Trích từ Dân Chúa

Phim Thái Hà: Phần Kết?

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm

Sẽ kết thúc ra sao?

Nếu ta đặt câu hỏi: Câu chuyện Thái Hà sẽ kết thúc ra sao, cho đến giờ phút này, chưa ai có thể trả lời được. Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu có ai (ví dụ Đức Hồng Y Bertone, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh) bảo chúng ta rằng: từ từ thôi, chờ đối thoại rồi Nhà Nước sẽ giải quyết, thì chúng ta có quyền trả lời: “Cứ coi vụ Toà Khâm Sứ: Đã 8 tháng qua, chờ dài cổ ra rồi, mà có thấy gì đâu ! Và phen này thì không mắc lừa nữa”. Câu chuyện sẽ kết thúc thế nào thì chưa rõ, nhưng chúng ta đã có thể rút tỉa được một số kinh nghiệm cho những bước tiếp theo.

Xác định ý nghĩa của việc làm

Các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và anh chị em giáo xứ Thái Hà tổ chức cầu nguyện để miếng đất của mình trở lại với mình. Vấn đề đơn giản chỉ có vậy. Và đó là một việc làm hợp lý, chẳng có chi phải bàn. Nhưng nếu đơn giản chỉ là cầu xin Thiên Chúa, thì không nhất thiết phải đến nơi mảnh “đất cấm” để phải ăn roi điện với dùi cui. Cứ ở trong nhà thờ mà cầu nguyện thì đâu có ai cấm cản gì. Nhưng đằng này lại đến nơi mảnh “đất cấm”. Tại sao? Thưa vì cùng lúc tập thể linh mục và giáo dân cầu nguyện với Thiên Chúa, thì cũng muốn nói với công luận, nhất là với chính quyền: “Các ông coi nè, chúng tôi đã chờ 12 năm nay rồi, đã đến lúc chúng tôi muốn một giải pháp, và phải là một giải pháp công bằng chúng tôi mới chịu. Chúng tôi tranh đấu trong ôn hoà, nhưng chúng tôi tranh đấu.” Nói rõ ra khi cầu nguyện để đòi đất theo kiểu đó, chúng ta làm một hành vi vừa có tính thánh thiêng, vừa có tính chính trị. Đọc đến đây, có thể ai đó đã giật nẩy người, nhưng sự thật là như thế, và chẳng có gì phải sợ.

Cơ hội lớn lên trong đức tin

Tuy là người gốc Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng sống ở miền Nam từ hồi di cư 1954, khi nghĩ đến anh chị em tín hữu miền Bắc, thú thật tôi thường cho là anh chị em ngoài đó ưa những chuyện bên ngoài hơn là đi vào chiều sâu của đạo. Nhưng kể từ vụ Toà Khâm Sứ, nay đến vụ Thái Hà, tư duy đó đã sụp đổ. Tôi khâm phục những anh chị em tín hữu, có thể là hiểu biết về đạo của họ chưa sâu, nhưng phải có một lòng tin sắt đá, họ mới có sức tháng này qua tháng khác chịu dầm mưa dãi nắng, bất chấp bao thiệt thòi cho bản thân, cho gia đình, bất chấp bao phiền nhiễu, có người bị đánh đập, phải mang thương tích, phải ngồi tù… Nếu đúng như lời thánh Gia-cô-bê: đức tin không có việc làm là đức tin chết, thì qua vụ Toà Khâm Sứ và vụ Thái Hà, đức tin của anh em chị tín hữu ở đây sống động mãnh liệt vô cùng.

Xác định mục tiêu

Trong Thánh lễ hiệp thông tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài-gòn đêm 28-08-2008, từ chủ tế là Cha Giám Tỉnh Phạm Trung Thành, đến người giảng lễ là Cha Vũ Khởi Phụng, đến người dẫn lễ là Cha Lê Quang Uy, mỗi người một cách, nhưng cả ba đều nói rõ mục tiêu: Khởi điểm là mảnh đất Thái Hà, nhưng xa hơn, sâu hơn là mảnh đất tâm linh, là công bằng xã hội, là công lý và hoà bình. Thửa đất 6 mẫu tây, giá bao nhiêu ngàn cây vàng tuy lớn, nhưng có những cái khác lớn hơn nhiều, mới thật sự đáng cho ta chấp nhận trả giá để tranh đấu.

Trăm người như một

Vẫn trong Thánh lễ đồng tế đêm 28-08-2008 tại nhà thờ Kỳ Đồng Sài-gòn, chung quanh Cha Giám Tỉnh Chủ tế là 24 linh mục bề trên tu viện cùng với trên 100 linh mục của Tỉnh Dòng, ai cũng thấy được sự đồng tâm nhất trí của cả một Tỉnh Dòng. Trước cũng như sau 1975, không thiếu những linh mục Dòng Chúa Cứu Thế dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội, cho tự do dân chủ, nhưng đó là những cá nhân. Lần này là cả một tập thể. Và vì là một Dòng quốc tế, điều không thể nghi ngờ là anh em Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam được sự hỗ trợ rộng rãi của anh em toàn Dòng trên thế giới.

