Trích từ Dân Chúa

Phỏng vấn Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang về sự kiện đập phá Cây Thánh Giá ở Đồng Chiêm

tgmtb.net

THÁI BÌNH - Sau khi Đức Cha Đức Cha F.X Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục phụ tá Hà Nội, đi Hà Nội khám bệnh về chúng tôi có xin người trả lời mấy câu phỏng vấn sau tại phòng riêng của ngài:

PV: Đức Cha cảm thấy sức khỏe thế nào?

Đức Cha: Từ ngày 25-11 tôi bị đau khớp nặng không đi được đến đâu hoặc phải ngồi xe lăn, nay đã đỡ nhiều hy vọng từ nay đến tết sẽ trở lại làm việc bình thường.

PV: Đức Cha chắc đã theo dõi về sự việc ở Đồng Chiêm, Đức Cha cũng đã có thư hiệp thong và bài viết về Cây Thánh Giá đã được đăng trên các báo điện tử, Đức Cha còn ý kiến gì về vấn đề này?

ĐC: Ý kiến thì nhiều, nhưng do chân tay đau nên tôi có thời gian để đọc được nhiều bài rất bổ ích. Tôi thấy rằng công việc sắp đến hồi kết thúc; nhưng tôi cũng có một số ý kiến mong có thể giúp được phần nào giải quyết việc này.

Về Giáo xứ Đồng Chiêm và các giáo vùng đó, theo tương truyền và lịch sử Giáo phận Hà Nội: đa số các tín hữu miền đó không phải là dân tộc thiểu số sở tại, mà là do dân tứ chiếng, phần lớn từ Giáo Phận Thanh Hóa, Phát Diệm… trong thời cấm đạo bị phân sáp (cưỡng bức di dân) hay chạy trốn vào đó mà lập nghiệp (từ 200-300 năm trước), lập ra các giáo xứ Đồng Danh, Kẻ Ải, Đồng Chiêm, Mường Riệc… Giáo dân các giáo xứ này vẫn nổi tiếng là những tín hữu ngoan đạo, trung thành xứng đáng với truyền thống tổ tiên để lại.

Tôi còn nhớ các đây 50 năm, khi thành lập các Tòa Giám mục chính thức tại Việt Nam, các vị thừa sai Pháp lúc đó theo đúng tinh thần truyền giáo và mộ mến đức tin của các anh chị em tin hữu miền Hòa Bình – Hà Đông. Các vị đã xin với Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê để được vào phục vụ cho anh chị em tín hữu Kitô trong đất “Mường” này. Tuy hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, các nhà thờ xứ họ đã được bàn tay của các đấng thừa sai và giáo dân xây dựng cùng với việc hun đúc họ trung thành với Giáo Hội.

Như vậy, từ hai - ba trăm năm nay giáo xứ Đồng Chiêm cũng có hang ngàn tín hữu đã qua đời, được chôn cất trong nghĩa trang (người Công Giáo gọi đó là Đất Thánh) ở Núi Thờ (núi chẽ), cũng như rất nhiều người chết đói trong năm Ất Dậu (1945) hoặc vô gia cư mà theo tinh thần bác ái họ được các tín hữu chôn cất trên và dưới chân Núi Thờ…

Chúng ta hãy tưởng tượng xem, có hang trăm ngàn ngôi mộ xứng đáng được trồng (mang) trên mình một Cây Thánh Giá theo truyền thống của Kitô Giáo và các cấp chính quyền ở mọi thời đại đều công nhận; mảnh đất (nơi chôn cất các tín hữu đã qua đời) cũng được chính quyền nhìn nhận như sự sở hữu của Giáo xứ lưu truyền hang trăm năm nay. Nơi đây: là “mồ yên mả ấm” của các bậc tiền nhân kể cả anh chị em không có tín ngưỡng cũng nhìn nhận như vậy.

