Trích từ Dân Chúa

Phân tích vấn đề Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức

Nguyễn Long Thao

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, có nhiều bài viết về các vấn đề đất đai của Giáo Hội, Công Lý và Sự Thật. Những bài viết này ít nhiều gây được sự chú ý đặc biệt nơi người Việt Nam nói chung và giáo dân Việt Nam nói riêng vì đã đề cập trực tiếp đến lập trường của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đối với chính quyền cộng sản. Nhưng vấn đề gây xúc động nhất hiện nay là tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ từ chức. Ngài đã chính thức loan báo cho các Linh Mục thuộc giáo phận Hà Nội biết là Ngài đã xin từ chức vì lý do sức khỏe. Tuy vậy, tin này vẫn gây ra nhiều thắc mắc vì người ta không biết Ngài đã chính thức đệ đơn xin từ chức chưa? Hoặc đó chỉ là lời "xin miệng" với Đức Thánh Cha? Và nếu thế, thì lời “xin miệng”có hợp thủ tục, có được Toà Thánh chấp nhận không? Tất cả đều chưa có câu trả lời.

Chúng tôi đi kiểm chứng và biết rằng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican hoàn toàn im lặng về vấn đề này. Chỉ có tin hành lang ở Vatican cho biết là Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn được Tòa Thánh hoàn toàn tín nhiệm trong việc cai quản Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, không thấy văn bản nào nói về tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt từ chức, chỉ có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thay thế Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trả lời điện thư cuả cha Trần Công Nghị, Giám Đốc cơ quan thông tấn ViệtCatholic, về câu hỏi Đức TGM Ngô Quang Kiệt có từ chức hay không. Đức Hồng Y trả lời cha Trần Công Nghị môt số điểm chính như sau:

1. Vào cuối tháng 6, tại Roma, Đức Tổng Kiệt cho biết, thật sự vì lý do sức khoẻ, Ngài đã xin từ chức từ lâu. Ngài cũng cho biết bệnh trạng của Ngài ngày càng thêm trầm trọng.

2. Đức Hồng Y góp ý với Đức TGM là Đức Thánh Cha có cho từ chức hay không, sớm hay muộn, là việc của Đức Thánh Cha; còn phần Đức Cha, Đức Cha có trách nhiệm dành thời gian điều trị, tĩnh dưỡng để có thể tiếp tục công việc mục vụ lâu dài.

3. Đức TGM Ngô Quang Kiệt cho Đức Hồng Y biết là Roma cũng đã có đề nghị hướng điều trị, còn thời điểm thì để ngài định liệu.

4. Đức TGM có ý nghĩ là sớm nhất cũng phải sau lễ khai mạc Năm Thánh thì mới có thể đi điều trị trong thời gian cần thiết được.

Cứ theo nội dung mà Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trả lời trên đây, người ta thấy việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt xin từ chức rõ ràng là do vấn đề cá nhân, vấn đề sức khoẻ, hoàn toàn không phải là do áp lực của chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng không phải do áp lực của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Nhưng lời giải đáp của Đức Hồng Y có thỏa đáng không, có được dư luận bên ngoài chấp nhận không? Hay là còn nhiều uẩn khúc trong vấn đề này? Để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta hãy xem các bài viết bên ngoài phân tích thế nào về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt xin từ chức.

Dư Luận Nghĩ Gì Về Việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt Từ Chức

Viết về đức TGM Hà Nội trong thời gian gần đây các bài viết cũng như các câu chuyện giữa người Công Giáo đều nêu bật ba sự kiện: Thứ nhất, sau khi triều yết Đức Thánh Cha về, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã đi nghỉ hai lần tại tu viện Châu Sơn, Ninh Bình vì lý do sức khoẻ. Thứ hai, Đức TGM đã vắng mặt trong dịp Hội Nghị Thường Niên của các Giám Mục Việt Nam họp tại Xuân Lộc với lý do được viện dẫn là vì sức khỏe yêu kém. Thứ ba, trong dịp lễ tấn phong Linh Mục Nguyễn Năng làm Giám Mục Phát Diệm, giới quan sát thấy vai trò và vị thế của một vị TGM Hà Nội đã không được sắp xếp theo phẩm trật của ngài. Trong khi đó giáo dân tham dự thánh lễ đã vỗ tay vang dội cả một góc trời khi nghe ban tổ chức giới thiệu tới danh tánh Đức TGM Hà Nội.

