Trích từ Dân Chúa

Nhân vụ Đồng Chiêm: hỏi tội 'tốt đời đẹp đạo'

Alfonso Hoàng Gia Bảo

Tốt đời đẹp đạo’ cụm từ nay đã trở nên quá quen thuộc với người có đạo. Bởi đó là câu cửa miệng của các quan và là ‘thành ngữ’ bất di bất dịch của bộ máy truyên truyền nhà nước, mỗi khi họ ‘có việc’ cần phải nói về đạo công giáo suốt mấy thập niên qua.

Tuy nhiên do quan hệ chưa ‘sóng gió’ dữ dội như mấy năm gần đây nên chúng ta thường chỉ thấy nó xuất hiện trong những lời chúc tụng, khen tặng linh mục này xứ đạo nọ trong các dịp lễ lạc, nên cứ ngỡ đó là câu nói xã giao. Chỉ cho đến khi lại thấy nó ‘góp mặt’ trên vô số bài báo, công văn vu khống, lên án, chủi rủa từ giám mục, linh mục cho đến giáo dân qua các vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và nay là Đồng Chiêm, cụm từ chắc đã khiến khiến nhiều người không khỏi giật mình! Vì sao bây giờ ‘rớ’ bất cứ tờ báo quốc doanh nào hễ cứ đụng đến chuyện đạo nghĩa của công giáo, là y như rằng luôn phải có ‘tốt đời đẹp đạo’ đi kèm? Vậy rốt cuộc nó mang ý nghĩa gì? Là lời ‘động viên’ hay là câu ‘răn đe’ đối với chúng ta?

Có băn khoăn về điều này mới thấy những lời chúc mừng khen tặng đạo của nhà nước lâu nay hoá ra chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi. Bởi nếu nó không bao hàm cả hai nhiệm vụ trên thì sao nó có thể xuất hiện khắp nơi, khi vui cũng như lúc buồn một cách vô tội vạ như thế được? Để từ đó suy ra ‘tốt đời đẹp đạo’ đích thị là thứ gông xích được nguỵ trang bởi bốn từ hoa mỹ, qua đó nhà nước muốn trói buộc giáo hội vào vòng kiểm soát của họ bấy lâu nay.

Do vậy, cũng như cụm từ ‘đồng hành cùng dân tộc’ đã bị chúng tôi đề cập đến sau vụ Tòa Khâm Sứ, rồi ‘quần chúng tự phát’ sau vụ Tam Tòa với việc hai linh mục Quảng Bình đã bị con đồ hành hung hết sức dã man giữa năm 2009, với vụ Đồng Chiêm lần này thiết nghĩ đã đến lúc (nếu không muốn nói là có phần muộn!) giáo hội cần phải mạnh dạn tự ‘cởi trói’ khỏi những loại xiềng xích vô hình này. Muốn thế, việc cần phải làm ngay từ bây giờ là phải tẩy chay và nhắc nhở nhà nước rằng giáo hội không đồng tình với những loại khẩu hiệu mang tính áp đặt mà nhà nước thường dùng trong giáo tiếp với giáo hội.

Bài viết lần này cũng không có tham vọng gì lớn hơn ngoài việc chứng minh cho họ thấy như bao khẩu hiệu trước đây, ‘tốt đời đẹp đạo’ là câu nói hoàn toàn phi logic, nhưng được họ dùng làm chỗ núp cho những toan tính dối trá bấy lâu nay.

Một công cụ ‘lợi hại’

totdoidepdao.jpg
chuHochiminh.jpg

Trước hết, để có thể thấy bộ máy tuyên truyền của Csvn đã sắm cho cụm từ này bộ cánh ‘vĩ đại’ cỡ nào mọi người chỉ cần nhập chúng vào google search, trong nháy mắt hơn 25 triệu kết quả ‘tốt đời đẹp đạo’ sẽ hiện ra trước mắt các bạn. Một kết quả thật đáng kinh ngạc vì nó đã qua mặt luôn cả tên tuổi ‘hồ chí minh’ chỉ với hơn 22 triệu kết quả!