Vậy, thay vì hang trăm, ngàn cây Thánh Giá trên các nấm mộ, bây giờ chỉ trồng một cây lớn trên đỉnh núi vừa công bằng, hợp lý và tiết kiệm. Điều đó chắc cũng được chính quyền địa phương các cấp tán thành vì trong mấy tháng nhân dân tin cũng như không tin đã nô nức gánh vôi, gạch, xi măng, sắt thép lên đỉnh núi xây dựng Cây Thánh Giá trước con mắt tán thành của địa phương; chứ không phải làm lén lút trong đêm tối. Phải chăng việc xây dựng Thánh Giá đã được nhân dân và chính quyền ủng hộ ít ra là không cản trở trong việc xây dựng. Nay bị kết án thì ai là người chịu trách nhiệm trước? chắc không phải là cha chánh xứ hay là giáo dân trong xứ (cũng như cách đây một năm tại dong Chúa Cứu Thế Thái Hà, một số người bị kết án vì đập phá bức tường ngăn không cho giáo hữu vào kính viếng Đức Mẹ. Ảnh chụp cũng như xác nhận của một vị công an cấp cao đã làm chứng là: có nhiều dân phòng, công an đứng đó nhìn cuộc đập phá mà không can thiệp; có phải vì thế gọi là đồng trách nhiệm không)…

PV: Như vậy Cây Thánh Giá được trồng trên các nấm mồ nay được thu lại thành Cây Thánh Giá Lớn đã được các vị chính quyền làm ngơ cho xây dựng nay được “dỡ bỏ” hay “đập phá”, sự thực đúng sai thế nào xin Đức Cha cho biết?

ĐC: ngày 15/01/2010 thông tấn xã Việt Nam đã đề cập tới vấn đề này, nội dung không phù hợp với thông cáo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Thông tấn xã nói: “Chính quyền và nhân dân đã tháo gỡ Cây Thánh Giá đã trồng trái phép trên núi thờ …”, còn thông cáo của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội nói rằng: “ Thánh Giá bị đập phá…” Sự thực thế nào thì anh chị em giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm, các quân nhân, công an tham dự vụ đó đều thấy rõ. Thánh Giá bị đặt mìn, bị đập bằng các búa tạ, các mảnh vỡ vung vãi khắp nơi như các ảnh chụp được, mà có người đã dùng danh từ thảm thiết hơn là “Thịt Chúa” như bài viết được đăng trên báo điện tử www.vietcatholic.org. Như thế là “tháo gỡ” hay “đập phá” thực tế rành rành không ai có thể chối cãi.

Thực ra có cuộc đập phá hình ảnh linh thiêng tối cao nhất của đạo Kitô, chính sự kiện này làm đau nhói hảng tỷ con tim trên thế giới của người Công Giáo và những người thiện chí. Chúng ta đã biết những vần thơ của một thi sĩ người Anh đã lăng mạ thánh danh Mohamet, nên đã bị thế giới Hồi Giáo sục sôi lên án và bị kết án tử hình. Ngay cả Đức Thánh Cha Benedictô XVI trong một bài diễn văn tại đại học khi nói ám chỉ lịch sử Hồi Giáo, cũng đã bị hiểu lầm và lên tiếng kết án… Cho nên, không lạ gì thế giới Kitô giáo và những người thiện chí đã phản ứng rất mạnh về việc đập Cây Thánh Giá trên Núi Thờ giáo xứ Đồng Chiêm.

PV: Sự việc đã như vậy, Đức Cha có ý kiến gì giải quyết không?