Từ ba sự kiện này, các bài viết và dư luận bên ngoài, căn cứ vào các diễn biến chính trị xã hội và nội tình Giáo Hội Việt Nam, đã đi đến kết luận rằng Đức TGM sẽ từ chức, nhưng không phải vì lý do sức khoẻ mà là do (1) áp lực của chính quyền Việt Nam, (2) do áp lực của HĐGMVN và (3) cuối cùng là do Tòa Thánh Vatican.

Áp lực từ phía chính quyền Việt Nam:

Vụ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đứng lên đòi hỏi công lý và sự thật trong vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà là một điều hoàn toàn đúng. Các Giám Mục, giáo dân cũng thấy đúng, nhưng không dám mạnh mẽ nói ra. Còn đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, việc làm của Đức Tổng bị coi là nguy hiểm vì làm lung lay vị thế độc tôn cai trị của họ, gây nguy hại cho an ninh chính trị vì Ngài đã tố cáo cho thế giới biết chính quyền cộng sản Việt Nam là chính quyền, không tôn trọng công lý, vi phạm nhân quyền. Đối với người dân bình thường, ai đứng lên phản đối chính quyền, chắc chắn họ sẽ bị cộng sản bắt giam, tù tội. Nhưng với người đứng đầu một tổng giáo phận thủ đô Hà Nội như Đức TGM Kiệt, việc bắt giam Ngài vào thời buổi này là việc cộng sản không thể làm được vì sợ dư luận quốc tế. Họ bị bó tay nên ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã lên tiếng đòi HĐGMVN xử lý và đưa Đức TGM Ngô Quang Kiệt đi nơi khác. Như vậy ai cũng thấy căn nguyên ban đầu của việc đức TGM Kiệt xin từ chức là do áp lực từ phía chính quyền Hà Nội. Nhưng áp lực đó có ảnh hưởng đến lập trường của HĐGMVN, đến Tòa Thánh Vatican và đến chính Đức TGM Ngô Quang Kiệt, thì chúng ta không được biết, vì không có tài liệu nào chứng minh cho vấn đề này. Tuy nhiên, ta hãy quan sát hiện tượng để tìm ra bản chất.

Đối Với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Do áp lực từ phía chính quyền, các bài viết hay dư luận bên ngoài nhận định rằng chính quyền Hà Nội không muốn có sự hiện diện của Đức TGM Ngô Quang Kiệt tại bất cứ nơi đâu tại VN nên đã kín đáo liên lạc với các vị GM để các Ngài gây áp lực với Đức TGM. Sự kiện được các bài báo viện dẫn là sự im lặng của HĐGMVN nói chung và đa số các GM khác nói riêng trước lập trường của Đức TGM trong các vụ tòa Khâm Sứ, Thái Hà v.v... Các bài viết đó cũng suy diễn HĐGMVN đã gây áp lực mạnh đối với Đức TGM Hà Nội. Bằng chứng là Đức Tổng đã không có mặt trong Hội Nghị Thường Niên của các Giám Mục họp tại Xuân Lộc, cho dù lý do sự vắng mặt được Ngài giải thích là vì tình trạng sức khoẻ. Bằng chứng thứ hai là vị thế của Đức Tổng trong lễ tấn phong Giám Mục ở nhà thờ chính tòa Phát Diệm vào ngày 8 tháng 9 năm 2009. Phát Diệm thuộc tổng giáo phận Hà Nội, thế mà người đứng đầu tổng giáo phận là Đức TGM Ngô Quang Kiệt lại không được vinh dự giữ vai trò chủ sự nghi lễ tấn phong. Trái lại, nhiệm vụ đó lại được trao cho Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn mãi từ Sài gòn ra. Ngoài ra, vị trí của Đức TGM trên lễ đài trong lễ tấn phong cũng gây thắc mắc cho nhiều người. Ngài được xếp ngồi ở hàng ghế thứ hai. Như đã nói trên, các lập luận trên chỉ là những suy diễn nhưng khó lòng bác bỏ những lập luận này vì các sự kiện đó trùng hợp và biện minh cho tin Đức TGM từ chức.

