Trích từ Dân Chúa

Những buổi cầu nguyện biểu dương khát vọng và nièm tin

JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Thứ Năm 03/01/2008)

Quyền bình đẳng, tự do và được luật pháp bảo vệ được ghi trong Hiến pháp

Quyền bình đẳng, tự do được luật pháp bảo vệ của mỗi con người, mọi tổ chức xã hội được Hiến pháp Việt Nam ghi rõ ràng ngay từ đầu lập nước, là những câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn độc lập mà ông Hồ Chí Minh đọc dõng dạc trước Hội trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nó như một mục đích cao đẹp, như một chiếc bánh thơm tho, đã quyến rũ hàng triệu con tim, và khối óc người dân Việt Nam hơn 60 năm qua, từ đời này qua đời khác. Những lời lẽ hay ho đó, đã khiến cho hàng vạn con tim, hàng triệu con người xúc động. Họ đã hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình, xương đã chất thành núi, máu đã chảy thành sông, trong đó không thiếu máu và xương của những người Công giáo.

Cứ ngỡ rằng, những hi sinh của họ to lớn thế, thì thành quả xã hội Việt Nam đạt được phải đúng là Thiên đường. Viễn cảnh đó trước đây, một thời gian dài đã được dùng để mô tả khi nói về thiên đường Xã hội Chủ nghĩa.

Tuy nhiên, hơn 60 năm qua, dù máu đổ đã nhiều, quyền bình đẳng, quyền được luật pháp bảo vệ tài sản, thân thể cũng như các yếu tố tinh thần, tín ngưỡng vẫn cứ là một viễn cảnh xa xôi, một cái đích ngày càng xa vời của những người Công giáo nói riêng và con dân nước Việt lầm than nói chung. Cụm từ Thiên đường Xã hội chủ nghĩa, giờ đây, như một ví dụ hài hước và phản cảm khi được nhắc đến.

Một thể chế công nhận sự chiếm đoạt là hợp pháp, một xã hội đã biến cái không bình thường thành bình thường, cái bình bình thường thành không bình thường thì không thể nhìn thấy ánh sáng của Công lý, bình đẳng và tự do.

Những buổi cầu nguyện bất đắc dĩ

Cầu nguyện, là một hoạt động thường ngày của người giáo dân Công giáo. Tuy nhiên, mục đích của những lời cầu nguyện lại là điều cần nói ở đây.

Ngày đầu năm, một trong các hoạt động của người Công giáo là cầu nguyện, nhưng thường là cầu nguyện cho sức khỏe, cho công việc tốt đẹp, thành quả lớn, cho sự đạo đức của từng con người, gia đình, xã hội và cho tổ tiên ông bà. Người ta thường chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, ước mơ và dự định những việc làm, những kế hoạch cho một năm nhiều thành quả. …

Ngày đầu năm 2008, giáo dân Hà Nội nói lên ước vọng của mình qua việc tập trung cầu nguyện đông đúc trên hè đường phố Nhà Chung Hà Nội trước Tòa Khâm sứ.

Thật sự, đối với họ, đó là những buổi cầu nguyện bất đắc dĩ. Những buổi cầu nguyện đông đúc tới hàng ngàn con người trong buổi sáng đầu năm, chỉ với mục đích: Nói lên khát vọng của họ, những người Công giáo Hà Nội nói riêng và những người Công giáo Việt Nam nói chung là được quyền hưởng những nhu cầu tối thiểu nhất của con người: Quyền bình đẳng, quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc, được luật pháp bảo vệ.

Nếu những người Công giáo được hưởng những quyền cơ bản, tối thiểu ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen, đọc liên miên trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chắc chắn cho đến nay họ không còn phải làm cái việc bất đắc dĩ là đi đòi lại tài sản của mình. Họ không phải dành ngày đầu năm mới cho việc tập trung trên hè phố bụi bặm, dưới những con mắt hình viên đạn của các công chức nhà nước vốn là “đầy tớ nhân dân”, vốn được dạy dỗ rằng ‘với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép’.

Họ đã phải bỏ những công việc mưu sinh hàng ngày cho những công việc chung mà lương tâm mọi người bất kể tôn giáo hay không đều phải lên tiếng.

Trên thực tế, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong những cái họ đã bị cướp đoạt qua các giai đoạn và bằng cơ chế xin – cho của cả xã hội Việt Nam hiện nay nói chung.

Trên thực tế, họ đang bước đầu thực thi quyền cơ bản của mình, được nhà nước minh định ngay từ những ngày đầu lập nước là một nước Việt Nam – Dân chủ - Cộng hòa.

Âm vang của những buổi cầu nguyện sẽ đến đâu?

Trước hết, đó là những lời cầu nguyện, ca tụng Thiên Chúa và Mẹ Maria một cách công khai, ôn hòa nơi công cộng, điều mà trước đây ít khi hoặc không bao giờ có thể xảy ra ở Việt Nam. Những lời cầu nguyện thiết tha kia, sẽ như trầm hương bay lên cõi Thiên đường, mong Chúa nhậm lời.

