Trích từ Dân Chúa

Những hồi ức về đất đai của Tòa Giám Mục và Tòa Khâm sứ cũ

+GM FX Nguyễn Văn Sang

VietCatholic News (Thứ Sáu 11/01/2008)

Có người đã nói một cách hài hước rằng: bên thực sự có đất thì lại bị những vành đai chia cắt, bao bọc chung quanh, tức là những hàng rào dây thép gai, sau là bức tường vững chắc, sau cùng là hàng rào bằng sắt thép. Người ta nói đó là Tòa Giám mục bị mất phần đất nơi Tòa Khâm Sứ cũ. Còn bên không có đất thì lại có quyền dựng lên những vành đai ngăn trở những người có đất tới sử dụng và đọc kinh cầu nguyện.

Nghe | Download phần audio của bài này

80103DCSang.jpg

Nói vậy cho vui thôi, còn cá nhân tôi không muốn dùng những luận điệu tương tự như thế để như một hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, nhất là theo tin tức những ngày gần đây, đất của Tòa Khâm Sứ cũ đang được tính toán giải quyết êm đẹp, ổn thỏa làm đẹp lòng các bên hữu quan. Vì thế, trong tinh thần xây dựng và đối thoại, tôi muốn kể lại đôi dòng lịch sử về khu đất trước đây của Tòa Khâm Sứ đã hiện diện và làm việc.

Lúc tôi còn là một thiếu niên học trường Dũng Lạc (trường Hoàn Kiếm bên cạnh nhà thờ lớn ngày nay), tức là trước năm 1950 – năm thiết lập Tòa Khâm Sứ - tôi vẫn rủ bạn bè thiếu nhi tới sân Nhà Chung trước cửa Tòa Giám Mục ăn thông từ Tòa Giám Mục ngày nay suốt mãi tới ngôi nhà của các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris trú ngụ và làm việc. Phía đằng sau của khu nhà là vườn rau chạy dài tới xưởng của hãng sửa chữa ôtô (vẫn quen gọi là xưởng Hall). Chúng tôi còn đến gốc cây đa cổ thụ, nơi có hang đá Đức Mẹ để chơi đùa, bắn chim và lấy những búp đa thổi nghịch với nhau.

Trong những năm đó, tôi còn nhớ các cha thừa sai hay đi lại, nhất là cố chính Năng, cố Lạc, cố Minh v.v... Ngôi nhà Tòa Khâm Sứ ngày trước là sở quản lý của Nhà Chung Hà Nội, hoạt động dưới sự điều khiển của cố chính Hóa. Nếu các bạn có lần vào thăm ngôi nhà đó, sẽ không khỏi ngạc nhiên trước cách bài trí rất đặc biệt của các phòng ốc nơi đây. Khu nhà gồm những phòng nhỏ, nhiều cầu thang, không giống như nhiều dinh thự mà chúng ta vẫn thường thấy. Nhưng khi hỏi ra mới biết, các cha có ý xây như thế để làm đầu của một dinh thự mà dự kiến sẽ được xây chạy dài từ đó đến hết dãy phố Tràng Thi. Về phía đằng kia, (có lẽ ở căn nhà đối diện với Bệnh viện Việt Đức bây giờ - hiện là một đại lý bán máy ảnh của hãng Sony) các cha sẽ xây dựng một tòa nhà giống như Tòa Khâm Sứ bây giờ, chứ không phải một biệt thự độc lập như các kiến trúc sư trẻ đã phát biểu.

Như vậy thì Tòa Giám mục đã được xây dựng ở trên mảnh đất của chính mình. Còn Tòa Giám mục hiện nay có thể là một phần của Đại Chủng Viện (quen gọi là tràng Lý đoán), còn ngôi nhà thờ chính tòa ngày nay do Đức Cha Phước xây chỉ có ý dùng làm nhà nguyện cho các thầy chủng sinh mà thôi. Theo như ý định của ngài thì ngôi Nhà thờ Chính tòa Hà Nội sẽ phải được xây dựng bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (tức là tại khu đất nhà in Báo Nhân Dân ngày nay). Tôi biết được điều này bởi Đức Hồng Y Giuse M. Trịnh Như Khuê đã nói với tôi, vì khi đó (khoảng năm 1970) tôi đang làm thư ký cho ngài. Như vậy, tài sản của Nhà Chung Hà Nội bao gồm cả Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện (tràng Lý đoán) và khu đất để xây dựng Nhà thờ lớn. Nếu như thế, diện tích đất thực sự của Nhà Chung là rất rộng chứ không phải chỉ hạn hẹp tối thiểu như ngày nay.

