Trích từ Dân Chúa

Nhục vì yêu

Thao Thức

Ngày hôm nay một số đài truyền thanh, truyền hình và báo chí Việt Nam đã đã đồng loạt qui tội cho Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt là người không yêu nước khi cắt xén trích dẫn một câu nói của ngài: "Tôi thấy rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam"…!!!

Người Anh Mỹ có câu "a text out of context is a pretext" (cắt câu chữ khỏi văn cảnh là một cái cớ)! Các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam đã lưu manh cắt câu nói của Đức Tổng Giám mục ra khỏi toàn bộ bài phát biểu của ngài để tạo một cái cớ bôi xấu ngài. Truyền thông nhà nước luôn uốn nắn thông tin có lợi cho những ý đồ chính trị của nhà cầm quyền.

Chính vì thế, một người ngoại quốc đã nhận xét thật xác đáng: "Truyền thông Việt Nam không có thông tin, chỉ có tuyên truyền".

Toàn bộ bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục nhắm đến mục đích mong ước xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong công lí và sự thật, nhưng tuyệt nhiên các phương tiện truyền thông nhà nước lại lờ đi. Điều này có thể ví như một người ngắm vườn hoa, nhưng lại mù quáng không nhìn ngắm những đóa hoa rực thắm, những chồi lá xanh tươi, mà chỉ vục mặt nhìn xuống đất nhòm những gốc hoa xù xì và phân rác, rồi đắc chí kết luận: vườn hoa toàn rác! Và rồi yên chí xác tín rằng: kết luận của mình là "đỉnh cao của trí tuệ"! Các phương tiện truyền thông nhà nước đã lừa dối các độc giả của mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông nhà nước còn làm một điều hết sức lố bịch khi nằng nặc kết tội này tội nọ cho Đức Tổng Giám mục, trong khi ai cũng biết một chân lí hiển nhiên là: "người ta được coi là vô tội khi chưa bị tòa án kết tội". Các cơ quan truyền thông nhà nước đã không hành xử theo tinh thật luật pháp mà hành xử nặng về cảm tính. Họ thực sự là những kẻ hèn theo như cách nói của đạo diễn Trần Văn Thủy trong phim Chuyện Tử Tế: "Nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra, mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến… Bấy lâu nay chúng tôi mắc phải một thói quen cố hữu: chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên. Một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim ra đời đâu có mấy phụ thuộc vào sự hữu hiệu của nó với cuộc đời, lại chẳng mấy phụ thuộc vào mong muốn của những người lam lũ, mà thường, nhất nhất trông đợi ở sự xem xét của bề trên chúng tôi".

Và cho dù không xét đến toàn văn bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục, mà chỉ xét nguyên câu nói "Tôi thấy rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam" cũng không thể suy diễn là Đức Tổng Giám mục không có tinh thần dân tộc, không có lòng yêu nước. Đây là một lối suy diễn mang tính chụp mũ, nói lấy được theo kiểu cả vú lấp miệng em! Tại sao? Bởi vì người ta cảm thấy nhục khi người hay điều mà họ yêu bị xúc phạm hoặc kém cỏi. Khi người ta chứng kiến một cô gái bán hoa tiếp khách thì có thể người ta xót xa chứ không thấy nhục, nhưng liệu có thấy nhục không khi chứng kiến người yêu của mình, vợ của mình đang ăn nằm với người khác? Người ta thấy nhục vì người ta yêu vợ mình!

Vì thế, nếu bạn là một người yêu nước thực sự thì làm sao lại không thấy nhục khi hàng chục ngàn thiếu nữ Việt Nam vì đói nghèo mà phải nhắm mắt đưa chân lấy những ông chồng mình không yêu tại Đài Loan, Hàn Quốc… Làm vợ người ta mà cứ như là đi làm con sen đầy tớ! Làm sao bạn không thấy nhục khi hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam phải đi vay mượn hàng trăm triệu đồng để có được cơ may rời làng quê đi làm thuê cho các ông chủ ở ngoại quốc! Chỉ có những kẻ thờ ơ với dân tộc, với con người Việt Nam mới không thấy nhục trước những hoàn cảnh đáng thương mà đang xảy ra tại đất nước Việt Nam này.

Trải qua dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, làm sao người dân Việt có thể vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc nếu trước đó họ không cảm thấy nhục khi phải sống kiếp nô lệ đọa đày? Và hôm nay, với lịch sử 4000 năm, với những con người thông minh chịu khó và thiên nhiên ưu đãi mà đất nước Việt Nam vẫn cứ phải xếp vào diện các nước nghèo. Trong khi đó thì tham nhũng trở thành quốc nạn, sự dối trá, tính hình thức đang là những căn bệnh trầm kha của đất nước. Như thế thử hỏi rằng những con người thực sự yêu đất nước có cảm thấy nhục cho dân tộc mình?

Người ta cảm thấy nhục vì người ta yêu. Càng yêu nhiều mà người mình yêu bị xúc phạm hay kém cỏi thì càng cảm thấy nhục. Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp đã nói "càng có tâm lớn càng thấy nhục". Chỉ có những con người vô cảm mới không thấy nhục khi đất nước Việt Nam còn đói nghèo và nhiều tệ nạn, bệnh hoạn. Chỉ có những con người ích kỉ, không còn lương tri mới không cảm thấy nhục, không thấy đau trước nỗi đau khổ của hàng triệu người dân Việt Nam lam lũ. Sinh thời, ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản Các Mác đã nói: "Tất nhiên, chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình...".
Thao Thức

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nhuc-vi-yeu/