Người ta cũng lập luận rằng: trong thâm tâm, vị Linh Mục nào, Giám Mục nào cũng không ưa gì cộng sản. Nhưng qua kinh nghiệm, các Ngài thấy từ khi VN tuyên bố mở cửa vào năm 1986, và từ khi HĐGMVN chuyển hướng chính sách từ đối đầu thời ĐGM Nguyễn Minh Nhật đến chính sách hòa hoãn với chính quyền dưới thời ĐGM Nguyễn Văn Hòa làm Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, thì Giáo Hội Việt Nam được dễ thở hơn, sinh hoạt sống đạo khởi sắc hơn, việc truyền chức Giám Mục, Linh Mục cũng dễ dàng hơn. Các Giám Mục, Linh Mục được dễ dàng xuất ngoại. Từ đó, người ta kết luận rằng các vị lãnh đạo GHVN, hay ít nhất một số Giám Mục trẻ có chân trong HĐGM chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt, chưa dầy dạn kinh nghiệm, nên muốn an phận với tình trạng hiện có, vẫn chấp nhận quy chế xin - cho và chờ đợi một ngày mai tươi sáng. Có mất phần đất Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa v.v… thì cũng chỉ là những nơi nhỏ. Nếu ngoại giao khéo léo với chính quyền, thì có thể có được những mảnh đất lớn hơn, tha hồ xây dựng cơ sở. Ví dụ giáo phận Đà Lạt xin 4 mẫu đất xây dựng cơ sở, chính quyền đã cho 11 mẫu đất. Tỏ thái độ với chính quyền lúc này là không đúng lúc, không phải là giải pháp khôn ngoan, phải bảo vệ lực lượng vì chính quyền vẫn dùng bạo lực cách mạng để trấn áp các người đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, công lý. Hơn nữa, lật đổ chính quyền không phải là nhiệm vụ của Giáo Hội mà nhiệm vụ chính là rao giảng tin mừng cho mọi người, kể cả người cộng sản từng bức hại Giáo Hội. Do những suy nghĩ trên nên dư luận bên ngoài cho là HĐGMVN đã bỏ rơi Đức TGM Hà Nội, hợp tác với chính quyền hơn là chống đối để chính quyền cho đặc ân này kia. Ví dụ cho phép HĐGMVN được long trọng tổ chức Năm Thánh 2010 trên khắp nước. Tóm lại, với lập luận này, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã được mô tả là tổ chức “ thích được nghe hơn là thích nói”

Cùng với những áp lực trực tiếp nêu trên, các bài viết còn nói tới một số vị Giám Mục khi sang Roma triều yết ĐGH trong thời gian qua, đã trình bày với Tòa Thánh Vatican về trường hợp đức TGM Ngô Quang Kiệt và xin Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng về một nhiệm sở mới. Một vị giáo sĩ có thế giá tại Âu Châu cho cá nhân chúng tôi biết là ngài quan sát thấy Đức TGM sau khi đi Roma về đã tỏ ra mất tinh thần. Còn các bài viết khác cũng nói là sau khi đi Ad Limina về, người ta nhận thấy Đức TGM bị suy sụp cả về phương diện tinh thần lẫn sức khoẻ, và quan trọng hơn, liền ngay sau đó, thấy xuất hiện một lá thư khá dài, không đề tên tác giả, nói Đức TGM sẽ từ chức. Dù không đề tên người viết, nhưng ai cũng đoán được tác giả bức thư đó thuộc hàng giáo sĩ, biết nhiều nội tình Giáo Hội VN. Bức thư viết ra với mục đích gì? Do ai đứng đàng sau? Chúng ta không được biết, chỉ biết bức thư đó và các bài viết sau này về đức TGM đã gây một ảnh hưởng rất lớn đối với người Công và đặc biệt là có ác ý gây chia rẽ hàng Giám Mục Việt Nam