Còn về việc xây nhà thờ lớn Hà Nội biến diễn ra sao? Liên quan thế nào với Chùa Bảo Thiên?

Tôi nghe có nhiều người nói: nhà thờ đã được xây trên nền của Chùa Báo Thiên. Về việc này, tôi đã đọc thấy trong cuốn tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Trong tác phẩm nêu trên, từ trang 315 – 318, tác giả có đề cập đến việc xây cất ngôi nhà thờ chính tòa Hà Nội, nội dung có thể tóm tắt như sau:

Đức Giám mục Pugnier (Đức Cha Phước) quyết định xây một ngôi nhà thờ lớn ở thủ đô Bắc Kỳ, ngài đã đem ý định này ra nói với ông Bonnal – lúc bấy giờ là Trú sứ Pháp tại Hà Nội. Ngài cũng bày tỏ ý muốn thích miếng đất trên nền Chùa Báo Thiên. Ông Bonnal liền tới gặp Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ, ông này cho người đi tìm nhà sư trụ trì chùa Báo Thiên để bàn bạc, nhưng mọi người đều nói không biết vị tăng đó hiện đang ở đâu. Sau một thời gian tìm kiếm nhưng cũng không thấy tung tích gì cả. Ông Tổng đốc bèn cho triệu tập các bô lão trong làng họp bàn và cùng ra xem xét ngôi chùa một thời vì chiến tranh loạn lạc đã bị tường xiêu mái thủng. Sau khi xem xét, ông liền bảo các bô lão viết một đơn xin phá chùa vì theo như nhận định của ông, để ngôi chùa trong tình trạng như thế có thể sẽ gây nguy hiểm chết người. Các bô lão nhất loạt ký vào tờ đơn đưa cho tổng đốc để nộp cho Trú sứ Bonnal. Thấy hợp với luật pháp, Trú sứ Bonnal liền quyết định cấp cái nền chùa vô chủ đã bị phá ấy cho Đức Giám mục. Ngay sau đó, Nhà thờ được khởi công và xây trong vòng bốn năm, từ năm 1884 – 1888. Đó lịch sử cây nhà thờ lớn Hà Nội.

Xem như vậy, ngôi nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã được xây lên trên mảnh đất của ngôi chùa Bảo Thiên (lúc đó sự trụ trì), đã có đơn xin của các bô lão cho giỡ chùa ấy (Có thể việc nộp đơn này do Nguyễn Hữu Độ cưỡng bách như vẫn thường thấy ở nhiều nơi trên thế giới). Về việc này, chúng ta không thể trách được những người trong thời đại “thế thời phải thế”, nếu không, chúng ta phải làm lại lịch sử, phải phá dỡ không chỉ Nhà thờ Chính tòa Hà Nội mà là tất cả các tòa nhà, các dinh thự trong vùng đất đó có thể đã dính dáng đến những sai trái của hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Ai trong chúng ta sẽ có can đảm làm những việc ấy?

Khu Nhà Chung Hà Nội bao gồm những phần đất nào?

Lại nói ở trên, thực ra, đất và nhà của Nhà Chung Hà Nội (mà ngày nay chỉ còn có số 40), bao gồm toàn bộ diện tích phố Nhà Chung, Tràng Thi..., Ngoài ra, còn có một khu đất hiện nay làm Trường Mẫu giáo, trước đây là phần đất của một ngôi Nhà nguyện nhỏ. Theo như người ta kể lại, đây là nhà nguyện đầu tiên của thủ đô Hà Nội (nhà nguyện này còn được xây dựng trước cả nhà thờ Chính tòa Hà Nội). Hằng tuần, vẫn có linh mục tới dâng lễ và giáo dân sớm tối cầu nguyện. (Các cụ già còn sống chung quanh khu đó chắc có thể làm chứng). Nghe đồn rằng, khi xây dựng trường mẫu giáo trên mảnh đất đó, người ta còn đào được một số hài cốt mà nhiều người cho là hài cốt của các vị tử đạo. Thế rồi, cùng thời điểm chính quyền thu phần đất bên Tòa Khâm Sứ của Nhà Chung Hà Nội, ngôi Nhà nguyện lịch sử đó cũng bị phá hủy và nhường chỗ cho trường Mẫu giáo và một số hộ dân khác xử dụng. Nghe biết điều đó, những người nặng lòng với lịch sử đất nước và giáo hội không khỏi đau lòng, song vì mục đích nhân sinh, lo cho mầm non của đất nước, chúng tôi sẵn sàng hi sinh.

