Trích từ Dân Chúa
Phạm Trần
“… luật pháp, cường quyền và bạo lực đã pha trộn thành đống bùn đen vẩy vào mặt chế độ cầm quyền …”
Qua nhiều sự việc xẩy ra ở Việt Nam từ khi xẩy ra vụ người dân giáo xứ Thái Hà nổi lên đấu tranh đòi đất ở số 178 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội năm 2009 cho đến vụ “nhà nước” cấp phường vô cớ gây sự rồi phá phách sự an vui của gia đình Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ ở ngay giữa thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật ngày 27-1-2010 cho thấy luật pháp, cường quyền và bạo lực đã pha trộn thành đống bùn đen vẩy vào mặt chế độ cầm quyền.
Chuyện gia đình họ Cù
Trước hết hãy nghe Nhà văn, Nhà giáo Phạm Toàn nói về chuyện “giở người giở ngợm” xẩy ra cho gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, con Nhà thơ Huy Cận và cháu ruột Nhà thơ Xuân Diệu:
“Hồi 8 giờ 30 phút sáng nay, 27 tháng 01 năm 2010, Lê Văn Định, chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Điện Biên Phủ quận Ba Đình, Hà Nội, hùng hổ dẫn đầu một lực lượng gồm cả công an áo xanh, dân phòng áo đen… đến 24 Điện Biên Phủ, nhà ở của gia đình Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, gọi là để "cưỡng chế" bức tường rào!
Ngày 15-9-2009, trong vườn nhà TS Hà Vũ có hai cây bị bão trốc rễ đè sập tường rào. Ngay sau đó để bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình, vợ chồng TS Hà Vũ đã khẩn cấp xây lại phần tường rào bị sập. Vậy lẽ thường là nếu không giúp đỡ được khổ chủ thì chính quyền chí ít cũng phải động viên người dân mau chóng khắc phục hậu quả thiên tai mới phải, đằng này... Bị người nhà TS Hà Vũ phẫn nộ hỏi riết nguyên do, ông Nguyễn Trọng Khanh, phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cực chẳng đã phải toạc móng heo: "Chúng tôi cũng chẳng muốn làm, nhưng đây là chỉ đạo của Thủ tướng!" (Theo website Bauxite Việt Nam, 27-01-2010).
Thế rồi, Nhà văn Phạm Toàn, người đã cùng với các ông Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đứng ra phát động phong trào lấy chữ ký chống Nhà nước để cho Tàu vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên hồi năm năm 2009 phê thêm: “À ra thế! Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “phục thù” TS Cù Huy Hà Vũ do ngày 11 tháng 6 năm ngoái TS đã vác đơn kiện thẳng ông Thủ tướng ra Toà do đã ra quyết định cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên trái Hiến pháp và pháp luật, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong thế giới các quốc gia cộng sản!”
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây.
Trước sự việc “tai bay vạ gió” này, theo lời Nhà văn Phạm Toàn loan báo thì hai anh em Cù Huy Hà Vũ và Cù Thị Xuân Bích đã “tốc” thẳng tới nơi làm việc của Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết để trực tiếp đâm đơn tố cáo đòi nghiêm trị theo pháp luật hành vi “phục thù” bất chấp pháp luật được thực hiện bởi chính quyền phường Điện Biên”.
Trong đơn, hai anh em nhà họ Cù kể:
“Vào hồi 23 giờ ngày 15/9/2009, mưa to gió lớn đã làm đổ một cây gió và một cây đùng đình trồng trong sân vườn nhà chúng tôi và hai cây này đã đè sập tường rào nhà chúng tôi và gia đình chúng tôi đã phải nhanh chóng xây lại tường rào (ảnh đính kèm) để không những bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình chúng tôi mà còn bảo vệ di sản văn hoá của Cố Nhà thơ Xuân Diệu và Cố Nhà thơ Huy Cận là hai danh nhân văn hoá được Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I).
Vậy mà Chủ tịch UBND phường Điện Biên phối hợp với Công an phường Điện Biên cho người đập phá tường rào của nhà chúng tôi vào sáng nay, 27/01/2010 (đính kèm Thông báo của UBND phường Điện Biên nhét vào cửa nhà chúng tôi chiều hôm qua), phớt lờ cảnh báo bằng văn bản của chúng tôi ngày 31/12/2010 là nếu họ đập phá tường rào nhà chúng tôi thì họ sẽ phạm “Tội huỷ hoại tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 143 Bộ Luật Hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam và chúng tôi sẽ trực tiếp yêu cầu Chủ tịch Nước nghiêm trị hành vi chà đạp Nhà nước pháp quyền, hại dân, vô văn hoá, phá hoại nỗ lực “ổn định chính trị” của Đảng và Nhà nước của chính quyền phường Điện Biên.”
Xây lại tường rào nhà mình bị thiên tai làm đổ là quyền bất khả xâm phạm của công dân nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình mình và vì vậy hành vi của chính quyền phường Điện đập phá tường rào nhà chúng tôi là hành vi cố tình huỷ hoại tài sản của công dân và bất nhân.”