Hậu quả như thế nào đối với các bài viết trong thời gian vừa qua về vấn đề này? Người ta đã nói tới việc giáo dân, những người có thiện cảm với Công Giáo và cả những người có tinh thần chống cộng sản sẽ nghi ngờ HĐGMVN. Họ nghi ngờ vì lập trường im lặng đến ngạc nhiên của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Bằng chứng là đang lúc nhiều nơi có tình trạng dầu sôi lửa bỏng thì lá thư chung mới nhất của HĐGMVN, được công bố sau kỳ họp thường niên tại Xuân Lộc vào tháng 10, đã không đề cập đến bất cứ một vấn đề gì nổi cộm trong xã hội cũng như nội tình GHVN. Từ sự nghi ngờ này dẫn đến một kết luận là uy tín của HĐGMVN và sự đoàn kết chủ chiên và đoàn chiên đang bị tổn hại nặng nề. Chứng cớ là sau vụ lá thư cờ vàng cờ đỏ năm nào do Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết ra, người ta thấy hiện tượng giáo dân không còn mấy nồng ấm khi đón tiếp các vị chủ chăn đến thăm các cộng đoàn Công Giáo VN tại hải ngoại. Và cũng từ ngày đó người ta không thấy ĐHY Pham Minh Mẫn chính thức sang thăm viếng đồng bào Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ hay Úc Châu nữa.

Về Phía Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt:

Tình trạng sức khỏe hiện nay của Ngài không được khả quan là điều có thật bằng chứng là trước đây mấy năm, Ngài đã cho nhiều vị Giám Mục, Linh Mục biết vì tình trạng sức khoẻ nên việc điều hành tổng giáo phận của Ngài gặp rất nhiều trở ngại. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn chính thức xác nhận là vào tháng 6 vừa qua, khi Đức TGM Ngô Quang Kiệt sang Roma triều yết ĐGH trong dịp Ad Limina, Ngài đã xin ĐGH cho Ngài từ chức vì lý do sức khoẻ. Nhưng người ta vẫn có quyền thắc mắc ngược lại rằng phải chăng vì bị áp của HĐGMVN, vì áp lực của nhà cầm quyền Việt Nam nên sức khoẻ của Ngài mới bị “yếu kém”? Bằng chứng là ai cũng nhận thấy, trong những ngày chuẩn bị khai mạc Năm Thánh 2009-2010 tại Sở Kiện, Ngài đã hoạt động rất năng nổ: đi thị sát việc thiết kế cơ sở cho ngày lễ khai mạc năm thánh ở Sở Kiện, đồng tế thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Hà Nội với các vị chức sắc cao cấp từ Vatican, Hoa Kỳ, Pháp và người thấy tư tưởng giảng thuyết của ngài vẫn sâu sắc, giọng nói vẫn sang sảng như ngày nào và không thấy có dấu hiệu nào là Ngài“bị suy yếu về mặt tinh thần lẫn thể xác”

Tuy nhiên, xét cho công bằng nếu vì vấn đề sức khoẻ mà đức Tổng không điều hành được công việc của Tổng Giáo Phận, thì việc xin từ chức của Ngài là điều rất chính đáng. Nhưng chúng ta phải lưu ý là theo giáo luật, việc bổ nhiệm hay để cho một vị Giám Mục nào từ chức, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh Vatican. Một vị Giám Mục muốn từ chức vì lý do sức khoẻ hay đến tuổi về hưu, cũng phải đệ đơn lên Tòa Thánh. Sau khi cứu xét và thấy có lý do chính đáng Tòa Thánh sẽ công bố sắc lệnh, lúc đó vị Giám Mục mới được từ chức.