Như vậy không phải chỉ có Tòa Giám Mục nhỏ bé ngày nay, mà kể cả khu đất bên Tòa Khâm Sứ trước đây đều ở chung trên một mảnh đất như đã đề cập tới. Mọi người tự do qua lại chứ không phân biệt như ngày nay. Cho tới năm 1950, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh là Jonh Dooley mới được Tòa Giám mục Hà Nội cho mượn để làm nơi cư ngụ và làm việc cho tới năm 1955, (tức là sau biến cố 1954) Tòa Khâm Sứ vẫn còn hoạt động, các Giám mục, linh mục vẫn đi lại, ra vào sinh hoạt bình thường. Vào những dịp lễ đại triều, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh vẫn được rước từ đó ra nhà thờ Chính tòa để làm lễ và tham gia các lễ nghi phụng vụ.

Tôi còn nhớ năm 1958, khi tôi được thụ phong Linh mục, chính Đức Khâm Sứ đã tới quỳ tại phòng áo Nhà thờ lớn để xin lĩnh Phép lành đầu tiên, rất hiền lành và khiêm tốn. Tới năm 1959, Đức Khâm Sứ lâm bệnh nặng, phải rời Hà Nội và trao lại công việc cho cha thư ký đảm trách. Một thời gian sau, cha thư ký cùng với một số thừa sai khác cũng bị trục xuất khỏi Hà Nội. Tuy nhiên, ngôi nhà đó vẫn được các linh mục Việt Nam trong giáo phận Hà Nội cư ngụ và làm việc. Tòa Khâm Sứ lúc này trở thành trụ sở của tòa quản lý của địa phận do cha Giuse Nguyễn Tùng Cương (sau này làm giám mục Hải Phòng) đảm nhiệm. Tôi còn nhớ có một số cha già về tá túc, như cha chính Tịnh… Tầng hầm của tòa nhà dành cho những người phục vụ giúp việc nhà chung như: bác Đạt (coi cổng), gia đình ông Tước (lái xe và phục vụ cho Đức Cha Khuê).

Một vài năm sau, khi Đức Khâm Sứ được chuyển vào miền Nam, chính quyền bắt đầu toan tính để lấy khu đất đó. Họ đã mời cha Cương (lúc bấy giờ đang làm quản lý của địa phận) và cha Mai ra làm việc trong nhiều ngày. Những cuộc tiếp xúc chẳng đem lại kết quả là bao. Tình hình mỗi lúc một căng thẳng, thực sự, tôi cảm thấy thương cảm cho các ngài. Sau cùng, chính quyền đã dùng một số hàng rào dây thép gai chăng từ cổng 40 Nhà Chung tới con đường vào chủng viện bây giờ. Nói là hàng rào dây thép gai, nhưng thực ra cũng chỉ cao chừng 40 cm, do đó, mọi người vẫn có thể qua lại, trẻ con vẫn chơi đùa nhảy nhót.

Trước cửa Tòa Khâm Sứ có hang đá Đức Mẹ đặt dưới gốc cây đa cổ thụ. Giáo dân vẫn có thói quen đến đọc kinh, ca hát, viếng hang đá vào tối thứ bảy hàng tuần. Các hoạt động diễn ra êm thấm cho đến một ngày, tất cả các thành phần trong Nhà chung Hà Nội từ Đức Giám Mục, các linh mục, nam nữ tu sỹ đều được chính quyền triệu tập ra trụ sở suốt từ sáng tới trưa. Khi các ngài về đến nhà vào khoảng 12 giờ trưa, đã thấy một bức tường cao ngăn giữa Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ được mọc lên, bên trên có gắn dây thép gai. Được biết bức tường này do các nhóm thợ xây lên cũng vào buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, bức tường chắn còn chừa lại một khoảng trống, đủ để làm một lối nhỏ thông giữa Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ. Mọi người hàng ngày vẫn có thể qua lối này để sang cầu nguyện với Đức Mẹ tại núi đá bên Tòa Khâm Sứ.

Song sau một thời gian, chính quyền đánh tiếng đe dọa Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn rằng: phải tháo dỡ núi đá và tượng Đức Mẹ chuyển sang phía 40 Nhà Chung, nếu để đó, họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc các phần tử xấu có thể xâm phạm. Đức Hồng Y - vốn là người đạo đức và có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt – đã vội vàng cho di chuyển núi đá và tượng Đức Mẹ về phía bên cạnh Tòa Giám Mục như chúng ta thấy ngày nay. Khi việc di dời kết thúc, cũng là lúc bức tường ngăn được xây kín lại. Thế là: Đất lại có “Đai”.