Tờ đơn của họ kết luận: “Để giữ uy tín cho Đảng và Nhà nước cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, những người giữ gìn di sản văn hóa của Cố Nhà thơ Xuân Diệu và Cố Nhà thơ Huy Cận, chúng tôi trân trọng đề nghị Chủ tịch yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật chấm dứt ngay lập tức hành vi đập phá tường rào nhà chúng tôi của chính quyền phường Điện Biên và khởi tố những người thực hiện hành vi này về “Tội huỷ hoại tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 143 Bộ Luật Hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam”.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ, trong cuộc phỏng vấn bằng điện thọai do tôi thực hiện vào đêm ngày 27/1, cho biết cả gia đình ông đều không ai hiểu tại sao “cái đám chính quyền phường Điện Biên” làm chuyện vi phạm luật pháp trắng trợn như thế.
Khi được hỏi ông có nghĩ đây là hành vi “trả thù cá nhân” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thì ông nói “đây là hành động của những kẻ có quyền lực trong tay mà họ nghĩ muốn làm gì cũng được và không còn coi pháp luật và Hiến pháp ra gì nữa”.
Ông Cù Huy Hà Vũ cũng cho biết sau khi phá xong, phường Điện Biên Phủ lại cho người dọn dẹp sạch sẽ và dựng lại tường cho ông “đẹp hơn trước”.
Ông nói: “Tôi chẳng hiểu họ muốn làm cái trò gì”!
Tuy nhiên Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cho biết ông sẽ không để yên chuyện này, và rằng “vấn đề tôi kiện ông Thủ tướng về chuyện Bauxite vẫn chưa xong cơ mà”.
Phạm Quang Nghị và Đồng Chiêm
Cũng liên quan đến chuyện “kẻ có quyền lực trong tay muốn làm gì cũng được và không còn coi pháp luật và Hiến pháp ra gì nữa”, ta không quên chuyện cây Thánh Giá bị Công an, Cảnh sát và lực lượng dân phòng phá huỷ và chà đạp ở Đồng Chiêm vào sáng sớm ngày 6/1/2010.
Hành động mà Toà Tổng Giám mục Hà Nội gọi là “phạm thánh” này xẩy ra như thế nào thì cả thế giới đã được đọc và nhìn tận mặt hình ảnh những giáo dân bị đánh trọng thương tại chỗ như hai bà Đinh Thị Song và bà Quách Thị Phòng, hay anh Nguyễn Hữu Vinh hoặc Thầy dòng Chúa Cứu Thế Nguyễn Văn Tặng mấy ngày sau đó.
Thế mà chính quyền không những chối phăng mà còn đặt điều vu oan cáo vạ cho người dân đã “tạo dựng những hình ảnh "đầy máu" và những cuộc phỏng vấn "ngập trong nước mắt" hòng tiếp tục theo đuổi những "kịch bản"chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo dân” (Báo Hà Nội Mới, 25-01-2010)
Báo này cũng bịa đặt câu chuyện: “Ở nhà thờ, linh mục đang khuyên răn các giáo dân đã vi phạm pháp luật tự giác tháo bỏ những cây Thánh giá dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ.... Trước sự mềm mỏng, có tình, có lý, nhưng cũng hết sức cương quyết của chính quyền, sáng 24-1, trong buổi lễ sớm Chúa nhật tại nhà thờ, linh mục Nguyễn Văn Hữu đã khuyên răn các giáo dân đã vi phạm pháp luật phải tự giác dỡ bỏ những cây Thánh giá dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ. Sự bình yên đã trở lại với Đồng Chiêm”.
Tờ An Ninh Thủ Đô, cơ quan của Công An Hà Nội còn “vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh” vụ hạ thánh giá ở Đồng Chiêm ngày 24-01-2010 như thế này: “Sau một thời gian dài được chính quyền huyện Mỹ Đức và xã An Phú thuyết phục, vận động, sáng qua 24-1-2010, một số giáo dân thôn Đồng Chiêm đã tự tháo dỡ những cây thánh giá bằng bương, tre, gỗ tái dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ dưới sự hướng dẫn của các linh mục chính xứ Đồng Chiêm Nguyễn Văn Hữu và linh mục phó xứ Nguyễn Văn Liên. Đây là việc làm tuy muộn, nhưng đã góp phần làm ổn định tình hình ở giáo xứ Đồng Chiêm để bà con giáo dân nơi đây yên tâm sản xuất, chuẩn bị vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.”
Kiên trì vận động, giáo dục và thuyết phục, chiều 23-1-2010, linh mục Nguyễn Văn Hữu và linh mục Nguyễn Văn Liên đã đến làm việc với chính quyền huyện Mỹ Đức và tỏ thái độ hợp tác với chính quyền bằng việc hứa sẽ hướng dẫn giáo dân tháo dỡ những cây thánh giá dựng trái phép trên núi Chẽ. Trong buổi giảng lễ tại nhà thờ sáng chủ nhật ngày 24-1-2010, linh mục Hữu đã đề nghị giáo dân nào tham gia trồng những cây thánh giá bằng bương tre trên đỉnh núi Chẽ phải tự lên tháo dỡ.