Về trường hợp đức TGM Ngô Quang Kiệt, mới đây chính Đức TGM tuyên bố với cơ quan truyền thông là mình xin từ chức vì lý do sức khoẻ. Nhưng Ngài không nói rõ là đã chính thức làm đơn xin từ chức hay chưa. Hoặc đó chỉ là lời “xin miệng” với Đức Thánh Cha. Tuy nhiên tin trên cũng gây tai tiếng lớn cho Giáo Hội Việt Nam vì dư luận cho rằng Đức Tổng đang bị coi như một con bài để trao đổi. Nếu thực sự có việc Đức Tổng tự ý từ chức thì người hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền Việt Nam. Họ không còn phải đối phó với một người có tiếng nói được nhiều người nghe, được thế giới chú ý, lại có tư thế “bất khả xâm phạm”. Họ sẽ có thêm điều kiện và cơ hội để đổi chác với Giáo Hội Việt Nam. Họ sẽ lợi dụng lúc Tòa Giám Mục Hà Nội trống ngôi để đặt điều kiện khắt khe với Tòa Thánh Vatican. Bằng chứng cụ thể là chính quyền VN đã từng bắt bí Tòa Thánh trong vụ tòa tổng Giám Mục thành phố Sài Gòn bị trống ngôi khi Đức TGM Nguyễn Văn Bình tạ thế. Ba bốn năm sau, họ mới chấp nhận để đức Giám Mục Phạm Minh Mẫn về nhận chức TGM Sàigòn. Hơn nữa mỗi dịp như thế chính quyền cộng sản lại có dịp gạn lọc. Vị Giám Mục nào biết nghe theo họ, không lên tiếng chỉ trích, đòi hỏi công lý mới được họ chấp nhận. Hậu quả nghiêm trọng là không còn Giám Mục nào dám đòi hỏi công lý vì đòi hỏi sẽ bị cô lập, tẩy chay. HĐGMVN lúc đó không còn được dân chúng coi là nơi cầm cân nảy mực cho các vấn đề công lý, sự thật nữa, mà bị mang tiếng là đi đôi với nhà cầm quyền, bỏ rơi kẻ bị áp bức.

Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên không cần kiểm chứng là giáo dân cũng như nhiều ngưòi Việt Nam khác đang rất qúy trọng tư cách và lập trường của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Cao Đình Thuyên của giáo phận Vinh và Đức Cha Nguyễn Văn Tân của giáo phận Vĩnh Long. Các vị này được coi là những người đặt quyền lợi Giáo Hội, Công Lý và Sự thật trên quyền lợi cá nhân. Việc Đức TGM từ chức hay bị buộc từ chức lúc này chắc chắn gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín Hội Đồng Giám Mục VN.

Vai Trò Toà Thánh Vatican:

Khi có tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ từ chức, chúng tôi đã kiểm chứng tin này với một số giới chức có thẩm quyền và thạo tin tại Vatican. Chúng tôi được biết tin đức TGM Ngô Quang Kiệt tự ý xin từ chức vì lý do sức khoẻ là có thật và Roma cũng đã có đề nghị hướng điều trị, còn thời điểm thì để Đức Tổng định liệu. Trong khi đó, cũng từ nguồn tin từ Vatican, chúng tôi được biết Tòa Thánh vẫn tuyệt đối tin tưởng Đức TGM Ngô Quang Kiệt và không muốn cho Ngài từ chức. Vì thế, trong thư Đức Hồng Y trả lời LM Trần Công Nghi mới có câu “còn thời điểm thì để tùy Ngài định liệu” Như vậy, Toà Thánh bị miễn cưỡng để đức TGM Hà Nội từ chức. Nhưng có việc từ chức hay không, Toà Thánh để tùy đức Tổng quyết định. Bằng chứng nữa là Đức Hồng Y Marie Etchegaray, một giới chức cao cấp của Toà Thánh, là Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, sang VN trong dịp Khai Mạc Năm Thánh, cùng đồng tế với Đức TGM Ngô Quang Kiệt tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, là một dấu chỉ nói lên một điều gì tích cực mà ta phải suy nghĩ, nhất là khi Ngài nói Ngài không muốn đưa cây gậy Giám Mục, một biểu tượng quyền bính, của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt về Roma.

Tuy nhiên, tin Ngài từ chức vẫn được loan truyền trong giới Công Giáo, kể cả trong hàng giáo sĩ cao cấp tại Việt Nam và ở Vatican. Do vậy chúng tôi muốn xem xét vấn đề này như thế nào.