Từ đó, mảnh Đất được “Đai” lại … Nó được gọi với một danh xưng khác là: Câu Lạc Bộ Thanh niên quận Hoàn Kiếm, vẫn giữ số nhà 40, và được trao cho Quận Ủy, Ủy Ban Nhân dân vv… quản lý và kinh doanh.

Các vị có trách nhiệm đã cho các công ty khai thác kiếm lời. Nào là câu lạc bộ Thể hình, nào là khu vui chơi giải trí… Nếu chỉ có vậy, đã là một sự việc gây chướng tai gai mắt rồi, nhưng tệ hơn nữa, họ còn cho sử dụng làm sàn nhảy để phục vụ cho các thanh thiếu niên choai choai, những cô cậu mới lớn. Hàng đêm, dưới ánh sáng chập chờn, ma quái, họ cặp lấy nhau múa nhẩy, quay cuồng, khoe mông, khoe bắp dưới những bộ y phục nghèo nàn, thiếu vải. Tiếng nhạc xập xình, đầy vẻ dâm dật không những gây ồn ào, ảnh hưởng đến nhân dân xung quanh, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến bầu khí yên tĩnh của các bậc tu trì. Mà như mọi người đều biết, nơi đây, ngoài ngôi chùa Bà Đá cổ kính còn có trụ sở của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội ở phía đằng trước; Chủng Viện Thánh Giuse ở sát góc và bên cạnh là Tòa Hồng Y - Tổng Giám Mục Hà Nội và đồng thời cũng là Trụ sở chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (nghe tin chính quyền Trung ương cũng mong muốn như vậy).

Tội nghiệp cho Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, khi màn đêm buông xuống, thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc bên kia bức tường, tiếng nhạc chát cúa vang lên với những giọng điệu lời ca lả lướt tình tứ. Ngài phải đóng chặt các cửa sổ, lấy bông đút chặt hai lỗ tai, đầu được bịt kín bởi chiếc mũ lông Liên Xô, chân xỏ bít tất, vừa đi đi lại lại ở hành lang, miệng vừa lẩm bẩm: “Bất trị thật, bất trị thật”. Tôi làm giáo sư và giám đốc Đại Chủng Viện, phòng ngủ sát tường trông ra góc sân Câu lạc bộ, mỗi lần chầu Mình Thánh Chúa ở nhà nguyện tầng hai, xen lẫn tiếng lần hạt cầu kinh là tiếng nữ ca sĩ với giọng ca ướt át, ủy mị, tiếc thương cho một mối tình: “Em đã yêu anh đến muôn đời, sao anh đành bỏ em…”. Nhất là vào dịp lễ trọng của Giáo Hội như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh v.v.. câu lạc bộ đã cố tình tổ chức các lễ hội ca nhạc hoành tráng, mục đích để lôi cuốn các thanh niên nam nữ khỏi phải đến nhà thờ. Nhưng thực tế họ thường thất bại, vì các bạn trẻ thích đến nhà thờ hơn để được gặp gỡ Chúa và nghe lời của Ngài.

Thảm thiết nhất là thời điểm thập niên 80, hằng năm, tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vẫn có cuộc nhóm họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lúc đó chưa có tòa nhà ba tầng sau Đại Chủng Viện, cũng chưa có tòa nhà sát nhà xứ dành cho các Đức Giám mục lớn tuổi, mà chỉ có độc nhất tòa nhà 3 tầng, gọi là Tòa Hồng y Tổng Giám Mục. Tòa nhà 3 tầng thì tầng cuối cùng là phòng ăn, nhà khách, phòng quản lý; tầng 2 là phòng khách, phòng ngủ của Đức Hồng y và 2 phòng VIP dành cho khách quí như: các vị Tổng Giám Mục, khách Tòa Thánh v.v.. Chỉ còn tầng 3 với 10 phòng (đã phải dành 3 phòng cho thư viện, phòng họp và phòng cha thư ký vv…). Thế là gần 30 vị Giám mục, từ già tới trẻ, chen chúc nhau trong 7 phòng còn lại. Tôi nhớ có năm tôi được phân công ngủ chung phòng với 7 vị Giám mục khác, trong đó có Đức cha J.B. Bùi Tuần. Khổ nỗi, tôi lại có tật “kéo gỗ” suốt đêm, ngủ trưa cũng “kéo gỗ” luôn. Đến sáng, Đức Cha J.B. Bùi Tuần là vị Giám mục hiền từ đạo đức mà cũng lớn tiếng nói với tôi: “Ông Sang ơi! Xin ông đi chỗ khác mà ngủ, nếu cứ “ngáy” như vậy làm chết anh em”. Tôi đành len lén thu xếp hành lý đến trọ tại phòng cha Thomas Thủy, là học trò cũ của tôi. Cha Thủy nể “thầy” nên cho tôi ngủ trọ, còn ngài vác chăn chiếu đi nghỉ “hè” giữa mùa đông.