Thái Hà không cô đơn

Tranh đấu mà đơn thân độc mã thì Thái Hà đã bị dẹp từ khuya rồi, nhưng nếu Thái Hà cầm cự được đến hôm nay là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi. Ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu) các cộng đồng Công Giáo người Việt đã tổ chức những buổi cầu nguyện và ký thỉnh nguyện thư gửi đến các vị lãnh đạo quốc gia liên hệ. Họ được thông tin sớm và đầy đủ, nên hiểu rõ tình hình, lại được tự do tổ chức, nên chuyện này không có gì lạ. Điều đáng để ý là tình hình trong nước. So với vụ Toà Khâm Sứ, lần này các Giám mục nhập cuộc khá sớm. Đức Tổng Giám Mục Hà Nội lên tiếng ngay khi còn ở Hoa Kỳ, và trong dịp tĩnh tâm tháng đầu tiên sau khi ngài trở về Hà Nội, thì linh mục đoàn Hà Nội đã ký thỉnh nguyện thư ủng hộ Thái Hà. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Sài-gòn thì viết một thư mục vụ ngắn gọn nhưng đầy đủ cho anh chị em tín hữu trong giáo phận hiểu vấn đề và hiệp thông cầu nguyện. Các linh mục hạt Xóm Mới Sài-gòn cũng đã ký một lá thư hiệp thông với cộng đoàn Thái Hà.

Cùng với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, tất cả các Giám mục giáo tỉnh miền Bắc đã công khai lên tiếng ủng hộ (ngoại trừ Giám mục Bùi Chu, đang ở nước ngoài) và khi các Giám mục công khai nhập cuộc như thế thì đến lượt các linh mục hăng hái tham gia cầu nguyện là chuyện bình thường. Đức Giám Mục Bắc Ninh tuy chưa được tấn phong, nhưng đã cùng với các linh mục giáo phận đến Thái Hà khá sớm để cầu nguyện và bày tỏ tình liên đới. Riêng Đức Cha Cao Đình Thuyên, 82 tuổi, giám mục Giáo phận Vinh, đã tuyên bố: Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh, của Thánh Hoá… và của cả Giáo Hội Việt Nam. Do đó chúng tôi đến đây để cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý và hoà bình…

Nhưng đặc biệt hơn cả là lời tuyên bố của Đức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình: Xin chào tất cả mọi người, tôi sẽ đi tù… Vì trong số những tội phạm mà Nhà Nước kể ra, tôi thấy mình đều phạm cả. Ví dụ như tôi đã tham gia buổi cầu nguyện với giáo dân tại linh đài Đức Mẹ… Tôi đã dám viết bài kích động nhiều nơi, không gửi đến các báo chí trong nước mà tự ý tung lên mạng một cách trái phép… Nếu tôi có phải đi tù, xin anh chị em cầu nguyện cho tôi và đừng tin vào tôi nữa như trường hợp của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền… Tôi sợ rằng sau này có những văn bản hoặc những lời phát biểu sai sót gán cho tôi, thì xin anh chị em đừng tin tôi như đã từng tin tôi ngày nay trong cuộc sống. Những lời lẽ như thế của một vị Giám mục, chắc chắn không riêng gì tôi, mà rất nhiều người khác chờ đợi từ lâu lắm rồi. Để thấy rõ điều này, ta chỉ cần đọc đoạn thư sau đây của một nữ giáo dân trẻ thuộc giáo phận Phan Thiết, cô Anna Nguyễn Thuỳ Linh gửi quý cha, quý ông bà và anh chị em giáo dân đăng trên VietCatholic ngày 12 tháng 09 năm 2008: Con thật cảm kích và trân trọng hình ảnh của quý Giám mục, Linh mục, các giáo dân xa gần đã đến hiệp thông chia sẻ với giáo xứ Thái Hà. Con cũng vui mừng mỗi lần đọc được các bức thư hiệp thông từ các Giám mục, Linh mục, các cộng đoàn hải ngoại. Con cũng hy vọng sẽ được tiếp tục đọc thư hiệp thông từ Bề trên các dòng tu, các Cha xứ ở những nơi không thể đến Thái Hà vì nhiều lý do.

Vai trò của công nghệ thông tin

Có người đã nhắc đến Thái Bình và Thiên An Môn. Nhưng chuyện Toà Khâm Sứ và chuyện Thái Hà cách xa chuyện Thái Bình cả chục năm và chuyện Thiên An Môn gần hai chục năm. Nay với một cái điện thoại di động, thì một người dân thường cũng có thể trở thành phóng viên. Và trong khi trên đài truyền hình Nhà Nước và qua mấy tờ báo Hà Nội, lãnh đạo công an chối leo lẻo là không đánh người, thì tấm hình người nữ giáo dân mặt đầy máu đã toả đi khắp cùng thế giới. VietCatholic được 200.000 lượt người xem trong một ngày thì đủ biết chuyện ngăn sông cấm chợ thông tin ngày nay không còn như xưa nữa. Và điều không thể nghi ngờ là chính nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại mà các bài viết, các bản tin được cập nhật gần như hằng giờ khiến những ai có phương tiên đều có thể theo dõi tình hình và chia sẻ cho người khác. Chính nhờ vậy mà vụ Toà Khâm Sứ và nay vụ Thái Hà được một sự hiệp thông chia sẻ chưa từng thấy.

Kết Luận

Khi mỗi người tín hữu Công Giáo Việt Nam ý thức và công khai bày tỏ lập trường như Đức Giám Mục Giáo phận Vinh: Chuyện của Thái Hà là chuyện của Vinh, của mỗi chúng ta, thì mọi lời hăm doạ trở thành vô nghĩa, vì Nhà Nước không có đủ nhà tù cho sáu bảy triệu người Công Giáo. Ngày xưa trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta thường nghe khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.” Đã chấp nhận đấu tranh, chúng ta phải can đảm, phải kiên trì, và chấp nhận trả giá. Không chính quyền độc tài nào tự nhiên đi ban phát tự do dân chủ cho bàn dân thiên hạ. Muốn được tự do, phải tranh đấu, và vì chúng ta có chính nghĩa, Thiên Chúa sẽ bênh vực chúng ta.

Sài-gòn, ngày 14 tháng 09 năm 2008

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/phim-thai-ha-phan-ket/