Những tấm ảnh chụp các trang mạng liên quan kèm bài viết được lấy ra từ kết quả trên chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, bởi cái đáng để chúng ta quan tâm hơn lúc này không còn là số lượng, mà chính là cách nhà cầm quyền đã khéo tô vẽ cho nó: một khẩu hiệu chỉ với 4 chữ thì ‘tốt, đẹp’ đã chiếm mất một phân nửa khiến khi nó đập vào lỗ tai, vào mắt mọi người ai nấy đều cảm thấy bùi tai, ưa nhìn mà không nhận ra cái hậu thâm độc đằng sau.

Chính sự ngộ nhận này khiến nó đã được csvn khai thác như một thứ ‘đẳng thức chân lý’: người có đạo phải ‘tốt đời’ thì mới ‘đẹp đạo’ mà nếu không thỏa được điều kiện ‘tốt đời’ (nhưng thực chất là vâng phục đảng!) mọi hành vi cử chỉ sống đạo của tu sĩ, giáo dân rất dễ có nguy cơ bị chính quyền chụp cho cái mũ ‘lợi dụng chính sách tự do tôn giáo’ để làm chuyện phạm pháp!

Nội dung những tấm ảnh đính kèm là bằng chứng cho thấy ‘tốt đời đẹp đạo’ đã được cả bộ máy tuyên truyền lẫn các cơ quan hành pháp là các UBND tỉnh thành, quận huyện khai thác ở mọi góc cạnh. Khi vui cũng như lúc buồn, mọi tâm trạng của giáo hội bây giờ hầu như đã bị gắn liền với cụm từ này.

Trong dịp lễ giáng sinh vừa qua nó là lời khen tặng của các ông bà quan chức dành cho tu sĩ này, họ đạo nọ, nhưng liền sau đó nó được dùng như luận cứ để kết tội, công cụ để tấn công các cha DCCT, giáo xứ Đồng Chiêm.

1001118bao.jpg

Tóm lại, nó đã được nhà nước VN đúc thành khuôn, chỉ có điều chẳng giống như những ‘khuôn vàng thước ngọc’ truyền thống tôn trọng đạo lý đáng phải gìn giữ trân trọng mà ông bà xưa thường dạy, mà lại là thứ ‘khuôn cùm thước gông’ ma quỉ đang áp đặt lên giáo hội.

Sự phi logic của lập luận ‘tốt đời đẹp đạo’ ra sao, thiết tưởng chỉ cần xem việc chúng hiện diện vô tội vạ trong đủ loại tình huống hoàn cảnh mà mấy bài báo cắt đính kèm là bằng chứng, tưởng cũng đã quá rõ.

Còn với các quan chức, các ‘bồi bút’ hay nhai hay đi nhai lại cụm từ này lâu nay, mà nếu có hình hài chắc nó cũng bị biến thành… ‘giẻ rách’ từ lâu, nhưng nếu có ai đó cắc cớ đề nghị họ giải thích ý nghĩa cũng như sự mối quan hệ logic giữa hai vế ‘tốt đời’ và ‘đẹp đaọ’ ra sao, tôi chắc có đến 99,9% phải ‘bứt tóc, gãi tai’ không biết đường nào mà trả lời. Đơn giản chỉ vì vô thần thì họ biết ‘quái’ gì về Chúa, về đạo nghĩa đâu mà đòi lý giải thế nào là ‘đẹp đạo’ để mà cân bằng cho được cái ‘phương trình’ tốt đời đẹp đạo?

Không hiểu nhưng vẫn cứ nói, đích thị họ là những ‘chú vẹt’ ngoan ngoãn của chế độ.