Tệ hại nhất là cả tòa nhà ba tầng đó, chỉ có các đầu nhà tầng III và tầng I là có nhà vệ sinh. Song các công trình này đã cũ nát, lại chật hẹp, hôi tanh, thế nên, coi cảnh mỗi buổi sáng, các đấng “kế vị các Thánh Tông đồ” và người phục vụ phải “xếp hàng” tranh thủ, thật không đẹp mắt chút nào, nhất là trong số đó lại có cả các vị Giám mục đã cao tuổi. Tôi có đem sự việc trình với Đức Hồng y Căn thì ngài thản nhiên trả lời: “Đất cát, phòng ốc, chỉ có vậy… phải hãm mình. Nhưng các Đức Cha đã cao niên, nhất là các vị ở miền Nam nói với tôi rằng: Các ngài sẽ không ra Hà Nội để họp Hội Đồng Giám Mục nữa, vì hãm mình thì được còn hãm các “sự ấy”… thì chịu thôi.

Đúng thế, người Tây họ nói: “đi việc cần” làm sao có thể hãm được. Ngày nay, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi, tôi mới thấm thía “chuyện đó”.

Sau này, thời Đức Hồng y Phạm Đình Tụng, rồi Đức Tổng Giám Mục Giuse ngày nay đã xây thêm một số nhà, góp phần hạn chế những “tiêu cực” kể trên, song vẫn còn thiếu thốn lắm. Như lời ngài phát biểu cũng như kính gửi đơn lên chính quyền xin hoàn trả lại đất bên Tòa Khâm Sứ cũ. Vậy, phải chăng, việc xin trả lại khu Tòa Khâm Sứ cũ là một nhu cầu chính đáng và cần được giải quyết thỏa đáng?

Khi tôi còn là Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (1981-1997), tôi đã trình bày những tệ hại đó cho các vị có thẩm quyền khi được diện kiến các vị. Nhưng đa số các vị chỉ mỉm cười xã giao, hứa hẹn chung chung. Có vị thực tế hơn tuyên bố: “Đã cho các công ty xử dụng để làm kinh tế nên khó thuyết phục được họ”.

Rồi chúng tôi nghe tin đồn: người ta sẽ thiết lập một bể bơi kiểu mới ngay trên khu đất đó; mọi người đều xôn xao, nhất là người tu trì chúng tôi ở các nhà cao tầng chung quanh… Tôi có gặp cụ Vũ Quang làm Trưởng Ban Tôn giáo lúc đó. Cụ cũng tỏ ý phản đối, nhưng sau đó chừng một tuần, cụ gặp tôi phân trần: “Sẽ xây bể bơi dành cho các cháu thiếu nhi ở trong nhà kín đáo, các cụ đừng lo!”.

Nhưng những gì xảy ra trong thực tế lại khác hoàn toàn. Không phải là các em thiếu nhi, mà đám các thanh thiếu niên, đa số là nữ mặc váy ra vào; bởi tiếng là dành cho thiếu nhi, nhưng những người lớn nếu cần, chỉ phải bỏ thêm một khoản lệ phí lót tay nhỏ cho các bảo vệ cũng được vào bơi. Như một sự thách thức, họ mở cửa thông thống, ngồi khoe mông, khoe đùi, khêu gợi các vị chân tu đang vô tình đứng trên các cửa sổ của những tòa nhà cao tầng xung quanh. Nhiều lần đi qua đành phải nhắm mắt hoặc tặc lưỡi coi họ như “củ khoai”…

Cũng may, thời buổi gọi là “Bao cấp” qua mau, những năm trở lại đây, Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa đón ánh sáng (mặc dầu cũng có ruồi muỗi bay vào). Mở đầu bằng việc Việt Nam tham gia hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị APEC, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), rồi thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc…, tình hình được cải thiện, xã hội văn minh, giáo dục tiến bộ, tuy rằng vẫn còn nhiều tiêu cực, điển hình là vụ án vũ trường New Century tại phố Tràng Thi, đối diện với Tòa Khâm Sứ và Tòa Tổng Giám Mục.

