Trích từ Dân Chúa
Thanh Thủy
RFI 13/11/2008 -- Thời gian gần đây, báo chí Pháp không có nhiều tin tức về thời sự Việt Nam. Nhưng hôm nay nhật báo Le Figaro đã dành cả trang hai để nói về cuộc đối đầu giữa chính quyền Việt Nam và giáo hội công giáo. Hàng tựa chính của bài báo "Việt Nam : người Công Giáo kháng cự lại với Đảng" đi kèm với dòng dẫn nhập : "Vào lúc mà chính quyền cộng sản bảo vệ quyền lợi của thành phần tham nhũng trong chế độ, thì giáo hội là chỗ nương tựa của những người thấp cổ bé miệng".
Bài báo của đặc phái viên Le Figaro tại Hà Nội mở đầu với nhận định rằng hiện nay ở Việt Nam chưa phải là tình trạng đoạn tuyệt giữa hai bên giống như ở Ba Lan vào thập niên 1980 và cũng không phải là một thứ hài kịch theo kiểu Don Camillo chống Peppone, hai nhân vật tiểu thuyết Ý mà khán giả ở Việt Nam được biết qua các bộ phim Pháp do cố tài tử Fernandel thủ vai linh mục Don Camillo luôn gây gổ với thị trưởng Peppone thuộc đảng cộng sản Ý.
Phóng viên của tờ Le Figaro tường thuật lại cuộc đọ sức giữa chính quyền Hà Nội và một số người công giáo tại khu Nhà Chung nguyên là toà khâm sứ. Và cuối cùng cả hai bên đều không bị mất mặt vì khu vực đó được biến thành một vườn hoa công cộng. Nhờ ơn Chúa, Nhà Chung sẽ không biến thành một nơi giải trí hay thương mại.
Người công giáo là cộng đồng duy nhất ở Việt Nam dám biểu tình công khai.
Theo Le Figaro hiện nay có 350 000 người công giáo ở Hà Nội thường xuyên đến nhà thờ, còn tại Hải Phòng thì có 550 000 người công giáo. Giám mục Thanh Hoá, cha Nguyễn Chí Linh, nhấn mạnh giáo hội công giáo là cộng đồng duy nhất ở Việt Nam dám biểu tình công khai.
Sau khi nêu tên một số cơ sở thuộc giáo hội công giáo trước 1954 tại miền bắc và trước 1975 tại miền nam đã bị chính quyền tich thu, nhà báo Francois Hauter của Le Figaro trích dẫn lời giải thích của một nhà ngoại giáo Tây phương. Theo ông này, những người công giáo lớn tuổi ở miền bắc ủng hộ giáo hội trong cuộc đấu tranh đòi nhà đòi đất vì sự kiện chính quyền phải trả lại nhà đất cho giáo hội sẽ tạo ra một tiền lệ, và đảng cộng sản Việt Nam sẽ buộc phải hoàn trả vô số tài sản cho những người chủ cũ.
Đối với nhà báo tờ Le Figaro, tại một nước Việt Nam đang sống trong một tình trạng giống như là bị tâm thần phân liệt, với những bộ trưởng chạy xe hơi thật sang và sống trong những dinh thự lộng lẫy, thì sự thật tại chỗ cho thấy một bộ máy quyền hành không còn một chút uy tín đạo đức.
Giáo hội công giáo : chỗ dựa của người dân nghèo ở Việt Nam.
Francois Hauter đánh giá là trong toàn cảnh của một thời kỳ hậu cộng sản vô luật lệ, giáo hội công giáo phân phối của cải cho người nghèo, thách thức kẻ có quyền và trở thành một chỗ dựa cho người dân nghèo. Trong khi đó thì Đảng bảo vệ các đặc quyền của thành phần tham nhũng.
Đức tin phát triển trở lại một cách ngoạn mục tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự xuất hiện của những nhà thờ vị đại tại nhiều thành phố nhỏ.
Bài báo trên Le Figaro kết thúc với nhận định rằng đảng công sản Việt Nam đang trải qua một trong những cơn biến động xã hội mạnh mẽ cuối cùng vì phe bảo thủ trong đảng cộng sản ngày nay phải dựa vào đảng cộng sản Trung Quốc để thắng thế trước phe đổi mới. Đó là một hồi kết thật buồn thảm đối với một đảng cộng sản lâu nay được ca ngợi vì những thành tích vẻ vang, nhưng nay, để cai trị đất nước, phải nhờ cậy đến Trung Quốc, kẻ thù trong suốt bốn nghìn năm lịch sử.
URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nhat-bao-le-figaro-viet-nam-nguoi-cong-giao-khang-cu-lai-voi-dang/