Tuy nhiên chúng ta cũng không thể khơi khơi ‘kết tội’ họ nếu chưa chỉ ra cho họ thấy rõ cái sự vô lý, sự hàm hồ của phát biểu này nằm ở đâu, mà một khi nó chưa bị ‘lật tẩy’ thì xem chừng giáo hội sẽ còn bị ‘tốt đời đẹp đạo’ vật cho dài dài…

Do vậy, ‘đập tan’ ngay cái công cụ độc ác này phải là nhiệm vụ của mọi người yêu mến giáo hội và phải ‘đập’ nó sao cho thật là có logic, để từ nay về sau mỗi khi ai đó định mở miệng lải nhải mấy với chúng, lưỡi họ buộc bị ngọng không còn có thể phát biểu trơn tru như trước nay

Và ngay sau đây là bài chứng minh của một ‘cu tí’ mới học hết lớp 6. Nếu ‘cháu nó’ chưa làm vừa lòng ‘mấy cụ’ ban tuyên huấn xin mời cứ thoải mái phản biện. Dòng họ công giáo nhà ‘cu tí’ với bề dày 350 năm chắc chắn không thiếu nhiều người giỏi giang hơn ‘cú tí’ sẵn sàng hầu chuyện quí vị.

Một sự đánh tráo ‘trắng trợn’!

Theo ‘cu tí’ phân tích thì lập luận ‘tốt đời đẹp đạo’ bao gồm: Hai vế chứa 2 đối tượng ‘đời & đạo’ xin tạm thay bằng các ký hiệu a, b. Và hai trị ‘tốt & đẹp’ có ý nghĩa ngang nhau, vì vậy cùng được gán mức logic ‘1’. Mức ‘0’ còn lại tất nhiên sẽ là ‘không tốt, chẳng đẹp’.

Dựa theo cách mà nhà nước VN lập luận khi họ dùng cụm từ này để khen chê giáo hội, thì:

- Khi được khen: người công giáo chỉ có thể ‘tốt đạo sau khi ‘tốt đời’, điều này có nghĩa b chỉ bằng ‘1’ khi a bằng ‘1’; suy ra b=1=a; => b=a.

- Và lúc họ bị chửi thì: họ đã không ‘tốt đời’, đã “lợi dụng tự do tôn giáo để làm chuyện phản động” thì ắt cũng sẽ chẳng thể ‘đẹp đạo’ được, điều đó có nghĩa a đã bằng ‘0’ thì b chăc chắn cũng sẽ phải bằng ‘0’; suy ra a=0=b; => a=b.

Các kết quả theo suy luận của họ cho thấy ‘a’ và ‘b’ luôn bằng nhau bất kể giá trị đầu vào là ‘tốt’ hay ‘xấu’, là ‘1’ hay ‘0’.

Đến đây mọi người có thể bắt đầu đã cảm nhận được cái sự ‘không bình thường’ thiếu logic trong phát biểu ‘tốt đời đẹp đạo’.

Tuy nhiên sự trơ trẽn chỉ lộ rõ hơn khi chúng ta trả lại các ký hiệu a, b bằng chính tên gọi của chúng, để ‘a=b’ bây giờ biến thành ‘đời=đạo’ !!! còn sự hàm hồ nào hơn ???

Sự hàm hồ của phát biểu ‘tốt đời đẹp đạo’ như vậy đã lòi ra sau mấy phép toán. Xưa nay chẳng ai dám quả quyết nói ‘đời’ cũng giống ‘đạo’ bao giờ? Nếu mà mấy bộ tộc thiểu số Châu Phi mà có được chữ viết, tự điển chắc họ cũng không thể ‘nhầm lẫn’ trầm trọng đến như vậy.

Nói ‘tốt đời đẹp đạo’ như kiểu Csvn có khác gì khi ta nghe ai đó bảo ‘ăn mặn’ cũng giống như ‘ăn chay’? đi tu cũng như lập gia đình? Ở lành cũng như ở ác v.v…toàn nhũng kiểu ‘ní nuận’ chó nhảy bàn độc cả!