Về con số 40 sau đổi ra 42 là nhờ có sự lầm lẫn đáng tiếc cho cả hai bên. Một số sách báo tôn giáo, tranh ảnh được gửi tới Tòa Giám Mục lại “lạc” sang bên câu lạc bộ thanh niên, làm cho nhiều vị “phải đọc”, coi như “bị truyền giáo” vv…Ngược lại, một số thư từ sách báo tuyên truyền có khi của bên Câu lạc bộ, lại “lạc” sang Tòa Tổng Giám Mục, khiến cho nhiều “việc” bị lộ, và hiểu lầm, nên sau đó, bên Câu lạc bộ đổi số 40 thành 42 phố Nhà Chung Hà Nội.

Tranh thủ tình hình sáng sủa, tiến bộ của đất nước, các thư thỉnh nguyện được gửi tới các cơ quan liên hệ. Mở đầu là bức thư của Đức Hồng y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng, có chữ ký của các linh mục giáo phận Hà Nội. Mới đây nhất là thời của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, ngài đã đệ đơn xin hoàn trả mảnh đất đã cho Tòa Khâm Sứ mượn và xin giáo dân cầu nguyện cho ý muốn được mau thành đạt.

Tòa Tổng Giám Mục cũng khẳng định mảnh đất đó thuộc về Nhà chung Hà Nội với những văn bản pháp lý hợp pháp, kể cả bức thư cảm ơn của Đức Khâm Sứ vì đã được Tòa Giám Mục cho mượn đất, mượn nhà để hiện diện và làm việc trong 4 năm.

Cộng đoàn giáo dân đã đặt tượng Đức Mẹ Sầu Bi và Thánh Giá tại gốc đa bên khu đất Khâm Sứ cũ và cùng nhau cầu nguyện. Khi bị ngăn cản không được vào khu đất đó nữa, hàng ngàn tín hữu thủ đô đã lấy hè phố làm nhà nguyện và hướng về “cung thánh” dưới gốc đa bị vây hãm để tiếp tục cầu nguyện trong tình bác ái, trật tự và anh ninh; cho tới ngày nay, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Chúng ta có đủ cơ sở pháp lý cũng như tình cảm để mong Nhà chung Hà Nội sớm được sở hữu khu đất Tòa Khâm Sứ cũ.

Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất Việt vào thế kỷ XVI (1583). Như thế, có người tin đạo là có nhà Thờ, có đất đai phục vụ cho việc thờ phượng và cho các hoạt động của cộng đoàn dân Chúa. Nhưng phải tới năm 1883, giáo xứ đầu tiên của thủ đô Hà Nội mới được thiết lập và từ đó cũng có tài sản của nhà thờ, nhà xứ vv…sở hữu chính đáng đó được chính quyền công nhận. Cho tới thời dưới sự đô hộ của người Pháp, đạo Công giáo được mở rộng từ thành thị tới nông thôn, biết bao ruộng vườn cơ sở, thánh đường là tài sản của Giáo Hội, có sổ sách hợp pháp do chính quyền lúc đó cấp phát.

Khi đất nước đã giành được độc lập, Hiến Pháp của nhà nước ta vẫn bảo đảm quyền sở hữu đất đai của Giáo Hội và ngăn cấm không được xâm phạm cũng như khuyến khích hoàn trả những nơi đã bị chiếm giữ v.v..

Cách đây chừng một năm, có lẽ ban hành sắc lệnh về đất đai (sửa đổi nhiều lần) nên mới xuất hiện câu nói: “Đất đai là quyền sở hữu của Toàn Dân, Nhà nước quản lý cấp phát theo nhu cầu, không có chuyện xin đất, trả đất, mà chỉ có danh từ “Cấp Đất”.

Như thế, những người căn cứ vào văn kiện sắc lệnh về Đất Đai, nên dùng danh từ: trao trả, xin trả, hoàn trả là đúng, và vị Trưởng Ban Tôn giáo dùng danh từ “Cấp Đất” cũng là đúng luôn. Danh từ gì thì cũng vậy thôi, đất của đoàn thể, hay của cá nhân đã được nhà nước công nhận, bảo trợ, thì được quyền xử dụng. Không ai lại lấy đất đó mà “cấp” cho người khác như đất của Tòa Khâm Sứ cũ thuộc sở hữu Tòa Giám Mục mà lại cấp cho các tổ chức khác để dùng vào các công việc không phù hợp. Có một vị cán bộ trước đây đã nói với tôi rằng: “Các cơ sở tôn giáo, nhất là Công giáo đa số là của Tây, điển hình là các cố thuộc Hội Thừa Sai Pari. Nay các vị đó đã về nước, nên các tài sản này thuộc về Nhà nước. Ngay Tòa Giám Mục Hà Nội cũng mang tên cố Tây, Nhà nước cho các cụ ở nhờ là phúc lắm rồi.”