Những buổi cầu nguyện đã có và còn tiếp diễn ngày càng đông đúc, cũng nói lên một điều khác với người trần thế về một Đức tin vững chắc nơi cộng đồng Công giáo rằng: Bằng niềm tin và sự hiệp thông của họ, nhất định công lý phải được thực thi, dù có thể đến bây giờ cũng đã là quá muộn. Họ buộc phải hành động vì sự nhẫn nhục nào cũng có giới hạn của nó.

Những buổi cầu nguyện đó, cũng nói lên với bộ máy cầm quyền một điều: Với những đức tính ôn hòa, bao dung vốn có, người Công giáo Việt Nam đang tha thiết mong rằng, nhà cầm quyền sẽ hiểu được nguyện vọng chính đáng của Cộng đồng này mà trả lại những gì họ đang bị ngang nhiên chiếm đoạt. Đáp ứng nguyện vọng đó của họ, có nghĩa là một chính thể đang biết tự mình điều chỉnh mình theo con đường sáng.

Chính quyền Việt Nam vừa qua, đang hết sức lúng túng và cảnh sát đã có hành động ngăn chặn một số công dân mình bày tỏ lòng yêu nước của mình qua việc biểu tình đòi lại lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa trước sứ quán người “anh em” Trung Quốc trong phe Xã hội Chủ nghĩa. Những việc ngăn chặn đó họ có thể thực hiện được bằng một đội ngũ công an, cảnh sát dày đặc trang bị tận răng.

Nhưng, những buổi cầu nguyện âm thầm, ôn hòa của giáo dân Hà Nội thì không thể ngăn chặn, dù đó cũng là một biểu hiện của tình yêu thương Giáo hội, sự mong muốn đất nước được bình an, quyền chính đáng của con người được tôn trọng, dù trong tay họ không một tấc sắt, đoàn người không một khẩu hiệu, không một tiếng hô vang. Đơn giản chỉ là vì họ có lòng tin mạnh mẽ vào Công lý và sự thật. Đơn giản là họ đang đáp lại tiếng gọi tha thiết của chủ chăn quả cảm và hàng Giáo phẩm kiên cường.

Những bài học còn đó

Ở đất nước Ba Lan thời Cộng sản, một đất nước châu Âu nằm giữa cái nôi cộng sản bao quanh có một ngọn đồi, ở đó có vô vàn Thánh giá lớn nhỏ khác nhau do người dân lập nên. Chính phủ cộng sản Ba lan đã nhiều lần dùng bạo lực để bắt bớ những ai liên quan, để phá bỏ những cây Thánh giá và tìm cách ngăn chặn các con đường đến đó. Nhưng sau mỗi lần bị phá bỏ những cây Thánh giá mọc lên càng nhiều hơn như một sự minh chứng cho đức tin của tín hữu Công giáo Ba Lan. Khi Đức Giáo hoàng John Paull II thăm quê, Ngài đã đến cầu nguyện như một chứng tích của sự kiên trinh của người tín hữu.

Và Ba Lan lại chính là mắt xích đầu tiên bị đứt rã rời kéo theo hệ thống Cộng sản sụp đổ trên toàn thế giới, một ví dụ thực tế điển hình cho một học thuyết không chỉ làm bóng ma ám ảnh Châu Âu, mà còn làm đảo lộn cả thế giới.

Với người Công giáo Việt Nam, gương các Thánh nhân tử đạo trong lịch sử đang là một bài học luôn mới, để tất cả mọi người biết rằng: Với niềm tin đó, tất cả các nhục hình, bắt bớ, tra tấn, khủng bố thể xác, chỉ là một chuyện không mới và hoàn toàn không có tác dụng khuất phục. Bởi vì “Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10, 28).

Có thể một cây Thánh giá sẽ bị hạ xuống, nhưng muôn vàn Thánh giá khác sẽ mọc lên, có thể tượng Đức mẹ sầu bi bị đập nát như ở Đồng Đinh cách đây không lâu, nhưng sẽ có nhiều đoàn hành hương tuốn về nơi đó để tôn kính Mẹ.

Có thể có những người bị bắt bớ, bị quát nạt hay dọa dẫm, khủng bố như đã từng xẩy ra, nhưng sẽ không thiếu những người khác đứng lên nói lên tiếng nói của Công lý, của sự thật. Bởi chưng, “khi đó không phải các con nói, mà là Thánh Thần Chuá nói trong con”.

Nhiều khi, chỉ một tàn lửa nhỏ, có thể thổi bùng nên đám cháy lớn.

Vì vậy, cái cần thiết hiện nay, là sự tôn kính và giao hòa với nhau. Trước hết là sự “kính trọng và lễ phép với nhân dân”, thật sự là “hiếu với dân” để mong tìm ra giải pháp tốt đẹp.

Mà giải pháp tốt đẹp nhất là như lời Kinh Thánh: “Của Thiên Chúa, hãy trả về Thiên Chúa”.

Hà Nội, ngày đầu năm 2008

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nhung-buoi-cau-nguyen-bieu-duong-khat-vong-va-niem-tin/