Bởi bất cứ ai hiểu biết cũng phải thừa nhận rằng đã gọi là ‘đời’ thì chắc chắn không thể giống ‘đạo’ và ngược lại. Cuộc sống người tu hành ai cũng biết khắt khe hơn cuộc sống người có gia đình như chúng ta rất nhiều, mà như thế thì chắc chắn môi trường bao trùm lấy họ, chúng gắn liền với hai phạm trù ‘đạo’ và ‘đời’ chẳng thể nào giống nhau được. Chỉ những kẻ thích ‘ăn ngược nói ngạo’ mới dám gom hai đối tượng trên bắt họ ngồi chung một chiếu, nằm chung một giường.

Thực tế cuộc sống ngoài xã hội cũng cho thấy có một mối tương quan khá mật thiết giữa một người đạo đức, lương thiện và một công dân tốt nhưng nếu đó lại là một người có đạo, kinh nghiệm bao nhiêu năm sống đạo của bản thân mỗi người trong chúng ta ai cũng cảm nhận ra tác động của việc được học giáo lý từ bé, được sống trong môi trường tôn giáo là không hề nhỏ. Và chúng tôi tin rằng với các tôn giáo khác cũng đều như thế.

Đây cũng chính là lý do vì sao nhiều lãnh đạo Csvn cũng đã phải thừa nhận tỷ lệ tội phạm đối với cộng đồng công giáo là rất thấp, và vì sao công an vẫn muốn đem con gởi các nữ tu nuôi dạy hơn các nhà trẻ.

Kết hợp cả về logic lẫn thực tế vừa được nêu trên, nếu nhà nước VN thật lòng muốn có một câu khẩu hiệu để động viên người công giáo sống tốt với đất nước hơn, thì bất cứ câu này là gì nó phải tuân theo thứ tự trọng đạo trước, một khi làm như vậy và tạo điều kiện cho giáo hội có cơ hội đóng góp vào xã hội như trước kia bằng giáo dục, từ thiện… chuyện ‘đẹp đời’ sẽ tự nhiên đến sau như một hệ quả tất yếu, mà chẳng phải nhọc công báo đài ‘lải nhải’ tới những hơn 25 triệu lần như google search đã cho thấy.

Điều này xem ra cũng rất phù hợp với mọi sách vở thánh hiền xưa nay đều dạy rằng, người có làm tròn được việc nhỏ trước thì mới mong họ làm được việc lớn sau, mà câu nói ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ phải là là người tốt từ trong gia đình, xã hội thì mới mong trở thành ‘đỉnh cao trí tuệ’ được, có thể xem là câu chứng minh điển hình.

Nhưng các ‘đỉnh cao trí tuệ’ của chúng ta không phải họ không nhận ra sự phi logic khi cố tình đảo ngược thứ tự ‘tốt đạo đẹp đời’ thành ra ‘tốt đời đẹp đạo’. Bằng chứng là khi dạy bộ đội chúng ta thấy họ lại nói ‘quân đội phải trung với đảng hiếu với dân’!!! điều này chứng tỏ họ cũng rất biết luật tự nhiên, nhưng chỉ vì tham quyền cố vị mà họ đã ‘bẻ cong’ tất cả mọi giá trị. An toàn của đảng là trước hết, còn dân sống chết ra sao tính sau.!

Phải so sánh với chính những giáo điều của họ chúng ta mới thấy không chỉ người công giáo chúng ta với câu ‘tốt đời đẹp đạo’ mà có thể nói mọi khẩu hiệu Csvn ‘ban phát’ ra cho báo đài tuyên truyền đến với mấy chục triệu dân toàn dân, mỗi cái đều xứng danh là một ‘tuyệt tác tuyên truyền’ vì nó đã được cả một ban bệ nghiên cứu, nhào nặn rất kỹ nhằm làm mê muội dân chúng nghe theo họ càng nhiều càng tốt.

Và đây, một nạn nhân điển hình còn đang ‘nóng hổi’ !