Tôi được biết, ở Hà Nội chỉ có bệnh viện Lao (một tòa nhà 4 tầng với phần đất rộng mênh mông trên khu Quần ngựa cũ) là mang tên một linh mục Việt Nam thuộc Nhà Chung Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954 khu nhà này đã được dùng làm chủng viện Piô 12 mà kẻ hèn này đã được trú ngụ để đi học tại trường Lyce’e ở Hồ Tây. Được biết, Nhà nước đã từng thuê tòa nhà này với giá là 300.000 đồng/tháng.

Không rõ số tiền bèo bọt đó có còn được Tòa Giám mục Hà Nội thu không, nhưng sự việc này làm tôi nhớ đến ngôi Nhà In và Nhà Sách ở góc phố Nhà Chung quay ra hồ Hoàn Kiếm, nay được gọi là nhà In của Báo Hà Nội. Nhà In và nhà Sách này trước đây thuộc quyền của Tòa Giám Mục Hà nội, là trụ sở của Báo Trung Hòa - một tờ báo đã một thời rất nổi tiếng. Nhà In sau đổi tên là nhà In Têrêxa và Nhà Sách Maria chuyên in và bán sách báo công giáo cũng như các đồ thờ phượng. Sau thời chính quyền Việt nam được thiết lập ở Hà Nội, nhà in này được liệt vào hệ thống cải tạo công thương, đáng lẽ bị tịch thu và xung vào tài sản của nhà nước (tôi có vinh dự được làm công nhân xếp chữ tại nhà in này 2 năm dưới quyền giám đốc là cha Giuse Trần Văn Mai) nhưng sau đó nhà in được “chiếu cố” phải bán cho nhà nước.

Đức Cha Trịnh Như Khuê lúc đó đã tỏ ra rất cứng cỏi, ngài ra lệnh cho cha Mai rằng: tài sản đó của Tòa Giám mục cũng là của Tòa Thánh, không ai có quyền cho hay bán. Nếu bị tịch thu thì chịu vậy. Thế nhưng nhà nước “khoan hồng” chỉ “mua” chứ không thu. Họ tự định đoạt lấy giá cả và đưa một số tiền trả cho Tòa Giám mục Hà Nội. Đức Cha Khuê lại ra lệnh không được nhận số tiền đó. Nhà nước tôn trọng bỏ số tiền đó vào ngân hàng để lấy lãi.

Ít lâu sau, khi Đức Hồng Y Khuê qua đời, cha Mai cũng về với Chúa, Đức Hồng Y kế vị, vốn khoan dung dễ dãi, nghĩ rằng, có thể đối thoại trong sự việc này nên ngài nhờ tôi ra ngân hàng để hỏi về số tiền đó. Song thật bất hạnh, tôi gặp vị nào trong các ngân hàng lúc đó cũng đều trả lời không biết số tiền đó hiện đang ở đâu? ai gửi? gửi vào đâu? v.v.. Sau này, khi xây dựng nhà thờ Chính tòa Thái Bình, mỗi lần nghĩ đến số tiền đó mà tiếc đứt ruột. Nhưng tôi cũng tự an ủi mình rằng: như vậy đỡ mang tiếng là “tư bản dãy chết”.

Tôi cũng nhớ có lần đã phân trần với vị cán bộ - người đã nói: tài sản của Giáo Hội đều đứng tên Tây, nên hàng Giáo Phẩm Việt Nam chẳng có quyền gì - rằng: “Nếu đứng tên cố Tây thì theo luật pháp quốc tế, các cố có quyền đòi lại số tài sản đó và hiến cho chúng tôi. Năm 1960 Tòa Thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, tài sản, đất đai v.v.. hết thảy đều của Giáo hội Việt Nam. Chính quyền công nhận sự kiện này và đã giao thiệp với các tòa Giám mục Việt Nam cách rất trân trọng. Chẳng có vị nào còn gọi là Giáo hội “Phú Lãng Xa” - một cách gọi chỉ giáo hội France - mà thường gọi là Giáo Hội Việt Nam hay HĐGM Việt Nam đấy chứ. Còn chuyện làm phúc cho chúng tôi được ở chỗ cũ, chúng tôi xin cám ơn. Nhưng nếu cần, Đức Hồng Y và các nhân viên Tòa Giám mục theo gương Chúa Giêsu, có thể làm dân bụi đời, sống ở gầm cầu hay ven đê cũng được, nhưng nếu làm như vậy, hình ảnh đất nước Việt Nam tự do hạnh phúc và dân chủ sẽ ra sao?” Nghe tôi nói thế, các vị cười nhạt và thêm: “Nói đùa thế thôi”.

