm, tôn trọng sự thật, và giải quyết cách công bằng: “của Xê-da, trả lại cho Xê-da”. Có như vậy mới hy vọng trả lại lòng tin cho người dân Việt.

Môn Đệ, 8-9-2008

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/su-that-noi-bang-chung/