Đớn đau thay ‘nạn nhân’ này lại chính là một người mang danh ‘linh mục’: Lm ‘quốc doanh’ Phan Khắc Từ người mà gần đây trong một phát biểu với tờ SGGP đã nói “In late 2009, President Nguyen Minh Triet and the Pope also met at the Vatican, where the President said he agreed with the Pope's instruction to Vietnamese Archbishops that 'a Catholic must be both a good parishioner and a good citizen'. Tạm dịch ‘vào cuối năm 2009, chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Đức giáo hoàng gặp nhau tại Vatican, tại đây ông chủ tịch đã đồng ý với sự hướng dẫn dành cho các giám mục VN là người công giáo phải vừa là ‘một mục tử tốt và là một công dân tốt’ đây có thể xem như là một dạng của câu ‘tốt đạo đẹp đời’.

Xin nói tiếp về phát biểu của ‘ông linh mục’ Từ. Thuộc được câu này hẳn ôngta cũng đã ý thức rất rõ cái thứ tự việc tốt nào cần làm trước việc nào theo ý Đức giáo hoàng, mà người viết cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Ngài nói vậy nếu không nhờ kinh nghiệm nhiều năm chung sống với Phát Xít thập niên 1940’s, cũng như sau này Ngài phải chứng kiến thêm cảnh hội thánh nhiều nước Đông Âu thời cộng sản bị bách hại ra ra sao, vì vậy mà đã lưu ý các giám mục VN theo thứ tự: có là chủ chăn tốt đối với đàn chiên giáo hội thì mới là công dân tốt được.

Thế nhưng quyền lực và đồng tiền đã khiến ‘ông linh mục’ Từ hành xử ngược ngạo giống cộng sản nốt khi chọn ‘tốt đời’ để làm đẹp lòng nhà nước trước rồi mới tính đến chuyện ‘đẹp đạo’ sau. Lên tiếng bênh vực nhà cầm quyền csvn trong khi đồng đạo mình bị bách hại bởi chính họ, khi nói “Anyone found committing wrongdoings in the name of religion must be strictly punished” (bất cứ ai bị phát hiện lợi dụng tôn giáo để làm điều sai trái, đều phải bị trừng trị… đích đáng!!!).

Nếu còn chút nể trọng nhau trong tình nghĩa tử cùng là con cái của Chúa, chắc chắn chẳng linh mục nào dù biết há miệng là mắc quai cũng chẳng nỡ nói ra những lời tàn nhẫn đến như thế với anh em đồng đạo của mình. Vậy mà ‘ông linh mục’ này đã làm được, chúng ta thật hết hiểu nổi cái gì đang ngự trị trong lòng ‘ông linh mục’ lúc này, Chúa hay ma quỉ?

Trường hợp quay lưng lại với giáo hội của những người mang danh ‘linh mục’ như ông Phan Khắc Từ là nỗi nhức nhối cho toàn thể giáo hội hiện nay. Sớm muộn gì những động lực ‘khuất tất’ đằng sau việc tiếp tay cho nhà nước đánh phá giáo hội, linh mục, giáo dân anh em đồng đạo mình tại Đồng Chiêm cũng sẽ được làm cho sáng tỏ, như giáo hội Ba Lan vấn đề chỉ là thời gian.

Khi ấy mọi người sẽ rõ ‘linh mục’ Phan Khắc Từ thực ra ông ta là ai? Có là linh mục đúng nghĩa hay là con bài của nhà nước ‘lợi dụng áo dòng để phá hoại tôn giáo’ như họ do thường cài người vào giáo hội nên hay ‘suy bụng nhà nước ra bụng giáo hội khi nói ‘lợi dụng tôn giáo để phá hoại nhà nước’? Còn nếu đúng là linh mục, chắc chắn đã bị trúng đòn độc ‘tốt đời đẹp đạo’ từ rất lâu rồi, nên nay sự trơ trẽn của ông ta mới trở nên trầm kha đến như vậy.

Sàigòn, 19/01/2010

Alfonso Hoàng Gia Bảo

URL: http://danchuausa.net/hiep-thong/nhan-vu-dong-chiem-hoi-toi-tot-doi-dep-dao/