Đó là về mặt pháp lý, song con người nhiều khi đâu phải là gỗ đá,.mà còn có tình cảm văn minh văn hóa đối xử với nhau. Viết đến đây, Ôi! Lạy Chúa! Con đã khóc, tuy đã 77 tuổi đầu (tuổi Việt Nam). Người ta vẫn thường nói: “Tuổi già giọt lệ như sương”; tuy con vốn tinh thần lạc quan như bài thơ đã làm kết thúc bằng 4 câu thơ sau:

... Bước đi phía trước: Trời tươi sáng
Bỏ lại sau lưng: Đất bạc màu
Bảy bảy cao niên xin chấp nhận
Cuộc sống lạc quan ngẩng cao đầu.

Song,

Nhân đây, tôi cũng muốn nói lên lời xin lỗi những anh em đã vì công việc chung mà phải hứng chịu những lời nói hoặc những cử chỉ không hay. Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng nói với tôi về các vị đó rằng: Các anh ấy, như anh X, anh Y… là những con người tốt. Một vị Hồng Y Việt Nam sắp được phong Á Thánh đã có tấm lòng nhân từ, cao cả như vậy, rộng lượng như vậy và tha thứ như vậy, mặc dù đã phải trải qua 15 năm lao tù.

Lạy Chúa, tuy những giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má của một người đã già nua tóc bạc như con, nhưng con vẫn tràn trề hy vọng, rằng: những giọt nước mắt này sẽ trở nên châu ngọc từ khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Bởi như lời Chúa đã hứa: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,21). Vào ngày cánh chung, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. (x. Kh 21,4).

Thưa các vị chính quyền, tôi tin tưởng rằng: việc Đất Đai của Tòa Giám Mục sẽ sớm được giải quyết một cách ổn thỏa. Mùa xuân Mậu Tý - 2008 đã tới gần, mọi người đang nô nức mừng đón xuân về; những người tín hữu của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ được dỡ bỏ những chiếc “Đai” ngăn cách, để có thể đem Hoa Niên, kể cả cành Đào, cành Mai, và các loài hoa muôn màu, muôn sắc đến dâng trước Tòa Đức Mẹ. Sẽ không phải là Tượng Đức Mẹ Sầu Bi nữa mà là Tượng Đức Mẹ Lavang Hà Nội với hào quang sáng chói, lung linh diệu huyền. thật đẹp biết bao khi mà trước núi đá, dưới chân gốc đa cổ thụ đang rì rào, đung đưa theo làn gió mát là hình ảnh Mẹ Lavang Hà Nội, với cặp mắt hiền từ, Mẹ đang đứng ban ơn lành cho con dân thủ đô. Khi đó, quý vị chính quyền các cấp, các nhân viên làm công tác an ninh và giữ gìn trật tự giao thông sẽ hồ hởi chào đón tin vui: Không còn Đất Đai Tòa Khâm Sứ, mà là đất của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, do chính quyền Việt Nam “trả lại”, “hoàn lại”, “cấp lại” v.v.., hay dù với bất cứ danh từ gì đi nữa. Như thế, chúng tôi là con dân đất Hà Thành, cũng dám nói một cách khiêm tốn rằng: Tết năm nay chúng mình được “Lì Xì” khá lớn.

Riêng giáo phận Thái Bình chúng tôi đang bước vào năm Hồng Đào, lấy biểu tượng Chúa Giêsu trưởng thành làm gương mẫu. Hi vọng đêm 26 Tết sẽ tiến hành một cuộc lễ với sự tham dự của hàng vạn giáo dân trong cả giáo phận. Mọi người ai nấy sẽ tay cầm cành đào và nến sáng đi rước tượng Chúa Giêsu Hồng Đào, rồi cùng tiến vào nhà thờ Chính Tòa để dâng Thánh lễ Giao thừa. Ngoài những mục tiêu đề ra trong Năm Thánh, chúng tôi hy vọng rằng cũng sẽ được “Lì Xì” như anh chị em đất Hà Thành, khiến cho các anh em khác cùng chung Tổ Quốc quê hương chứng kiến, họ sẽ nói với nhau trong Tình Yêu thương thông cảm rằng:

“Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán:
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”
Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui”
(Tv 125, 2-3)

Xin cảm tạ mọi người.

Thái Bình ngày 12 tháng 01 năm 2008.

+ Gm. F.X. Nguyễn Văn Sang,
Giám Mục Gp. Thái Bình, Nguyên Giám mục phụ tá Hà Nội

+GM FX Nguyễn Văn Sang

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nhung-hoi-uc-ve-dat-dai-cua-toa-giam-muc-va-toa-kham-su-cu/