ĐC: Theo tinh thần Năm Thánh 2010: hiệp thông và đối thoại, và thư hiệp thông của các Giám mục giáo tỉnh Hà Nội đã đề nghị giải quyết ít gây thương tổn nhất cho đôi bên. Việc này không thể dung quân đội, công an và sung ống như một số người chủ trương. Vì theo tôi nghĩ, do đầu có hạn hẹp, thiếu hiểu biết của các cấp chính quyền địa phương, họ đã không lường trước được tầng mức lớn lao của sự việc gây ra có ảnh hưởng trong và ngoài nước. Điều đó đã được chính bản thong báo của Thông tấn xã Việt Nam bắt buộc phải dung chữ “tháo gỡ” thay vì “đập phá” Cây Thánh Giá trên đỉnh núi thờ. Tôi dám nói như vậy là vì theo thiển ý cách xử sự của chính quyền thủ đô đặc biệt là sở công an Hà Nội có một chút uyển chuyển trong vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Như trước đây, tôi đã tường trình trong buổi thăm viếng Tòa Khâm Sứ đang khi đạp phá. Đi cùng tôi, có thiếu tướng Tư và vị phó giám đốc công an Hà Nội tới chân núi Đức Mẹ, tôi có lưu ý với thiếu tướng: “các vị đừng đụng đến cây đa, núi đá và nhất là tượng Đức Mẹ là biểu tượng thiêng liêng của người Công Giáo Hà Nội”. Thiếu tướng nhìn sang vị phó giám đốc công an và nói rằng: cụ cứ yên tâm, tôi sẽ chỉ thị cho an hem và ông phó giám đốc đang có mặt đây. Sau đó, ông ra lệnh đập phá hết xung quanh trừ tòa khâm sứ và núi đá, chỉ mang tượng Đức Mẹ đi… Đúng là không đập phá mà chỉ bị tháo gỡ. Mẹ thì như vậy, còn Con treo trên Thánh Giá trên núi thờ Đồng CHiêm thì sao? Cũng xin kể lại một sự kiện đã xảy ra tương tự cách đây hơn 100 năm: Đêm ngày 15-16 tháng 5 năm 1983, quân giặc cờ đen (tàn quân của loan đảng Thái Bình Thiên Quốc bên Trung Quốc) đã vào khu truyền giáo (khu nhà chung Hà Nội), đốt nhà thờ, mang theo tượng Đức Mẹ làm chiến lợi phẩm, sau đó bị chúng treo trên cây đa, núi đá hiện nay, sau khi buộc vào bức tượng 2 tai chúng cắt của một em Công Giáo. Trích sách: Hà Nội giai đoạn 1873-1888, tác giả Audré Massan – nhà xuất bản Hà Nội, trang 113.

Theo như trên thì sở công an Hà Nội hiện nay và giặc cờ đen cách đây hơn 100 năm xem ra tế nhị và dân vận hơn các cán bộ lãnh đạo địa phương tai “xứ Mường” Đồng Chiêm.

Vậy tôi thiết nghĩ, chúng ta nên có cuộc hội họp giữa các thành phần đôi bên lấy công lý và hòa bình làm giầy đi và mũ đội để bàn bạc với nhau trong ôn hòa, ít gây thương tổn cho đôi bên.

Ví dụ như: Chính quyền địa phương xác nhận để dân xây dựng Cây Thánh Giá trên Núi Thờ mà không can thiệp; có cuộc đập phá chứ không phải tháo gỡ của chính quyền địa phương ngày 6/1/2010. Và theo tin nội bộ, sau khi đã thỏa thuận trồng Cây Thánh Giá ở Đất Thánh, chính quyền sẽ rước các Cây Thánh Giá còn lại về nhà thờ Đồng Chiêm, chứ không đập phá như trước nữa.

Thay vì cho phép như truyền thống ở các nghĩa trang Công Giáo trên khắp thế giới dựng hang ngàn, vạn Cây Thánh Giá trên các nâm mồ, thì ở đây, Đồng Chiêm hãy làm một Cây Thánh Giá cũng được và được trồng ở khu vực nào trung tâm nhất ở Đất Thánh ( nghĩa trang).

Ngày khánh thành, mời các cấp chính quyền đạo đời trung ương, địa phương nếu cần, mời cả các nhà báo quốc tế trong tinh thần hài hòa hiệp thông của Năm Thánh 2010 và luôn thể kỷ niêm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng chung một tổ tiên và cùng nhau đón nhận một mùa xuân Canh Dần đầy bình an và yêu thương.

Ước nguyện đó mong thay được thực hiện.

PV: Cảm ơn Đức Cha về bài phỏng vấn này, kính chúc Đức Cha luôn mạnh khỏe và hạnh phúc trong năm mới Canh Dần này.

Thái Bình, ngày 16/1/2010

PV tgmtb.net

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/phong-van-duc-cha-fx-nguyen-van-sang-ve-su-kien-dap-pha-cay-thanh-gia-o-dong-chiem/