Ngay sau buổi lễ sáng, từ 8h7 đến 9h15, bốn trong số những giáo dân đã tham gia việc xây dựng công trình trái phép trên núi Chẽ đã tự dỡ bỏ những cây thánh giá bằng bương, tre; riêng 2 thánh giá bằng gỗ do giáo dân nơi khác mang đến dựng, theo đề xuất của linh mục Hữu đã được chuyển vào nhà thờ Đồng Chiêm. Việc tháo dỡ diễn ra an toàn và được bà con giáo dân xứ Đồng Chiêm ủng hộ, không có hành vi cản trở, gây rối.” (ANTĐ, 25-01-2010)
Nhưng sự thật như thế nào thì sau đây là lời kể của Linh mục Phó xứ Đồng Chiêm, Nguyễn Văn Liên, trong cuộc nói chuyện bằng điện thọai với tôi ngày 26-01-2010:
“Chúng tôi chỉ được nghe người ta loan báo trên Đài Phát thanh cho biết “Uỷ ban Dân-Quân-Chính-Đảng” quyết định tháo dỡ Thánh giá. Những người làm việc này là hoàn toàn là người của họ và do cái Uỷ ban đó tổ chức và hướng dẫn. Chúng tôi không làm chuyện này và cũng không hướng dẫn ai hết.
Nếu chúng tôi tổ chức thì phải có Ban Chấp hành của Giáo xứ chứ không do cái Uỷ ban Dân-Quân-Chính-Đảng của chính quyền. Cha Chánh xứ cũng đã nói với giáo dân trong Lễ ngày 24-1 là khi họ tháo dỡ thì không ra và cũng không có ai của Giáo xứ ra Núi.”
Hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Linh mục Liên là hình ảnh lèo tèo chừng 5 hay 6 người lớn và trẻ em có mặt ở chân núi Thờ để xem nhóm người của “Uỷ Ban Dân Quân Chính Đảng” tháo dỡ mấy cây Thánh giá bằng tre, bương và gỗ. Số Công an hộ tống người đi dỡ nhiều hơn dân. Tiêu biểu nhất là hình một Bà Cụ vác cây Thánh Giá bằng gỗ được Công an hộ tống đem vào Nhà Thờ.
Hai hình ảnh tương phản giữa sự thật với các chi tiết tháo dỡ Thánh giá vào ngày 24-01-2010 ở Đồng Chiêm do hai báo Hà Nội Mới và An Ninh Thủ Đô “dựng đứng” lên để phổ biến nhằm mục đích tuyên truyền đã biến thành phản tuyên truyền để bôi nhọ chính quyền.
Việc làm không tôn trọng sự thật của hai báo Hà Nội Mới và An Ninh Thủ Đô trong vụ Đồng Chiêm cũng đã làm méo mó khuôn mặt vốn đã méo mó của Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Uỷ Hà Nội.
Trong cuộc họp báo ngày 27-01-2010, ông Nghị nói về tình hình báo chí thủ đô: “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiệnh nhiệm vụ, bên cạnh những đóng góp hết sức quan trọng, cá biệt còn một số trường hợp đưa tin thiếu chính xác, không phản ánh đúng bản chất sự việc, làm xôn xao dư luận.... các cơ quan báo chí cần đưa tin khách quan, trung thực, kịp thời, khắc phục tình trạng chỉ nói một chiều”.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 20-01-2010, Nghị cũng nói: “ Vấn đề đặt ra là làm sao để thực hiện nhu cầu thông tin chính đáng của người dân một cách tốt nhất, để thông tin không những kịp thời mà còn chính xác. Việc này không chỉ đòi hỏi đối với những người làm báo, mà ngay cả những người lãnh đạo cũng phải chủ động nhận thức được tình hình để có cách ứng xử phù hợp.”
Ông Nghị nói tiếp: “Qua theo dõi dòng chảy thông tin hiện nay, tôi thấy mặc dù hoạt động của báo chí đã có được những thuận lợi hơn trước rất nhiều, nhưng trên thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp thông tin không kịp thời, không trung thực. Rất nhiều thông tin không nói được bản chất vụ việc, làm người tiếp nhận thông tin hiểu không đúng.”
Nhưng nếu xem lại các bài báo của hai tờ Hà Nội Mới và An Ninh Thủ Đô viết về các vụ Thái Hà và Đồng Chiêm thì có lẽ ông Nghị còn xấu hổ đen mặt vì những lời nói không phản ảnh sự thật của chính mình.
Đấy là chưa kể đến vụ công an, dân phòng Phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình đã vô cớ phá tường nhà của gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 27-01-2010 cũng xẩy ra trong địa bàn chỉ huy và chịu trách nhiệm của Phạm Quang Nghị.
(Nguồn: Thông Luận)
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/phap-luat-va-cuong-quyen/