Người ta vẫn còn nhớ vào lúc giáo dân Hà Nội đang đứng lên đòi công lý tại Tòa Khâm Sứ thì một văn thư của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khuyến cáo đức TGM phải chấm dứt cuộc tranh đấu. Từ đó, mọi người Việt Nam đều nghĩ rằng Tòa Thánh muốn áp dụng chính sách hòa hoãn, không muốn đối đầu với nhà nước cộng sản Việt Nam. Vì đối đầu, cộng sản sẽ xiết chặt sinh hoạt Công Giáo. Tình hình bi đát tại Giáo Hội miền Bắc trước năm 1975 là một thí dụ điển hình. Cùng thời gian đó, lại có việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm viếng Vatican, và liên tiếp có các phái đoàn Tòa Thánh đi thăm các giáo phận tại VN nên giới quan sát quốc tế tin là Tòa Thánh và VN đang muốn thiết lập quan hệ ngoại giao. Do mong muốn có quan hệ ngoại giao mà người ta cho rằng, Tòa Thánh nghe theo lời khuyến cáo của chính quyền VN và của vị giáo sĩ người Việt đang là cố vấn tại bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, bổ nhiệm Đức TGM sang một nhiệm sở mới. Để bù lại, Tòa Thánh sẽ được chính quyền Việt Nam nhượng bộ một điều gì khác. Đây cũng là lối suy diễn không thể kiểm chứng được, nhưng phù hợp với nguyên tắc ngoại giao vì mọi chính phủ, mọi quốc gia đều áp dụng định luật bất thành văn: “Có qua có lại mới toại lòng nhau “hoặc “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.

Nguyên tắc ngoai giao bình thường là như vậy, nhưng người ta cũng biết, Tòa Thánh không bao giờ hy sinh quyền bính của mình để đánh đối lấy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trường hợp Trung Quốc là một ví dụ cụ thể. Tòa thánh đã không chịu nhượng bộ mọi chuyện để đổi lấy việc thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh. Trường hợp Việt Nam cũng vậy, Vatican đâu có được hưởng thêm quyền lợi gì. Việc bổ nhiệm Giám Mục tại VN cũng như tai Trung Quốc vẫn phải có sự đồng ý của chính quyền.

Kết Luận:

Tóm lại nếu tin Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức được chính thức công bố thì hậu quả ai cũng thấy nạn nhân chính là khối người Việt, bất kể lương giáo, ở hải ngoại hay trong nước, không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Đối tượng thứ hai bị thiệt hại danh dự một cách nghiêm trọng là Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đã có nhiều bình luận cho rằng nếu Đức TGM Kiệt bị từ chức thì HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican đã phải khuất phục trước chính quyền cộng sản Việt Nam. Người được hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền cộng sản Việt Nam. Mọi người hy vọng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ có một khuyến cáo cụ thể nào đó về trường hợp Đức TGM Ngô Quang Kiệt để Tòa Thánh đưa ra được quyết định có lợi nhất cho Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn này.

Đồng bào Việt Nam đang trông đợi vào những quyết định thật sáng suốt nơi HĐGMVN, Tòa Thánh Vatican, và cá nhân Đức TGM. Xin các đấng và đặc biệt Đức TGM Ngô Quang Kiệt nên cân nhắc rất kỹ lưỡng vấn đề từ chức, vì sự kiện từ chức lúc này chỉ gây ra những hậu quả vô cùng tai hại cho Giáo Hội Việt Nam. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam chắc chắn sẽ ghi lại biến cố lịch sử này và các sử gia sẽ lượng giá tích cực hay nghiêm khắc lên án là tuỳ theo quyết định của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và của Tòa Thánh Vatican.

Qua câu trả lời “còn thời điểm thì để tùy Ngài định liệu”, như vậy xét cho cùng, tất cả vấn đề đều nằm trong quyết định của Đức TGM. Nếu vì điều kiện sức khoẻ, vì gặp khó khăn với chính quyền, không làm việc được trong lúc này, chúng tôi cũng xin Đức Tổng cứ giữ tình trạng hiện giờ. Mọi việc đã có Đức Giám Mục phụ tá Giáo Phận Hà Nội đảm trách. Rồi sau 3 hay 5 năm, Đức TGM có muốn từ chức vì bất cứ lý do gì thì dư luận sẽ xét đoán vấn đề duới một góc cạnh hoàn toàn khác.

Thành khẩn cầu xin cho các đấng bản quyền được ơn soi sáng trong vấn đề này.

Nguyễn Long Thao

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/phan-tich-van-de-duc-tgm-giuse-ngo-quang-kiet-tu-chuc/